Phóng to |
Giá xăng dầu thời gian tới được kỳ vọng sẽ theo sát giá thế giới, theo nội dung dự thảo nghị định thay thế nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu - Ảnh: Thuận Thắng |
Đặc biệt, hàng loạt cơ chế, điều khoản đã được thay đổi gần như hoàn toàn so với nghị định cũ, trong đó những vấn đề dư luận từng phản ứng như giá tăng nhanh giảm chậm, thuế phí “ăn” mất cơ hội giảm giá... cũng được đưa ra để giải quyết.
Được tự quyết tăng giá ngay trong phạm vi 2%
Yêu cầu các bộ công khai minh bạch Theo dự thảo nghị định này, Bộ Công thương sẽ phải công bố trên trang web của bộ về giá thế giới, giá cơ sở, các biện pháp bình ổn đang thực hiện... Bộ Tài chính phải công bố về số trích lập, số sử dụng và số dư quỹ bình ổn xăng dầu hằng quý, báo cáo tài chính đã kiểm toán của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Các doanh nghiệp xăng dầu cũng phải công bố số tiền đã sử dụng từ quỹ bình ổn, số dư quỹ... trước khi tăng giá bán xăng dầu. |
Theo dự thảo nghị định mới, khi giá cơ sở (gồm giá thế giới, thuế, phí, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp...) biến động giảm đến 2%, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng.
Nếu giá cơ sở tăng trong phạm vi 2%, doanh nghiệp cũng được tự quyết tăng giá tương ứng, chỉ phải gửi văn bản kê khai giá và quyết định điều chỉnh tới cơ quan quản lý nhà nước.
Như vậy, thay vì biên độ được tăng giá khi giá cơ sở tăng/giảm tới 7% như quy định hiện hành, dự thảo nghị định mới sẽ giúp mỗi lần điều chỉnh, giá sẽ tăng nhẹ hơn, bớt gây “sốc”, phù hợp với khả năng chấp nhận của nền kinh tế
Ngoài ra, nếu giá cơ sở tăng từ trên 2-7%, doanh nghiệp đầu mối sẽ phải gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh đến cơ quan quản lý nhà nước (liên bộ Công thương - Tài chính) trước thời gian điều chỉnh hai ngày. Nếu không nhận được trả lời sau hai ngày, doanh nghiệp được tăng giá 2% cộng thêm 40% của mức giá cơ sở tăng trên 2-7%.
60% còn lại sẽ trích quỹ bình ổn để bù đắp. Ngay cả với câu trả lời không đúng nguyên tắc, doanh nghiệp vẫn được quyền tăng giá 2%, cộng thêm 40% mức tăng từ trên 2-7%.
Nếu vẫn không nhận được văn bản về việc xả quỹ bình ổn trong hai ngày tiếp theo, doanh nghiệp được quyền tăng bằng mức tăng giá cơ sở (tương đương giá thế giới cộng thuế, phí, lợi nhuận định mức...).
Đặc biệt, Bộ Công thương được giao chủ trì quyết giá (có phối hợp với Bộ Tài chính) thay cho Bộ Tài chính. Dự thảo nghị định mới cho phép tính giá cơ sở bình quân 15 ngày để làm căn cứ điều chỉnh giá, thay vì 30 ngày như quy định cũ (nhưng doanh nghiệp vẫn phải dự trữ lưu thông 30 ngày).
Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 15 ngày với trường hợp tăng giá và tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Việc trích quỹ bình ổn xăng dầu cũng được làm thường xuyên, liên tục.
Tăng minh bạch, giảm mệnh lệnh hành chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm mới trong dự thảo nghị định, ông Trịnh Quang Khanh - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu VN - cho rằng việc đưa ra biên độ 2% cho doanh nghiệp tự điều chỉnh là phù hợp.
Với mức giá bán lẻ dao động khoảng 25.000 đồng/lít xăng như hiện nay, mỗi lần tăng giảm giá sẽ chỉ khoảng 500 đồng/lít, thay vì mức 7% có thể khiến giá tăng đến 1.300 đồng/lít như quy định hiện hành.
Theo ông Khanh, quy định cho phép doanh nghiệp tự chủ nhiều hơn, được tự tăng giá khi giá cơ sở tăng đến 2% sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ, việc găm hàng chờ tăng giá bởi “cơn sóng nhỏ đã được triệt tiêu ngay thì khó hình thành cơn sóng lớn”.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cũng cho rằng việc tính giá cơ sở bình quân 15 ngày thay vì 30 ngày sẽ giúp giá trong nước bắt nhịp và sát hơn với giá thế giới, hạn chế tình trạng giá thế giới đang giảm nhưng giá trong nước lại tăng.
Với lo ngại Bộ Công thương quản lý doanh nghiệp, lại điều hành giá xăng dầu là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vị chuyên gia này cho rằng Bộ Công thương chỉ chủ trì, vẫn phải phối hợp với Bộ Tài chính.
Hơn nữa, việc điều hành giá phải theo đúng nghị định mới đã được quy định rất chặt chẽ, không phải tùy tiện muốn làm gì thì làm.
Tuy nhiên, ông Trịnh Quang Khanh cũng khuyến cáo việc điều hành sắp tới cần hạn chế các mệnh lệnh hành chính, đặc biệt phải tăng công khai minh bạch. Ví dụ quỹ bình ổn khi nào trích, trích trong thời gian bao lâu, việc sử dụng và số dư bao nhiêu... cần được quy định rõ ràng để người dân, xã hội có thể giám sát...
Ngoài ra, chính sách thuế cần phải được khẳng định rõ ràng ổn định trong bao lâu. Bởi nếu Bộ Công thương quyết giảm giá nhưng Bộ Tài chính lại tăng thuế thì người tiêu dùng cũng khó được hưởng giá sát với giá thế giới khi giá giảm...
* Ông NGUYỄN ANH TUẤN (cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính): Bộ Tài chính sẽ tăng trách nhiệm giám sát Theo Luật giá 2012, bộ hoặc cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực mình quản lý. Chẳng hạn, giá viễn thông đã được giao về Bộ Bưu chính viễn thông quản lý, giá thuốc, dịch vụ y tế giao Bộ Y tế, giá điện giao Bộ Công thương... Do đó, trong quá trình soạn thảo dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đã đề nghị để Bộ Công thương chủ trì điều hành giá xăng dầu, dự kiến việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu cũng được giao về Bộ Công thương để tập trung trách nhiệm vào một đầu mối thay vì liên bộ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không phải “bỏ trách nhiệm” mà sẽ phối hợp với Bộ Công thương trong điều hành giá. Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ trong việc quản lý giá, Bộ Tài chính sẽ phải tăng cường hơn nữa vai trò giám sát việc tăng giá của doanh nghiệp cũng như các quyết định điều hành giá của các cơ quan chức năng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận