01/01/2009 05:04 GMT+7

Giáo dục bằng kỷ luật tích cực

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - “Từ năm lớp 2 đến nay, cứ vào đầu năm học là lớp em được bàn “quy ước lớp”. Tụi em chia nhóm rồi thảo luận về những điều nên làm, những điều không nên làm trong nhà trường, bạn nào làm đúng quy ước thì được thưởng, không làm đúng quy ước sẽ bị phạt...”.

Khi được hỏi “Tại sao em thích đi học?”, học sinh (HS) Bồ Minh Thắng (lớp 5/4 Trường tiểu học Võ Trường Toản, Q.10, TP.HCM) đã trả lời như thế.

TrcgtRY0.jpgPhóng to
HS lớp 5/2 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1 rất nghịch nhưng vẫn phải tuân theo quy ước lớp do mình tự đặt ra - Ảnh: H.HG.

Đó cũng là một trong những hoạt động nhằm giáo dục HS bằng các biện pháp kỷ luật tích cực mà một số trường tiểu học ở TP.HCM đã và đang thực hiện mấy năm gần đây.

Sau khi HS tự bàn bạc, thống nhất mọi điều, giáo viên chủ nhiệm sẽ tổng hợp thành một bản “quy ước lớp học” hoặc “quy ước lớp chúng mình” và treo trên tường của lớp học. Bản quy ước này có thể bổ sung hoặc sửa đổi tùy theo tình hình học tập của học sinh.

Bước vào lớp 2/5 Trường tiểu học Võ Trường Toản, HS sẽ thấy ngay bản quy ước được trang trí khá bắt mắt: “Không nghịch phá cây cảnh trong trường. Không chen lấn, xô đẩy nhau trên cầu thang và hành lang, trong giờ học không phát biểu linh tinh, không ăn vụng, không làm việc riêng. Bạn bè phải hòa nhã, không được gây cãi, đánh nhau... Những bạn thực hiện tốt quy ước sẽ được thưởng kẹo, tuyên dương trên bảng tuyên dương,... Những bạn vi phạm quy ước sẽ bị phạt không được ra chơi, phải làm trực nhật lớp (nhặt rác, lau bảng)...”.

Tình nguyện chịu phạt

Theo ông Lê Ngọc Điệp - trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, việc quản lý lớp học bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực được phát triển từ dự án “Môi trường học thân thiện”, do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển thực hiện thí điểm tại 12 trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Hiện tại, phương pháp trên đã được thực hiện tại 24 trường tiểu học và Sở GD-ĐT đang chuẩn bị các bước cần thiết để sang học kỳ II triển khai ra toàn TP.

“Có lần em không làm bài bị cô phát hiện, thế là tình nguyện đi nhặt rác, đâu có cãi được gì. Hồi đầu năm cả lớp tự đặt ra cách phạt như vậy mà. Đành phải siêng năng hơn thôi” - HS Ngô Khắc Minh Triết, lớp 5/4 Trường tiểu học Võ Trường Toản, cho biết. Hầu hết HS ở đây khi được hỏi đều trả lời các em rất thích bàn bạc, đặt ra quy ước cho lớp mình.

Nói như HS Hoàng Phan Kiều Linh, lớp 5/4: “Khi ấy, chúng em có cảm giác như mình là “chủ nhà”. Những điều trong quy ước cũng dễ thực hiện. Thích nhất là những khi được điểm 10, cô bảo cả lớp tuyên dương bằng một tràng pháo tay. Bạn nào vừa ngoan vừa được nhiều điểm 10 sẽ được cô tặng quà - quà danh dự đấy nhé - ai mà chả thích. Còn những lần làm sai ư? Tình nguyện chịu phạt thôi, cô giáo không phải nhắc nhở...”.

Ông Nguyễn Văn Tri - hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản - phân tích: “Giáo dục HS bằng các biện pháp kỷ luật tích cực tức là không dùng đòn roi, không trách phạt. Giáo viên không được chê bai, phê bình HS trước lớp khiến HS xấu hổ với bạn bè. Thay vào đó thầy cô có thể gọi riêng HS ra để khuyên nhủ hoặc nếu nhắc nhở trước lớp thì phải có ý nghĩa động viên HS khắc phục khuyết điểm. Việc cho các em tự thảo luận rồi thực hiện quy ước lớp là một phương cách khuyến khích ý thức tự giác của HS, trong mỗi hành động, HS tự hiểu mình sẽ bị phạt hay được khen. Chứ cứ như trước kia, nhà trường tự đặt ra quy định này nọ, rất khô khan lại mang tính áp đặt, có khi phạt HS nhưng các em không tâm phục, khẩu phục”.

Hiểu trẻ càng nhiều càng dễ giáo dục

Các lớp học ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1 được trang trí như phòng hội họa với góc chia sẻ (HS viết về niềm vui, nỗi buồn, sự băn khoăn,... của mình về thầy cô, bạn bè, trường lớp), góc rèn luyện môn văn (trưng bày câu văn hay, tác phẩm độc đáo, bài làm văn của HS đạt điểm cao...), góc quy ước lớp, góc tuyên dương HS tiêu biểu trong tháng...

Thầy Nguyễn Thanh Hoàn - giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2 - giải thích: “Giáo dục HS bằng các biện pháp kỷ luật tích cực là làm sao để phát huy tính tích cực của HS. Đầu năm học, tôi thường phát phiếu thăm dò HS “Làm sao để lớp chúng ta được tốt hơn”, “Buổi tối khi về nhà em thích học bài đến giờ nào thì dừng...”.

Và thông qua những phiếu thăm dò ấy, thầy Hoàn quyết định không cho bài tập về nhà. Thầy làm một hộp “Kho tàng kiến thức” bao gồm các bài tập môn toán, môn văn rồi “rao”: em nào thích làm thêm ở nhà thì lên tự chọn. Có em chọn một bài, em chọn hai bài, có em chọn rất nhiều bài của nhiều môn nhưng có bốn em thường xuyên không chọn. Thầy Hoàn lại đặt ra cách học “đôi bạn cùng tiến” để HS giỏi lôi kéo HS yếu cùng học chứ không ép.

Em nào làm đúng sẽ được thầy thưởng kẹo: “Kẹo của tôi chắc chắn không ngon và không mắc tiền bằng kẹo bố mẹ các em mua, nhưng các em rất trân trọng, có em đem về gối đầu giường”. Em nào liên tiếp làm được nhiều bài đúng, có sự tiến bộ sẽ được đưa hình và tên lên “bảng danh dự” trên tường.

Và trên thực tế, gần như lớp nào cũng có HS cá biệt. Làm sao đây khi nhà trường đã quy định “không được mắng nhiếc HS”? Nói như cô Đỗ Ngọc Chi - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/9 Trường Lê Ngọc Hân: “Càng gần gũi, càng hiểu trẻ thì càng dễ giáo dục. Trước tiên, giáo viên cần tìm hiểu tại sao HS lại quậy phá, gây sự với bạn. Tại sao HS lại nói chuyện nhiều, hay phát biểu linh tinh... Từ đó mới có biện pháp giáo dục hữu hiệu”.

Thầy giáo Hoàn kể chuyện lớp mình: “Lớp tôi có một em rất thích thể hiện mình, hay gây rối trong lớp, thích được làm thủ lĩnh, thích nổi bật... Thế nhưng, ngày nào em ấy chơi trò gì đó với bạn mà bị thua thì vào lớp lầm lì, thầy có nói cỡ nào cũng không chịu làm bài. Tôi tìm hiểu và “trị” bằng cách thường xuyên kêu em đọc bài cho cả lớp nghe, lên bảng sửa bài cho cả lớp xem... Em rất hãnh diện và bớt nghịch hẳn”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên