30/01/2005 08:01 GMT+7

Giáo dục giới tính hay tình dục?

PGS –TS  NGUYỄN NGỌC THOA Trường đại học Y dược TP.HCM
PGS –TS  NGUYỄN NGỌC THOA Trường đại học Y dược TP.HCM

TTCN - Một lần trong câu chuyện thân mật, một vị phụ huynh hỏi tôi: “Cô có biết ở trường phổ thông đang giáo dục giới tính (GDGT) cho trẻ em như thế nào không?”.

Ly6lnHbS.jpgPhóng to
Bạn trẻ Trung Quốc đang nhận những thông điệp tư vấn về giới tính
TTCN - Một lần trong câu chuyện thân mật, một vị phụ huynh hỏi tôi: “Cô có biết ở trường phổ thông đang giáo dục giới tính (GDGT) cho trẻ em như thế nào không?”.

Tôi chưa kịp hỏi chuyện gì thì vị phụ huynh đã tiếp: “Nước ngoài ở cạnh ta biết lấy tác phẩm văn học để GDGT, còn ta hướng dẫn con nít dùng bao cao su mà gọi là GDGT ư? Làm sao thầy cô giáo có thể dạy học sinh trong trường những chuyện của người lớn như thế, thật quá thô thiển không chấp nhận được”. Con gái bà đứng bên nhìn tôi, nói như thăm dò: “Kỳ lắm cô ơi! Học xong không dám nhìn nhau nữa”. Và như muốn chứng minh cho nhận định của mình là không chủ quan, bà đưa cho tôi xem hai bài báo và nói ngay giọng đầy bức xúc: “Tôi muốn biết người “mạnh miệng” việc này là người thế nào?”. Tôi đọc lướt qua bài báo trong lúc bà lặng yên. Vài thông tin được kể lại khiến tôi thật sự thấy “hớp” và cảm thông suy nghĩ của vị phụ huynh có hai cháu gái ngoan hiền, xinh xắn đang theo học trung học trong thành phố.

Những năm gần đây, nhiều thông tin nhức nhối về nạo phá thai tuổi vị thành niên, về những bà mẹ “bất đắc dĩ” tuổi mới lớn, những cuộc đời non trẻ chưa kịp mộng mơ đã đứt đoạn do tai biến sản khoa... xuất hiện trên mặt báo, thu hút sự chú ý của mọi người, có tạo thành sức ép khiến chúng ta nôn nóng thúc đẩy nhanh những giải pháp cấp bách, cấp bách hơn nữa?

Chúng ta đã thiếu chọn lọc các chương trình phù hợp với đối tượng? Có thể là như thế chăng nên chúng ta đã vội vàng đưa GDGT vào nhà trường với nhiều nội dung quá sốc? Một phụ huynh nam nhấn mạnh ý nghĩa chữ “giáo dục” khi đặt câu hỏi trên một tờ báo phụ nữ “Giáo dục cho ai khi cả thầy lẫn trò nhìn nhau cùng đỏ mặt mắc cỡ?”. Trong một hội nghị chuyên đề về GDGT mới đây, một vị bác sĩ thừa nhận: “Đến dự giờ một số tiết dạy GDGT thấy giáo viên còn lúng túng, mắc cỡ khi giảng về GDGT”.

Thầy và trò đều mắc cỡ về giáo dục “giới tính” hay “tình dục”?

Gia đình là nơi gánh chịu nặng nề từ hậu quả các lỡ lầm của con em họ. Thay vì nhận được sự đồng thuận từ phía các gia đình, GDGT với nhiều bất cập đã gây lo ngại, phản ứng từ phía các bậc cha mẹ. Xã hội sẽ ra sao nếu nghĩ rằng dạy tình dục an toàn hoặc phát bao cao su có thể ngăn ngừa được hậu quả của các cuộc tình vụng trộm ở tuổi vị thành niên?

Vậy GDGT có sự khác biệt nào với “giáo dục tình dục” hay chỉ là một?

Mục tiêu của GDGT là chuẩn bị cho tuổi mới lớn về tâm lý trước phát triển sinh lý, về nhận thức để định hình nhân cách, tạo sức mạnh nội tâm đề kháng trước những bùng nổ giới tính của bản năng có thể gây hại cho bản thân, xung quanh.

Giáo dục những hiểu biết về tâm lý, sinh lý, vệ sinh tuổi dậy thì, những biến đổi và khác biệt về tính cách em trai em gái do các hocmon từ các tuyến sinh dục gây ra; giáo dục kỹ năng giao tiếp ứng xử trong quan hệ giữa bạn trai, bạn gái ở tuổi vị thành niên với cha mẹ, anh em trong gia đình; hiểu biết sâu sắc các giá trị của tình bạn, tình yêu, hiểu biết những thất bại tâm lý và các nguy hại lâu dài phải gánh chịu nếu vượt qua trái cấm; giáo dục bạn trai biết tự trọng, tôn trọng bảo vệ bạn gái, có bản lĩnh biết tự kiềm chế để chứng minh cho một tình yêu lành mạnh nếu nó chớm nở; giáo dục kỹ năng phòng vệ trước các áp lực nội tại đến từ hai phía, đặc biệt giáo dục kỹ năng phòng vệ cho các em gái, và rất nhiều nội dung khác xoay quanh tâm lý giới tính tuổi mới lớn giúp các em tự tin, tự chủ, tự hoàn thiện nhân cách, tự nhận thức để thay đổi hành vi, vững vàng nói “không” trước cám dỗ của bản năng ở độ tuổi phát dục.

Đây là mảnh đất gắn với văn hóa truyền thống, là “đất dụng võ” của các nhà tâm lý giáo dục học, chứ không phải là “lãnh địa” của các nhà tình dục học. Làm rõ mục tiêu giáo dục định hình nhân cách vào giai đoạn đặc biệt nhất ở tuổi trăng tròn cho con em chúng ta, đó mới là nội dung đích thực của GDGT.

Khi trai gái vào tuổi trưởng thành, tức vào giai đoạn hôn nhân, rất cần những hiểu biết về hôn nhân gia đình, trong đó có nhu cầu về an toàn tình dục (tránh thai, giữ thai an toàn, phòng chống lây nhiễm) và về văn hóa tình dục, những vấn đề tế nhị trong cuộc sống chăn gối, tâm lý vợ chồng... Văn hóa và an toàn trong tình dục là một cặp song hành, giúp các đôi uyên ương sau hôn nhân các kiến thức khoa học lẫn nhân văn nhằm duy trì hạnh phúc lứa đôi.

Như vậy GDGT và giáo dục tình dục tiếp cận giới trẻ ở hai độ tuổi khác nhau nên nội dung khác biệt thật lớn, khiến không thể thay thế hay lồng ghép vào nhau được. Càng không nên phụ thuộc những khoản tài trợ từ nước ngoài để áp dụng máy móc các mô hình GDGT xa lạ với nền văn hóa truyền thống, trong khi chính họ đang lo ngại về tác hại từ tình dục tự do ở tuổi vị thành niên.

PGS –TS  NGUYỄN NGỌC THOA Trường đại học Y dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên