Chính vì vậy, để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản xuất và hạn chế các tác động từ sự cạnh tranh tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp sản xuất urê đã chủ động lên phương án xuất khẩu. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014, nhu cầu phân urê của cả nước vào khoảng 1,9 - 2 triệu tấn; trong đó miền Bắc khoảng 500.000 tấn, miền Trung khoảng 300.000 tấn và miền Nam là 1,2 triệu tấn. Và các nhà máy chạy hết công suất thiết kế sẽ cho tổng nguồn cung xấp xỉ 2,4 triệu tấn urê và cuối năm nay sẽ nâng lên khoảng 2,7 triệu tấn.
Xuất khẩu phân bón là một hướng mở tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhưng thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm phân bón của các nước khu vực và thế giới, như các nước Trung Đông và vùng Baltic, vốn là những nơi xuất khẩu urê trên thế giới.
Điểm mạnh của Việt Nam là sản phẩm có giá thành rẻ, Việt Nam lại có vị trí thuận lợi - nằm gần vùng tiêu thụ phân bón lớn như Thái Lan, Campuchia, Philippines, Myanmar... Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nước trong khu vực ASEAN chỉ mất từ 3 - 5 ngày/chuyến hàng, ít hơn nhiều so với 40 - 50 ngày/chuyến hàng vận chuyển từ Trung Quốc, các nước Trung Đông và vùng Baltic. Thêm vào đó, cước phí vận chuyển từ Việt Nam đi các nước khu vực cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, các công ty ở Trung Đông được hưởng lợi thế về nguồn khí đốt giá rẻ, nên sản phẩm của họ rất cạnh tranh về giá cả. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất đạm urê trong nước cần hết sức nỗ lực, tận dụng lợi thế cạnh tranh (về chất lượng, giao thông thuận tiện, cước phí thấp…) trong quá trình mở rộng thương hiệu và thị trường sang các nước khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận