Phóng to |
- Thời gian qua, một trong những nguyên nhân chính làm giá cao ở nước ta là vấn đề giá quốc tế. Hầu hết các nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước đều phải nhập ngoại, nên khi giá quốc tế cao làm giá đầu vào và đầu ra tăng.
Diễn biến giá cả quốc tế gần đây có xu hướng tăng lên như giá dầu thô, giá lương thực, thực phẩm, giá các nguyên liệu cho công nghiệp... Đối với một số mặt hàng chúng ta xuất khẩu, khi giá xuất khẩu tăng buộc giá trong nước cũng phải tăng theo, chủ yếu là nông sản, lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hải sản...
Việc tăng giá các mặt hàng này cũng có lợi cho người nông dân. Tất nhiên vấn đề về chất lượng sản xuất, chất lượng đầu tư cũng có tác động, hiệu quả đầu tư chưa tốt sẽ tác động nhất định đến vấn đề giá cả, tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân cơ bản.
* Nhưng chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) cao hiện nay chính là biểu hiện của đầu tư chưa hiệu quả?
- Vấn đề này có hai mặt, có mặt cần lưu ý VN là nước đang phát triển, cần phát triển cơ sở hạ tầng, cần xóa đói giảm nghèo mà đầu tư vào xóa đói giảm nghèo thì không ra giá trị sản lượng được, chỉ mang lại giá trị phát triển bền vững lâu dài. Cho nên đừng nhìn vào ICOR cao mà cần phân tích cụ thể cao ở chỗ nào, chỗ nào cần khắc phục. Ở đây đúng là có những chỗ cần khắc phục như đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước cần phải tính toán kỹ.
Đầu tư từ ngân sách chủ yếu là vào cơ sở hạ tầng. Hiện nay cơ sở hạ tầng đang yếu kém quá mức nên chúng ta phải tập trung vào, nhưng cách thức quản lý nguồn vốn ngân sách chưa tốt ở chỗ khả năng quản lý hay xây dựng dự toán chưa chặt chẽ.
Chúng ta đang phân cấp phần phê duyệt dự toán cho bộ chuyên ngành, ví dụ công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải, các công trình dân dụng công nghiệp thì do Bộ Xây dựng..., cách thức như vậy không mang lại sự khách quan.
Sắp tới đây chúng ta phải đưa cơ chế mới vào để đảm bảo đầu tư có sự giám sát chặt chẽ hơn và tính toán hiệu quả tốt hơn. Cụ thể phải đưa cả tư nhân vào cùng tham gia đầu tư theo phương thức đầu tư công tư kết hợp. Có tư nhân vào sẽ giám sát hiệu quả đầu tư tốt hơn, tính toán đầu tư có hiệu quả hơn.
* Nhiều chuyên gia cho rằng để chống được lạm phát thì ngay từ đầu năm cần có tín hiệu chặt chẽ về chính sách tài khóa cũng như đầu tư công?
- Khi Quốc hội thông qua kế hoạch năm 2011, chúng ta đã tính đến vấn đề này nên đã có giảm một số khoản chỉ tiêu công. Về bội chi ngân sách đã khác với kế hoạch ban đầu, tới đây chúng ta giảm bội chi và đang cố gắng những năm tới sẽ đưa trở lại mức 5% (mức Quốc hội thông qua cho năm 2011 là 5,3%). Về trái phiếu Chính phủ, ban đầu phương án trình Quốc hội là 63.000 tỉ đồng nhưng hiện nay chỉ còn 45.000 tỉ đồng, tức chi tiêu công đã tiết kiệm đến mức tối đa.
Riêng với những dự án từ ngân sách nhà nước hoặc là của trái phiếu Chính phủ mà Quốc hội đã ban hành, sẽ chỉ tập trung vào những dự án mang lại hiệu quả sớm nhất. Những dự án nào chưa cần thiết và đầu tư quá dài thì chưa cần đầu tư vội, mà tập trung cho những dự án hoàn thành trong năm 2011 và 2012 để đưa vào sử dụng ngay. Sắp tới Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ đi kiểm tra xem xét lại các dự án đầu tư, việc sắp xếp đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư của các địa phương đã đúng hay chưa.
* Có ý kiến cho rằng thời gian qua nhiều chính sách kinh tế vĩ mô được thực hiện không nhất quán nên đã ảnh hưởng đến thị trường?
- Phải nói rằng Chính phủ rất cố gắng đưa ra các chính sách nhất quán. Vấn đề là chính sách nhất quán đó có được thực thi một cách điều hòa trong cả năm hay không. Ở đây cũng có một số trường hợp giật cục, do đầu tư tập trung vào những tháng cuối năm hoặc có thời kỳ chúng ta quá thắt chặt, có thời kỳ lại quá nới lỏng nên cũng ảnh hưởng phần nào tới kinh tế vĩ mô chung. Hướng tới Chính phủ đã giao các bộ ngành có liên quan cùng phối hợp để đưa ra các chính sách nhằm tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
* Những biện pháp cụ thể là gì, thưa ông?
- Tất cả giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 02 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, hiện nay các bộ ngành đang đưa ra các chính sách triển khai cụ thể.
Tôi cho rằng nếu thực hiện tốt các nội dung đã ghi trong nghị quyết liên quan đến chi tiêu ngân sách, tài chính, tiền tệ..., chúng ta sẽ kiềm chế được lạm phát. Đơn cử như Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh lượng cung tiền để bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát; Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện pháp luật về quản lý giá, tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý cụ thể để thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết bằng đồng Việt Nam; về phía Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các công trình, dự án đầu tư sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận