Năm 2004, chị Trương Thị Thùy Trang (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có chuyển nhượng lô đất 286m2 tại khu đất phân lô hộ lẻ trên đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè và được UBND huyện Nhà Bè cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào tháng 2-2005.
Năm 2006, Công ty TNHH Xây dựng - sản xuất - thương mại Tài Nguyên (viết tắt là Công ty Tài Nguyên) được Sở Tài nguyên-môi trường TP cấp sổ đỏ cho diện tích đất hơn 32.000m2, dọc mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng. Khu đất này giáp ranh với khu đất phân lô hộ lẻ chị Trang đã mua.
Chồng ranh 820m2
Năm 2006 khi đo vẽ, thiết kế xây dựng nhà, chị Trang phát hiện ranh đất của Công ty Tài Nguyên chồng lên miếng đất của chị khoảng 5m ngang. Tổng cộng phần đất của chị Trang bị chồng ranh khoảng 130m2 và chị đã khiếu nại, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét nhưng vụ việc kéo dài đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Không chỉ chị Trang mà nhiều hộ khác có đất giáp với ranh đất của Công ty Tài Nguyên cũng bị chồng ranh. Theo báo cáo của UBND xã Phước Kiểng, tổng số có 19 hộ bị chồng lấn ranh, trong đó còn 13 hộ chưa giải quyết xong.
Nhưng theo ông Nguyễn Văn Trường, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, có 16 hộ bị chồng lấn ranh với diện tích đất khoảng 820m2 và hiện còn 11 hộ chưa giải quyết xong.
Ông Trường cho biết căn cứ trên bản đồ thì cả UBND huyện Nhà Bè và Sở Tài nguyên-môi trường TP đều cấp giấy đỏ đúng theo ranh đất. Nguyên nhân dẫn đến chồng lấn ranh là do những người tự phân lô cắm mốc sai. Lẽ ra khu đất nằm sát đường Lê Văn Lương thì lại tịnh tiến về phía đường Nguyễn Hữu Thọ, dẫn đến chồng lấn ranh với khu đất của Công ty Tài Nguyên từ 3,7-5m.
Nếu do những người phân lô cắm ranh sai thì khi cấp giấy đỏ, cơ quan chức năng huyện có kiểm tra thực địa và phát hiện bị chồng lấn ranh?
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Trường cho rằng khi cấp giấy đỏ cơ quan chức năng huyện chỉ căn cứ theo bản đồ nên không phát hiện, mặt khác quy trình cấp giấy đỏ thời điểm trên cũng chưa được chặt chẽ, bài bản như bây giờ.
Tự thương lượng
Theo UBND xã Phước Kiểng, trong những cuộc họp trước đây các đơn vị liên quan đã đề xuất ba phương án giải quyết vụ việc. Phương án một, những người phân lô khu đất tự thương lượng giá bồi thường cho dân có đất chồng lấn ranh nhưng phương án này đến nay chưa thực hiện được do một số người dân yêu cầu bồi thường giá quá cao, 30-40 triệu đồng/m2.
Phương án hai, nới rộng chiều ngang lô đất của các hộ dân để bố trí lại cho đủ diện tích, nhưng phương án này cũng không được do một số trường hợp đã xây nhà ở. Phương án ba được đề xuất chọn là thu nhỏ diện tích đường nội bộ phía trước nền đất từ 9,5m xuống còn 6m để bù vào phần đất bị chồng lấn ranh.
Ông Nguyễn Văn Trường cho rằng UBND huyện Nhà Bè đã bàn và không đồng ý với phương án ba vì phải giữ nguyên lộ giới đường. Theo ông Trường, trách nhiệm giải quyết vụ việc trên thuộc những trường hợp phân lô khu đất và huyện đã yêu cầu những người này thương lượng với dân có đất bị chồng lấn ranh.
Trường hợp các bên không thương lượng được thì đưa ra tòa án giải quyết. Về phía mình, UBND huyện sẽ báo cáo vụ việc để UBND TP quyết định.
Thực tế các hộ dân bị chồng lấn ranh đất đã được UBND huyện Nhà Bè cấp giấy đỏ trước, còn Công ty Tài Nguyên được Sở Tài nguyên - môi trường TP cấp giấy đỏ sau. Khi cấp giấy sau, lẽ ra cơ quan cấp giấy đỏ cho Công ty Tài Nguyên phải biết ranh đất UBND huyện Nhà Bè giao cho các hộ dân bị chồng lấn và ngưng lại để điều chỉnh. Theo tôi, các bên thương lượng được thì tốt, nếu không các hộ dân có thể kiện vụ việc ra tòa án để được giải quyết. Cũng xin nói thêm đất của người dân đã được UBND huyện Nhà Bè cấp giấy đỏ nên huyện cũng có phần trách nhiệm trong chuyện này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận