23/06/2005 04:00 GMT+7

Giám đốc công ty điện lực TP.HCM Lê Minh Hoàng: Linkton đã gian lận, chúng tôi bị lừa!

THU AN - PHÚC HUY - ĐẶNG ĐẠI
THU AN - PHÚC HUY - ĐẶNG ĐẠI

TT - Sau nhiều lần hẹn, sáng 22-6, giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM Lê Minh Hoàng đã đồng ý trả lời phỏng vấn của PV Tuổi Trẻ xung quanh vụ “Điện kế điện tử Singapore... ra lò tại Phú Nhuận”.

x98mfYvy.jpgPhóng to
Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM Lê Minh Hoàng
TT - Sau nhiều lần hẹn, sáng 22-6, giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM Lê Minh Hoàng đã đồng ý trả lời phỏng vấn của PV Tuổi Trẻ xung quanh vụ “Điện kế điện tử Singapore... ra lò tại Phú Nhuận”.

Chúng tôi đã... bị lừa !

* Thưa ông, chúng tôi xin vào thẳng vấn đề, 260.000 điện kế điện tử (ĐKĐT) đã được lắp đặt trên lưới có xuất xứ từ đâu?

- Công ty Điện lực (CTĐL) TP.HCM đã ký hợp đồng mua ĐKĐT loại 1 pha do Công ty Linkton Singapore sản xuất, đồng thời Linkton Singapore cũng trúng thầu cung cấp ĐKĐT 3 pha nhiều giá do Công ty EDMI Singapore sản xuất. Công ty Linkton Singapore được chọn qua đấu thầu quốc tế.

Với ĐKĐT 1 pha thì Điện lực TP ký hợp đồng mua hàng theo phương thức “giao hàng đến kho người mua”. Nội dung hợp đồng qui định: nhà sản xuất là Linkton Singapore; xuất xứ hàng hóa: Singapore; nơi sản xuất: Singapore. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Linkton đã cung cấp chứng nhận xuất xứ do Phòng Thương mại quốc tế Singapore cấp, xác nhận “ĐKĐT 1 pha loại LTE 66 có xuất xứ từ Singapore”.

* Thế nhưng trên thực tế thì hoàn toàn khác: ĐKĐT “made in Singapore” lại được lắp ráp tại 43E-F Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM(!).

- Ngay khi có thông tin trên báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã yêu cầu phía nhà thầu Linkton giải thích về việc này.

Họ giải thích: “... Vì chúng tôi có máy móc và dây chuyền sản xuất tại VN nên chúng tôi nghĩ sẽ đều giống nhau khi chúng tôi làm ĐKĐT tại VN hay Singapore. Chúng tôi thực hiện việc thử nghiệm và lắp ráp tại Hồ Văn Huê trong thời gian nhà máy chúng tôi đang xây dựng...”.

Họ cho rằng “chỉ đóng gói và thử nghiệm cuối cùng tại VN” và thừa nhận: toàn bộ vật tư đều được nhập khẩu vào VN. Dù họ có chống chế như thế nào thì cũng đã rõ: ĐKĐT đã không được sản xuất tại Singapore như hợp đồng ban đầu.

Chúng tôi nhìn nhận rằng những thông tin mà báo Tuổi Trẻ nêu lên là chính xác và khẳng định: nhà thầu Linkton Singapore đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng đã ký với CTĐL TP.HCM.

* Hình thức sai phạm đó, theo ông, định danh là gì?

- Gian lận thương mại.

* Nhưng rất ngạc nhiên là chính Trung tâm thí nghiệm điện của CTĐL TP.HCM - đơn vị có vai trò chứng nhận tính pháp lý và kỹ thuật đối với ĐKĐT - lại chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Singapore?

- Thật ra CTĐL TP.HCM nhận hàng tại kho của người mua. Vì thế ở đây có sơ suất của Trung tâm thí nghiệm điện...

* Rất khó hình dung là một trung tâm có chức năng kiểm định chất lượng lại có thể có sai sót trong việc xác minh nguồn gốc sản phẩm khi mà mỗi lô hàng đều có hồ sơ?

- Đều có hồ sơ. Và hồ sơ đó do Linkton Singapore cung cấp...

* Nghĩa là một thời gian dài CTĐL TP.HCM vẫn không tìm hiểu về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa? Tại sao Trung tâm thí nghiệm điện trong trường hợp này lại quá dễ dãi trong kiểm định?

- Không, không có! Bất cứ lô hàng nào cũng phải qua kiểm tra. Theo qui trình, Trung tâm thí nghiệm điện phải kiểm tra chất lượng từng ĐKĐT. Thật ra trung tâm chỉ có chức năng kiểm định kỹ thuật xem ĐKĐT có chính xác không, đủ chuẩn chất lượng chưa, chứ trung tâm không có chức năng kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Chúng tôi đã bị lừa! Chúng tôi cũng đang yêu cầu các phòng ban xem xét vì sao mình bị đánh lừa như vậy. Chúng tôi ký hợp đồng cung cấp nguyên chiếc với Linkton Singapore nhưng họ lại nhập linh kiện dạng CKD và lắp ráp tại VN. Như vậy là gian dối...

*Ông có nói là chưa tìm hiểu kỹ về đơn vị trúng thầu này?

- Cũng chưa rõ lắm. Thông qua đấu thầu, giới thiệu chúng tôi mới biết... (Trên thực tế, vài năm trước đó Linkton Singapore là đơn vị đã cung cấp nhiều thiết bị liên quan đến ngành điện cho CTĐL TP.HCM - PV).

* Thưa ông, có bao nhiêu đơn vị đã tham gia đấu thầu để cung cấp ĐKĐT? Dựa trên những tiêu chí nào mà CTĐL TP.HCM lại chọn Linkton Singapore?

- Tôi không nhớ rõ lắm, có khoảng 3-4 đơn vị gì đó... Tôi sẽ cho các bạn xem hồ sơ đấu thầu và các tiêu chí để chọn đơn vị trúng thầu. (Tuy nhiên sau đó ông Hoàng cho biết hồ sơ đã cung cấp cho cơ quan chức năng nên không xem được).

*Khi chọn Linkton Singapore, CTĐL TP.HCM có biết công ty này không có nhà máy sản xuất tại Singapore?

- Chúng tôi không biết, chúng tôi tin tưởng vào các giấy chứng nhận do phía Công ty Linkton cung cấp.

* Và liên doanh Linkton Vina không có chức năng nhập khẩu ĐKĐT nguyên chiếc?

- Chúng tôi ký hợp đồng với Linkton Singapore nên không biết hoạt động của Linkton Vina.

* Ông thừa nhận Công ty Linkton Singapore gian lận thương mại trong cung ứng ĐKĐT 1 pha. Vậy ông có yên tâm với các ĐKĐT 3 pha cũng do công ty này trúng thầu cung ứng cho CTĐLTP?

- Chúng tôi thấy cũng cần kiểm tra, xem xét lại đối với ĐKĐT 3 pha.

4kFWuGj8.jpgPhóng to
Mô hình Nhà máy Linkton Vina ở Khu công nghiệp Cát Lái (TP.HCM) được quảng cáo trên một trang web. Họ có vẻ khá công khai về mình, vậy mà ông Hoàng nói rằng chưa tìm hiểu kỹ về công ty này, không biết họ lắp ráp ĐKĐT Linkton ở VN...
Có không việc lợi dụng ảnh hưởng để “kinh doanh lợi ích”?

* Cá nhân ông thấy sao khi một phó giám đốc công ty - ông Lê Văn Hoành - là tổ trưởng tổ xét thầu cho một công ty (chưa đủ điều kiện dự thầu và được trúng thầu) thuê nhà của mình để sản xuất, lắp ráp sản phẩm không đúng qui cách, trái với hợp đồng trúng thầu?

- Thật ra cho tới giờ này, chúng tôi - qua Tuổi Trẻ - mới phát hiện là Linkton Singapore có gian lận thương mại, có tiêu cực. Chứ nếu từ đầu mà đã biết họ không đủ điều kiện (không sản xuất ĐKĐT tại Singapore) thì đã không cho dự thầu. Còn việc của anh Hoành mà có cho thuê nhà thuê cửa thì chúng tôi đề nghị anh Hoành có giải trình với công ty và với tổng công ty.

* Hiện nay ông Hoành đã giải trình chưa?

- Sáng nay (22-6), tôi có nói với anh Hoành là chuẩn bị giải trình. Tuy nhiên anh Hoành thuộc tổng công ty quản lý nên việc giải trình sẽ do tổng công ty đề nghị.

* Thưa ông, ông có cho rằng việc làm trên của ông Hoành là bình thường?

- Thật sự chuyện anh Hoành cho thuê hay không tôi cũng chưa rõ nhưng tôi sẽ tìm hiểu ai thuê, ai cho thuê, thuê để làm gì... Nhưng nếu có cán bộ trong công ty có mối quan hệ trong vấn đề này thì theo tôi là chuyện đáng buồn và đáng trách.

* Chúng tôi được biết năm 2003 công ty bắt đầu thí điểm gắn 120 ĐKĐT tại Điện lực Phú Thọ, chất lượng đo đếm đạt chuẩn chính xác. Tuy nhiên sau khi gắn điện kế đại trà đợt này thì chất lượng điện kế sau này có vấn đề so với lô hàng thử nghiệm. Có phải có sự khác biệt về chất lượng?

- Lúc gắn thí điểm, công ty đã trực tiếp đi mua 120 điện kế từ Singapore. Quá trình theo dõi cho thấy chất lượng ĐKĐT đảm bảo chính xác, phòng kinh doanh báo tốt nên mới cho triển khai đại trà.

* Thưa ông, CTĐL 3 cho biết họ đã sản xuất được ĐKĐT theo công nghệ của Hãng Analog (Mỹ) và được Tổng cục Đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận với độ tin cậy khá cao nhưng giá bán chỉ 10-12 USD/điện kế. Vậy vì sao giá của Linkton cao gấp ba lần lại được CTĐL TP.HCM chọn mua?

- Quá trình đấu thầu được thông báo rộng rãi, không hạn chế đơn vị tham gia. Tôi chưa biết CTĐL3 có sản xuất được ĐKĐT hay chưa, giá cả ra sao, chất lượng như thế nào nhưng khi chúng tôi mời thầu không thấy đơn vị này tham gia.

* Có dư luận hiện nay cho rằng những công ty trúng thầu cung cấp điện kế và những thiết bị ngành điện phần nhiều đều là người thân của các lãnh đạo CTĐL TP. Chẳng hạn như Công ty Quán Quân, Công ty Quang Trung cung cấp cầu dao điện, bản nhựa nắp chụp, CB... Có phải đó là một kiểu kinh doanh quan hệ để đặc quyền đặc lợi?

- Nói chung mỗi năm ngành điện cần rất nhiều thiết bị và đây là một phần nhỏ trong các thiết bị hằng năm mà công ty mời thầu, chưa phải tất cả đâu. Nếu thật sự như báo chí đặt vấn đề thì chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét lại. Thật ra vấn đề không phải là đặc quyền đặc lợi hay không mà phải tuân thủ các qui chế đấu thầu và nghiêm túc thực hiện theo pháp lệnh công chức. Còn thực tế thì ở đâu cũng có thể xảy ra chuyện này chứ không chỉ ở ngành điện TP.HCM.

Điện kế điện tử đang là cái cân đo đếm niềm tin của khách hàng

* Những sai số của nhiều ĐKĐT qua kiểm tra đều vượt mức cho phép (qui định là cộng - trừ 1%) và thống kê cho thấy chỉ toàn là sai số cộng, nghĩa là có lợi cho ngành điện. Thậm chí có trường hợp sai số tới trên 24% điện năng tiêu thụ. Tại sao như vậy, thưa ông?

- Thông tin chúng tôi có được đến thời điểm này là sai số trên đều trong giới hạn cho phép. Còn sai số cá biệt tới mức trên 22%-24% thật ra là do sai sót trong cách đo đếm do cách thao tác chưa đúng của nhân viên điện lực, chứ không thể có sai số như vậy.

* Từ năng lực của đơn vị cung cấp, nguồn gốc hàng hóa, cách thức lắp ráp cho tới độ tin cậy của đơn vị kiểm định... đã có hàng loạt vi phạm. Như vậy, có thể nói tất cả 260.000 ĐKĐT trên lưới đều khó đảm bảo chất lượng. Vấn đề người dân đặt ra là ngành điện cần phải cho thu hồi toàn bộ 260.000 ĐKĐT trên để giám định lại chất lượng.

- Thật ra điện kế là tài sản của ngành điện, người dân không phải bỏ tiền mua. Nếu có sai sót trong đo đếm thì ngành điện sẽ bồi hoàn tiền điện cho người dân. Còn sai sót về chất lượng thì sẽ xác định bằng cách kiểm tra xác suất, tức chọn ngẫu nhiên một số cái để kiểm tra. Hải quan họ cũng làm như thế.

* Nhưng không thể chấp nhận kiểm tra xác suất bởi 260.000 ĐKĐT đó là sản phẩm của một qui trình có nhiều sai phạm, gian lận ngay từ đầu? Khách hàng yêu cầu phải thu hồi toàn bộ 260.000 ĐKĐT này?

- Việc quyết định hình thức giám định như thế nào, toàn bộ hay ngẫu nhiên là do Tổng cục Đo lường chất lượng. Chúng tôi chờ quyết định của họ.

* Thưa ông, mọi việc đã khá rõ. Ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của CTĐL TP.HCM và của cá nhân ông với tư cách là lãnh đạo công ty và là chủ đầu tư?

- Thật ra không phải đẩy trách nhiệm, nhưng chúng tôi chờ kết luận của cơ quan chức năng mới tiến hành các bước kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ liên quan. Phần tôi cũng có trách nhiệm là đã giám sát cán bộ không sát sao để xảy ra sự việc như trên. Tôi cũng nhận khuyết điểm đó về phần mình. Chúng tôi nghĩ làm rõ trách nhiệm sẽ là cách hành xử công bằng nhất với khách hàng của mình.

Tính chính xác của điện kế sẽ là cái cân đo đếm niềm tin của khách hàng với ngành điện, thể hiện sự công bằng trong văn hóa kinh doanh.

* Cảm ơn ông.

THU AN - PHÚC HUY - ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên