27/02/2019 07:29 GMT+7

Gian nan hạn chế xe ba gác

LÊ PHAN - TIẾN LONG
LÊ PHAN - TIẾN LONG

TTO - Từ năm 2009, TP.HCM đã dừng cấp phép cho xe ba, bốn bánh thô sơ, nhưng hiện nay số lượng các loại xe thô sơ này vẫn hoạt động rất nhiều trên địa bàn TP.

Gian nan hạn chế xe ba gác - Ảnh 1.

Xe ba gác chở tôn gây tai nạn trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) làm người đi xe máy bị thương - Ảnh: LÊ PHAN

Cần tăng cường kiểm tra và xử phạt để răn đe. Hiện nay việc xử phạt còn thấp nên người dân vẫn còn không chấp hành, lén lút chế tạo và sử dụng các loại phương tiện này.

Ông ĐỖ NGỌC HẢI (trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM)

Kết quả kiểm tra xử lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh vi phạm trật tự an toàn giao thông của Công an TP.HCM từ năm 2013 đến nay Đồ họa: T.ĐẠT

Theo thống kê mới đây của UBND TP gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP, hiện trên địa bàn TP có hơn 2.100 xe cơ giới ba bánh đã đăng ký cấp biển số; hơn 30.000 xe ba, bốn bánh thô sơ tự chế không động cơ (xích lô, ba gác đạp, xe đẩy tay) và có động cơ.

Phần lớn xe có nguồn gốc Trung Quốc và xe tự chế.

Cần hỗ trợ, đền bù phù hợp

Ông Nguyễn Văn Huỳnh Mẫn chạy xe ba gác hơn 20 năm tại khu vực chợ Tân Bình (Q.Tân Bình) cho biết trước đây đại diện phường có đến nhà vận động ông nộp lại xe ba gác và hỗ trợ ông 5 triệu đồng. Tuy nhiên, do nghĩ 5 triệu đồng không đủ chuyển đổi ngành nghề nên ông không đồng ý.

Sau này ông dành dụm được ít tiền và vay mượn thêm người thân để mua chiếc xe bốn bánh thô sơ đi chở hàng thuê.

Bản thân ông biết những xe dạng sử dụng máy môtô nhưng lại đóng thùng kiểu ôtô như xe của ông khi lưu thông sẽ không đảm bảo an toàn cho chính người lái và những người tham gia giao thông khác. Xe cũng không thể nâng cấp để đưa đi đăng kiểm nên chạy hỏng đâu sửa đó, hư bán ve chai.

Thế nhưng, đối với gia đình ông, chiếc xe là cả gia tài, số tiền kiếm được từ chiếc xe này nuôi bảy miệng ăn và con cái đi học.

"Nếu TP cấm xe thô sơ lưu thông, tôi chỉ mong được hỗ trợ đủ tiền để chuyển đổi ngành nghề, chứ hỗ trợ có 5 triệu đồng không thể mua phương tiện khác, nói gì đến chuyện học lấy bằng lái ôtô hay làm vốn kinh doanh" - ông Mẫn nói.

Cũng vậy, ông Tuấn Anh chạy xe ba gác khu vực đường Tô Hiến Thành (Q.10) chia sẻ nếu muốn hạn chế và vận động người dân bỏ xe ba gác, xe ba, bốn bánh thô sơ thì phải có hướng công ăn việc làm khác cho người dân.

"Trước đây tôi cũng chạy xe ôm mà không cạnh tranh nổi với xe ôm công nghệ nên mới vay mượn mua chiếc xe ba gác chở hàng. Trong nhà tôi là lao động chính nuôi vợ và hai con ăn học nên không chạy xe thì cả nhà đói" - ông Tuấn Anh nói…

Gian nan hạn chế xe ba gác - Ảnh 3.

Kết quả kiểm tra xử lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh vi phạm trật tự an toàn giao thông của Công an TP.HCM từ năm 2013 đến nay - Đồ họa: T.ĐẠT

Khó quản lý xe thô sơ "chui"

Ông Đỗ Ngọc Hải, trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP, cho biết đối với các xe ba, bốn bánh thô sơ đã được cấp phép lưu thông trước thời điểm 2009, TP có quy định cấm lưu thông vào khu vực trung tâm.

Cụ thể, có bảy tuyến đường cấm hẳn và cho phép lưu thông theo giờ trên 41 tuyến đường.

Một số tuyến đường chính như: xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1K, quốc lộ 22, Nguyễn Văn Linh… cấm xe thô sơ chạy vào giờ cao điểm, nhưng nhiều tài xế tranh thủ "làm ăn" nên mấy ngày sau Tết Nguyên đán vừa qua họ vẫn liều chạy.

Tình trạng vi phạm của tài xế xe thô sơ cũng diễn ra thường xuyên. Trong năm 2018, Công an TP.HCM mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh, đã xử lý 764 trường hợp (742 xe cơ giới ba bánh, 22 xe thô sơ) và tạm giữ 538 xe ba, bốn bánh các loại.

Đại diện PC08 cho biết đa số người điều khiển xe cơ giới ba bánh khi bị kiểm tra, xử lý đều không có giấy phép lái xe đúng hạng như quy định (hạng A3).

Công tác kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều trở ngại do người điều khiển xe thường lưu thông trong các hẻm nhỏ, tìm cách né tránh lực lượng chức năng. Các đơn vị đều gặp khó khăn về kho bãi tạm giữ các loại xe này do kích cỡ xe tương đối lớn.

Bên cạnh đó, khi bị tạm giữ xe, người dân thường không đến trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết. Quá trình tịch thu, tiêu hủy xe phải tiến hành nhiều công đoạn dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Việc thực thi quyết định xử phạt đối với người vi phạm vẫn còn ít do phần lớn người dân sử dụng xe cơ giới ba bánh tự sản xuất, lắp ráp nên thường bỏ phương tiện, không chấp hành quyết định xử phạt.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, hiện nay việc quản lý xe ba gác, xe thô sơ ba, bốn bánh còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người dân chỉ nhìn vào sự tiện dụng của các loại xe này để sử dụng, các cơ sở chui vẫn sản xuất lén lút, rất khó cho việc quản lý của cơ quan chức năng vì các xe chui thường không có hồ sơ để giám sát.

Mặt khác, do TP có nhiều đường nhỏ, hẻm thông ngoằn ngoèo, người dân có nhu cầu vận chuyển khối lượng hàng hóa nhỏ thường sử dụng phương tiện này do giá thành thấp nên loại phương tiện này vẫn phát triển mạnh dù đã không được cấp phép.

"Một yếu tố nữa là người dân không muốn chuyển đổi ngành nghề, thích công việc tự do, rảnh thì làm, không muốn thì nghỉ. Vì vậy khi bị xử phạt, tịch thu xe, họ vẫn vay mượn để mua xe mới chạy lại" - ông Hải nói.

LÊ PHAN - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên