19/11/2004 14:13 GMT+7

Giải phẫu tử thi, hiến xác và quyền... được chết

         ĐẶNG ĐẠI
         ĐẶNG ĐẠI

TTO - Hiến xác cho y học, giải phẫu tử thi, hiến tặng các bộ phận cơ thể để cứu người, quyền "được chết" là một nội dung rất mới và táo bạo được đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự lần này.

Có người cho rằng: quan niện Á Đông còn nặng về việc "cái chết toàn thây" cho nên việc giải phẫu tử thi với nhiều người, nhiều gia đình là điều cấm kỵ; việc hiến tặng các bộ phận cơ thể dễ dẫn đến việc buôn bán các bộ phận người… Tất cả những điều đó, nếu thiếu năng lực quản lý, kiểm soát sẽ dẫn đến những hệ luỵ về đạo đức xã hội chưa lường trước được.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác ủng hộ việc đưa các nội dung mới trên vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự (sửa đổi).

BS Trần Đông A, ĐBQH, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng II TP.HCM.

IRFbfl09.jpgPhóng to
Bác sĩ Trần Đông A
"Năm 1995, tôi được dự một hội thảo quốc tế lớn ở Nhật Bản, với mục đích: làm cho người Nhật thay đổi nhận thức không chịu cho cơ quan bộ phận cơ thể. Lịch sử nước Nhật từng ghi nhận: từ năm 1968, bác sĩ Watanabe là người đầu tiên ghép tim thành công của lòai người lúc đó, nhưng thay vì được xưng tôn là người anh hùng của nước Nhật thì ông trở thành tội đồ, súyt bị tù đày, chỉ vì không phù hợp tập quán của người Nhật.Vì thế, những điều luật chúng ta đang bàn thảo đây đang nằm ở ngã ba đường. Vì rằng nội dung của những điều luật này đụng chạm đến ba mảng lĩnh vực: lĩnh vực y tế chuyên sâu, lĩnh vực y học cộng đồng và các vấn đề xã hội, lĩnh vực pháp luật. Muốn triển khai và áp dụng hiệu quả, những điều luật này phải thỏa mãn yêu cầu của ba lĩnh vực nói trên.

Dự thảo điều 32a: Quyền hiến các bộ phân cơ thể người, hiến xác (mới).1- Cá nhân có quyền được hiến bộ phận cơ thể của mình cho người khác vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học. Việc hiến bộ phận cơ thể người được thực hiện theo quy định của pháp luật.2- Cá nhân có quyền được hiến xác cho y học sau khi chết nhằm phục vụ mục đích nghiện cứu khoa học. Việc hiến xác và sử dụng xác được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nói đến y học chuyên sâu là nói đến y học chứng cứ. Tiêu chuẩn vàng của y học chứng cứ là phẫu thuật và phẫu thuật tử thi. Nhìn thấy các cơ quan thì mới nói được, đó là y học chứng cứ.

Mười năm nay chúng ta không có y học chứng cứ -vì thiếu hành lang pháp lý- nên thiếu những công trình như của giáo sư Tôn Thất Tùng, phân chia mạch máu trong gan, phân chia thùy gan để rồi tiến tới kỹ thuật ghép gan mà cả lòai người giờ phải biết ơn, ghi vào lịch sử y học thế giới: lịch sử y học ghép gan vĩnh viễn ghi tên Tôn Thất Tùng.

Hay như liên quan đến dịch bệnh SARS mới đây, chỉ khi phẫu thuật tử thi để nghiên cứu cơ quan phổi thì thế giới mới biết cơ chế tấn công cơ thể của virus gây hội chứng SARS, từ đó tìm ra cơ chế điều trị. Trong đợt dịch này, chúng ta được thế giới ghi nhận là quốc gia đi đầu trong khống chế lây lan nhưng chúng ta đã không tìm ra cách ngăn chặn bởi một điều luật đã trói tay chúng ta -không được giải phẫu tử thi để tìm ra căn nguyên gây tử vong- chứ không phải vì các nhà khoa học VN không làm được điều đó.

Muốn khoa học y khoa VN phát triển mạnh ngang tầm khu vực và thế giới, nâng cao kỹ thuật chữa bệnh cứu người, chúng tôi mong rằng các ĐBQH tham khảo những dẫn chứng về y học chứng cứ đó để suy nghĩ, cân nhắc khi biểu quyết thông qua điều luật mà ban sọan thảo đã trình."

ĐB Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội

"Được chết" là một nội dung rất mới và táo bạo được đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự lần này. Tranh cãi quanh quyền này tại diễn đàn QH rất sôi nổi.

Rsw4xBxC.jpgPhóng to
Ông Phan Trung Lý
Bên hành lang QH, PV TTO đã phỏng vấn ĐB Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH về nội dung trên. Ông nói:

- Quy định quyền được chết, nghĩa là để bảo đảm quyền được sống; để quyền được sống ấy không bị can thiệp bởi ý chí của người khác. Và quyền được chết được thực hiện theo ý chí của người đó. Nghĩa là người đó hoàn toàn tự nguyện vì không thể sống được nữa. Họ xác định được: sự sống chỉ là sự kéo dài sự đau đớn, đau khổ cho họ.

Có một vấn đề nữa mà pháp luật cần quy định: đó là phải có quy định khác điều chỉnh để quyền được chết ấy không bị lợi dụng.

* Làm sao phân biệt được quyền được chết với hành vi tự sát, thưa ông ?

- Hai hình thức, ý chí về chấm dứt sự sống này khác nhau. Quyền được chết ở đây được hiểu là khi điều kiện sống của người đó không còn được bảo đảm nữa. Chính đối tượng đó tự thấy không thể tiếp tục sống được.

* Thưa ông, khi ở trạng thái đó, có người mất đi năng lực hành vi -như sống thực vật chẳng hạn- thì việc xác định quyền được chết do ai có thể thay thế ?

- Dân tộc ta và các dân tộc khác trên thế giới đều có nhận thức chung: mạng người là quý, sự sống là quý. Cho nên nguyên tác chung của từng cá nhân và cộng đồng là trong bất kỳ điều kiện nào cũng bảo vệ, giữ mạng sống ấy. Đối với người bệnh thì còn nước còn tát. Như vậy ở đây có một li lai rất quan trọng là: khi nào, yếu tố nào… ? Đó là lúc tất cả những biện pháp có thể đều được sử dụng hết nhưng bất lực trước việc cứu sống thì được đặt ra vấn đề quyền được chết.

Là như vậy, chứ không phải bảo là "có quyền được chết" thì muốn chết là chết. Không phải vậy.

* Trong Bộ luật Hình sự có quy định tội "giúp người khác tự sát". Vậy giúp người khác chấm dứt sự sống thì được hiểu như thế nào ?

- Quy định quyền được chết không làm mất đi ý nghĩa xác định hành vi "giúp người khác tự sát". Về hình thức, ví dụ một người sống thực vật bằng bình dưỡng khí cần được chết chỉ cần rút bình oxy ra khác xa với việc giúp một người thắt cổ tự tử. Sẽ có những quy định rất cụ thể cho từng hành vi và trong trường hợp nào để xác định rõ, tránh bị lợi dụng.

* Dự thảo luật có quy định về việc được hiến tặng bộ phận cơ thể. Việc này có đồng nghĩa với việc người ta có quyền bán đi bộ phận cơ thể hay không ? Nếu không, làm sao kiểm soát được việc "cho, tặng" này không bị thương mại hoá ?

- Theo tôi là hai khái niện này khác nhau. Ví dụ, người ta có thể hiến xác cho mục đích nghiên cứu khoa học y khoa. Nói như khoa học nói là cố gắng cuối cùng của sự sống là hiến tặng cái chết phục vụ cho sự sống. Ở phạm vi hiến xác thì dự luật cũng chỉ nói là hiến xác cho khoa học. Việc hiến tặng các bộ phận cơ thể cũng chỉ được khu biệt ở phạm vi cứu người.

Còn đúng là trên thực tế, sẽ rất khó kiểm soát khi việc hiến tặng bị thương mại hoá. Tuy nhiên không vì khó kiểm soát mà không cho cha mẹ, anh e, vợ chồng… hiến tặng bộ phận cơ thể để cứu nhau. Trên thế giới người ta đã làm và đó là mục đích nhân đạo.

* Xin cám ơn ông!

         ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên