26/10/2010 07:22 GMT+7

Giá ảo không có lợi cho bóng đá VN

NGUYÊN KHÔI ghi
NGUYÊN KHÔI ghi

TT - Đó là chia sẻ của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ xung quanh giá trị chuyển nhượng cầu thủ VN đang tăng chóng mặt.

LBll4gx3.jpgPhóng to
Huỳnh Kesley (phải) - cầu thủ được cho rằng về Xuân Thành Hà Tĩnh với giá kỷ lục - Ảnh: N.K.

Theo ông Hỷ, thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở VN đang chuyển động hỗn độn và phức tạp. Điều này thể hiện qua các điểm sau:

1 Nhiều CLB tiếp xúc trái luật với cầu thủ muốn ký hợp đồng khiến thị trường chuyển nhượng rơi vào cảnh rối rắm. Như báo chí nêu trường hợp thủ môn Phan Văn Santos có đến ba CLB tuyên bố sở hữu là Navibank Sài Gòn, B.Bình Dương và Vissai Ninh Bình. Là nơi quản lý đăng ký cầu thủ, chúng tôi đã hỏi cả ba CLB trên và họ đều chối là không có chuyện đó.

2 Cầu thủ ngôi sao khi muốn chuyển sang một CLB khác thường tiếp xúc nhiều với các CLB để đẩy giá lên. Như Huỳnh Kesley, lúc nghe về Vissai Ninh Bình, giờ lại nghe về Xuân Thành Hà Tĩnh với giá kỷ lục. Hay trung vệ Minh Đức, cuối mùa giải 2010 bảo sẽ gắn bó suốt đời với CLB Ximăng Hải Phòng nhưng giờ cũng nghe là người của Xuân Thành Hà Tĩnh. Chỉ cần 3-4 cầu thủ làm kiểu này cũng khiến thị trường chuyển nhượng VN rối loạn.

Bóng đá VN gây sốc

Ông Hỷ đã bình luận như thế khi nói về việc nhiều CLB VN bán lại suất thi đấu như CLB Thể Công bán lại suất thi đấu V-League 2010 cho CLB Thanh Hóa sau khi CLB này rớt hạng năm 2009, CLB Hòa Phát V&V bán lại suất đá hạng nhất 2011 cho CLB Xuân Thành Hà Tĩnh sau khi vừa giành quyền thăng hạng.

Ông nói: “Nếu các CLB của bóng đá thế giới kiếm tiền bằng cách đào tạo cầu thủ giỏi rồi bán thì bóng đá VN gây sốc hơn khi không chỉ bán một cầu thủ mà bán cả đội bóng. Do họ không sai luật khi chuyển nhượng một đội bóng nên VFF không thể ngăn được và điều này khiến tính truyền thống của CLB đang bị xem nhẹ”.

3 Các nhà môi giới đánh bóng thương hiệu cho cầu thủ ngôi sao qua nhiều nguồn để đẩy giá trị chuyển nhượng lên cao nhằm đôi bên đều có lợi. Chẳng hạn như một cầu thủ chỉ có giá A, nhưng khi qua môi giới lại được thổi lên giá A+ khiến thị trường chuyển nhượng không còn đúng ý nghĩa của nó. Và cuối cùng, nhiều CLB khi thi đấu không thành công đã quyết mua cầu thủ ngôi sao nhằm đạt được thành tích như mong muốn. Từ đó đẩy giá cầu thủ lên cao.

Giá trị cầu thủ VN ngày càng tăng là điều đáng mừng cho họ và cho thấy cầu thủ VN đang được trọng dụng tốt. Nhưng điều này có phản ánh đúng giá trị của cầu thủ ngôi sao? Theo tôi, trong số đó cũng có nhiều người xứng đáng với số tiền họ được nhận như cái tên hot nhất ở thị trường chuyển nhượng vừa qua là Quang Hải, bởi anh là chân sút đẳng cấp trong màu áo đội tuyển khiến CLB Navibank Sài Gòn đã không tiếc tiền để có được anh.

Thật ra, chúng ta đều không xem được hợp đồng giữa cầu thủ và CLB nên tôi cũng nghi ngờ về giá chuyển nhượng của các cầu thủ được tung lên báo. Như khi báo chí nói một cầu thủ giá 6 tỉ đồng, tôi có hỏi chủ tịch CLB đó, họ chỉ nói giá phân nửa. Nhưng thực tế một số cầu thủ được các CLB quyết lấy bằng mọi giá đã đẩy giá chuyển nhượng lên cao ngất.

Việc giá trị cầu thủ bị đẩy lên cao khiến các CLB càng chi nhiều tiền. Điều đó hoàn toàn không có lợi cho bóng đá VN do cứ lấy của người khác chứ không phải của mình làm ra. Chưa kể cầu thủ ngôi sao cũng sẵn sàng phá vỡ hợp đồng để ra đi, khiến CLB tiếp tục lao vào vòng xoáy tìm cầu thủ giỏi khác thay thế. Như CLB Vissai Ninh Bình mua khá nhiều cầu thủ ngôi sao rồi lại bán, trong khi thành tích CLB vẫn không có.

Do đó, nếu giá cả không đúng giá trị sẽ gây hiệu ứng xấu và có thể dẫn tới phản tác dụng. Đây là điều các nhà quản lý CLB cần lưu ý.

Tôi cũng đồng quan điểm với bầu Đức là không có cầu thủ VN nào có giá hơn 5 tỉ đồng. Muốn thay đổi điều đó, chỉ có cách làm tốt công tác đào tạo trẻ như cách bầu Đức đang làm với Học viện HAGL - Arsenal.

NGUYÊN KHÔI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên