15/07/2008 09:09 GMT+7

"Giải cứu" Fannie và Freddie

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Các quan chức tài chính Mỹ đã có hai ngày làm việc cuối tuần đầy vất vả để đưa ra biện pháp cấp cứu hai tập đoàn cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac đang lâm nguy. Tối 13-7 (sáng 14-7 theo giờ VN), chính quyền Mỹ đã chính thức đưa đề xuất yêu cầu quốc hội phê chuẩn gói cứu giúp tổng thể cho hai tập đoàn hiện đang chi phối khoảng một nửa các giao dịch thế chấp ở thị trường tài chính Mỹ.

Nghe đọc nội dung toàn bài:
ffS7ZGki.jpgPhóng toVaGbq2Uy.jpg
Giới kinh doanh tài chính đang rất lo lắng về tình hình của Freddie và Fannie - Ảnh: Reuters

Theo New York Times, các biện pháp mới bao gồm việc cho phép chính quyền được bơm hàng tỉ USD vào hai tập đoàn đang khó khăn này thông qua các khoản đầu tư và cho vay, trong đó có việc chính phủ có thể mua không hạn định cổ phiếu của hai tập đoàn này trong hai năm tới. Một số quan chức cho biết quốc hội có thể phải phê chuẩn khoản chi tới khoảng 300 tỉ USD để cứu hai tập đoàn.

Trong một thông báo riêng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khẳng định cho hai tập đoàn này được tiếp cận với chương trình vay ngắn hạn nhằm giúp tăng khả năng chi trả. FED nói họ quyết định "tăng cường thêm nguồn tín dụng... trong giai đoạn khó khăn của thị trường tài chính". Đổi lại, FED sẽ có giám sát chặt chẽ hơn đối với các giao dịch của Fannie và Freddie trong thời gian tới.

Có thể hiểu lý do vì sao Chính phủ Mỹ và FED lại sốt sắng cứu giúp hai tập đoàn thế chấp này đến vậy. Fannie và Freddie hiện đang sở hữu hoặc bảo đảm cho khoảng 5.000 tỉ USD tiền vay thế chấp ở thị trường Mỹ. Chỉ cần một khoản thua lỗ khoảng 10% con số này là có thể tạo chấn động lên toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ cũng như toàn cầu. Trong tuần trước, chỉ số cổ phiếu của Freddie đã mất khoảng 45% giá trị, trong khi chỉ số của Fannie giảm khoảng 30%, dấy lên nghi ngại về khả năng vỡ nợ của hai tập đoàn khổng lồ này. Đến giờ Fannie có tổng cộng nợ lên đến khoảng 800 tỉ USD, trong khi Freddie nợ 740 tỉ USD.

Dù không trực tiếp cho vay, Fannie và Freddie cung cấp những nguồn vốn quan trọng cho ngân hàng và các nhà cho vay ở thị trường địa ốc. Sau cuộc khủng hoảng thị trường tín dụng từ hè năm ngoái, hiện chỉ còn họ là nhà giao dịch các khoản vay thế chấp lớn nhất cho các nhà đầu tư Mỹ. Công bố kế hoạch tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson thừa nhận: "Fannie Mae và Freddie Mac đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính của thị trường nhà cửa Mỹ... Việc họ hỗ trợ thị trường nhà hiện tại là cực kỳ quan trọng trong giai đoạn điều chỉnh của thị trường hiện nay".

Đây là lần thứ hai Chính phủ Mỹ phải hành động gấp, cung ứng một lượng vốn lớn để cứu các tập đoàn tài chính. Hồi tháng ba, Bộ Tài chính đã phải lèo lái để tránh cho Ngân hàng Bear Stearns rơi vào phá sản.

Kế hoạch "giải cứu" lần này được công bố ngay đêm chủ nhật (sáng thứ hai giờ VN), ngay trước phiên Freddie Mac sẽ rao bán các khoản nợ của mình vào sáng thứ hai - thời điểm các giao dịch ở Phố Wall bắt đầu trở lại. Tuy vậy, sau khi "giải cứu" Fannie Mae và Freddie Mac, Chính phủ Mỹ ra dấu hiệu cho thấy họ sẽ không "giải cứu" thêm bất cứ công ty tài chính nào nữa.

Fannie Mae được thành lập từ năm 1938 với tư cách là tập đoàn của chính phủ sau thời kỳ đại khủng hoảng để ổn định giá nhà. Đến năm 1968, tập đoàn này được tư nhân hóa. Sau đó, do lo ngại tập đoàn này độc quyền trong thị trường thế chấp, quốc hội tạo điều kiện để Freddie Mac cùng thành lập để cạnh tranh với Fannie Mae.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên