Chỉ một thời gian ngắn nữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, một trong số những bệnh viện lâu đời nhất ở Việt Nam, sẽ kỷ niệm 120 năm thành lập.

Là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, mỗi năm Việt Đức thực hiện trên 70.000 ca phẫu thuật, là cơ sở y tế hàng đầu về ghép tạng, mổ tim, phẫu thuật nội soi... tại Việt Nam.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, cùng với khó khăn chung của ngành y tế, Việt Đức cũng đang gặp những khó khăn như thiếu vật tư, dịch vụ chăm sóc người bệnh chưa được như mong đợi... Giám đốc bệnh viện đương nhiệm, TS Dương Đức Hùng chia sẻ:

"Có người cũng nói là bệnh viện chúng tôi mạnh ở ghép tạng, mổ tim..., đúng ra chúng tôi mạnh ở nhiều lĩnh vực của ngoại khoa, như phẫu thuật tiêu hóa, phẫu thuật tiết niệu, rồi ghép tạng...

Có thể nói bác sĩ Việt Đức rất giỏi nghề. Về bản chất, hiện bệnh viện chúng tôi đang duy trì những mặt mạnh đã có và hơn nữa là nhìn ra các nước xung quanh để phấn đấu".

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói về mong muốn  “ghi tên trên bản đồ kỹ thuật” - Ảnh 1.

TS Dương Đức Hùng tại cuộc giao ban thường kỳ của bệnh viện - Ảnh: BVCC

* Đúng là bệnh viện các ông mạnh về nhiều mặt, nhưng có một điểm mà nhiều thế hệ lãnh đạo bệnh viện vẫn thấy còn tồn tại là chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh. Ông thấy thế nào về điểm này?

- Việt Đức là một trong số cơ sở y tế thực hiện nhiều ca ghép tạng và mạnh ở kỹ thuật này. Các bác sĩ ghép tạng của chúng tôi trước đây đều học ở nước ngoài. Nhưng nay thì có những kỹ thuật bác sĩ nước ngoài lại sang học ở Việt Đức. Trung tâm phẫu thuật tạo hình và hàm mặt thì đã có nhiều bác sĩ Úc, Anh, Singapore sang học.

Chúng tôi cũng nghiên cứu cải tiến quy trình để giảm thời gian ca ghép gan xuống còn 4 giờ, thời gian từ khi bắt đầu ghép cho đến khi tái tưới máu là 20 phút, trong khi trước đây có những ca ghép kéo dài tới 16 giờ. Chúng tôi có nhiều kỹ thuật đã cải tiến như vậy.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói về mong muốn  “ghi tên trên bản đồ kỹ thuật” - Ảnh 2.

Nhưng có một điểm là chất lượng dịch vụ chưa thực sự như mong đợi, không phải chúng tôi không biết nhưng đó là điểm bị "bó" vì định mức đầu tư. Bảo hiểm y tế có mức chi trả cho giường nằm ghép, tức là chính sách mặc định cho phép nằm ghép.

Bộ Y tế xét trên các tiêu chí cơ sở vật chất, nhân lực cho bệnh viện chúng tôi 1.500 giường kế hoạch, chúng tôi có quyền từ chối khi bệnh viện đã "full", nhưng y tế thì không thể từ chối người bệnh.

Vì thế có những thời điểm chúng tôi phải chấp nhận quá tải. Nếu chúng tôi được giao thêm mặt bằng, thêm giường kế hoạch thì cơ sở vật chất sẽ tốt hơn.

Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi đã làm việc với bên thiết kế và làm các thủ tục để xây dựng khoa quốc tế để đẩy mạnh về dịch vụ chăm sóc. Bác sĩ giỏi rồi, nay bổ sung thêm phần chăm sóc hậu phẫu. Tại đó có thể huy động thêm nguồn lực hợp pháp từ xã hội để phòng ốc, cơ sở vật chất tốt hơn, người bệnh thay vì phải đi nước ngoài thì chọn ở lại bệnh viện trong nước.

Chúng tôi biết ghép đôi bệnh nhân vào một giường là khó cho người bệnh, người bệnh không chỉ cần mỗi người một giường riêng mà còn là giường đẹp, đông ấm hè mát. Gần đây giá dịch vụ y tế có điều chỉnh theo lương mới, khoản chi từ bảo hiểm y tế cho dịch vụ cũng đã tăng và đây là cơ sở để nâng chất lượng dịch vụ.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói về mong muốn  “ghi tên trên bản đồ kỹ thuật” - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (bên phải) và ông Dương Đức Hùng - Ảnh: BVCC

* Hơn 10 năm nay Chính phủ đã đầu tư Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 vì nhiều lý do mà bệnh viện chậm tiến độ, nhưng có thể năm tới các ông sẽ được nhận thêm cơ sở mới. Các ông đã chuẩn bị cho việc này chưa?

- Bản chất của cơ sở mới là để giảm tải cho cơ sở hiện nay, vì thế kỹ thuật nào đang quá tải ở đây thì triển khai tại cơ sở 2.

Hiện nay dù chưa nhận được bệnh viện mới nhưng chúng tôi đang chuẩn bị về cơ chế hoạt động, ví dụ như mối quan hệ giữa cơ sở 1 và cơ sở 2, khi bệnh nhân vào cơ sở 1 thì bảo hiểm y tế Hà Nội nhưng nếu chuyển về cơ sở 2 thì lại là bảo hiểm y tế Hà Nam chi trả, vậy thì có phải chuyển tuyến lần nữa không?

Thứ nữa là nhân lực, nhân lực y tế là nhóm cần thời gian đào tạo dài, kỹ càng, không thể mở bệnh viện ra là tuyển mới ngay mà chúng tôi đã tuyển dụng từ 6 năm trước để đào tạo, giờ mở bệnh viện mới là có ngay để đáp ứng nhu cầu. Đó sẽ là bộ khung đầu tiên.

Giai đoạn đầu sẽ có 500 y bác sĩ, kỹ thuật viên... được cử về cơ sở 2, về lâu dài sẽ bổ sung thêm. Tôi và các phó giám đốc bệnh viện những ngày qua cũng đã đi làm việc với các cơ sở đào tạo, Việt Đức cũng có trường cao đẳng y tế trực thuộc, chúng tôi sẽ tuyển dụng cả từ những trường này.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói về mong muốn  “ghi tên trên bản đồ kỹ thuật” - Ảnh 4.

Ông Hùng và bác sĩ Việt Đức thăm bệnh nhân hậu phẫu - Ảnh: BVCC

* Trước đây ông phụ trách C8 Viện Tim mạch quốc gia và đã khởi động "khoa không kháng sinh" nhằm giảm thiểu kháng sinh tại khu vực phẫu thuật ông phụ trách. Hiện nay phạm vi của ông rộng hơn, ông có nghĩ sẽ làm lại chương trình này tại Việt Đức?

- Đó là điều tôi chắc chắn sẽ triển khai vì "lợi đơn lợi kép". Thực tế cái gì có lợi cho người bệnh là nên làm. Với cơ sở hạ tầng hiện tại, chúng tôi sẽ đầu tư lại khu vực cấp thoát nước trị giá 26 tỉ đồng trong năm tới, đồng thời siết lại quy trình phòng mổ, những cái gì không ổn phải mạnh dạn bỏ đi.

Như hiện nay có quy định phải dán bảng hướng dẫn rửa tay tại khu vực vòi nước, nhưng trong phòng mổ thì càng ít thứ càng tốt, vì vậy người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi áp dụng quy định tại khu vực mình phụ trách, phải mạnh dạn cải cách.

Ví dụ như có những mục có thể làm tăng chi phí, như mua xà phòng tiệt khuẩn thì chọn loại nào tốt, có thể chi phí đội lên nhưng sẽ giảm chi phí kháng sinh cho người bệnh.

* Ông đang lãnh đạo một bệnh viện trong quá khứ toàn những cái tên như bác sĩ Tôn Thất Tùng và con trai là bác sĩ Tôn Thất Bách, rồi các thế hệ trước ông đều là phẫu thuật viên tài hoa, thầy của nhiều người thầy thuốc. Ông có lo ngại là sẽ bị so sánh và cho là "do ông may"?

- Đúng là Việt Đức có nhiều cái để tự hào, bởi bác sĩ của bệnh viện là GS Tôn Thất Tùng có kỹ thuật được ghi trong y văn thế giới. Đó là điều đáng tự hào. Các thế hệ trước của tôi đều đã thấm nhuần được truyền thống bệnh viện và làm được những điều khiến cái tên Việt Đức thêm rạng rỡ.

Ở giai đoạn hiện nay, đúng là chúng tôi may mắn được trao truyền truyền thống này, và các bác sĩ Việt Đức hôm nay mới tiếp tục "cắm cờ" trên bản đồ y khoa, khi ghi danh Việt Đức vào nhóm ít ỏi cơ sở y tế trên thế giới có thể thực hiện ghép đa tạng. Đó là điều đáng tự hào khi kỷ niệm 120 năm thành lập bệnh viện tới đây.

Nhưng điều quan trọng nhất với chúng tôi đó là được phục vụ người dân, được người bệnh nhớ đến, gửi gắm sức khỏe và tính mạng khi người ta không may ốm đau.

Được người dân ghi nhận là điều chúng tôi phấn đấu và sẽ phấn đấu thêm, không phải là bằng hô khẩu hiệu mà bằng những công việc cụ thể, bằng những khái niệm bền vững, có bên cung cấp dịch vụ và bên thụ hưởng...

Với những gì đang triển khai và những thay đổi hằng ngày, chắc chắn người bệnh sẽ hiểu và cảm nhận, chúng tôi hy vọng sẽ nâng tầm thêm cho Việt Đức đúng với bề dày 120 năm.

Ông Hùng (bên trái) và cựu giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết (bên phải ảnh) gặp lại bệnh nhân ghép tạng tháng 12-2024, sau nhiều năm thực hiện ca ghép và người bệnh vẫn khỏe mạnh - Ảnh: BVCC

* Với cá nhân ông, ông từ ngoại khoa chuyển về bệnh viện nội khoa, rồi nay lại về lãnh đạo ngoại khoa, điều đó có gì trở ngại?

- Bố tôi từng là bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức này và từ khoảng 6 tuổi tôi đã lần đầu đến đây. Thời sinh viên y khoa, khi đang học nội trú tại Việt Đức tôi nhớ có một lần có hàng xóm của giám đốc bệnh viện vào cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa nhưng ông ấy nhất định không chịu phẫu thuật, kỳ lạ là ông ấy không sao và còn sống đến nay.

Điều đó khiến tôi nhớ mãi, như lời thầy tôi đã nói: Học phẫu thuật thì 10 năm mổ xẻ được, 15 năm học thì mổ tốt, nhưng không mổ thì phải học cả đời. Tôi cũng phẫu thuật nhiều ca nặng, nhưng ca tôi nhớ nhất lại là ca không mổ này.

Có một điều nữa tôi cũng thấy vui, đó là tôi từng học và làm việc ở đây nhiều năm, đến năm 2012 thì chuyển sang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Ở Bạch Mai khi đó người ta băn khoăn "ông dân ngoại, không biết gì về nội", tôi cũng học hỏi thêm rất nhiều trong giai đoạn này.

Đến năm 2023 tôi quay lại Việt Đức thì lại có người băn khoăn "ông đi lâu rồi, giờ ngoại nó khác". Thật ra tôi vẫn học mỗi ngày, học cả đời như lời thầy tôi nói khi tôi còn trẻ. Hồi trẻ tôi thích mổ, già thì sáng ra một điều là không bao giờ lạm dụng mổ. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong thời kỳ tôi làm giám đốc sẽ không có chuyện lạm dụng phẫu thuật.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói về mong muốn  “ghi tên trên bản đồ kỹ thuật” - Ảnh 7.

LAN ANH thực hiện
AN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên