29/01/2005 13:00 GMT+7

Giá tết leo thang: Nỗi lo đè nặng người tiêu dùng...

HOÀI TRANG
HOÀI TRANG

TTCN - Giá cả các mặt hàng lương thực - thực phẩm đang biến động từng ngày thậm chí từng giờ và vẫn trong đà tăng. không chỉ trong mùa tết mà nó đã “len lỏi” tăng nhiều đợt, tăng liên tục trong năm rồi. Theo khẳng định của nhiều người, với đà này không dễ gì sau tết giá cả sẽ hạ xuống mức bình thường mà sẽ theo đà... tăng luôn.

aXHZ38NV.jpgPhóng to
Thịt heo, bò là những mặt hàng đang tăng giá khủng khiếp nhất tại chợ Phạm Văn Hai

"Giá tăng là do tâm lý"Giá điện

Nỗi buồn người đi chợ

Bỏ miếng thịt nạc lên bàn cân, cô chủ hàng nói: “Còn đúng một ký rưỡi con lấy hết giùm cô, bỏ tủ lạnh ăn dần. Giá sáng sớm bán tới 50.000 - 52.000đ/kg, giờ còn nhiêu đó cô lấy con 47.000đ/kg thôi, chẵn 70.000đ”... Thấy tôi còn nhăn nhó, cô năn nỉ: “Con chịu khó ăn mắc giùm cô một chút, giá mấy hôm nay tăng dữ lắm...”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu dùng trên cả nước trong tháng 1-2005 đã tăng 1,1% so với tháng 12-2004 và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm có chỉ số tăng cao nhất (1,7%) trong số 10 nhóm hàng được thống kê. Theo nhận định của nhiều giới, mức tăng này cũng trùng khớp với dự báo trước đó của Bộ Thương mại. Theo đó, trong hai tháng đầu năm giá tiêu dùng cả nước sẽ tăng trên dưới 2%, tháng ba tăng hơn 0,5% so với tháng hai, và chỉ số giá tiêu dùng ba tháng đầu năm 2005 sẽ vào khoảng 3,5%.

Ở hàng hải sản, giá tăng còn chóng mặt hơn. Bà Ba bán cá cho biết cả tuần nay bà không dám lấy mực tươi về bán vì giá quá cao. Giá tôm sú loại nhỏ 110.000 - 130.000đ/kg, thậm chí 160.000 - 170.000đ/kg. Ở một tiệm phở trên đường Lý Chính Thắng, tô phở mọi khi có giá 8.000đ nay cũng được người thu tiền “báo giá” 12.000đ với lý do... thịt bò tăng giá.

Tại chợ Phạm Văn Hai, giá thịt bò loại ngon cả tuần nay cũng đã leo lên đến 90.000 - 95.000đ/kg! Và không chỉ các loại thịt cá, cả gạo và nhiều mặt hàng rau củ cũng tăng đều từ 1.000 -5.000đ/kg. Các loại gạo ngon như nàng thơm chợ Đào, Đài Loan mới (chợ Đào), nàng hương đã tăng lên đến 7.000 - 7.500đ/kg.

Chợ cá chiều ở chợ Tân Bình có nhiều khách mối là công nhân may xí nghiệp, mấy ngày nay thường diễn ra những cuộc mặc cả rất chi li. Cầm mấy con cá nục nhỏ xíu trên tay, chị Hương nói: “Mọi khi giá 8.000đ/kg, vậy mà nay trả 10.000đ/kg họ cũng không bán”! Cô bé bán hàng cũng “thảm” không kém: “Chị trả đủ vốn là em bán liền cho chị chứ để làm gì, cá biển mấy bữa nay mắc lắm”. Chị Hương tâm sự: tiền lương tháng đã “đóng đinh” theo từng khoản: tiền chợ, tiền trọ, tiền học của con... Mỗi tháng chị dành dụm một hai trăm ngàn để gửi về quê, nhưng từ nửa năm nay khoản tiền này liên tục bị thâm hụt vì khoản chi nào cũng bị đội lên. Chị nói thấy tết tới gần càng thêm rầu...

Nghe hỏi chuyện giá cả, ông Nguyễn Xuân Trang - trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai - cũng “rên” lên. Ông nói “giá cả tăng đến chóng mặt”. So với cùng thời điểm năm rồi thì hiện tại heo hơi xuất tại chợ đầu mối này đã tăng 8.000 -12.000đ/kg, thậm chí loại heo ngon rất hiếm, chỉ bán đầu chợ đã có giá tới 28.000 - 32.000đ/kg, tức tăng 30-40%, thậm chí gần 50%.

Trong khi đó giá sỉ năm rồi đầu chợ cũng chỉ có 22.000 - 23.000đ và thấp nhất là 17.000đ/kg. Đang tăng hùng hổ không kém là các loại hàng thực phẩm khô và bia rượu bánh mứt phục vụ tết. Anh Cương, chủ cửa hàng bách hóa tổng hợp ở góc đường Trương Vĩnh Ký - Hồ Ngọc Cẩn (quận Tân Phú), cho biết hầu hết các loại thực phẩm nhất là mứt và các loại quà tết đều tăng giá, thậm chí đến 40-50%.

Cùng một loại hạt dẻ, năm rồi giá chỉ 90.000đ/kg thì nay đã lên 140.000đ/kg. Hạt điều các loại cũng tăng 20-30%, từ 100.000đ lên 120.000 -130.000đ/kg. Chỉ trong vòng một tháng qua, giá đường đã tăng đến ba lần và hiện vẫn tiếp tục tăng thêm 50-150đ/kg. Các loại bia như 333 cũng rục rịch tăng giá từ một hai tháng trước và dự đoán còn tiếp tục tăng...

Nhiều mặt hàng tăng giá không kiểm soát được

Ông Trang chỉ vào một tờ giấy A4, nói: “Sở Tài chính đang yêu cầu các chợ báo giá về hằng ngày”... Chuyện tăng giá và bình ổn giá nhiều tuần nay đang trở thành thời sự. Cuối tháng mười hai, Bộ Tài chính đã có chỉ thị về việc bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Trước đó vài ngày, UBND TP.HCM cũng có chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Ất Dậu 2005, trong đó giao Sở Tài chính phối hợp các ngành hướng dẫn các quận huyện tổ chức kiểm tra việc chấp hành giá hàng hóa thực phẩm thiết yếu, giá dịch vụ tại các chợ, nơi mua bán tập trung...; báo cáo kịp thời biến động giá cả và đề xuất UBND các giải pháp ổn định giá cả thị trường trước, trong và sau tết. Giữa tháng một rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra chỉ thị đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, TP phải có biện pháp kiểm soát tình hình giá cả trên thị trường, bình ổn giá trong dịp tết, nhất thiết không để tăng giá...

iWGXYu6O.jpgPhóng to

Hàng hóa tết và sự phân vân của người tiêu dùng

Thế nhưng, chuyện tăng giá và trượt giá đã trở thành “tập quán tết” và hiện tại giá mặt hàng nào cũng tăng hằng ngày, chưa kể đến nhiều mặt hàng đã tăng nhiều đợt liên tục trong năm 2004 và hầu như không thể kiểm soát được. Trong khi đó, đối với những gia đình có thu nhập thấp và trung bình thì việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ.

Ông Trang khẳng định nguyên nhân giá heo tăng không phải do thiếu hàng mà do nhiều chủ hàng đang cố tình ghìm hàng chờ tăng giá tiếp. Và đang có tình trạng các trại chăn nuôi lớn cố tình làm giá. Sau mấy tuần tăng vùn vụt, hiện tại chợ Phạm Văn Hai đã có hiện tượng bị dội heo, giá rớt, thế nhưng tại các sạp bán lẻ ở các chợ Tân Bình, Hòa Hưng giá vẫn giữ nguyên ở “trên trời”, không hề giảm. Tương tự, tại các chợ đầu mối thủy hải sản, lượng tôm cá cung cấp ngày một nhiều nhưng giá cả vẫn bị đẩy lên liên tục. Anh Hùng, chủ một sạp kinh doanh cá đồng ở chợ Chánh Hưng, nhận định sắp tới nhiều mặt cá đồng, nhất là cá lóc còn tiếp tục tăng giá.

Là những mặt hàng chủ yếu nên dù giá tăng người tiêu dùng vẫn phải cắn răng chịu, nhất là trong thời buổi nguồn thực phẩm từ gia cầm bị hạn chế do dịch cúm. Chỉ có đứng ở giữa chợ, ngồi vào bữa cơm của từng gia đình mới thấy bài toán “thịt thà rau củ quả” đã trở thành nỗi lo không của riêng ai. Giá tăng thì phải giảm chi, trong khi các cơ quan chức năng chưa có những động tác can thiệp vĩ mô như tăng lương, kéo tụt tỉ lệ lạm phát... thì trong từng gia đình, các giải pháp thắt lưng buộc bụng đang được đưa ra.

Cho tới thời điểm cận tết này, giá cả nhiều mặt hàng vẫn cao nên đã gần 20 tết nhưng lượng hàng hóa bán ra so với mọi năm còn rất chậm. Ông Trần Đình Chánh, chủ cửa hàng bán sỉ và lẻ các loại hàng hóa thực phẩm Hoa Chánh trên đường Lê Quang Sung, quận 6, cho rằng sức mua năm nay hiện còn thấp hơn nhiều so với năm rồi, lượng hàng tết bán ra chưa tới 50%.Chỉ số giá cả tiêu dùng tăng cao như hiện nay có phải là một bước tiếp của việc hình thành một mặt bằng giá mới?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa,phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính: Không tăng giá điện và cước vận chuyển hành khách

Sức mua dịp tết của xã hội tăng mạnh (khoảng trên 20%) do lương thưởng cuối năm, khách du lịch, Việt kiều về ăn tết đông hơn nên lượng ngoại tệ, kiều hối được chuyển về chi dùng trong dịp tết cũng nhiều hơn. Ngoài ra, năm nay lại có hai nguyên nhân không bình thường tác động, đó là giá nguyên vật liệu thế giới tuy đã giảm hơn cuối năm 2004 nhưng vẫn đứng ở mức cao; dịch cúm gia cầm tái phát làm mất đi nguồn thực phẩm quan trọng trong dịp tết, vì thế nhu cầu đã dồn vào các loại thực phẩm khác như thịt lợn, thịt bò, hải sản… gây sức ép tăng giá mạnh lên các loại thực phẩm này. Chính vì thế, chỉ số giá tháng 1-2005 đã tăng 1,1% so với tháng 12-2004.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính sẽ triển khai một số biện pháp quan trọng nhằm giữ ổn định, không tăng giá một số vật tư, hàng hóa quan trọng trong thời gian này như xăng dầu, điện, sắt thép, ximăng, giá vận chuyển hành khách bằng các phương tiện của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện ngay chính sách một giá dịch vụ, giá vé đi lại đối với người VN ở nước ngoài về nước; phát hiện kịp thời các hàng hóa, dịch vụ quan trọng tăng giá đột biến để thực hiện các giải pháp bình ổn giá… Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết cũng đóng vai trò rất quan trọng. Theo báo cáo của các địa phương, lượng hàng phục vụ tết của các doanh nghiệp năm nay tăng hơn năm trước khoảng 20-30%, chẳng hạn như ngành thương mại Hà Nội chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ trị giá đến 3.500 tỉ đồng.

Chúng tôi muốn khuyến nghị với người tiêu dùng nên lựa chọn phương án tiêu dùng trong dịp tết một cách hợp lý nhất về số lượng hàng, chủng loại hàng và thời gian mua hàng. Không nên mua tập trung, dồn dập tất cả các loại hàng trong mấy ngày cận tết gây đột biến về cầu làm tăng giá.

HOÀI TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên