05/03/2015 10:17 GMT+7

Hung hãn lên ngôi: Giáo dục chưa tới, luật chưa đủ mạnh

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TT - Luật pháp không nghiêm cộng với việc không được giáo dục đến nơi đến chốn... thì bản năng bạo lực dễ có cơ hội trỗi dậy. Nhưng không thể đổ thừa do bản năng...

Ẩu đả tại lễ hội phết Hiền Quan. Trong ảnh này có ai say rượu? - Ảnh: N.Khánh
BS Trịnh Tất Thắng - Ảnh: L.TH.H.

Đó là những chia sẻ của một chuyên gia tâm lý tâm thần, bác sĩ Trịnh Tất Thắng - giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM.

“Theo dõi diễn đàn “Thói hung hãn lên ngôi?” của báo Tuổi Trẻ, tôi thấy những ý kiến nêu ra đều đúng. Ở khía cạnh nào đó, dù là nguyên nhân gì cũng là điều kiện thuận lợi dẫn đến sự bạo lực và thói hung hãn” - bác sĩ Thắng nói.

Tôi cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận, phải chỉ thẳng ra thói hung hãn ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội là do nhân cách con người, đó là sự giáo dục, tính nghiêm minh của luật pháp đang có vấn đề
Bác sĩ TRỊNH TẤT THẮNG

* Uống rượu say, sử dụng các chất kích thích như ma túy đá... có phải là nguyên nhân dẫn đến thói hung hãn, thưa bác sĩ?

- Một người bình thường khi tỉnh táo luôn kiểm soát được hành vi, lý trí của mình, nếu có xảy ra mâu thuẫn, va chạm, tranh chấp... thường không dẫn đến hành vi bạo lực.

Nhưng khi uống rượu, sử dụng các chất kích thích rất dễ bị kích động, khiến tất cả những u uất, chất chứa trong lòng khi tỉnh táo kiểm soát được thì bây giờ bùng nổ.

Khi bị kích thích, não bộ không kiểm soát được hành vi, nhận thức không còn, tính trách nhiệm cũng biến mất và các giá trị đạo đức, ràng buộc của luật pháp cũng bị xem nhẹ.

Tuy nhiên, không phải ai uống rượu say cũng “quậy” vì một người được giáo dục kỹ, có nền tảng đạo đức tốt ngay cả lúc say xỉn cũng ý thức không được phép làm những chuyện xã hội lên án, pháp luật nghiêm cấm.

Người được giáo dục kỹ ít khi có thói hung hãn, sinh sự với người khác ngay cả khi uống rượu.

* Như vậy nếu giá trị đạo đức không được coi trọng, giáo dục bị xem nhẹ thì thói hung hãn dễ lên ngôi, thưa bác sĩ?

- Đúng vậy, nếu những giá trị đạo đức không được coi trọng, con người sẵn sàng đấm đá nhau khi “đụng chuyện”.

Về đạo đức làm vậy là không được, người với người là đồng loại, không ai được phép xúc phạm, hành hung ai và luật pháp cũng đã quy định như vậy.

Tuy nhiên, có người không nhận thức được điều này hoặc nhận thức chưa tới nên cho chuyện đó là bình thường, cho mình có quyền “xử lý” người khác, kể cả người thân của họ.

Do vậy, luật pháp cần được phổ biến sâu rộng, nếu không thói hung hãn, coi thường pháp luật sẽ nảy sinh.

* Phải chăng cuộc sống, công việc hiện nay quá nhiều căng thẳng, áp lực... nên khi gặp chuyện dễ “nổi xung thiên”?

- Nói như thế thì cứ căng thẳng, bức xúc, không vừa lòng chuyện gì là cho phép mình có hành vi bạo lực với người khác sao? Con người dù sống ở đâu, dù làm việc gì, ở vị trí nào trong xã hội cũng gặp phải áp lực.

Xã hội càng văn minh càng nhiều áp lực, nhiều căng thẳng nhưng ở nhiều quốc gia người ta còn áp lực hơn mình nhiều nhưng đâu có ai đi giành, đi cướp, chen lấn, giành giật, đánh chém nhau vì những chuyện không đâu.

Đơn cử người Nhật Bản khi gặp thảm họa sóng thần cách đây vài năm, họ rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát nhưng vẫn nhường nhịn nhau.

Nhật Bản là quốc gia áp lực nhất thế giới mà trong khó khăn tột cùng vẫn đối xử với nhau đầy tình người.

Tôi cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận, phải chỉ thẳng ra thói hung hãn ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội là do nhân cách con người, đó là sự giáo dục, tính nghiêm minh của luật pháp đang có vấn đề.

* Còn chuyện tiếp xúc sớm với phim ảnh, game bạo lực thì sao, thưa bác sĩ?

- Thật ra đó cũng là vấn đề xã hội và giáo dục. Nếu thanh thiếu niên suốt ngày xem phim bạo lực, chơi game bắn giết, đâm chém nhau lâu ngày sẽ bị ngấm.

Đến lúc nào đó các em sẽ coi chuyện bắn giết, đâm chém là bình thường, thậm chí làm theo vì tưởng làm thế là anh hùng, học theo vì tưởng là thần tượng.

Tuy nhiên, phim ảnh nếu có cảnh bạo lực nhưng có ý nghĩa giáo dục, có nội dung rõ ràng, chỉ ra được đâu là chính nghĩa, phi nghĩa, có phê phán lên án những hành vi bạo lực thì không đáng lo.

Ngay cả trong gia đình, nếu cho trẻ chơi những đồ chơi là súng ống, gươm đao mà không có sự giải thích ý nghĩa, hướng dẫn đâu là lẽ phải, biết bênh vực lẽ phải, biết chia sẻ với những đau khổ của người khác, trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng và có hành vi bạo lực sau này.

* Theo bác sĩ, gia đình, nhà trường và xã hội đâu là yếu tố quan trọng nhất có thể ngăn ngừa thói hung hãn?

- Không thể nói yếu tố nào quan trọng nhất vì cả ba yếu tố này đều góp phần giáo dục nhân cách con người.

Gia đình là nơi đầu tiên hình thành nhân cách con người nên có vai trò cực kỳ quan trọng vì nhân cách con người được hình thành rất sớm từ khi trẻ chào đời, khi chưa đến trường và ra ngoài xã hội.

Khi trẻ đến trường, trường học cũng rất quan trọng. Nếu trẻ được học tập trong môi trường giáo dục tốt, có nhiều quy định chặt chẽ để tuân thủ, được tiếp nhận nhiều thông tin, luật lệ, giá trị đạo đức... sẽ giúp trẻ tiếp tục hoàn thiện, hình thành nhân cách tốt.

Còn xã hội là yếu tố quan trọng, nếu gia đình, nhà trường làm tốt nhưng khi trẻ ra ngoài xã hội mà xã hội không được kiểm soát tốt bởi pháp luật thì cũng bị ảnh hưởng.

Ai cũng thấy ở một số lễ hội gần đây người ta xô đẩy, giành giật nhau, thậm chí đánh nhau là vì cái gì? Lúc ấy có ai say xỉn, mâu thuẫn gì đâu. Cốt lõi vẫn là vấn đề giáo dục chưa tới, luật pháp chưa đủ mạnh để răn đe, chấn chỉnh.

* Bác sĩ cho lời khuyên phải làm gì để kiểm soát cảm xúc, kiềm chế bản năng bạo lực của mỗi người?

- Trong mọi việc dù căng thẳng thế nào phải cố gắng giữ bản thân thật bình tĩnh, đừng để cảm xúc lấn át lý trí. Phải xem xét sự việc, vấn đề đang xảy ra bản chất là gì, nguyên nhân thế nào.

Tốt nhất khi gặp một người đang hùng hổ, cần bình tĩnh xem xét vì sao người này làm như vậy. Khi nắm được thực chất của vấn đề và kiểm soát được cảm xúc, không để cảm xúc dẫn dắt, chúng ta sẽ kiềm chế được hành vi không hay.

Thường khi người ta nóng nảy đều có lý do nên chúng ta cần thông cảm, chia sẻ, đừng đối đầu thì sự việc sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Thực tế trước một vấn đề, sự việc luôn có nhiều góc nhìn, nhiều ý kiến đánh giá khác nhau mà mình đánh giá sai sẽ dẫn đến ứng xử sai.

Suy cho cùng đó cũng là kỹ năng sống. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nếu học sinh được học, được hướng dẫn cách xử lý các tình huống có thể gặp phải trong cuộc sống, khi gặp chuyện sẽ biết cách giải quyết ôn hòa, thấu đáo.

*Theo bác sĩ, có giải pháp nào để ngăn chặn thói hung hãn đang có xu hướng phát triển hiện nay?

- Nếu đợi giáo dục để hoàn thiện nhân cách một người sẽ rất lâu và phải có thời gian, không thể như bấm nút một cái là đen thành trắng.

Biện pháp nhanh nhất, có thể áp dụng ngay để điều chỉnh là luật pháp phải nghiêm khắc trừng trị, xử lý những hành vi này.

Hiện nay khi có vụ việc gì xảy ra, khi cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý, xã hội vẫn có không ít ý kiến cho rằng xử như thế là mạnh tay.

Suy nghĩ như vậy chưa đúng vì luật pháp phải đủ mạnh và có nghiêm khắc mới ngăn chặn được những hành vi sai phạm tương tự.

Nếu chúng ta cứ nghĩ người A, người B bị xử lý thế này thế kia là quá nặng thì thật ra là nuôi dưỡng mầm mống cho sai phạm khác xuất hiện.

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên