15/12/2017 14:45 GMT+7

Gian nan chống nạn thương binh giả

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Chuyện xảy ra ở Nghệ An. Khi cơ quan chức năng phát hiện đã cắt chế độ hàng trăm trường hợp được cho là thương binh giả.

Gian nan chống nạn thương binh giả - Ảnh 1.

Cán bộ đơn vị quân đội xác minh hồ sơ các thương binh ở huyện Quỳnh Lưu - Ảnh: SỸ ĐỨC

Ở tỉnh này có trên 330 trường hợp được cho là thương binh giả. Sau khi bị cắt chế độ thì rất nhiều trường hợp không thu hồi được tiền trợ cấp hằng tháng. Đó là chưa kể có hàng chục trường hợp bị oan sai.

Hàng loạt đối tượng bị cắt chế độ

Trong hai năm 2014 và 2016, đoàn thanh tra liên bộ gồm Bộ Lao động - thương binh & xã hội và Bộ Quốc phòng rà soát khoảng 37.000 hồ sơ thương binh ở Nghệ An. 

Qua đó phát hiện nhiều trường hợp không có tên trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại bản gốc ở đơn vị, hoặc có tên nhưng bị ghi chèn lên.

Ngoài đình chỉ trợ cấp, các chế độ ưu đãi, đoàn thanh tra còn yêu cầu địa phương thu hồi hơn 31 tỉ đồng là số tiền mà những người này được hưởng từ trước đến nay. Trung bình mỗi người nhận từ khoảng 120 triệu đến hơn 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đăng Dương, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội Nghệ An, cho hay: "Nguyên nhân để xảy ra sự việc này là do sai sót từ cơ quan quân đội lập trên cơ sở bản sao quân nhân bị thương do các sư đoàn cấp".

Ông Trần Đình Lan - phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nghệ An - cho rằng một số thông tư hướng dẫn trước đây có lúc còn chưa chặt chẽ, chỉ cần có hai đối tượng làm chứng là đủ tính pháp lý nên tạo điều kiện cho một số đối tượng làm hồ sơ thương binh giả. 

Điều đáng lưu ý, trong một số trường hợp bị đình chỉ lại có người bị oan.

Theo ông Nguyễn Đăng Dương, sau khi nhận hàng loạt đơn khiếu nại, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đến một số sư đoàn để xác minh lại. Qua đó có 59 đối tượng được khôi phục chế độ do bổ sung được tài liệu chứng thương.

Khổ bởi "vàng thau lẫn lộn"

Đưa chúng tôi xem từng tập hồ sơ và những lá đơn kêu cứu trong hành trình đi minh oan, ông Nguyễn Hữu Tâm (66 tuổi, ngụ xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc) buồn bã kể tháng 4-1979 ông bị thương ở Campuchia, phải nằm viện hơn ba tháng. 

Năm 2005, ông trở về địa phương làm hồ sơ thương binh dựa trên danh sách quân nhân bị thương lưu tại đơn vị. Sau khi giám định, ông Tâm được xác định tỉ lệ thương tật 35%, thương binh hạng 4/4.

"Tháng 9-2016, tôi bỗng dưng bị thông báo đình chỉ mọi chế độ thương binh, buộc phải nộp lại hơn 100 triệu đồng mà tôi hưởng từ nhiều năm qua. Họ nói đoàn thanh tra không thấy tên tôi trong danh sách lưu tại đơn vị" - ông Tâm bức xúc kể.

Theo ông Tâm, lý do ông bị đình chỉ là bản gốc quân nhân bị thương chỉ có tên Nguyễn Hữu Tân chứ không có tên Tâm.

Suốt nhiều tháng trời, ông Tâm phải lên xã, lên huyện rồi ra đơn vị đóng ở Thanh Hóa để xác minh. Thực chất là hồ sơ ông Tâm chỉ nhầm lẫn giữa "Tâm - Tân". Sau 10 tháng, ông Tâm mới được minh oan, không còn bị coi là thương binh giả. 

"Họ đột ngột đình chỉ hết chế độ của tôi rồi phục hồi mà chẳng ai đưa ra một lời xin lỗi" - ông Tâm nói.

Không may mắn như ông Tâm, ông Hồ Đức Xuân (61 tuổi, ngụ xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu) đến lúc qua đời vẫn chưa kịp cầm quyết định phục hồi chế độ của mình. Ông Xuân bị thương nặng trong một trận chiến đấu ở Xuân Lộc vào tháng 4-1975.

Bà Phạm Thị Phương (59 tuổi, vợ ông Xuân) cho biết đầu tháng 9-2016, gia đình lên xã nhận tiền trợ cấp hằng tháng gần 1,5 triệu đồng thì bỗng nhận được quyết định đình chỉ với lý do ông Xuân không có tên lưu tại danh sách quân nhân bị thương ở đơn vị.

"Sau hơn 10 năm hưởng chế độ thương binh thì chồng tôi lại bị cắt chế độ đột ngột, mang tiếng với mọi người là thương binh giả. Gia đình tôi rất sốc. 

Cuối tháng 6-2016, chồng tôi qua đời. Hai hôm sau mới có quyết định phục hồi ở trên đưa xuống. Tới khi chết, ông ấy vẫn chưa biết mình được minh oan" - bà Phương nói, mắt đỏ hoe.

Nghiêm trị kẻ gian, xin lỗi người oan

Theo luật sư Vũ Văn Đồng - trưởng Văn phòng luật sư miền Trung, Hà Nội (Đoàn luật sư Hà Nội), khi cơ quan quản lý nhà nước phát hiện việc giả mạo hoặc khai man giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công thì ngoài việc bị đình chỉ chế độ, người sai phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Riêng những người cho rằng mình bị đình chỉ oan phải bổ sung giấy tờ hợp lệ để hoàn thiện hồ sơ. 

"Nếu được xác nhận là thương binh thật, tất nhiên phải phục hồi toàn bộ chế độ trong thời gian bị tạm dừng. Trong trường hợp bị công khai họ tên thương binh giả, cơ quan chức năng cần phải đính chính, xin lỗi để đảm bảo danh dự cho người bị oan sai" - luật sư Đồng nói.

Khó thu hồi tiền

"Số tiền cấp sai rất khó truy thu do phần lớn các đối tượng đã già yếu, hoàn cảnh khó khăn hoặc qua đời. Hiện nay vẫn chưa có chế tài để xử lý những trường hợp không giao nộp lại tiền" - ông Dương nói.

Để giải quyết vấn đề này, phía Sở Lao động - thương binh & xã hội Nghệ An có công văn hướng dẫn các địa phương rà soát, phân loại các đối tượng cần thu hồi tiền theo các mức: đối tượng có điều kiện và có khả năng thì truy thu, đối tượng đã qua đời, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc thuộc diện hộ nghèo thì thôi.

Đến nay, có 201 đối tượng phải thu hồi tiền, tổng cộng hơn 22 tỉ đồng. Còn lại là người có hoàn cảnh khó khăn hoặc đã chết, mắc bệnh hiểm nghèo, di chuyển khỏi nơi cư trú nên không có khả năng truy thu.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên