23/08/2004 00:20 GMT+7

Giá dầu tăng, xuất khẩu khó khăn

CẨM HÀ thực hiện
CẨM HÀ thực hiện

TT - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama đã dành buổi sáng chủ nhật 22-8 để trao đổi với Tuổi Trẻ về những tác động của việc tăng giá dầu mỏ thế giới đối với nền kinh tế VN.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Martin Rama:

ZugZAfKw.jpgPhóng to
TT - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama đã dành buổi sáng chủ nhật 22-8 để trao đổi với Tuổi Trẻ về những tác động của việc tăng giá dầu mỏ thế giới đối với nền kinh tế VN.

Ông nói giá dầu thế giới ảnh hưởng không nhiều tới kinh tế VN, mà chính các biện pháp trong nước về chính sách phát triển cũng như tài chính và ngân hàng mới là những yếu tố quyết định.

* Theo ông, giá dầu tăng, nền kinh tế VN sẽ bị tác động ra sao?

- Thật ra, giá dầu thế giới tăng không ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế VN như một số nền kinh tế khác. Bởi vì lượng dầu thô VN xuất khẩu cũng tương đương số lượng các sản phẩm dầu lọc (xăng) mà VN phải nhập về. Như vậy, giá dầu thế giới tăng chỉ ảnh hưởng tới kinh tế VN ở hai khía cạnh sau:

Thứ nhất là xuất khẩu. Các hoạt động của nền kinh tế lớn như EU, Mỹ, Nhật sẽ phải chững lại do giá dầu tăng. Đây lại là ba khu vực nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của VN. Do vậy, có thể nhu cầu nhập khẩu của họ sẽ giảm và VN không thể tăng xuất khẩu sang các thị trường này như mong đợi.

Thứ hai là lạm phát. Giá dầu tăng sẽ làm các ngành phụ thuộc vào năng lượng như vận tải buộc phải tăng chi phí, như vậy chi phí đầu vào của các sản phẩm tăng và làm giá cả hàng hóa tại VN tăng. Tuy nhiên, tác động dây chuyền này không thấy ngay trong một thời gian ngắn mà sẽ diễn ra trong vòng vài tháng.

* Điều này đồng nghĩa với lạm phát sẽ tiếp tục xảy ra tại VN trong tương lai gần?

- Đúng. Mức lạm phát hiện tại ở VN vào khoảng hơn 7% và sẽ còn tăng hơn nữa, nhưng chắc chắn sẽ không vượt quá hai con số. Thế nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng mức lạm phát này không phải là một cú sốc mặc dù nó vượt gấp đôi mức lạm phát thông thường của VN là 3-5%/năm.

Lạm phát cao chỉ đáng lo ngại khi nó diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Giá cả tại VN tăng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chịu nhiều tác động từ bên ngoài. Do dịch cúm gà từ đầu năm, giá thực phẩm tại VN bắt đầu tăng cao.

Tiếp đó giá thép, giá ximăng tăng đã làm tăng chi phí đầu vào của một loạt các hàng hóa khác. Và hiện tại là giá dầu thế giới tăng. Mức lạm phát của VN tăng từ từ và là kết quả tất yếu của những yếu tố tôi vừa nêu. Do vậy, mức lạm phát này không có gì đáng lo ngại.

Martin Rama là chuyên gia kinh tế trưởng của WB trong nhóm nghiên cứu phát triển.

Ông từng là chủ nhiệm khoa Kinh tế khoa học tại ĐH Paris 1.

Trước khi tham gia WB, ông là nghiên cứu viên tại một trung tâm chuyên điều tra các vấn đề kinh tế ở Uruguay.

* Sau khi cho phép tăng giá xăng, Chính phủ đã yêu cầu một loạt các ngành quan trọng khác như điện, ximăng không được tăng giá. Ông đánh giá biện pháp này như thế nào?

- Sau khi quyết định tăng giá xăng, Chính phủ có gửi một thông điệp đến các ngành chủ chốt yêu cầu không được tăng giá các dịch vụ cũng như hàng hóa do các ngành này cung cấp. Một thông điệp của Chính phủ nêu rõ giá dầu, xăng tăng chỉ là tạm thời và chỉ dẫn các ngành, các doanh nghiệp không vội vã tăng giá theo là điều cần thiết.

Thế nhưng mặt khác theo quy luật của kinh tế thị trường, giá cả là do thị trường quyết định. Chính phủ không nên quản lý giá. Mọi sự can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và của thị trường là đều không đúng với quy luật.

* Theo ông, các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát tại VN đến nay có hiệu quả?

- Như tôi đã nói ở trên, mức lạm phát hiện nay ở VN không phải là điều lo ngại vì chỉ mang tính tạm thời. Do vậy, theo tôi, đây không phải là lúc cần áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng như nhiều người nghĩ. Ở VN hiện nổi lên hai vấn đề ảnh hưởng cốt tử đến viễn cảnh kinh tế của VN. Đó là chính sách tài chính (ngân sách) và chính sách tiền tệ.

Trong lĩnh vực chính sách tài chính, VN cần phải chi tiêu ngân sách hiệu quả hơn. VN vẫn cần đầu tư rất nhiều cho phát triển nhưng những chi tiêu này phải hiệu quả, đáng giá, đúng lúc đúng chỗ. Các dự án phải được chọn lựa kỹ càng, cẩn thận, không chạy theo số lượng.

Trong lĩnh vực tiền tệ, các chính sách lãi suất phải linh hoạt hơn. Với mức trượt giá như hiện tại thì các mức lãi suất do các ngân hàng thương mại VN đưa ra không còn đủ hấp dẫn nữa. Đúng là khi lãi suất ngân hàng tăng, hoạt động của nền kinh tế chững lại và ngược lại (ví dụ như ở Mỹ). Nhưng trong trường hợp của VN và nhất là trong tình hình này, các ngân hàng cần có chính sách lãi suất hấp dẫn hơn.

* VN đang trong giai đoạn đuổi kịp các nước khác trong khu vực và nhiều ý kiến cho rằng sẽ mất 25-30 năm nữa để VN bằng Singapore bây giờ? Thế nhưng cũng có một vài ý kiến cho rằng VN khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính nếu không tích cực cải cách. Dưới góc độ một nhà kinh tế, ông thấy đâu là những điểm mấu chốt để VN có thể phát triển bền vững?

- Có bốn vấn đề thôi. Thứ nhất là gia nhập WTO. VN đã gần đặt bước chân vào tổ chức này nhưng vẫn là kẻ đứng ngoài. Quan trọng hơn là sau khi gia nhập, VN thực hiện hiệu quả các cam kết như thế nào? Thứ hai là cải cách ngân hàng. Các ngân hàng cải cách sẽ buộc các doanh nghiệp nhà nước cũng phải cải cách theo vì sẽ không thể nào trông chờ các nguồn vay khổng lồ từ ngân hàng nếu làm ăn kém hiệu quả. Thứ ba là chất lượng của đầu tư.

Chính phủ sẽ phải nghiêm túc nhận thức việc lựa chọn dự án nào thì Nhà nước thực hiện, dự án nào thì để tư nhân làm chứ không thể đầu tư dàn trải, thiếu lựa chọn như hiện nay. Cuối cùng là việc tăng cường tính minh bạch và năng lực của bộ máy nhà nước.

Trong quá trình làm việc với Chính phủ VN, chúng tôi thấy Chính phủ nhận thức rõ được những vấn đề này. Vấn đề giờ đây là đối mặt và quyết tâm giải quyết những vấn đề này ra sao.

* Xin cảm ơn ông.

CẨM HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên