13/06/2012 11:37 GMT+7

Giải mã chấm 11m

NGUYỆT PHƯƠNG (Theo AFP)
NGUYỆT PHƯƠNG (Theo AFP)

TT - Chỉ với một cú đá từ chấm 11m, một cầu thủ có thể được tôn vinh là người hùng hoặc bị nguyền rủa là tội đồ. Nhưng đá phạt đền không chỉ là “trò chơi xổ số” như cựu HLV đội tuyển Anh Fabio Capello từng khẳng định.

7u9fJJzV.jpgPhóng to

Karagounis (Hi Lạp, bìa trái) không thắng được thủ môn Tytol (Ba Lan) trong trận khai mạc - Ảnh: AFP

Trên lý thuyết, đá phạt đền là chuyện đơn giản đối với các cầu thủ chuyên nghiệp. Họ được huấn luyện để thực hiện những đường chuyền xa 50m chính xác và chỉ phải đá bóng vào lưới từ cự ly 11m khi đối mặt với thủ môn đối phương. Nhưng thực tế đã có rất nhiều siêu sao đá hỏng phạt đền. Mới đây nhất là cầu thủ nổi tiếng về tinh thần thép của đội tuyển Đức Bastian Schweinsteiger trong trận chung kết Champions League.

Chuyên gia tâm lý Anh Greg Wood (Đại học Exeter) khẳng định các thủ môn thường xuyên chơi đòn cân não đối với các cầu thủ đá phạt đền. Thông thường, các thủ môn luôn sải bước, mặc áo màu nổi bật để trông to lớn hơn và mạnh mẽ hơn khi dang tay. Các thủ môn cũng thường khiêu khích đối thủ đá phạt đền bằng cách giơ tay chào hoặc nhặt quả bóng lên, đặt lệch điểm đá phạt 11m.

Tất cả là để cầu thủ đá phạt đền đánh mất sự cân bằng tâm lý, và quan trọng nhất là các thủ môn muốn nói: “Hãy nhìn vào tôi đây này”.

“Các thủ môn muốn cầu thủ đá phạt đền chú ý vào họ, coi họ là mục tiêu - chuyên gia Wood cho biết - Khi ta nhìn vào chỗ nào thì thường đi lệch theo hướng đó. Ví dụ khi bạn lái xe và nhìn thấy gì đó ở cửa sổ bên trái, bạn thường lái lệch sang bên trái. Có nghĩa là khi cầu thủ nhìn thẳng vào thủ môn, họ thường có xu hướng đá thẳng vào khung thành”.

Theo các chuyên gia toán học thuộc Đại học John Moores (Anh), một quả phạt đền hoàn hảo là quả bóng bay vào góc cao khung thành với tốc độ 90-104km/giờ. Bóng bay nhanh hơn thường không chính xác, chậm hơn thì dễ bị thủ môn cản phá. Những cử động của cơ thể cũng sẽ giúp hai bên trong cuộc đối đầu trên chấm phạt đền. Một số nghiên cứu cho thấy thủ môn quan sát chuyển động hông cầu thủ đá phạt đền để đoán hướng bóng.

Các nghiên cứu khác cho rằng cầu thủ đá phạt đền nên nhìn vào cử động đầu gối của thủ môn để đoán hướng đổ người của anh ta. Ngoài ra, cầu thủ đá phạt đền còn phải đối phó với những tác động tâm lý như tiếng ồn ào trên khán đài, hành vi khiêu khích của thủ môn đến suy nghĩ: điều gì sẽ xảy ra nếu mình đá hỏng quả phạt đền?

Sự luyện tập đóng vai trò rất quan trọng. Chuyên gia Wood và đồng nghiệp Mark Wilson đã thực hiện một cuộc nghiên cứu đối với các cầu thủ trong trường đại học. Trong bảy tuần, họ liên tục tập ngắm nhìn hai điểm mục tiêu là góc cao trái và phải khung thành trước khi sút phạt đền. Kết quả, họ sút bóng chuẩn hơn và ít bị căng thẳng hơn.

Tại những cuộc thi đấu quốc tế như Euro 2012, kỹ năng đá phạt đền của từng đội tuyển quốc gia có sự khác biệt lớn. Chuyên gia Wood cho biết người Đức đạt tỉ lệ sút phạt đền thành công 82%, trong khi người Anh chỉ 18-19%.

Theo chuyên gia Wood: “Có lẽ đó là do cách người Đức tiếp cận việc đá phạt đền hoặc tự tin vào truyền thống của mình. Hoặc có thể họ kiểm soát bản thân tốt hơn do đó ít bị căng thẳng và tự tin rằng mình sẽ thành công. Ngược lại người Anh luôn chịu gánh nặng kỳ vọng lớn và bị ám ảnh bởi những thất bại trong quá khứ”.

NGUYỆT PHƯƠNG (Theo AFP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Euro 2012 chấm 11m