30/05/2010 08:34 GMT+7

Giải pháp giảm giá thuốc: Cục Quản lý dược lại than khó

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Trong báo cáo gửi ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cam kết sẽ kiến nghị xem xét lại quy định giá thuốc tối đa, quy định tỉ lệ phần trăm được khuyến mãi theo hướng giảm hoặc cấm để giảm giá thuốc.

kO37wYmu.jpgPhóng to
Mua bán thuốc tại một nhà thuốc - Ảnh: H.T.V.

Tuy nhiên, theo cục này, vẫn đang tồn tại vô vàn khó khăn trong việc quản lý giá thuốc.

Chẳng quản được gì!

Việc “các doanh nghiệp bán thuốc được quyền tự định giá” là một ví dụ. Theo cơ chế hiện nay, doanh nghiệp chỉ phải kê khai giá cho các cơ quan nhà nước trước khi lưu hành hoặc trước khi tăng giá. Tổ công tác liên ngành gồm Cục Quản lý dược, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), Cục Quản lý giá, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) sẽ xem xét hồ sơ kê khai. Trong trường hợp kê khai giá bất hợp lý, các cơ quan này sẽ có văn bản yêu cầu xem lại. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý dược, “thời gian qua, sự thật là các cơ quan nhà nước rất khó khăn trong việc xác định giá nào là hợp lý”.

Mặc dù đấu thầu thuốc vào bệnh viện được xem như biện pháp “chủ công” nhằm tránh giá thuốc ảo, nhưng báo cáo của Cục Quản lý dược cho thấy mục tiêu này không thực hiện được. Cùng là đấu thầu nhưng giá thuốc tại các bệnh viện rất khác nhau, thậm chí có mặt hàng đấu thầu nhưng giá còn cao hơn giá ngoài thị trường (không hề đấu thầu). Qua kiểm tra, Cục Quản lý dược cho biết đúng là có hiện tượng giá thuốc bán cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu nhưng việc quy định giá tối đa cho thuốc, Cục Quản lý dược khẳng định cũng “rất khó khăn” do số lượng thuốc quá lớn, trên 22.000 loại.

1 tháng, 67 mặt hàng thuốc tăng giá

Theo báo cáo của Hiệp hội Kinh doanh dược VN, từ ngày 20-4 đến 20-5 năm nay, giá thuốc nội tại khu vực Hà Nội có 42 lượt mặt hàng tăng giá (chiếm gần 0,64% so với tổng số các mặt hàng khảo sát). Mức tăng trung bình là 6,1%.

Có 20 lượt mặt hàng giảm giá, mức giảm trung bình 5,9%. Miền Trung và TP.HCM giá ổn định, một số mặt hàng tăng giảm khoảng 5%. Với thuốc ngoại, có 25 lượt mặt hàng được khảo sát tăng giá, tỉ lệ tăng trung bình 6,5%.

Về việc dư luận phản ảnh bác sĩ được hãng dược trích lại 10-30% giá thuốc, Cục Quản lý dược cho rằng chưa có quy định phù hợp về khuyến mãi đối với kinh doanh thuốc. Hiện việc khuyến mãi thuốc theo Luật thương mại, nghĩa là cũng giống các mặt hàng khác nên “việc kiểm soát hoạt động khuyến mãi còn khó khăn, gây bức xúc trong xã hội”.

Về đề xuất của dư luận đối chiếu giá thuốc của VN với giá thuốc cùng loại ở một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đương VN, Cục Quản lý dược đánh giá là khó do “chưa có cơ chế phối hợp cụ thể, hiệu quả giữa cơ quan quản lý giá thuốc với các cơ quan liên quan”. Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng thấy “có khó khăn trong việc nắm thông tin về giá gốc của thuốc”.

Đề cập hướng giải quyết giá thuốc cao thời gian tới, Cục Quản lý dược cho biết sẽ kiến nghị xem xét điều chỉnh quy định về công bố giá thuốc tối đa. Có thể vẫn cho doanh nghiệp định giá thuốc nhưng sẽ bổ sung quy định về lợi nhuận.

Bên cạnh đó sẽ xem xét sửa đổi quy định về khuyến mãi trong kinh doanh thuốc theo hướng giới hạn tỉ lệ được phép khuyến mãi thấp hơn hoặc cấm, không cho phép. Ngoài ra, cũng sẽ sửa đổi nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, xây dựng riêng một nghị định hướng dẫn về đấu thầu thuốc...

Đã kê sẵn toa

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ về văn bản của Cục Quản lý dược, BS Trần Văn Bản, ủy viên ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, vẫn khẳng định sự thật nếu quyết tâm và có trách nhiệm, Cục Quản lý dược hoàn toàn có thể kiểm soát được giá thuốc.

Giá thuốc cao, theo ông Bản, đã tồn tại cả chục năm nên đáng ra phải có những hành động cụ thể hơn chứ không chỉ kêu khó và chuẩn bị kiến nghị. Việc thu thập thông tin giá thuốc từ nước ngoài Cục Quản lý dược nói khó, ông Bản cho rằng “thật ra không khó”. Ông cho biết Ấn Độ năm 1975 đã lâm vào tình trạng giống VN bây giờ, giá thuốc rất cao. Nhưng nhờ công khai, minh bạch, họ đã giảm được giá thuốc.

Ngoài ra, theo ông Bản, Ấn Độ có chiến lược rõ ràng khuyến khích doanh nghiệp nhập công nghệ về chế biến trong nước. Khi trong nước đã sản xuất được thì tự nhiên sẽ có sự cạnh tranh giữa thuốc nội và thuốc ngoại. Thế là từ chỗ thuốc trị lao giá rất đắt, sau đó thuốc trị lao của Ấn Độ đã rẻ và bây giờ bán khắp thế giới.

Nhấn mạnh các giải pháp của Bộ Y tế cần đi vào gốc vấn đề, ông Đặng Như Lợi, phó chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng có một cách hiệu quả cao chưa được làm, đó là sửa cơ chế về việc ai sẽ là người đi đấu thầu, mua rồi bán thuốc. Theo ông Lợi, hiện các bệnh viện mua thuốc giá cao, bảo hiểm y tế biết là cao nhưng vẫn phải thanh toán hoặc khi không thanh toán thì xảy ra tranh cãi kéo dài, người bệnh thiệt. “Cần cho chính bảo hiểm y tế đi đấu thầu mua thuốc cung cấp cho các bệnh viện, vì cuối cùng chính bảo hiểm y tế sẽ phải trả tiền chứ không phải các bệnh viện” - ông đề xuất.

Cách làm trên, theo ông Đặng Như Lợi, là hợp quy luật vì giao việc mua thuốc cho bệnh viện trong khi “anh này không phải trả tiền thì giá mua dễ cao”. Mặt khác, theo ông, “việc quản lý một anh bảo hiểm cũng dễ hơn hàng trăm bệnh viện”.

Với nạn bác sĩ kê đơn để nhận hoa hồng, đẩy giá thuốc lên cao, ông Đặng Như Lợi cho rằng cho bảo hiểm y tế mua thuốc cũng sẽ đảm bảo giúp bệnh nhân tránh được. Bác sĩ cứ kê đơn, các loại thuốc bảo hiểm bán thì bác sĩ cũng không thể lấy hoa hồng. Chỉ cần quản chặt bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm chi trả các loại thuốc thì người dân sẽ bớt khổ vì giá thuốc cao, theo ông Lợi.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên