Theo kế hoạch, đến năm 2020, hơn 90% số xã trên cả nước sẽ có đội ngũ nông dân nòng cốt hiểu biết và ứng dụng hiệu quả về quản lý dịch hại tổng hợp; giảm trên 50% lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh đối với cây lúa, rau và cây công nghiệp dài ngày.
Cụ thể, đối với cây lúa, nêu rõ: có 80% diện tích ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp đầy đủ; giảm trên 50% lượng thuốc trừ sâu bệnh, lượng phát thải nhà kính giảm trên 20% và tăng hiệu quả sản xuất trên 10%.
Đối với cây rau, 70% diện tích ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp đầy đủ; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 50% và tăng hiệu quả sản xuất trên 30%.
Đối với cây công nghiệp dài ngày có trên 85% diện tích ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp đầy đủ; lượng thuộc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 50% và tăng hiệu quả sản xuất trên 15%.
Riêng cây ngô, màu có 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp; giảm 30% lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh và tăng hiệu quả sản xuất trên 50%.
Đối với cây ăn quả, lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 30% và tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.
Để thực hiện theo đúng kế hoạch trên, Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng về nguy cơ do hóa chất bảo vệ thực vật gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường.
Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng quy trình áp dụng các nguyên tắc ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp cho từng cây trồng, bao gồm các biện pháp: chọn giống, làm đất, thời vụ, bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận