19/01/2010 07:49 GMT+7

Giang hồ ngoại nhập - Kỳ cuối: Tội phạm "xã hội đen"

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Nguồn tin từ cơ quan chức năng cho biết hiện đã xuất hiện các tổ chức xã hội đen nước ngoài như hội Tam Hoàng, 14K, Sun Yee On, Wo, Trúc Liên Bang, Tứ Hải (Đài Loan), Yangeunipa (Hàn Quốc) và những băng nhóm nhỏ lẻ khác nhập cảnh vào VN.

Kỳ 1: Đồng hương xử nhau

Theo điều tra của PV Tuổi Trẻ, ngoài việc thực hiện hàng loạt hoạt động tội phạm thì dịch vụ giải trí tại TP.HCM đang là đích ngắm của các băng nhóm tội phạm nước ngoài.

Tranh giành lãnh địa

Thủ đoạn mới lạ

Theo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP.HCM, so với các loại đối tượng hình sự trong nước thì băng nhóm tội phạm nước ngoài hoạt động liều lĩnh với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức bất ngờ, mới lạ.

Vụ nhóm người Indonesia dùng chiêu đâm thủng bánh xe trộm tiền là một điển hình. Đầu tiên nhóm này thực hiện hàng loạt vụ ở Hà Nội. Trong khi Công an Hà Nội đang lần theo dấu vết thì nhóm đối tượng này nhảy vào TP.HCM tiếp tục gây án.

Sau một thời gian dài điều nghiên phương thức thủ đoạn gây án và đeo bám hàng tháng trời, PC14 Công an TP.HCM mới “hốt” trọn nhóm này.

Theo tìm hiểu, năm 1997 Trúc Liên Bang (một nhân vật cộm cán ở Đài Loan) cử Hou Ming Chin cùng một số tay chân sang TP.HCM thăm dò “thị trường” và làm “đại diện” ở đây một thời gian. Sau khi Hou Ming Chin bị cảnh sát VN bắt do liên quan đến việc triệt hạ hai “đồng nghiệp” tại TP.HCM, Trúc Liên Bang cử Lee Han Hsin (tức A Lý) sang thay thế.

Tháng 9-2000, sau khi tham gia vụ thanh toán đẫm máu với một nhóm xã hội đen VN trước vũ trường Metropolis, A Lý trốn khỏi VN. Cùng thời điểm đó, khi băng nhóm Năm Cam tan rã, Trúc Liên Bang “triệu hồi” các thành viên về nước, chỉ để một số ít ở lại nghe ngóng tình hình.

Khoảng đầu năm 2007, băng Trúc Liên Bang “tái xuất giang hồ”. Ông H., chủ quán bar ở Q.1, cho biết hiện nhóm Trúc Liên Bang có khoảng 10 thành viên làm nhiệm vụ bảo kê một số tụ điểm ăn chơi ở Q.1 và Q.5 do người Đài Loan làm chủ. Nhóm này còn kiêm thêm các “dịch vụ” đòi nợ thuê, cung cấp thuốc lắc cho các quán bar, vũ trường...

Theo tìm hiểu, băng xã hội đen Yangeunipa có mặt ở VN cách đây năm năm và hoạt động mạnh từ hai năm trở lại đây.

Tại Hàn Quốc, Yangeunipa chi phối phần lớn các ngành công nghiệp giải trí và cờ bạc. Yangeunipa còn kiểm soát hệ thống cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy, vũ khí, rượu, rửa tiền dưới hình thức thành lập những công ty xây dựng. Hiện Yangeunipa có mặt tại các thành phố lớn ở Mỹ và một số nước châu Á.

Điều hành Yangeunipa tại VN là một số đối tượng có “số má”, trong đó có đối tượng tên Kang (đã bị công an bắt và trao trả cho Hàn Quốc). Trong quá trình điều tra, cảnh sát Hàn Quốc đã không khỏi giật mình trước thành tích bất hảo của Kang. Năm 1975, Kang tấn công khách sạn Saboi. Năm 1981, Kang bị cảnh sát Hàn Quốc bắt và bị tuyên án tù chung thân về tội cố ý giết người, sau đó được giảm án còn 20 năm và được phóng thích vào năm 2001. Ra tù, Kang quản lý một công ty xây dựng, đến năm 2004 lại bị phạt hơn 1 năm tù về hành vi hành hung người khác.

Tuy không phải thành viên của Yangeunipa nhưng Lee Peum (bị bắt theo lệnh truy nã của Hàn Quốc) là một đối tượng có liên quan mật thiết với băng đảng xã hội đen này. Tài liệu cho thấy Lee Peum đã đầu tư vào một khách sạn ở Vũng Tàu hàng trăm ngàn USD - một phần tài chính bị tình nghi là tiền “bẩn”.

Ngoài những băng nhóm của Hàn Quốc, Đài Loan, còn có một số băng nhóm đến từ các nước khác cũng đang có mặt tại VN. Theo một nguồn tin cho biết mới đây một nhóm xã hội đen Đài Loan đụng độ với băng giang hồ Hải Phòng trong việc tranh giành bảo kê cho cho nhà hàng, karaoke “ôm” ở Q.5 nhưng sau đó đã dàn xếp ổn thỏa.

Khó khăn trong điều tra

Đánh giá tình hình tội phạm năm 2009, thiếu tướng Cao Minh Nhạn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm - cho biết thời gian gần đây nổi lên loại tội phạm người nước ngoài sử dụng vũ khí liên tiếp gây ra các vụ cướp tài sản tại Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang...

Tại TP.HCM, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang... còn xuất hiện một số nhóm người nước ngoài (chủ yếu quốc tịch các nước châu Phi, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ...) đến các tiệm vàng, ngân hàng giả mua bán rồi lợi dụng sự sơ hở của nạn nhân để trộm, cướp tài sản.

Thượng tá Đào Trọng Sơn, phó phòng 4 Cục Truy nã tội phạm (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm), cho biết phần lớn các đối tượng hình sự khi vào VN đều dưới vỏ bọc sang trọng, lịch sự nên rất khó phân biệt đâu là tội phạm đâu là doanh nhân, khách du lịch. Nhiều đối tượng sang VN lấy vợ, sau đó lôi kéo vợ và người thân tham gia hoạt động phạm tội của mình. Theo thượng tá Sơn, tội phạm trốn lệnh truy nã của Interpol, đặc biệt tội phạm xã hội đen, cờ bạc... khi sang VN đều có xu hướng tiếp tục phạm tội.

Một lãnh đạo cơ quan phòng chống tội phạm hình sự của Công an TP.HCM cho biết vấn đề ngôn ngữ là một trong những cản ngại trong quá trình điều tra các vụ án liên quan đến người nước ngoài. Nhiều đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng (lừa đảo, trộm cắp, cướp giật...) nhưng do bất đồng ngôn ngữ, không có người phiên dịch nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thu thập chứng cứ. Đơn cử, sau khi bắt quả tang nhóm Indonesia dàn cảnh xì bánh xe để trộm tiền trên xe, công an thật sự lúng túng khi các đối tượng này không nói được tiếng Anh. Cạy cục mãi, cơ quan chức năng mới mời được một giảng viên tiếng Indonesia đến phiên dịch.

Khi được hỏi tại sao chọn VN để làm nơi lẩn trốn và tiếp tục gây án, nhiều đối tượng tội phạm nước ngoài cho rằng do thấy việc nhập cảnh và công tác quản lý người nước ngoài tại VN khá “thoáng”. Điều này khiến các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và công an địa phương phải suy nghĩ.

Trong số báo trước, Tuổi Trẻ có đăng hình tư liệu minh họa ông Lee Sam Han bị Cục Truy nã tội phạm (Bộ Công an) bắt theo lệnh truy nã của Interpol Hàn Quốc. Thông tin từ Cục Truy nã tội phạm cho biết sau khi trao trả về Hàn Quốc, vụ việc liên quan đến ông Lee Sam Han đã được giải quyết xong. Hiện ông Lee Sam Han đã quay trở lại VN làm ăn.

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên