17/08/2014 06:00 GMT+7

Giành lấy việc khó về phần mình

L.HOÀI - K.LINH - P.NHÂM
L.HOÀI - K.LINH - P.NHÂM

TT - Gần hai giờ đồng hồ sáng 16-8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành để trò chuyện thân tình cùng các đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng và động viên các thanh niên tiên tiến - Ảnh: Nguyễn Quang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng và động viên các thanh niên tiên tiến - Ảnh: Nguyễn Quang

Những câu chuyện lập nghiệp, khó khăn gặp phải, trăn trở về tương lai, về đất nước được các bạn chân tình bày tỏ với Chủ tịch nước.

Đáp lại, Chủ tịch nước khích lệ: “Tôi ngồi đây để nghe các bạn chia sẻ về những thành công của bản thân trên nhiều phương diện và tôi biết phía sau đó là cả câu chuyện dài chất chứa những nghị lực phi thường, những nỗ lực đáng nể phục”.

Nguyện vọng đồng lòng, ý chí đồng điệu

Chủ tịch nước cho rằng dù mỗi tấm gương là tiêu biểu của mỗi địa phương, mỗi ngành và có hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau nhưng chắc chắn nguyện vọng, ý chí là đồng lòng, đồng điệu. Ông nói đến ba yếu tố mà mỗi thanh niên cần lưu ý để đạt mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, đủ sức cạnh tranh với thế giới.

Thanh niên là phải đem thuận lợi cho bạn, giành phần khó về mình, không sợ hiểm nguy, có hi sinh vì cái chung, giảm bớt cái riêng đất nước mới hùng mạnh được

Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG

Đầu tiên là lý tưởng. Đã là thanh niên thì dù thế hệ nào trong mỗi người đều ấp ủ điều gì đó của bản thân mình, trong não trạng lúc nào cũng phải suy nghĩ cho tương lai, cho quê hương đất nước.

“Lý tưởng giúp xác lập mục tiêu, khi muốn phát triển vươn xa lại tiếp tục cần lý tưởng. Kinh tế thị trường khắc nghiệt, muốn trụ vững phải kiên trì, không được lùi bước” - Chủ tịch nước dẫn dắt.

Điều thứ hai, theo Chủ tịch nước, chính là thanh niên luôn phải xung kích đi đầu. Ông bảo nhìn thấy nhiều quốc gia trên thế giới có lãnh đạo trẻ mà xốn xang, băn khoăn liệu có phải người lãnh đạo bảo thủ hay người trẻ chưa được đãi ngộ tốt, chưa dám xông pha.

“Phải biết đặt mục tiêu làm sao cho bản thân thành công hơn, cho bà con quê hương mình, đất nước mình sung túc hơn, từ đó đặt rõ trách nhiệm của chính mình để phấn đấu” - Chủ tịch nước nói.

Ông dẫn chứng câu chuyện về chủ quyền biển đảo Tổ quốc và cho rằng thanh niên cần xung phong cống hiến khi Tổ quốc cần.

Chủ tịch nước khẳng định công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên cương Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu với tinh thần một tấc đất cũng phải giữ lấy, hòa hiếu nhưng không thể để người ta xâm chiếm hay gặm nhấm từ từ được...

Điều thứ ba, Chủ tịch nước cho rằng thanh niên cần phải học đi đôi với làm, tự giác rèn luyện. Thêm nữa, khi nhận thấy cái đúng thì phải có lập trường của mình, đấu tranh để bảo vệ cái đúng, cái tốt và nhân rộng điều đó ra, cũng là cách tạo dựng và nắm lấy cơ hội bền vững.

Lắng nghe Chủ tịch nước dặn dò, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh khẳng định sẽ lĩnh hội và truyền đạt đến thanh niên những dặn dò đó để khơi bùng ngọn lửa nhiệt huyết đưa phong trào và giới trẻ phát triển đi lên.

"Bản thân cán bộ Đoàn, thanh niên tiên tiến hứa sẽ có bản lĩnh vững vàng, nêu gương trước, luôn đoàn kết, nghị lực và sẵn sàng xung kích, đồng lòng bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.” - anh Vinh khẳng định.

Để học, làm theo Bác thành thói quen

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã chia sẻ cách làm hay, mô hình sáng tạo tại các diễn đàn về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm, tu dưỡng đạo đức cách mạng.

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết nhận thức của cán bộ, đoàn viên thanh thiếu nhi về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có thay đổi tích cực, làm theo Bác đã trở thành việc tự giác, có ý thức trong mỗi thanh thiếu nhi.

“Đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh thiếu nhi tiên tiến, nhiều mô hình mới, cách làm hay, học tập và làm theo lời Bác ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Dù vậy, có nơi đã biểu hiện buông xuôi, đoàn viên thanh niên chỉ dừng lại ở việc “học tập Bác” nhưng chưa thật sự “làm theo Bác”” - anh Nguyễn Mạnh Dũng đánh giá.

Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng cho rằng hiện đối tượng học và làm theo lời Bác chúng ta đang nhắm tới chủ yếu là đảng viên, cán bộ Đoàn chứ chưa thật sự quan tâm tới các đối tượng bên ngoài.

“Như ở các nhà sách, sách viết về Bác nằm ở góc tủ sách chính trị nhưng nhiều bạn thanh niên nhận thức chính trị khô khan nên các bạn đi tìm sách thực hành, dạy kỹ năng trong đời sống. Còn sách về Bác, về tấm gương tự học trong cuộc sống không nhiều, việc tuyên truyền cũng chưa đậm nét...” - anh Thắng bày tỏ.

Bàn đến giải pháp, anh Thắng cho rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thời gian tới là tăng cường giáo dục tư tưởng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi gắn với việc đẩy mạnh các hoạt động cụ thể, các công trình, phần việc cụ thể trong việc thực hiện chủ đề “Năm thanh niên tình nguyện”.

Đồng thời cần tuyên dương, nhân rộng tấm gương điển hình, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các cơ quan xuất bản báo chí, các trang thông tin điện tử, diễn đàn trên mạng.

Trong khi đó, anh Hoàng Văn Quyết (bộ đội biên phòng Lai Châu) nói thanh niên trên địa bàn còn thiếu môi trường học tập, kinh tế chưa phát triển trở thành vướng mắc trong quá trình triển khai việc học tập và làm theo lời Bác.

Anh Quyết mong nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn của các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn, để mỗi bạn trẻ xây dựng cho mình một lập trường tư tưởng vững vàng, đoàn kết, gắn bó với dân hơn, cũng như tích cực quyên góp xây dựng trường học, giúp đồng bào có cái chữ để phát triển...

L.HOÀI - K.LINH - P.NHÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên