Người dân mua thịt gà trong siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Mức giá này chỉ mới xấp xỉ 50% giá thành chăn nuôi, hiện lên tới 23.000 đồng/kg.
Trong khi giá gà xuất chuồng hiện rẻ hơn giá rất nhiều loại rau, giá gà thịt trên thị trường hầu như không giảm mà vẫn đứng ở mức cao, càng đẩy người chăn nuôi vào tình cảnh khó khăn hơn do sức tiêu thụ không tăng, thậm chí giảm.
Chưa hết, người chăn nuôi nói chung và nuôi gà nói riêng hiện nay còn đối diện với rủi ro khi các loại thịt gà, thịt heo đang được ào ạt nhập khẩu.
Giá bán chỉ bằng nửa giá thành
Sau hơn một tháng thả nuôi, ông Trần Văn Hoan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) vừa xuất bán trại gà công nghiệp tổng đàn 10.000 con với giá 13.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2019, cũng là mức giá thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây với người nuôi gà lông trắng.
Với mức giá nguyên liệu thức ăn như trong thời gian qua, giá thành nuôi gà công nghiệp hiện ở mức 23.000 đồng/kg nên mỗi con gà ông Hoan bán ra (2,5kg) phải chịu lỗ 25.000 đồng. "Tính ra cả trại gà tôi lỗ khoảng 250 triệu đồng.
Gà đến ngày phải bán vì càng để lâu càng tốn thức ăn mà giá thấp cả tháng rồi không biết làm thế nào. Mấy tháng nay người nuôi gà tụi tôi toàn bán dưới giá thành" - ông Hoan cho hay.
Đây cũng là tình cảnh chung của ngành nuôi gà công nghiệp khu vực phía Nam kể từ đầu năm đến nay. Trong 5 tháng đầu năm, giá gà bán ra còn cao hơn một chút so với giá thành nhưng kể từ tháng 6-2019 đến nay, giá bán gà luôn thấp hơn giá thành khiến người nuôi lỗ chồng lỗ.
Nhiều trang trại nuôi gà đã quá ngày xuất bán, quá trọng lượng nhưng vẫn chưa bán được dù giá loại gà này giảm chỉ còn 11.000-12.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho hay một trong những lý do khiến giá gà công nghiệp sụt giảm mạnh là do thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi gà tăng đàn với kỳ vọng thịt gà sẽ thay thế thịt heo trước tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi đang tàn phá ngành chăn nuôi heo, và giá thịt gà sẽ tăng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến nay nguồn cung thịt heo dù có sụt giảm vẫn đang dồi dào, giá heo vẫn ở mức thấp nên nguồn cung gà bị dư, kéo theo giá giảm mạnh.
Ngoài ra, dù giá gà bán ra tại trại giảm rất mạnh trong thời gian dài nhưng giá bán thịt gà tại các chuỗi bán lẻ cũng như chợ lẻ hầu như không giảm tương ứng. Điều này đã không kích thích được nhu cầu tiêu dùng của người dân để giải phóng bớt lượng gà còn rất nhiều trong các trang trại.
Theo giám đốc một công ty kinh doanh, với giá gà tại trại là 12.000-13.000 đồng/kg như hiện nay, giá gà nguyên con sau giết mổ trừ đi chi phí vận chuyển, hao hụt, thú y, đóng gói... ở vào mức xấp xỉ 20.000 đồng/kg.
Thế nhưng tại các điểm bán lẻ, giá thịt gà các loại như đùi gà, cánh gà, ức gà... vẫn ở mức 50.000-60.000 đồng/kg là quá cao. "Tôi cho rằng các nhà bán lẻ cần giảm giá thịt gà xuống để kích cầu tiêu dùng, góp phần hỗ trợ tiêu thụ gà thịt cho các trang trại chăn nuôi" - vị này nói.
Nguy cơ "chuồng không, trại trống"
Theo Bộ NN&PTNT, nhập khẩu thịt gà về VN trong nửa đầu năm nay đạt trên 80.000 tấn, chủ yếu là đùi, cánh và chân gà, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10% so với năm trước. Giá đùi gà nhập khẩu về VN trong thời gian qua ở mức xấp xỉ 1 USD/kg, cộng với chi phí kho bãi và thuế nhập khẩu 20%, giá thành đến kho của các doanh nghiệp ở mức khoảng 30.000 đồng/kg.
Trong khi đó, do lo sợ dịch bệnh, nhiều bếp ăn công nghiệp và các doanh nghiệp có sức tiêu thụ lớn đã ngưng sử dụng heo nội địa để chuyển sang dùng heo nhập khẩu, khiến lượng thịt heo nhập khẩu trong nửa đầu năm nay tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc một công ty chăn nuôi nước ngoài tại VN cho rằng nguồn thịt (gà, heo) nhập khẩu cũng góp phần khiến giá gà trong nước giảm mạnh, trong khi giá heo không tăng dù tổng đàn bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cũng theo vị này, không chỉ gà công nghiệp mà gà tam hoàng cũng như gà ta đang rơi vào giai đoạn giảm giá mạnh nhất khiến người chăn nuôi lao đao, phải bán tống bán tháo để giảm lỗ. Ngoài ra, sức tiêu thụ các loại thịt trong tháng 7 âm lịch vừa qua cũng sụt giảm, chưa kể thời gian qua học sinh, sinh viên nghỉ hè nên nhu cầu của các bếp ăn trường học hầu như không còn.
Trong khi đó, việc dự báo nguồn cung heo trong nước thiếu hụt do dịch bệnh trước đó cũng không chính xác, mà có thể xảy ra vào cuối năm nay.
"Bộ NN&PTNT tính toán nguồn thịt heo thiếu sẽ được bù đắp bằng thịt gà, vịt nhưng với tình hình thua lỗ thê thảm như hiện nay, nhiều trang trại sẽ giảm hoặc bỏ trống chuồng trại. Do đó, cuối năm có thể dẫn đến cả thiếu heo lẫn thiếu gà" - vị giám đốc này cảnh báo.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nếu những tháng cuối năm xảy ra tình trạng thiếu thịt không chỉ làm giá tiêu dùng trong nước tăng cao mà còn là cơ hội cho thịt nhập khẩu tràn về chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch tăng cường nhập khẩu thịt heo, gà cho cuối năm. "Một khi thịt nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường nội địa, ngành chăn nuôi trong nước rất khó giành lại như đã từng mất thị phần ở các bếp ăn công nghiệp khoảng 10 năm trước đây" - đại diện hiệp hội cho biết.
Chỉ thiếu thịt cục bộ?
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết với tình hình phát triển chăn nuôi như hiện tại, nguy cơ thiếu thịt vào cuối năm sẽ khó xảy ra.
"Nếu thiếu chỉ là cục bộ ở một vài thời điểm ngắn hoặc một vài địa phương cụ thể, về lâu dài nguồn cung thịt trong nước đáp ứng đủ, chưa cần tính đến chuyện nhập khẩu số lượng lớn" - ông Dương cho biết.
Theo ông Dương, dù tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi vẫn còn rất phức tạp nhưng số trang trại heo chưa nhiễm bệnh trên toàn quốc là rất lớn.
Các địa phương cũng đang tính đến chuyện tái đàn nếu hội đủ điều kiện như không xảy ra dịch bệnh trong 30 ngày, tái đàn ở nơi chưa có dịch bệnh, thử nghiệm tái đàn 10% rồi tăng lên theo tình hình dịch bệnh... Ngoài ra, nguồn cung thịt heo nếu thiếu sẽ được bổ sung bằng thịt gia cầm (gà, vịt), gia súc (trâu, bò) và thủy sản đang có mức tăng trưởng tốt trong thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận