CPI tăng cao nhất 16 tháng qua
Giá tăng từ quán cơm văn phòng đến quán nhậu, quán phở... Bất hợp lý ở chỗ trong khi nguyên liệu, thực phẩm vừa qua có giảm thì giá hàng ăn vẫn tăng...
Phóng to |
Khách dùng cơm trưa tại một quán ăn ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Thực đơn không ghi giá món ăn, khẩu phần cho ba người ăn là 240.000 đồng - Ảnh: T.T.D. |
Một lãnh đạo Cục Thống kê TP.HCM cũng khẳng định giá nhóm hàng này từ trước đến nay luôn có xu hướng tăng, hầu như không giảm hoặc giảm rất ít.
Đồ ăn, đồ nhậu đua nhau tăng
Cách đây vài ngày, anh Đào Hoàng Tuấn (đường Hoàng Sa, Q.Bình Thạnh) cùng vài người bạn đến quán ốc trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) để ăn uống, chỉ với bốn đĩa ốc, ba chai bia... anh Tuấn phải chi hơn 360.000 đồng. Theo tính toán của anh Tuấn, cách đây chừng một năm số tiền chi cho phần ăn nhậu tương tự chỉ hơn 200.000 đồng, thậm chí thấp hơn. “Trước đây, mỗi đĩa ốc nhậu chỉ khoảng 45.000-50.000 đồng, nay tệ lắm cũng 65.000-70.000 đồng mới gọi là ăn được” - anh Tuấn nói.
"Mặc dù giá nhiều loại đầu vào như gas, xăng, rồi thịt, cá, rau củ có thời điểm tăng nhưng cũng có khi cũng xuống thấp nhưng tôi chưa thấy cửa hàng, quán ăn nào giảm giá" |
Trong khi đó, chị Hồng Phước (đường Nguyễn Hồng Đào, Q.Tân Bình) cho rằng bây giờ bước chân đi ăn ở tiệm là thấy giá tăng “cắt cổ”. Cách đây vài tháng, chị đi ăn hải sản trên đường Hoàng Sa (Q.Tân Bình), cua ghẹ, càng ghẹ rang cũng chỉ chừng 50.000-60.000 đồng là đủ nhưng nay một đĩa không dưới 70.000 đồng. “Mặc dù giá nhiều loại đầu vào như gas, xăng rồi thịt, cá, rau củ có thời điểm tăng nhưng có khi cũng xuống thấp song tôi chưa thấy cửa hàng, quán ăn nào giảm giá” - chị Phước bức xúc.
Cơm bình dân, văn phòng cũng tăng
Không chỉ các quán nhậu đua nhau nhảy giá, các cửa hàng, quán ăn, cơm văn phòng, bình dân cũng tăng giá không kém. Chị Thùy Trang, làm việc tại tòa nhà Centec Tower (đường Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3, TP.HCM), kể cách đây đúng một năm, chỉ cần bước chân ra khỏi văn phòng là có thể kiếm được bất kỳ quán cơm nào có giá 35.000-40.000 đồng nhưng nay tìm mỏi mắt, rẻ nhất cũng phải từ 50.000 đồng/phần ăn.
Trưa 24-9, quán ăn Lan (xã Tân Xuân, H.Hóc Môn) vẫn rất đông người ăn, nhưng gọi một phần ăn mới thấy giật mình khi cơm bình dân giờ cũng đã 17.000-20.000 đồng/suất, muốn gọi thêm đồ ăn phải 30.000-35.000/phần. Chị Nguyễn Thị Ngọc, công nhân ở chợ đầu mối Hóc Môn thường xuyên ăn cơm ở đây, cho biết: “Cách đây hơn một năm, cơm chỉ 12.000-15.000 đồng/phần. Nhưng nay thì cơm ít, canh nguội, miếng thịt, miếng cá cũng bị cắt xén đi nhiều”. Nhiều công nhân ở khu vực này cho biết để tiết kiệm tối đa, nhiều tiệm ăn, quán cơm thay vì xài gas chuyển sang xài bếp than, canh, cơm chỉ đun nấu một lần để không tốn kém... Theo bà Lan, chủ quán cơm, nếu tính từ năm 2009 đến nay, tại khu vực này giá cơm đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi, từ 12.000 đồng lên 22.000-25.000 đồng/suất. Lý giải việc này, bà Lan nói: “Bây giờ giá thứ gì cũng đắt. Rau, củ, thịt cá thất thường, giá xăng dầu lại tăng liên tục nên không tăng thì không có lời”.
Nhóm hàng ăn uống tăng mạnh Cục Thống kê TP.HCM đã công bố CPI tháng 9, trong đó giá các mặt hàng thuộc nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình so với tháng 12-2011 đã tăng thêm 5,83%. Đáng lưu ý, suốt từ đầu năm 2012 đến nay, CPI đã có nhiều tháng biến động với mức giảm sâu do giá gas, giá dầu đã có những thời điểm giảm mạnh nhưng nhóm hàng này chỉ dao động giảm dưới mức 1% trong khi giá gas, giá xăng dầu tăng lên, nhóm này ngay lập tức nhảy vọt lên nhanh chóng khi có tháng tăng tới 2,37% (tháng 2). Để có được con số thống kê đối với ngành hàng ăn uống ngoài gia đình, Cục Thống kê thực hiện lấy giá ở nhiều địa điểm khác nhau tại cùng một thời điểm và căn cứ vào nhiều phép tính để ra được con số chính xác, cụ thể. Vị lãnh đạo này cho biết chủ yếu giá nhóm hàng này luôn có xu hướng tăng là do lợi nhuận của chủ các cửa hàng, quán ăn, quán nhậu... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận