25/11/2008 03:08 GMT+7

Giải thưởng cho Somaly Mam

HẢI MINH (Theo Phnom Penh Post, IHT)
HẢI MINH (Theo Phnom Penh Post, IHT)

TT - Hôm nay, Somaly Mam, một phụ nữ Campuchia 38 tuổi, sẽ nhận giải thưởng danh giá về quyền con người ở Đức. Một lần nữa hành động anh hùng của cô được ghi nhận.

aqIAtVIg.jpgPhóng to
Người nữ anh hùng của phụ nữ Campuchia
TT - Hôm nay, Somaly Mam, một phụ nữ Campuchia 38 tuổi, sẽ nhận giải thưởng danh giá về quyền con người ở Đức. Một lần nữa hành động anh hùng của cô được ghi nhận.

Hôm nay (25-11), Tổng thống Đức Horst Kohler sẽ đích thân trao giải thưởng phẩm giá Roland Berger trị giá 1 triệu euro cho Somaly Mam, vì “tiếng nói không sợ hãi cho việc đấu tranh chính trị và vô số cuộc vận động chống lại nạn buôn bán con người”. Đó chỉ là một trong rất nhiều phần thưởng xứng đáng dành cho người phụ nữ có lẽ là quả cảm nhất của một thế giới đang ngày càng trở nên thỏa hiệp.

Đồng cảnh tương lân

Trong cuốn hồi ký mới xuất bản The road of lost innocence (Con đường đánh mất sự trinh trắng), Mam kể lại cô lớn lên mà không biết cha mẹ là ai. Bị cưỡng hiếp năm 12 tuổi, buộc phải lấy chồng năm 14 tuổi và bị chính chồng cô bán vào nhà thổ, nơi cô phải tiếp hàng chục khách mỗi ngày.

Trong một lần trốn chạy, Mam bị đám bảo kê bắt lại, đánh đập, hãm hiếp nhiều lần và bị gã chủ nhà chứa lột hết quần áo, treo ngược lên và đổ những con giòi sống lên người, vào cả miệng cô. Trong một lần khác, khi bị phát hiện cởi trói cho hai em nhỏ 14 tuổi mới bị đưa vào nhà thổ, Mam bị gí điện đến ngất đi nhiều lần.

Những trải nghiệm ở đó khiến Mam hiểu rõ hơn ai hết nỗi thống khổ và sự xúc phạm mà ngành kinh doanh tình dục tàn bạo gieo rắc cho các cô gái trẻ. Cô trốn thoát và xác định con đường tương lai mà cô đã theo đuổi suốt từ đó đến giờ: giải phóng những người phụ nữ cùng cảnh ngộ.

Năm 21 tuổi, Mam xin được chân y tá sản khoa ở một bệnh viện tại Campuchia. Vài năm sau cô sang Pháp làm việc trong một nhà hàng rồi gặp người chồng tương lai Pierre Legros, cũng là một người muốn cống hiến cho các lợi ích cộng đồng. Năm 1996, Mam trở về nước và thành lập Tổ chức AFESIP (Agir pour les Femmes en Situation Précaire - Hành động vì những phụ nữ trong tình cảnh bấp bênh) để giúp đỡ những phụ nữ trong tình cảnh tuyệt vọng tại các nhà chứa. Tổ chức phi chính phủ này đã mở cả văn phòng sang VN, Thái Lan và Lào.

3fy1ouov.jpgPhóng to
Để có được những nụ cười này, Mam đã phải mạo hiểm cả mạng sống của mình - Ảnh: http://www.rolandbergerstiftung.org

4.000 cuộc đời được cứu

Nhà báo Nicolas D. Kristof của tờ New York Times kể lại với sự ngưỡng mộ không giấu giếm dành cho người nữ anh hùng: “Tôi đã gặp Somaly và nhóm làm việc của cô trước đây. Thành thật mà nói tôi thật sự không tin cô ấy sẽ sống được đến tận bây giờ. Các băng nhóm bảo kê khách sạn mại dâm từng chĩa súng vào đầu Somaly và khi không dọa được cô, chúng đã bắt cóc và bạo hành cô con gái 14 tuổi của cô”.

Kristof còn cho biết Mam theo sau cảnh sát trong những cuộc đột kích vào khách sạn để cứu các cô gái sống như nô lệ ở đó. Các cô bé sau đó được Mam đưa về chỗ của cô, được điều trị cả về thể xác lẫn tinh thần và được học hành. Quan trọng hơn, Mam thu hút được sự ủng hộ từ dư luận trong nước và quốc tế, buộc nhà chức trách phải triệt phá những ổ mại dâm tồi tệ nhất và đưa những kẻ đầu sỏ ra tòa.

Tháng 4-2005, tờ Times ở Anh đăng một bài báo của chính Mam về một ngày làm việc của cô: “Ngày nào của tôi cũng bắt đầu với việc đến thăm nơi các cô gái chúng tôi cứu về sinh sống. Hầu hết họ trong tình trạng hoảng loạn về tinh thần, sẵn sàng đập phá bất cứ thứ gì, nhưng tôi ôm lấy họ, khóc cùng họ, chúng tôi hiểu nhau. Ở Campuchia, có những gia đình bán con gái của mình khi mới năm, sáu tuổi với giá chỉ 120 USD; còn cho một lần mua dâm chỉ 2 USD...

Đầu giờ trưa tôi trở lại văn phòng, bật máy tính theo dõi sức khỏe các cô gái và những tiến bộ trong việc học nghề của họ. Hội của tôi có 134 nhân viên, bao gồm bác sĩ, chuyên gia tâm lý và giáo viên”.

Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mam kể lại một trong những thất bại của mình: “Tháng 12-2004, chúng tôi theo cảnh sát tấn công một nhà chứa và cứu được 89 phụ nữ cùng trẻ em. Nhưng đám bảo kê, mang theo cả súng, tới tận chỗ tôi ở và bắt họ trở lại, còn đe dọa sẽ mang theo lựu đạn nếu lần sau tôi dám như thế. Tôi gọi điện khắp nơi nhưng người ta nói rằng tôi đã đi quá xa, đã động chạm tới những người quá nhiều quyền lực”.

Dù nhiều lần tuyệt vọng tới mức muốn tự sát và luôn bị quá khứ ám ảnh, Mam vẫn tiếp tục công việc của mình. Mỗi tuần cô luôn dành một hai ngày gặp trực tiếp các cô gái ở nhà thổ, nói chuyện về những gì cô có thể làm cho họ và cách họ có thể tự thoát khỏi tình cảnh hiện tại.

Người phát ngôn của AFESIP Som Sophatra cho AP biết kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức này đã cứu được 4.000 bé gái và phụ nữ khỏi nạn kinh doanh tình dục. Hiện vẫn còn 166 cựu nạn nhân sống trong ba nhà trú ẩn của tổ chức này ở Campuchia.

Som Sophatra kể Somaly Mam biết tin về giải thưởng hai tuần trước. “Lúc đầu cô ấy không tin và đã phải xác minh lại với Quỹ Roland Berger. Khi biết chắc, cô rất vui sướng vì chưa bao giờ có nhiều tiền như thế”. Giải thưởng tới rất đúng lúc vì từ đầu năm đến nay AFESIP đang gặp khó khăn tài chính.

Giải thưởng Roland Berger được thành lập từ quỹ mang tên giáo sư Roland Berger - khoa quản trị kinh doanh của Đại học kỹ thuật Brandenburg ở Cottbus (Đức), nhằm nâng cao nhận thức về phẩm giá và quyền con người trên toàn thế giới. Giải Roland Berger được trao mỗi năm một lần cho các đóng góp hoặc những sáng kiến thúc đẩy việc nâng cao phẩm giá và lòng khoan thứ của con người, tạo lập môi trường để mọi người trên thế giới có thể cùng sống trong hòa bình và phẩm hạnh. Đây là năm đầu tiên Quỹ Roland Berger trao giải thưởng này và Somaly Mam cũng là người đầu tiên trên thế giới nhận giải thưởng http://www.rolandbergerstiftung.org/AwardProcess.html

HẢI MINH (Theo Phnom Penh Post, IHT)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên