22/11/2010 07:50 GMT+7

Giảm lãi suất để kềm giá

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN

TT - Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát nhưng giá vẫn tăng. Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2010 ở mức hai con số. Do vậy, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần phải điều chỉnh chính sách, giúp giảm lãi suất để góp phần kiểm soát giá tốt hơn.

V3HQLtTF.jpgPhóng to
Giá gạo xuất khẩu tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng - Ảnh: N.C.T.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết:

- Tháng 11 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại TP.HCM là 1,73%, còn tại Hà Nội là 1,93%, ước cả nước vào khoảng 1,8%. Như vậy chỉ số CPI 11 tháng đã lên đến 9,4% và dự tính cả năm CPI sẽ ở mức hai con số.

Trong năm 2010, giá tăng có nguyên nhân do chi phí giáo dục tăng, giá lương thực thế giới tăng kéo giá lương thực trong nước tăng 16%. Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới tăng cũng làm nhóm chi phí giao thông vận chuyển tăng.

Nhìn chung, giá tăng là do chi phí tăng chứ không phải do tiền được bơm ra quá nhiều. Thực tế Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và bảo vệ sức mua của VND. Không chỉ thắt chặt tiền tệ, trong năm 2010 Chính phủ còn ổn định giá xăng dầu thông qua quỹ bình ổn giá, kềm giá điện và than. Một số địa phương vẫn còn hỗ trợ quỹ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của người dân.

* Vậy đâu là nguyên nhân chính đẩy giá tăng?

- Nền kinh tế VN hiện có độ mở rất lớn, lên đến 140-150%. Độ mở của nền kinh tế được đánh giá thông qua hoạt động xuất nhập khẩu trên tổng sản phẩm quốc nội. Kim ngạch xuất nhập khẩu của VN những năm gần đây khoảng 130-140 tỉ USD, trong khi GDP chỉ trên dưới 100 tỉ USD.

Với độ mở lớn như vậy, yếu tố giá trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá hàng hóa trên thế giới. Năm 2010 kinh tế thế giới phục hồi, giá nguyên vật liệu tăng làm giá trong nước tăng theo. Năm 2009 do suy thoái kinh tế, giá dầu thô chỉ có 60 USD/thùng, nay trên 80 USD/thùng. Giá gạo trên thế giới tăng kéo giá thu mua lúa, gạo trong nước tăng...

Với nền kinh tế có độ mở lớn, VN phải chấp nhận lạm phát ở mức độ hợp lý, đồng thời phải có cơ chế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh thay vì tiếp tục thắt chặt tiền tệ như thời gian qua. Chúng ta cần tăng năng lực sản xuất trong nước để có thêm nhiều hàng hóa, nếu không tới đây sẽ phải nhập nhiều hàng hóa, nhập siêu tăng, gây áp lực lên tỉ giá.

akj8aCpp.jpgPhóng to
Tại TP.HCM trong tháng 11-2010, giá lương thực, thực phẩm tăng khá đẩy CPI tăng 1,73%. Trong ảnh: mua bán rau củ quả ở chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

* Có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận sống chung với lạm phát và tìm cách giảm áp lực của nó lên đời sống người dân?

- Như trên đã phân tích, giá vẫn tăng dù đã thắt chặt tiền tệ. Việc này khiến doanh nghiệp phải chịu lãi suất vay rất cao, họ không muốn đầu tư nữa. Doanh nghiệp có tiền đem gửi ngân hàng hơn là sản xuất kinh doanh, về lâu dài có thể dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, không tạo ra được nhiều công ăn việc làm.

Vì vậy cần điều chỉnh chính sách, nới lỏng tiền tệ có định hướng, thực chất là giúp giảm lãi suất vay vốn, điều mà từ nhiều tháng qua vẫn chưa làm được. Nếu được vay vốn với lãi suất thấp, doanh nghiệp sẽ bung ra làm ăn, có thêm hàng hóa, cạnh tranh, giá cả sẽ bớt nóng. Cần lưu ý lãi suất tại VN hiện rất cao. Giả sử lạm phát cả năm 2010 là 10% thì lãi suất huy động hiện lên đến 12-13% là vẫn rất cao.

Mới đây, chúng ta tăng lãi suất cơ bản nhưng giá vẫn tăng. Kéo theo đó là lãi suất vay cũng tăng, càng làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Sẽ phức tạp hơn nếu doanh nghiệp vì ngại lãi suất cao mà không dám đầu tư. Ngoài ra, cũng cần có thêm gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này là cần thiết vì các nước sau gói kích thích thứ nhất đã tung ra gói thứ hai để giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Còn tại VN, chúng ta vẫn chưa có thêm gói kích thích thứ hai sau gói hỗ trợ lãi suất.

* Nhưng vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã bơm thêm tiền mà lãi suất đâu có giảm?

- Cần lưu ý rằng việc bơm tiền này được thực hiện trong điều kiện thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, cũng phải tính toán lại cách bơm tiền, nếu không thì có bơm tiền lãi suất vẫn cao. Thời gian qua,

Ngân hàng Nhà nước bơm tiền cho các ngân hàng nhưng chỉ một số ngân hàng đủ điều kiện tiếp cận được số vốn rẻ này. Các ngân hàng này đem cho những ngân hàng khác vay lại hưởng chênh lệch. Vốn rẻ trở thành không rẻ và đến tay doanh nghiệp vẫn cao. Cần có cơ chế đặc thù cho phép Ngân hàng Nhà nước bơm vốn rẻ đến một số ngân hàng cần vốn, từ đó vốn đến thẳng doanh nghiệp.

Vd8I8nKw.jpgPhóng to
Ảnh: T.Đ.

"Việc siết lại chi tiêu công trong năm 2011 là cơ hội để nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh"

* Lạm phát có xu hướng tăng, nay lại nới lỏng tiền tệ liệu có đổ dầu vào lửa?

- Nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh nhưng vế bên kia là phải thực hiện chính sách tài chính nghiêm ngặt. Phải thắt chặt chi tiêu công. Lạm phát cao hiện nay một phần do chi tiêu công cao và không hiệu quả. Năm tới, với Luật ngân sách mới, bội chi ngân sách chỉ là 5,3% thay vì khoảng 6% như năm 2010.

Cũng phải xử lý vấn đề đầu cơ hàng hóa và tăng giá không hợp lý. Nếu giải quyết được bài toán lãi suất thì chi phí trả lãi vay ngân hàng của doanh nghiệp giảm. Cuối cùng là giải bài toán tỉ giá. Chính phủ phải can thiệp mạnh vào thị trường ngoại tệ để đưa tỉ giá ổn định, góp phần đưa giá cả được kiểm soát tốt hơn.

Giải được bài toán lãi suất, tỉ giá sẽ giúp ổn định tâm lý của người dân, bớt những cú sốc do chạy đua lãi suất, tăng tỉ giá..., tạo niềm tin trong dân, góp phần ổn định giá cả trong nước. Nền kinh tế nước ta bị đôla hóa rất cao, vì vậy giá USD tăng là nguyên nhân chính làm CPI tăng cao trong năm 2008 và 2010. Do đó để lạm phát được kiểm soát tốt, thời gian tới cần có đề án giảm tình trạng đôla hóa ở VN.

* Có ý kiến cho rằng so với vàng thì VND vẫn giảm sức mua?

- Vàng không phải là thước đo duy nhất sức mua của VND. Giá vàng tăng do giá thế giới, mình phải chấp nhận nhưng giá phải biến động phù hợp với quy luật chung của giá vàng thế giới.

Thời gian qua chúng ta điều hành thị trường chưa tốt, tạo ra những cơn sốt giá vàng và USD, từ đó tác động xấu lên giá các loại hàng hóa khác. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước và các bộ cần phối hợp, đồng thuận giải quyết dứt dạt câu chuyện về vàng, tỉ giá vì thời gian qua người dân nhấp nhổm chủ yếu là do mức tăng trong nước không bình thường so với thế giới.

* Ông NGUYỄN TIẾN THỎA (cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Công thương):

Sớm quy hoạch hệ thống phân phối

Có khá nhiều nhân tố tác động gây sức ép đẩy mặt bằng giá tăng từ đây đến cuối năm.

Trong đó, nền kinh tế thế giới được đánh giá có khả năng phục hồi khá nên nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ tăng, đẩy giá tăng ở mức độ nhất định. Do vậy cần hết sức chú ý đối với những diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới có thể tác động đến thị trường trong nước như chính sách nới lỏng tiền tệ của một số nước lớn để giúp phục hồi nền kinh tế, biến động của giá vàng, giá xăng dầu và giá của các đồng tiền chủ chốt.

Sản xuất trong nước đã đạt mức tăng trưởng vượt dự báo nhưng còn gặp nhiều khó khăn về vốn, điện. Thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trên cây trồng ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và tác động làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Đặc biệt, thông thường vào cuối năm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ phục vụ lễ hội, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, tăng.

Để quản lý giá trong tháng còn lại của năm, quan trọng là tập trung vào xử lý những biện pháp từ gốc của việc bình ổn giá như áp dụng ngay các biện pháp tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp khai thác, đẩy mạnh năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu; tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.

Giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô. Bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ giữa các vùng miền trong cả nước. Cần hoàn thành và công bố trong quý 4-2010 quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối các sản phẩm chủ yếu: xăng dầu, phân bón, thép xây dựng, ximăng, lương thực, thuốc chữa bệnh. Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Hỗ trợ vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu chiếm thị phần lớn, dự trữ hàng hóa.

* Ông NGUYỄN ĐỨC TRÍ (phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM):

CPI cao do lương thực, thực phẩm

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11-2010 của TP.HCM tăng mạnh rơi vào nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Trong đó hai mặt hàng lương thực và thực phẩm đều tăng mạnh so với tháng trước. Tại TP.HCM, dù lượng gạo về khá nhưng giá bán buôn các loại gạo, nếp đều tăng so với tháng trước, giá tăng trong khi nhu cầu thu mua gạo để xuất khẩu vẫn ở mức cao.

Tương tự, giá các mặt hàng gia súc, thịt chế biến, trứng, dầu ăn, thủy hải sản... đều tăng, tác động đến bữa cơm của người dân.

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên