02/08/2021 13:50 GMT+7

Giải 'cơn khát' nước sạch cho đồng bào Tây Nguyên

TRANG NGUYỄN
TRANG NGUYỄN

TTO - Tại làng Bới, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, Gia Lai, hơn 1.000 đồng bào ăn uống, tắm giặt từ nguồn nước suối, cách nghĩa trang chưa đầy 4m.

Giải cơn khát nước sạch cho đồng bào Tây Nguyên - Ảnh 1.

Người dân thôn Đắk Manh 1, Đắk Rơ Nga, Đắk Tô, Kon Tum lấy nước từ giếng mới - Ảnh: TRANG NGUYỄN

Đó là nguyên nhân chính khiến một số người bệnh phong và nhiều người bệnh về đường ruột mà họ không hề biết.

Không chỉ riêng làng Bới, hơn 1 triệu người dân Tây Nguyên nhiều năm nay vẫn đang sống chung với nguồn nước bẩn cùng những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.

Vì vậy, khi có đoàn người tìm đến, khảo sát và khoan giếng để tặng, rất nhanh chóng cái giếng nước sạch trở nên quý hơn vàng.

Sống chung với tiêu chảy, ghẻ lở

Ở nhiều buôn làng thuộc hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, người dân vẫn duy trì văn hóa "bến nước". Họ sinh hoạt, tắm giặt tại bến nước chung của làng rồi gùi nước về cho cả gia đình ăn uống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, những bất cập về nguồn nước bắt đầu nảy sinh.

Ông Dương Đình Diện, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai, cho biết: "Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn ra tương đối trầm trọng. Rất nhiều buôn làng dân tộc thiểu số thiếu nước sinh hoạt. Có những vùng người dân phải ra sông, suối để múc nước uống. Họ buộc phải duy trì việc dùng nguồn nước bẩn bao đời nay mà không có cách nào thay đổi thực tế đau xót ấy".

Nguồn nước càng khan hiếm, hành trình đi lấy nước của người dân càng xa. Cách đây 1 năm, mỗi ngày chị Y Điên (25 tuổi, Đắk Rơ Nga, Đắk Tô, Kon Tum) phải dậy từ sớm đi bộ 5-7km, băng qua một con dốc lớn, lội qua một cánh đồng mới tới điểm lấy nước. Sau khi chất đầy vào gùi những chai nhựa, chị còng lưng cõng nước quay ngược trở về. Nhà đông con nên mỗi ngày chị phải đi 2-3 chuyến như thế. 

"Vất vả nhất là những ngày mưa bão, nước dâng cao, đường đi sình lầy trơn trượt" - chị tâm sự.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước chưa phải là tất cả. Cùng với sự ảnh hưởng của những yếu tố gây ô nhiễm, chất lượng nguồn nước ngày càng đi xuống. Suối nước làng Đắk Manh 1 mà chị Y Điên và hơn 1.000 người dân khác đang sử dụng đục ngầu, sát bên là cánh đồng được chăm bón bằng thuốc trừ sâu, phân hóa học và những bãi chất thải của gia súc, gia cầm. Đây là nguyên nhân chính gây nên những căn bệnh về da liễu, tiêu hóa, ung thư... đối với bà con.

"Nhà tôi có 4 đứa, các cháu thường lây ghẻ lở cho nhau, đặc biệt là bé út mới 1 tuổi, có khi bị cả mấy tháng trời. Tiêu chảy thì quanh năm. Trẻ con ở đây đứa nào cũng vậy hết. Nhà nghèo nên không có tiền đưa đi bác sĩ, cứ để vậy tự khỏi" - chị Y Điên cho biết thêm.

Từ lâu, một công trình giếng sạch ngay giữa buôn làng để phụ nữ không phải đi xa, trẻ em được lớn lên khỏe mạnh là điều đồng bào luôn trông ngóng. Nhưng lo miếng ăn qua ngày còn khó khăn, họ không có đủ chi phí để tự khoan giếng.

Xóa bỏ nguy cơ sức khỏe nhờ "Giếng sạch trao buôn"

Hiểu được "cơn khát" nước sạch của bà con Tây Nguyên, Quỹ Australasia Social Impact Foundation (Quỹ phi lợi nhuận ASIF) đã bắt tay vào thực hiện dự án "Giếng sạch trao buôn". Dự án mang đến những giếng nước an toàn, cải thiện vấn đề y tế, sức khỏe cho người dân Kon Tum và Gia Lai.

Đến nay, 18 giếng khoan đã được đưa vào sử dụng tại 18 buôn làng, đem đến những thay đổi tích cực trong đời sống của người dân. 

Chị Y Điên hào hứng chia sẻ: "Từ ngày có giếng, tôi không còn phải đi xa lấy nước nữa, giữa mùa khô cũng không lo thiếu nước. Hết lo tụi nhỏ bị ghẻ lở, tiêu chảy. Ở đây, nếu đào giếng thì không thể có nước vì vùng đất này rất cao, mà khoan giếng thì không có tiền. Tự nhiên có người đến khoan giếng tặng cho cả làng, ai cũng thích".

Để đảm bảo chất lượng nước và yếu tố môi trường, mỗi công trình giếng khoan do dự án thực hiện đều trải qua 4 bước nghiêm ngặt: xác định địa điểm phù hợp, xây dựng giếng và lắp đặt bồn chứa nước, kiểm tra chất lượng nước và bàn giao giếng, bảo trì định kỳ. 

Sau khi giếng được khoan thành công, mẫu nước từ giếng sẽ được gửi đến Viện Pasteur hoặc Viện Khoa học công nghệ tỉnh để kiểm tra chất lượng. Nếu các chỉ số chưa đạt chuẩn, dự án sẽ lắp đặt thêm hệ thống lọc nước. Chỉ khi đạt ngưỡng an toàn, giếng mới được bàn giao cho địa phương sử dụng.

Đồng hành với dự án, chị Nguyễn Thị Ven, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum, cho biết: "Đây là một dự án rất tuyệt vời. Sự chung tay của cả cộng đồng đã giúp cho người dân có được nước sạch, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Đó là mong mỏi bấy lâu nay của bà con cũng như chính quyền địa phương. 

Là người gắn bó với đời sống người dân nghèo ở đây, tôi hiểu được giá trị của một giếng nước sạch lớn như thế nào. Chính nguồn nước sạch sẽ ngay lập tức thay đổi đời sống người dân theo hướng tích cực. Đặc biệt, trẻ em, người già khỏe hơn, tránh được bệnh tật, từ đó cải thiện kinh tế, giáo dục và các mặt khác của mỗi gia đình. 

Việc có giếng gần nhà cũng giúp người dân ở đây tiết kiệm được thời gian đi lấy nước so với trước đây. Trong việc hỗ trợ người dân nghèo tại Tây Nguyên, theo tôi, không có gì quý hơn một giếng nước sạch".

Trong quý 2-2021, "Giếng sạch trao buôn" đang triển khai kế hoạch khoan 18 giếng mới tại 3 huyện thuộc tỉnh Gia Lai. Đến năm 2023, dự án đặt mục tiêu mang đến 500 giếng sạch, cải thiện chất lượng đời sống cho hơn 500.000 người dân.

Ông Trần Vũ Minh Hải (giám đốc điều hành ASIF) chia sẻ: "Trực tiếp khảo sát và thực hiện việc khoan giếng cũng như lắp đặt hệ thống giếng nước sạch cho đồng bào, chúng tôi đau đáu rất nhiều. Nhu cầu nước sạch hiện nay rất lớn, 18 giếng đã khoan tặng như muối bỏ bể. 

Chúng tôi đang liên tục khoan giếng mới để tặng. Trước mắt, quỹ trích hoàn toàn kinh phí để trao tặng bà con, mỗi giếng nước sạch có kinh phí 100 triệu đồng. 

Với tham vọng tặng 500 giếng, giai đoạn sau của dự án, chúng tôi mời gọi thêm sự chung tay của mọi người với hình thức đối ứng 1-1. Tức gây quỹ để khoan được 1 giếng từ cộng đồng, lập tức ASIF trích quỹ tặng thêm 1 giếng và bà con nghèo nhận được 2 giếng".

Hiện những giếng mới đang được liên tục khoan trong sự háo hức của nhiều người dân nghèo Tây Nguyên. Dự án không chỉ giúp đồng bào nghèo có thêm nước sạch, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc cải thiện từ gốc đối với đời sống khó khăn của những người dân ở đây.

Mang nước sạch cho người dân thành phố Mang nước sạch cho người dân thành phố

Nhà máy nước Thủ Đức, đơn vị chủ lực đảm bảo nguồn nước sạch đưa đến người dân trên địa bàn TPHCM. Qua 55 năm làm nhiệm vụ, tập thể cán bộ nhân viên nơi đây đã nỗ lực không ngừng để vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn.

TRANG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên