Phóng to |
Đông đang giăng lưới giữa đầm bần |
Từ giăng lưới
Mới 3g sáng Đông thức tôi dậy và ra hiệu chuẩn bị sang thuyền đi “chiến đấu”. Đông đã chuẩn bị xong sào, lưới và nhổ neo rời khỏi gầm cầu Đồng Môn. Ngồi ngửa người phía cuối thuyền, hai chân trần dính vào hai mái chèo đạp dẻo quẹo trong mênh mông rừng bần, Đông bảo: “Cứ ngồi yên, 20 phút nữa anh sẽ thấy... lưới trời lồng lộng và sau đó là đủ loại tiếng chim kêu oai oái”. Trong lờ mờ bóng đêm Đông như cái nấm di động, chạy đi chạy lại trên cồn đất để cắm bốn cây sào, mỗi cây cách nhau 25m. Sào thứ nhất ghìm chạc nọc (dây cước giữ cho thẳng lưới). Sau đó bỏ rả cước theo chạc nọc (một kiểu ròng rọc) kéo mặt lưới cao cỡ 15m chạy thẳng hàng tận cây sào thứ tư với chiều dài khoảng 100m.
Phóng to |
Hùng với bầy chim mồi này đã khiến hàng ngàn con chim trời phải mắc bẫy |
Bốn giờ sáng. Đông sốt ruột, chép miệng: “Không thấy mống nào nữa thì phải dùng thứ vũ khí này”. Đông rút trong ngực áo ra một cái ống cao su dùng để hút đờm trong bệnh viện rồi móc trong túi áo ra một chiếc lá nhỏ. Chiếc lá được xếp gọn lại đút vào lỗ nhỏ phía cuối ống cao su đã được khoét sẵn. Đông bảo vì ít tiền nên cải tiến cái này làm kèn gọi chim. Người đánh chim qui mô lớn thì mua loại kèn inox mã đồng 500.000 đồng/chiếc, giống hệt kèn tây. Kèn tây thổi được nhiều loại giọng khác nhau nên nhử một lúc được nhiều loài chim. Đông cho chiếc kèn cải tiến của mình cất tiếng. Tiếng kèn kêu giống hệt tiếng chim tà vặt, chim khoang đá gọi bạn.
Phóng to |
Mỗi ngày có hàng ngàn con chim trời bị mắc bẫy |
Đến đánh nhựa
Để được dân đánh chim sành sõi cho trú ngụ qua đêm trong thuyền dưới gầm cầu Đồng Môn, tôi đã trà trộn cùng bọn thợ dùng nhựa đánh chim trên đồng Thạch Khê. Một người đứng tuổi tên Hoạt ở xóm 6 Long Giang đang “nghiên cứu” hướng bay của ổ chim lạ và hướng gió để tìm vị trí cắm nha (thanh tre nhỏ, mềm tẩm đầy một thứ nhựa cây rừng để làm dính cánh chim).
Hoạt nói: “Chim quen thì bỏ, đánh chim lạ mới dễ thắng lớn. Chim thường bay xuôi gió nhưng khi đậu thì đậu ngược gió và thường vượt lên con mồi (chim giả nhồi bằng rơm) để tìm thức ăn nên mắc vào hàng ngàn cái nha đầy nhựa đã cắm sẵn. Dịp này chim tu huýt mới về lác đác, cuối tháng mười một âm lịch và khoảng giáp tết mới bắt đầu chiến dịch đánh chim”.
Phóng to |
Nướng chim trên thuyền |
Đi theo bọn của Hoạt có một chú bé 12 tuổi, tên Hùng. Hùng theo ông nội “làm nghề chim” từ nhỏ, có tài huýt sáo giống tiếng chim đến lạ lùng. Nó đã lừa được hàng ngàn con chim đủ loại vào bẫy. Sau khi cắm 2.000 cái nha và mười con chim mồi trong diện tích 10m2 trên vùng cồn, bãi đã rặc (khô) nước, Hoạt ra hiệu cho Hùng huýt sáo khi một đàn tu huýt đang liệng qua đầu. Hùng đưa hai ngón tay lên làm méo cái miệng, tức thì tiếng huýt hệt như tiếng chim tu huýt phát ra, bay lên khiến cả đàn chim trời không kịp liệng thêm một vòng nữa mà thi nhau chúi đầu xuống giữa chi chít những cái bẫy. Có hơn 100 con tu huýt chân đỏ dính nhựa giãy đành đạch giữa bùn đất.
Trong sáu xóm của xã Thạch Khê xóm nào cũng có thợ đánh chim truyền thống, nhưng đông nhất là đội quân ở xóm 6 Long Giang. 80% dân xóm này chuyên nghề đánh chim. Hầu như cả làng đi đánh chim. Hễ vác nha, vác nhựa đi là có chim chở đi bán. Những đoàn người đạp xe đi hàng chục cây số đánh chim khắp các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ, ra cả các huyện của tỉnh Nghệ An mà tôi đã từng gặp đều xuất phát từ cái xóm nhỏ Long Giang này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận