TTO - Giải bóng đá trẻ em hoàn cảnh đặc biệt (do Báo Công an TP.HCM và Báo Thể thao Việt Nam phối hợp tổ chức) đã trở thành sân chơi chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn cho trẻ bất hạnh, trẻ làng SOS, học sinh các trường trường thiếu niên vừa học, vừa làm...
Một số cầu thủ dự giải trên tay hay trên ngực vẫn còn hằn những vết xăm. Nhưng nhìn các em chơi bóng hồn nhiên, vui vẻ - không có nhiều người nghĩ đây là những cầu thủ từng có một quá khứ "bụi bặm".
Đội bóng Trường giáo dưỡng số 5 (Long An) gồm những cầu thủ có bảng thành tích "giang hồ" cộm cán! Thiếu tá Vũ Văn Phượng – Phó hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 5 (Long An) – tâm sự: “Trường giáo dưỡng số 5 chịu trách nhiệm quản lý trẻ phạm tội từ 12 đến 18 tuổi của khu vực miền Tây. Vào trường, các em được học văn hóa, học nghề và tham gia nhiều hoạt động thể thao,.. để không rơi vào cảm giác bị “nhốt tù”. Để các em dự giải, chúng tôi phải quản lý rất vất vả nhưng rõ ràng, cái được đã lớn hơn. Giải là cơ hội để các em được vui chơi, giao lưu bạn bè đồng trang lứa,.. rất có ích trong quá trình tái hòa nhập xã hội”.
Nhìn các cầu thủ Trường giáo dưỡng số 5 chơi trận bán kết với đội TPHCM hôm 29-5 mới cảm nhận được đầy đủ những lời tâm sự của thiếu tá Vũ Văn Phượng. Các em chơi bóng nhiệt tình, lăn xã, phảng phất nét lém lĩnh của bụi đời nhưng không cay cú ăn thua. Nhiều khán giả xem trận đấu đã xúc động khi chứng kiến những gương mặt “bụi đời” rưng rưng nước mắt vì tiếc nuối sau khi đội nhà thua đội TPHCM trong loạt đá luân lưu ở bán kết.
Võ Phú Lợi (14 tuổi, Trường Giáo dưỡng số 5) cho biết: “Em sống tại huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. Cuộc sống khó khăn và tin lầm bạn xấu mà em phạm tội trộm cắp nhiều lần nên bị bắt và đưa vào trường với thời hạn 24 tháng. Sau 10 tháng được giáo dục tại trường, em đã hiểu lỗi lầm của mình. Đến với giải đấu này, em mới lần đầu tiên được đến TPHCM và tham quan Bến Nhà Rồng, khu vui chơi thiếu nhi ở Quận 4,…Buổi gặp gỡ Nick Vujicic cũng giúp em cảm nhận được mình vẫn còn nhiều may mắn và cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Em sẽ phấn đấu học tập tốt để sớm trở về với gia đình, học một cái nghề để tương lai tốt đẹp hơn”.
Ở tuổi 14, Giải bóng đá trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã tìm được một chỗ đứng vững chắc, ít nhất là trong trái tim những cầu thủ "đặc biệt" dự giải.
TẤN PHÚC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận