![]() |
Những nữ lao động VN trong trại Bát Đức Ảnh: V.H. |
Chúng tôi đã gặp họ tại trại tạm giam thuộc Phân cục Cảnh sát thành phố Bát Đức thuộc Cục Cảnh sát huyện Đào Viên (Đài Loan).
Trại tạm giam
Phân cục Cảnh sát Bát Đức là một tòa nhà sáu tầng, trong đó riêng tầng âm dành để cầm giữ lao động bất hợp pháp nước ngoài. Chúng tôi được một người quen của chỉ huy phân cục (là giám đốc một công ty môi giới lao động) đưa vào trại để gặp lao động bất hợp pháp VN bị cầm giữ ở đó.Hai nhân viên cảnh sát trực tiếp đưa chúng tôi xuống trại. Cánh cổng sắt nặng nề mở ra. Bên trong, ba phòng giam được chắn bởi những tấm song sắt to bằng cổ tay, sàn lát gỗ, chật cứng người, trong đó có 14 lao động VN. Phòng giam rộng khoảng 6m2, mỗi phòng chứa 6-7 người. Trời cuối thu se lạnh. Ở dưới tầng âm càng lạnh lẽo hơn. Những người bị giam đắp kín chăn nằm sát nhau, bất động. Ngày qua ngày họ cam chịu cảnh sống tù túng như thế một cách vô cảm. Người đến, người đi, tất cả đều lặng lẽ, âm thầm. Dường như cuộc sống nơi đây đã tập cho họ thói quen im lặng. Trại được canh phòng khá cẩn mật bởi năm viên cảnh sát to khỏe. Họ tiếp chúng tôi với một thái độ dè dặt, rất kiệm lời. Hầu hết mọi ngôn ngữ đều thông qua ánh mắt và cử chỉ.
Sau khi nghe giới thiệu chúng tôi là những nhà báo từ VN qua, trung tá Thẩm Chính Trình - tổ trưởng tổ ngoại sự - lên tiếng: “Trại Bát Đức đã thu dung rất nhiều lao động bất hợp pháp bị bắt. Trong đó chiếm 2/3 là lao động VN. Các ông thấy đó, họ ở đây khá bình yên và không hề bị ngược đãi”. Ông Thẩm cho biết hằng ngày lao động đều được tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, mỗi bữa được cấp một hộp cơm. Khi chúng tôi tỏ vẻ ái ngại về không khí nặng nề, u ám ở đây, ông Thẩm cười nhạt: “Dẫu sao thì đây cũng là trại tạm giam. Những người ở đây một số sẽ bị trục xuất, số còn lại nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ bị đưa ra tòa và sau đó chuyển vào tù. Ở tù sẽ không thoải mái như ở đây đâu!”.Ông Đường- một đồng sự của ông Thẩm - cho biết thêm: “Ở Đài Loan có hàng chục trại tạm giam như thế này. Trong đó, trại Tam Hiệp thuộc huyện Đài Bắc là lớn nhất. Ở đó thường xuyên có vài trăm lao động VN làm việc phi pháp bị cầm giữ”.
![]() |
Các cô gái VN trong trại tạm giam - Ảnh: V.H. |
Được sự cho phép của giám thị, chúng tôi mời hai lao động nữ ra ngoài để trò chuyện. Đó là hai cô gái không còn quá trẻ nhưng trắng trẻo, mái tóc nhuộm vàng hoe. Cô gái có tên Nguyễn Thị H. cho biết: “Quê tôi ở Việt Yên, Bắc Giang. Đang yên ổn giúp việc cho một gia đình ở Đào Viên thì có một cô dâu VN tên là Hương xúi tôi trốn, ra ngoài sẽ lo việc làm thu nhập cao. Thế là tôi theo cô ấy trốn ra ngoài”. Không ngờ, ngày cô rời khỏi nhà chủ hợp pháp cũng là ngày bắt đầu chuỗi thời gian tủi nhục nhất trong cuộc đời. Ngô Thị T. - quê huyện Lục Nam, Bắc Giang, cùng theo Hương bỏ trốn - kể tiếp: “Bọn tôi bị đưa vào quán karaoke làm tiếp viên. Bà chủ bảo bọn tôi ngồi tiếp khách. Khách càng đông, bà ấy trả lương càng cao. Thế nhưng làm chưa hết tháng, chưa được nhận lương, Hương đến báo sắp có cảnh sát kiểm tra, chuyển bọn tôi đi chỗ khác. Cứ thế, bọn tôi bị chuyển đi tới 5-6 quán khác nhau, làm cật lực mà không được trả đồng lương nào”. T. vừa nói vừa khóc tấm tức. Có một điều các cô chưa nói hết nhưng chúng tôi đã đọc được trong hồ sơ cảnh sát: nhiều lần Hương điều các cô đi ngủ đêm với khách, mỗi lần như vậy đều phải nộp lại cho thị 1.000 đài tệ.
Nhóm các cô bị thị Hương lừa gồm năm người, ngoài H., T. nói trên còn có Trần Thị H., Phạm Thị M., Nguyễn Thị T. - tất cả đều quê Bắc Ninh, Bắc Giang. H. quả quyết: “Chính con Hương báo cảnh sát đến bắt bọn tôi. Cốt là để khỏi phải trả lương mấy tháng làm cho nó”.Nguyễn Thị Kiều (quê Nghệ An) là người có thời gian lâu nhất tại đây: bị bắt từ ngày 27-7-2004. Trong thời gian gần một năm trốn chui trốn lủi, cô đã trải qua bao nghề, từ làm bánh, làm trong nhà máy sản xuất vỏ điện thoại cho tới... làm ruộng... Thế mà đến lúc bị bắt trong người cô không mảnh giấy tùy thân, không một xu dính túi. Tất cả 14 người trong trại đều như vậy. Giờ đây họ chỉ biết bấu víu vào một niềm hi vọng mong manh: sẽ có một khoản tiền nào đó giúp họ mua vé máy bay để về nước. Nhưng phải chờ đến bao giờ thì họ không biết.
Lao động bỏ trốn: SOS!
Về phòng làm việc, ông Thẩm nói: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lao động bỏ trốn. Nhưng lớn nhất là do những tác động từ bên ngoài, đặc biệt là việc một số cô dâu VN xúi giục, dẫn dắt. Chúng tôi biết ở Đài Loan có rất nhiều đường dây “cò” lao động bất hợp pháp nhưng chưa thể triệt phá hết”.
Ông nhấn mạnh: “Không ít lao động sau khi bị trục xuất về nước lại sử dụng hộ chiếu giả để quay lại Đài Loan làm việc. Đã có lao động bị chúng tôi thẩm vấn ba lần trong ba năm liên tiếp, mỗi lần mang một cái tên khác, mà trường hợp cô Nguyễn Thị Hơn ở tỉnh Hải Dương là một điển hình”. Phải chăng do họ quá cùng cực nên phải bỏ trốn? Có thể họ gặp khó khăn, nhưng không có nghĩa là đã bị dồn vào bước đường cùng. Tất cả đều nói với chúng tôi: trước khi trốn họ chưa hề nhờ môi giới giúp đỡ, cũng chưa hề liên hệ với Ban Quản lý lao động VN tại Đài Loan.
Còn có không ít người nuôi sẵn ý đồ từ nhà nên đã bỏ trốn ngay khi vừa đến sân bay. Cô Nguyễn Thị Tin (quê Bắc Ninh, cũng đang ở trại Bát Đức) bộc bạch: “Vì lòng tham nên tụi tôi mờ cả mắt. Bây giờ chuyện đã rồi, hối không kịp. Rồi đây bị trục xuất về, có bán cả nhà cũng chưa chắc đã trả hết nợ”. Tuy nhiên, xét trên một góc độ khác, họ vẫn còn may mắn. Ông Trần Đông Huy - trưởng Ban Quản lý lao động VN tại Đài Loan- kể: “Lê Huy Hà và Nguyễn Hữu Trang, cả hai đều bỏ trốn và bị tai nạn dẫn đến tử vong nhưng không ai chịu trách nhiệm bồi thường.
Trường hợp sang Đài Loan làm việc bằng visa du lịch của Đậu Văn Hồng (quê ở Nghệ An) cũng vậy - chết tháng 7- 2003 nhưng đến giờ vẫn chưa đưa được di hài về nước. Lao động bất hợp pháp là vậy, không có bất cứ quyền lợi gì, không được ai bảo vệ”.Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Như Lý - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế văn hóa VN tại Đài Bắc - khẳng định: “Tình trạng lao động bỏ trốn không chỉ gây thiệt hại cho chính bản thân họ, mà còn đóng dần cánh cửa sang làm việc tại Đài Loan của nhiều người khác. Phía Đài Loan đã nhiều lần dọa sẽ đóng cửa thị trường lao động đối với VN cũng chính vì nguyên nhân này”.
Đáng tiếc, con số gần đây nhất mà chúng tôi nhận được lại là sự gia tăng đáng kể số vụ lao động bỏ trốn: tính đến cuối tháng 8- 2004 là 7.441 người, chiếm trên 9% tổng số lao động VN làm việc tại Đài Loan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận