*Bộ trưởng Bộ y tế chúc mừng Bệnh viện Trung ương Huế
Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tim người ở Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng trong ngành y, đánh dấu một bước tiến của ngành y khoa nước nhà và mở ra cơ hội mới cho việc ghép tim ở Việt Nam.
Phóng to |
Êkip bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca mổ ghép tim đầu tiên ở VN - Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp |
Phóng to |
Bệnh nhân ca ghép tim lịch sử Trần Mậu Đức có thể tự ngồi nghỉ ngơi trong phòng bệnh mà không cần sự trợ lực nào - Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
Khách mời tham dự buổi trực tuyến gồm:
- GS.TS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch hội tim mạch TP.HCM; Phó Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam; Phó giám đốc bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
- GS.TS Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (chủ trì ê kíp, phẫu thuật viên chính của ca ghép tim ngày 1-3 tại Bệnh viện Trung ương Huế); Chủ tịch hội phẫu thuật tim mạch lồng ngực Việt Nam)
- GS.TS Huỳnh Văn Minh - Phó chủ tịch hội tim mạch Việt Nam.
- ThS BS Đoàn Đức Hoằng - Thư ký chương trình ghép tim Bệnh viên Trung ương Huế.
- BS Đặng Thế Uyên - trưởng khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế.
- BS Phạm Thọ TuấnAnh - Trưởng khoa hồi sức phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Các khách mời trả lời bạn đọc từ tòa soạn Tuổi Trẻ Online (TP.HCM) và từ Bệnh viện Trung ương Huế.
NỘI DUNG
* Tôi xin hỏi trước khi mổ bệnh nhân Trần Mậu Đức có bệnh án như thế nào? (Nguyễn Hoàng Dũng, 1962 tuổi, nhdung300@)
- Ths BS Đoàn Đức Hoằng: Bệnh nhân 26 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim độ 4, không đáp ứng với phương thức điều trị nội khoa và các phương pháp điều trị khác. Vì tính chất bảo mật của hồ sơ bệnh án cá nhân nên chúng tôi xin phép không công bố chi tiết.
* Xin hỏi trường hợp nào thì cần ghép tim? Bệnh cơ tim phì đại có cần ghép tim không. Chi phí ghép tim khoảng bao nhiêu? (Lê Văn Thu, 32 tuổi, ruacon90@...)
- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Ghép tim được chỉ định cho những trường hợp suy tim không hồi phục giai đoạn cuối (III, IV). Thời gian hy vọng sống còn của bệnh nhân chỉ còn từ 12 đến 18 tháng và không đáp ứng với điều trị. Bệnh cơ tim phì đại trước mắt cần được điều trị nội khoa tích cực, chưa cần phải ghép tim.
Hiện thời chi phí ghép tim ở trong nước chưa xác định chính xác, tùy thuộc vào từng trung tâm.
Phóng to |
Các bác sĩ thực hiện ca ghép tim ở Bệnh viện T.Ư Huế đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc - Ảnh: Thái Lộc |
* Cho con hỏi GS.TS Đặng Văn Phước là con đang bị suy tim độ III, con thấy VN hiện nay ghép tim được là do người hiến tặng bị chết não, người hiến tặng đó có cần là người thân hay bất cứ ai cũng được? Xin cảm ơn GS (Lâm Thanh Hùng, 24 tuổi, thanhhunglamvn@...)
- GS.TS Đặng Vạn Phước: Trước tiên, để trả lời chính xác câu hỏi này, cũng cần thêm nhiều thông tin về bệnh lý của bạn, ví dụ như nguyên nhân gây suy tim là bệnh gì? Vì ghép tim chủ yếu dành cho những trường hợp bệnh cơ tim và bệnh lý của mạch vành mà các biện pháp điều trị hiện có của y học không thể giải quyết được. Và mức độ suy tim thường là giai đoạn cuối cùng, nghĩa là giai đoạn 4 và không còn đáp ứng với các biện pháp điều trị tối ưu hiện có.
Do đó, nếu bệnh của bạn là do bệnh van tim như hẹp hở van hai lá hoặc một bệnh tim bẩm sinh còn có thể phẫu thuật sửa chữa được và mức độ suy tim còn ở mức độ 3, chưa phải là đối tượng để xét tới chỉ định hoặc thay tim.
Còn về thắc mắc người hiến tặng tim thì theo nguyên tắc, việc ghép tạng của người thân hay cùng huyết thống bao giờ cũng thuận lợi và tốt nhất. Tuy nhiên, mỗi người chỉ có một quả tim, do đó, không thể nào cho quả tim cho người bệnh.
Và hơn nữa, khi chết thì thường đã quá lớn tuổi và đa số cũng có những bệnh lý của bản thân trái tim, và làm sao người bệnh lại có thể chờ đến lúc đó được? Do đó, nguồn tạng hiến để ghép tim chủ yếu là từ người chết não. Tuy nhiên, vì không phải là người thân hay cùng huyết thống nên phải có những điều kiện hòa hợp về miễn dịch giữa người hiến tạng và người được ghép tạng.
* Lời đầu tiên xin chúc mừng các bác sĩ trong ekip ghép tim vừa rồi. Xin hỏi bác sĩ Phú, để ghép tim thì cần có điều kiện gì giữa người cho và người nhận?(PHẠM VĂN DẠNG, 31 tuổi, phamvandang@...)
- GSTS Bùi Đức Phú: Để ghép tim cần phải có sự hòa hợp về các tiêu chuẩn miễn dịch và huyết động giữa người cho và người nhận:
-Tiêu chuẩn miễn dịch bao gồm: Tương hợp nhóm máu ABO là bắt buộc. Nếu thời gian thiếu máu dưới 4 giờ thì có thể ghép tim cho dù bất kỳ độ tương hợp nào về HLA. Nếu người nhận có test kháng thể phân nhóm phản ứng dương tính (PRA) thì phải tiến hành phản ứng độ chéo tế bào lympho.
Trường hợp PRA dương tính (+): test sàng lọc có kháng thể bất thường thì phản ứng đọ chéo tế bào lympho âm tính là bắt buộc ở người lớn.
Đối với trẻ em, ghép tim có thể chấp nhận khi phản ứng dương tính nhưng phải tăng điều trị ức chế miễn dịch
- Tiêu chuẩn huyết động: Tim của người cho phải đáp ứng được nhu cầu của người nhận; Tương hợp trọng lượng giữa người cho và người nhận: sự khách biệt chấp nhận được 10 - 15%, hoặc tỷ lệ trọng lượng người cho - người nhận khoảng 80 - 120%.
* Tôi hay bị nhói ở tim. Gần đây có cảm giác tức nặng phía trái của tim và có cảm giác mạch đập rất mạnh ở gần cổ (bên trái) nhưng đo điện tim ở BV, bác sĩ nói mọi cái đều bình thường. Xin hỏi tôi có dấu hiệu của bệnh tim không? Lê Thị Sen, 56 tuổi, lesen2007@...)
- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Trước tiên cần đánh giá huyết áp, huyết áp cao có thể gây ra các triệu chứng đau ở tim và đập mạnh ở cổ. Cần thiết nên siêu âm tim xem có tổn thương van tim hay không, đặc biệt là van động mạch chủ.
Ngoài ra cũng nên siêu âm kiểm tra động mạch cảnh ở nền cổ.
Phóng to |
BS Phạm Thọ Tuấn Anh - Trưởng khoa hồi sức phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (phải) và BS chuyên khoa I Bùi Quốc Thắng tại buổi tư vấn trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm |
* Người cho tim phải có đủ tiêu chuẩn gì? Thế nào gọi là chết não? Tiêu chuẩn nào xác định và cách thức xác định? Sau khi cho tim, người cho được thu xếp hậu sự như thế nào? Gia đình và người thân có được quyền lợi gì không? (Hoàng Anh, 34 tuổi, hoanganh@...)
- GSTS Huỳnh Văn Minh: Người cho tim phải có đủ tiêu chuẩn:
Thứ 1, Tuổi dưới 55 tuổi, những trường hợp cần thiết và cấp cứu sẽ chọn lứa tuổi lớn hơn.Thứ 2, phù hợp với cân nặng. Độ chênh giữa cân nặng không quá 15%.Thứ 3, sự tương hợp về miễn dịch. Chủ yếu là nhóm máu ABO thích hợp.Thứ 4, về huyết động: Không bị rối loạn về huyết động, nghĩa là không bị suy tim nặng.Thứ 5: Không có các bệnh nhiễm trùng đang hoạt động.Thú 6: không có các bệnh lý ác tính, trừ ung thư não nguyên phát.
Chết não là: sự chấm dứt không hồi phục chức năng của não và thân não. Về chi tiết có thể độc giả tham khảo Luật chết não của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (theo điều 27 của luật số 75/2006/QH11) và của Bộ Y tế về tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng và các trường hợp không áp dụng tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não (Quyết định số 32/2007/QĐ-BYT ngày 15-8-2007).
Vấn đề hậu sự của người cho tim: Bệnh viện sẽ phối hợp với gia đình người hiến tặng cùng thực hiện vấn đề hậu sự theo hướng tích cực nhất về vật chất và tinh thần. Bệnh viện có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe gia đình, người thân của người hiến tạng (Bố, mẹ, anh, chị, vợ, chồng, con cái) bằng cách mua thẻ bảo hiểm cho họ nếu chưa có và sẽ có sự quan tâm chăm sóc y tế đặc biệt nếu cần phải nhập viện điều trị.
* Xin cho hỏi một ca ghép tim chi phí khoảng bao nhiêu? Lứa tuổi ghép thành công là khoảng nào? Tim bẩm sinh khi có chỉ định ghép thì đến mấy tuổi thì thực hiện tốt? BHYT có thanh toán ghép tim không, thanh toán được bao nhiêu %? (Mai Thanh Trung, 39 tuổi, drthtrung@)
- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Chi phí ghép tim hiện nay trong nước chưa thể xác định chính xác, tùy thuộc vào từng trung tâm.
Ghép tim thường được thực hiện ở những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối không đáp ứng với điều trị, các trường hợp được ghép tim trên thế giới có độ tuổi khuynh hướng ngày càng cao
Bệnh tim bẩm sinh có một số trường hợp cũng cần phải ghép tim, thực hiện khi có chỉ định và có nguồn cho tim tương ứng phù hợp.
Hiện nay, kỹ thuật ghép tim chưa nằm trong danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế, tuy nhiên BHYT vẫn thanh toán cho những khoản chi phí có nằm trong danh mục kỹ thuật cao khi tiến hành phẫu thuật.
Phóng to |
*Xin hỏi bác sĩ Đặng Thế Uyên: Trước tiên, cho chúng tôi hỏi tình trạng của bệnh nhân vừa được ghép tim hiện ra sao? Tình trạng biến chứng sau ghép tim có thể xảy ra không? Việc điều trị nó có khó khăn lắm không? (Lê Ngọc Anh, 28 tuổi, TX Quảng Trị)
- BS Đặng Thế Uyên: Tình trạng của bệnh nhân Trần Mậu Đức hiện diễn tiến rất thuận lợi. Hôm nay 9-3, bệnh nhân đã có thể tự đi lại quanh phòng và tự làm vệ sinh cá nhân, ăn uống bình thường. Các thông số của các cơ quan sinh tồn đã trở về bình thường. Bệnh nhân đã cười tươi, sáng nay đã bắt tay cám ơn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khi bộ trưởng đến thăm.
Các biến chứng liên quan vấn đề kỹ thuật đã không xảy ra cho đến lúc này. Vấn đề còn lại là theo dõi hiện tượng thải ghép trong thời gian tới. Bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị ức chế miễn dịch theo phác đồ. Việc điều trị các biến chứng sau ghép tim khó hay không, tùy thuộc vào loại biến chứng. Hiện tại bệnh nhân chưa có dấu hiệu gì về biến chứng sau ghép tim.
* Xin hỏi GS.TS Đặng Vạn Phước, vì sao các bệnh viện ở TP.HCM vẫn chưa tiến hành ghép tim cho bệnh nhân? Các BS ở TP.HCM có ra Huế để trao đổi kinh nghiệm từ ca ghép tim này không? (Hoàng Thắng, 42 tuổi, (hoangthang163@...)
- GS.TS Đặng Vạn Phước: Lý do các bệnh viện TP.HCM vẫn chưa tiến hành ghép tim cho bệnh nhân, chúng tôi xin được trả lời như sau. Đây là một kỹ thuật cao trong chuyên ngành tim mạch, đòi hỏi có một tổ chức rất hoàn thiện dựa trên cơ sở của những trung tâm có tiềm lực về trang thiết bị, về đội ngũ chuyên gia giỏi và có một truyền thống lâu dài trong chuyên ngành tim mạch.
Thực sự nói về những điều kiện này thì một số trung tâm tại TP.HCM cũng có thể đáp ứng được nhưng đây là một chương trình có sự chỉ đạo và kiểm soát của Chính phủ, Bộ Khoa học công nghệ môi trường và Bộ Y tế.
Hiện nay, Hội đồng Khoa học kỹ thuật của Bộ Khoa học Công nghệ và của Bộ Y tế bước đầu chấp nhận dự án ghép tim tại hai trung tâm là Học viện Quân y và Bệnh viện Trung ương Huế.
Chúng tôi nghĩ, những thắng lợi bước đầu của hai cơ sở này sẽ đặt nền tảng tốt cho việc triển khai các dự án đã được chuẩn bị sẵn tại các trung tâm khác. Các cơ sở này đã theo dõi rất kỹ các bước tiến hành của hai trung tâm trên để học tập rút kinh nghiệm và chuẩn bị tốt khi các dự án tại các trung tâm này được chấp thuận.
Theo như thông tin chúng tôi được biết, tại TP.HCM có hai trung tâm đã làm dự án đó là Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Tim TP.HCM. Chúng tôi rất mong những dự án này sớm được thẩm định và thông qua để có thêm được những cơ sở tham gia việc ghép tim phục vụ cho nhu cầu thực sự rất sớm của phẫu thuật này tại Việt Nam.
* Thưa giáo sư, sau khi ghép tim, người được ghép có thể sống thêm bao lâu nữa? Người nghèo được hỗ trợ như thế nào? (Le Thành Tới, 34 tuổi, lttoicntp@...)
- GS.TS Đặng Vạn Phước: Cho tới những thời gian gần đây thì kết quả của các trường hợp ghép tim trên thế giới trung bình là sống được khoảng 85% sau 1 năm, khoảng 75% sau 2-3 năm và có trường hợp sống được trên 18 năm.
Về vấn đề bệnh nhân nghèo được hỗ trợ như thế nào, điều này cần được bàn kỹ và có sự phối hợp nhiều cơ quan chức năng, các viện nghiên cứu, các nhà tài trợ và các hội từ thiện.
* Xin giáo sư vui lòng cho biết, người được ghép tim có cần cùng huyết thống với người hiến tim không? (Trần Thị Dung, 38 tuổi, tran.t.dung@...)
- GS.TS Đặng Vạn Phước: Theo quy luật của việc ghép tạng, thì ghép tạng người cùng huyết thống có nhiều thuận lợi và kết quả tốt nhất, vì có sự hòa hợp về miễn dịch cao nhất nên nguy cơ thải tạng ghép là ít nhất.
* Xin hỏi Mỹ có phải là nước đi đầu trong ghép tim không ạ? (BS Liêm, 50 tuổi, doctorliem@...)
- GSTS Đặng Vạn Phước: Ghép tim là một phương pháp điều trị chuyên khoa rất cao và đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều các chuyên ngành khác nhau như: nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, chạy máy tim phổi nhân tạo, các chuyên gia về miễn dịch, các biện pháp phục hồi chức năng... Do đó, đòi hỏi đội ngũ chuyên viên cao cấp và các chi phí rất tốn kém.
Theo một thống kê của Hiệp hội Ghép tim quốc tế, cho tới nay, có khoảng hơn 30.000 trường hợp được ghép tim trên toàn thế giới tại khoảng 250 trung tâm. 90% các trường hợp này tập trung ở Bắc Mỹ và châu Âu. Trong đó, Mỹ là nước có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một điểm thú vị là ca ghép tim đầu tiên trên thế giới lại được thực hiện tại Nam Phi bởi bác sĩ Christian Barnard vào ngày 3-12-1967.
Phóng to |
GS.TS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch hội tim mạch TP.HCM, đang trả lời thắc mắc của bạn đọc tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm |
* Tôi đã được nghe kể nhiều về BS Phú - người thầy thuốc tài đức vẹn toàn, người đương thời có “đôi bàn tay vàng”. BS Phú nay lại cùng tập thể bệnh viện Trung ương Huế lập thành tựu mới trong ngành Y Việt Nam. Xin nhiệt liệt chúc mừng.
Xin hỏi yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công của ca ghép tim là gì: chất lượng trái tim hiến tặng, tay nghề của bác sỹ hay máy móc trang thiết bị? Ở Việt Nam có nơi nào khác (VD: Hà Nội / TP.HCM) có đủ điều kiện ghép tim? Nếu có đủ trang thiết bị thì có thể mang tim từ nơi khác đến và BS Phú cùng ê kíp cùng đến ghép được không? (Hà Kim Khánh, nữ, 46 tuổi, hakimkhanh@)
- GSTS Bùi Đức Phú: Trước hết xin cảm ơn bạn. Về câu hỏi của bạn tôi xin trả lời như sau:
Để tổ chức triển khai ghép tim thì cần hội đủ các điều kiện: cơ sở trang thiết bị y tế đáp ứng với yêu cầu kỹ thuật; có đội ngũ nhân lực trình độ cao trong lãnh vực phẫu thuật tim và ghép tạng, công tác tổ chức và điều phối chặt chẽ, các quy trình chuyên môn kỹ thuật khoa học phù hợp với điều kiện VN.
Tất cả những điều kiện này phải được hội đồng thẩm định của Bộ Y tế xem xét, đánh giá, sau đó Bộ Y tế sẽ ra quyết định công nhận có đủ điều kiện tiến hành ghép tim trên người lấy từ người cho chết não. Bệnh viện Trung ương Huế đã nhận quyết định này vào ngày 20 - 7 - 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngoài những điều kiện trên, thì chất lượng của quả tim ghép lấy từ người cho chết não là yếu tố quyết định cho sự thành công của ca ghép tim.
Theo tôi biết thì tại Hà Nội và TP.HCM có một số bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện ghép tim.
Về việc mang tim từ nơi khác đến là quy trình hiện nay ở các trung tâm ghép tạng trên thế giới.
Khi có thông tin mảnh tim ghép từ người cho chết não chấp nhận với người chờ ghép tim, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ triển khai ghép tim với hai kíp: Kíp phẫu thuật lấy tim sẽ lên đường đến nơi có người chết não cho tim để thực hiện cuộc phẫu thuật lấy tim; kíp còn lại chuẩn bị cho kỹ thuật ghép tim
Thông tin giữa hai kíp chặt chẽ đảm bảo thời gian thiếu máu của mảnh ghép là ngắn nhất dưới 4 giờ.
Phóng to |
Ca ghép tim ở Bệnh viện Trung ương Huế mở ra nhiều hi vọng cho bệnh nhân tim tại VN |
* Xin hỏi GS Phú, khi quyết định thực hiện ca ghép tim đầu tiên này, ông hy vọng thành công được bao nhiêu phần trăm? (Dang Nam, 25 tuổi, (tranngocdangna@...)
- GSTS Bùi Đức Phú: Khi mở ngực để đánh giá tình trạng, chất lượng của mảnh tim ghép chúng tôi đã tiên lượng tim sẽ đập lại trong lồng ngực của người nhận trên 90%. Và kết quả, như bạn đã biết, sau khi kết thúc các miệng nối thì tim ghép đã tự động đập trở lại. Một tuần sau mổ hiện nay nay bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, có thể tự đi lại, đọc sách, tự ăn uống...
* Câu hỏi cho GS TS Minh, phó chủ tịch Hội tim mạch: Chúng tôi được biết đây là ca ghép tim thứ hai ở VN, nhưng là ca đầu tiên hoàn toàn do bác sĩ VN thực hiện (ca đầu tiên thực hiện ở Bệnh viện Quân y 103 Hà Nội, hồi tháng 6-2010 có sự tham gia của bác sĩ Đài Loan). GS đánh giá về ca ghép tim này như thế nào? (Ngọc Minh, 35 tuổi, (maingocminh68@...)
- GSTS Huỳnh Văn Minh: Cho đến thời điểm này ở Việt Nam chúng ta đã có hai ca ghép tim. Ca đầu tiên được thực hiện bởi tập thể các bác sĩ ở Học viện Quân y với sự tham gia của các chuyên gia Đài Loan và đến nay bệnh nhân được ghép tim vẫn còn sống cho thấy một kết quả rất tốt, bệnh nhân này khả năng sẽ qua khỏi nguy cơ thải ghép cấp, thường xảy ra trong năm đầu tiên.
Chúng tôi rất là vui mừng và phấn khích trước trường hợp ghép tim đầu tiên này. Về trường hợp ghép tim thứ hai, tại BV Trung ương Huế lại có những nét đặc thù là: Lần đầu tiên việc ghép tim được tiến hành bởi một tập thể các bác sĩ Việt Nam trong một khu vực mà điều kiện vẫn còn phần nào hạn chế. Đây là một điểm nổi bật để chúng ta có thể tự hào về trình độ tay nghề của các bác sĩ Việt Nam nói chung và tại Huế nói riêng. Có thể dùng một tiêu đề mà một báo chí những ngày qua đã sử dụng đó là: Ca ghép tin đầu tiên "Made in Vietnam".
* Xin hỏi bác sĩ Uyên, bao giờ thì bệnh nhân Mậu Đức ra viện. Sau khi ra viện anh ấy phải tiếp tục thuốc men như thế nào ? Có tốn kém lắm không ? Bao giờ thì anh ấy trở lại như một người bình thường, không phải thuốc men gì cả ? (Hồ Văn Tri, 35 tuổi, Chư Sê, Gia Lai tuổi, trihv152@...)
- BS Đặng Thế Uyên: Theo dự kiến của chúng tôi, bệnh nhân Đức sẽ ra viện khoảng một tháng sau mổ. Sau khi ra viện, bệnh nhân phải uống thuốc ức chế miễn dịch theo phác đồ chống thải ghép và các nhiễm trùng cơ hội suốt đời với liều giảm dần. Các loại thuốc này khá tốn kém, bảo hiểm y tế sẽ chi trả một phần chi phí này. Bệnh nhân có thể trở lại làm việc như một người bình thường; tuy nhiên, phải làm việc trong môi trường ít có nguy cơ nhiễm bệnh do ảnh hưởng của thuốc ức chế miễn dịch.
* Thưa bác sĩ Tuấn Anh, hiện nay bệnh viện Chợ Rẫy đã có thể xử lý được những trường hợp như thế nào, những dạng bệnh nào liên quan đến vấn đề tim mạch? Trong tương lai bao lâu nữa, bệnh viện Chợ Rẫy có thể thực hiện ca mổ ghép tim tương tự như những đồng nghiệp ở Huế?(Đông Kháng, 33 tuổi, dong.khang235@...)
- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Cho đến nay Khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng được 1 quy trình gần như khép kín trong phẫu thuật tim mạch. Khoa thực hiện phẫu thuật thường quy từ 4 - 6 trường hợp/ngày với đủ các mặt bệnh: bệnh lý mạch vành, bệnh van tim, bệnh lý động mạch chủ, tim bẩm sinh ... và luôn sẵn sàng phẫu thuật cấp cứu 24/24 các trường hợp bệnh nặng
Hiện, bệnh viện đã xây dựng đề án phát triển kỹ thuật ghép tim trên người lấy từ người cho chết não tại bệnh viện Chợ Rẫy và đang chờ sự chấp thuận của Bộ Y tế.
Phóng to |
Các BS khách mời tại TP.HCM nhận quà lưu niệm từ đại diện báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm |
* Con gái tôi sinh năm 1995 bị tim bẩm sinh với chẩn đoán “Không lỗ van động mạch phổi, bất tương hợp đôi”. Cháu đã được các bác sỹ Viện Tim TP HCM mổ hở năm 2000. Tuy nhiên hiện nay sức khỏe cháu vẫn chưa được như người bình thường. Cháu vẫn rất hay bị mệt, thở dốc, môi hơi tím khi hoạt động đi lại nhiều. Truờng hợp của cháu có cần phải thay tim không? (Phạm Gia, 45 tuổi, pham.tienquan@)
- BS Phạm Thọ TuấnAnh: Nên đưa cháu đến khám lại tại Viện Tim để kiểm tra và có kế hoạch điều trị phù hợp. Cần xác định rõ ràng chẩn đoán và tình trạng hiện thời của cháu mới đánh giá được có chỉ định thay tim hay không.
* Thưa bác sĩ, người được ghép tim có thể sống thêm được bao nhiêu năm nữa? Sau khi ghép họ có thể làm được những công việc như thế nào? (Lê Thành Tới, 34 tuổi, lttoicntp@...)
- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Cho tới nay, thời gian người bệnh sống được lâu nhất sau ghép tim là trên 18 năm. Tỉ lệ tử vong theo thống kê tại Anh trong vòng tháng đầu là 4%. Tỉ lệ người bệnh sống còn sau 1 năm là 82% và sống còn sau 5 năm là 75%. Bên cạnh sự tuân thủ theo những chế độ điều trị sau ghép tim, người bệnh có thể hoạt động gần như người bình thường.
* Một ca ghép tim chi phí khoảng bao nhiêu? Trước ca này đã có ca nào thất bại? Một người thân cùng huyết thống có thể hiến tim không? (Trần Thi Ngoan, 1970 tuổi, minhtuthu54 @...)
- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Chi phí ghép tim tại Việt nam hiện nay chưa thể xác định chính xác, tùy thuộc vào từng trung tâm, tuy nhiên BHYT sẽ thanh toán những chi phí nằm trong danh mục kỹ thuật cao khi tiến hành phẫu thuật
Cho tới nay, Việt Nam đã tiến hành 2 trường hợp ghép tim thành công tại bệnh viện Quân y 103. và bệnh viện Trung Ương Huế.
Khi ghép tim , cần có sự phù hợp về nhóm máu ABO, và phù hợp về miễn dịch mô (HLA) giữa người cho và người nhận. Người thân cùng huyết thống, nếu có các xét nghiệm phù hợp thì có thể ghép tim được.
* Xin hỏi bác sĩ Đoàn Đức Hoằng, xin cho biết ca ghép tim lịch sử này được chuẩn bị như thế nào trước đó ? Kinh phí chắc là lớn lắm? (T.N.Phong, 35 tuổi, Đà Nẵng)
- Ths BS Đoàn Đức Hoằng: Từ ngày 25-12-2008, Bệnh viện Trung ương Huế đã đệ trình hội đồng tư vấn xét chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Y tế xem xét và quyết định đề tài: "Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não". Tháng 1-2010, bệnh viện tham gia và được tuyển chọn phối hợp thực hiện đề tài cấp nhà nước do Học viện Quân y làm chủ nhiệm đề tài: "Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Huế".
Tháng 6-2010, Bộ Y tế thành lập hội đồng để thẩm định và công nhận các điều kiện của Bệnh viện Trung ương Huế về hoạt động ghép tim lấy từ người cho chết não; và đến tháng 7-2010, Bộ Y tế ra quyết định công nhận Bệnh viện Trung ương Huế là cơ sở đủ tiêu chuẩn để tiến hành ghép tim từ người cho chết não.
Từ đó Hội đồng Ghép tim Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức họp mỗi tháng một lần, còn mỗi tổ chuyên môn họp hàng tuần. Tập trung tập huấn trao đổi công tác quản lý bệnh nhân chờ ghép tim, thành lập danh sách bệnh nhân chờ ghép tim, quản lý điều phối nguồn tạng nói chung và nguồn tạng có thể có từ đối tượng chết não nói riêng; thực hành thao tác lấy tim và ghép tim thực nghiệm, quản lý kiểm tra chất lượng vật tư trang thiết bị phục vụ ghép tim. Xây dựng kịch bản tổng diễn tập ghép tim theo hiệu lệnh của chủ tịch hội đồng.
Và chúng tôi đã có hai lần huy động toàn bộ đội ngũ để triển khai ghép tim nhưng sau đó không thực hiện được vì sự thay đôi ý kiến cuối cùng của gia đình người cho chết não.
Về kinh phí, chi phí cho ca ghép tim là khá đắt ở các nước trên thế giới. Tuy vậy nếu thực hiện ở trong nước, chắc chắn giá thành sẽ rẻ hơn nhiều. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành xây dựng giá chi phí cho 01 ca ghép tim để trình cho Bộ Y tế và Bảo hiểm y tế Việt Nam để có chính sách hỗ trợ thích hợp nhất đối với bệnh nhân nghèo có nhu cầu được ghép tim.
* Chi phí cho ca mổ ghép tim là bao nhiêu? Điều kiện để được nhận tim là như thế nào?(Nguyễn Hoàng Phong, 25 tuồi)
- GSTS Đặng Vạn Phước: Chi phí chính xác cho một ca mổ hiện chưa có. Còn điều kiện để được nhận tim nghĩa là để được ghép tim của người khác, phụ thuộc chủ yếu vào chỉ định của hội đồng bác sĩ.
* Có cách nào giảm chi phí ghép tim không thưa BS? Chân thành cảm ơn! (Trần Văn Nhân, 42 tuổi, tvnhan1972vl@...)
- GSTS Đặng Vạn Phước: Vì hiện tại phương pháp này chưa được triển khai thường quy nên những chi phí cho một ca ghép tim cũng chưa được xác định rõ rệt. Trong tương lai, việc giảm hoặc miễn giảm cần phải có một sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, bảo hiểm y tế, các viện nghiên cứu, các hội từ thiện và các nhà tài trợ.
* Thưa GS.TS Đặng Vạn Phước, GS có thể cho biết thêm đôi nét về tình hình và cơ hội ghép tim trên thế giới cũng như tại VN. Trong trường hợp tôi muốn đưa người nhà đi ghép tim, thì tôi có thể tiếp cận với những bệnh viện nào? (Lê Thị Thanh Hằng, 30 tuổi, tngocdue56@...)
- GSTS Đặng Vạn Phước: Ghép tim là một phương pháp điều trị chuyên khoa rất cao, đòi hỏi hệ thống chuyên viên và trang bị y tế cao cấp, hiện đại. Chi phí một ca ghép tim cũng rất lớn, do đó, trên thế giới, tập trung chủ yếu vào một số nước phát triển và có nền y tế hiện đại. Theo thống kê của Hội Ghép tim quốc tế, cho tới nay, có khoảng 30.000 trường hợp được ghép tim trên toàn thế giới ở khoảng 250 trung tâm, tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Con số này cũng không đáp ứng được nhu cầu về ghép tim, ví dụ như ở Mỹ, nhu cầu ghép tim hằng năm khoảng 20.000 trường hợp có chỉ định phải ghép tim, nhưng, người ta chỉ thực hiện được khoảng 2.000 trường hợp mỗi năm. Việc hạn chế số lượng ghép tim không chỉ phụ thuộc vào trình độ, trang bị và chi phí, mà chủ yếu phụ thuộc nguồn tạng có thể ghép được cho bệnh nhân.
Vì những yêu cầu về hòa hợp miễn dịch rất cao nên cơ hội tìm được người cho đã chết não rất khó khăn. Trên thế giới đã có những dự án lập cơ sở dữ liệu để có thể giúp việc tìm kiếm cơ hội ghép tim cho nhiều bệnh nhân thuộc các quốc gia khác nhau. Do đó, muốn ghép tim hiện tại bắt buộc phải chuyển sang những nước có khả năng thực hiện phương pháp này.
Và đồng thời, cũng nổi lên nhu cầu cần phải phát triển kỹ thuật này ở Việt Nam, để nhiều bệnh nhân có cơ hội có thể được ghép tim.
* Sau ca ghép tim đầu tiên đã thành công, xin bác sĩ Phú cho biết, sắp tới việc ghép tim ở Bệnh viện Trung ương Huế sẽ được tiếp tục thực hiện như thế nào ?(Hà Xuân Thu, 32 tuổi, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế)
- GSTS Bùi Đức Phú: Chúng tôi hiện đang quản lý, điều trị 10 bệnh nhân chờ ghép tim. Thời gian tới, chắc chắn sẽ còn nhiều hơn. Chúng tôi sẽ triển khai thực hiện những ca ghép tim tiếp theo nếu như có người hiến tạng chết não có các tiêu chuẩn phù hợp với người nhận.
* Tính cách của người nhận tim có thay đổi theo tính cách của người cho tim? Việc uống thuốc chống thải ghép có là gáng nặng cho người nhận tim không? (Trần Anh Tuấn, 48 tuổi, tuanhoanmy@...)
- GSTS Huỳnh Văn Minh: Có lẽ độc giả muốn hỏi về tâm sinh lý người nhận có thay đổi theo trái tim của người cho không, đây là một câu hỏi thú vị. Tuy nhiên, cho đến nay theo y văn không có sự biến đổi ngoại trừ người nhận phải có tâm sinh lý ổn định để theo đuổi một liệu trình điều trị thải ghép lâu dài.
Việc uống thuốc chống thải ghép đúng là một vấn đề cần quan tâm vì giá thành khá cao. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của BHYT, tiêu chuẩn chọn và nhận ghép tim chặt chẽ, trình độ tay nghề cao thì gánh nặng này sẽ được giảm thiểu rất nhiều.
* Công tác chuẩn bị truớc mổ của BS là gì ? Tại sao không có chuyên gia nước ngoài ? Tiên luợng trước mổ như thế nào? Tiên luợng sau mổ? Cần bao nhiêu máu cho ca này? (BS Liem, 50 tuổi, doctortliem@...)
- BS Đặng Thế Uyên: Chúng tôi chuẩn bị bệnh nhân trước mổ theo qui trình: tất cả các bệnh nhân nằm chờ ghép tim tại bệnh viện, đều được thăm khám trước để phát hiện và điều trị tốt các bệnh kèm. Ca mổ này được chuẩn bị trước mổ như một ca mổ tim hở bình thường, song có thêm một số xét nghiệm về miễn dịch giữa người nhận và người cho (theo Quy trình kỹ thuật và hệ thống tổ chức trong ghép tim lấy từ người cho chết não - Nhà xuất bản Đại học Huế. Nếu có nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với bệnh viện chúng tôi).
Sau khi thăm khám kỹ lưỡng và đánh giá lần cuối tình trạng tim của người cho tạng, chúng tôi tiên lượng thành công ca mổ trên 90%. Hiện nay qua một tuần hồi sức bệnh nhân đã trở lại bình thường, mặt khác sự tương hợp về miễn dịch giữa người cho và người nhận tốt. Do đó, đối với bệnh nhân này tiên lượng sau mổ là tốt. Tuy nhiên bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ điều trị tiếp theo ở bệnh viện cũng như khi trở lại cộng đồng.
Trong trường hợp này chúng tôi đã truyền hết 4 đơn vị hồng cầu khối đã lọc bạch cầu.
Còn về phần tham gia của chuyên gia nước ngoài: Bệnh viện Trung ương Huế có Trung tâm Tim mạch hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ với đội ngũ bác sỹ và điều dưỡng được đào tạo chính quy trong và ngoài nước, đã phẫu thuật tim hở cho hơn 8.000 trường hợp với nhiều loại bệnh lý phức tạp, từ trẻ sơ sinh 3kg cho đến người già 82 tuổi, nên có nhiều kinh nghiệm và làm chủ hoàn toàn kỹ thuật mổ tim hở và kỹ thuật ghép tim.
Mặt khác, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức ghép thận cho 32 trường hợp với tỉ lệ thành công 100%. Cho nên có đủ điều kiện về hệ thống phòng xét nghiệm cao cấp, có đội ngũ chẩn đoán và điều trị thải ghép nhiều kinh nghiệm.
Hội đồng ghép tim của Bệnh viện Trung ương Huế được tổ chức chặt chẽ và đã xây dựng được quy trình kỹ thuật cụ thể, chi tiết và khoa học. Và quy trình này đã được các trung tâm ghép tạng quốc tế, đặc biệt là NTUH - Đài Loan thừa nhận và đánh giá cao.
Bộ Y tế cũng đã cấp Quyết định số 2613/QĐ-BYT ngày 20-7-2010 công nhận Bệnh viện Trung ương Huế có đủ điều kiện để tiến hành ghép tim trên người lấy từ người cho chết não.
Phóng to |
BS Đặng Thế Uyên - trưởng khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Thái Lộc |
* Chúng tôi được biết hiện nước ta đã có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, nhưng các qui định về điều kiện người cho và nhận tạng là quá cao. Xin hỏi bác sĩ Phú, bác là nhà phẫu thuật tim đồng thời là một nhà quản lý, bác có thấy điều này gây khó khăn gì cho việc cho việc ghép tim hiện nay không? (Ngọc Minh, 50 tuổi, (ngocminh62@....)
- GSTS Bùi Đức Phú: Đúng là bạn theo dõi trong lĩnh vực này khá sâu. Luật ghép tạng ở một số nước Bắc Mỹ, Châu Âu... có quy định ít khắc khe, phức tạp hơn luật ghép tạng chúng ta. Ví dụ chỉ cần 1 - 2 bác sĩ để xác định chết não theo các tiêu chí, trong khi đó ở VN chúng ta cần phải có đến bốn bác sĩ.
Một số nước trên thế giới, các trung tâm ghép tạng có quyền lấy tạng của người chết não, ngoại trừ người đó khi còn sống họ có văn bản không cho lấy tạng của mình sau khi chết. Ở VN, ngoài các tiêu chuẩn khác việc hiến tạng phải được gia đình đồng ý nên rất khó khăn để tìm được nguồn tạng hiến, nhất là khi hiện nay công tác truyền thông của chúng ta về hiến tạng chưa được phổ biến.
* Xin hỏi bác sĩ Đoàn Đức Hoằng, người cho tim hiện rất hiếm, mà người cần nhận tim lại nhiều. Quả tim của người cho chỉ được lấy ra khi người đó thật sự không cần nữa, và thời gian bảo quản không được lâu. Vậy làm cách nào để ghép ngay cho người cần ghép? (Nguyen Khoa Diệu Biên, 54 tuổi, TP Huế, dieubien@...)
- Ths Bs Đoàn Đức Hoằng: Thứ nhất, công tác tổ chức triển khai ghép tim từ người chết não đóng vai trò quan trọng. Mỗi khi có thông tin của mảnh tim ghép được chấp nhận, hiệu lệnh từ người chủ tịch hội đồng được triển khai nhanh chóng với hai kíp phẫu thuật lấy tim và ghép tim:
Kip 1 đi đến nơi có người chết não cho tim để thực hiện cuộc phẫu thuật lấy tim hiến. Quả tim sau khi được lấy ra sẽ được rửa; sử dụng dung dịch bảo quản và được vận chuyển về trung tâm ghép một cách nhanh và an toàn nhất.
Kíp 2 ở tại trung tâm ghép tiến hành chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật ghép tim khi mảnh tim hiến do kíp 1 đưa về
Giữa hai kíp luôn có thông tin liên lạc chặt chẽ bởi các điều phối viên để cùng phối hợp tiến hành nhịp nhàng hai cuộc phẫu thuật trên sao cho giảm thiểu tối đa thời gian thiếu máu của mảnh tim ghép.
Ở Việt Nam, cần thành lập một trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia với mục đích quản lý và điều phối nguồn tạng hiến một cách nhanh chóng và phù hợp nhất cho các đối tượng bệnh nhân chờ ghép tạng.
- Xin hỏi GS Minh, Hội Tim mạch Việt Nam sẽ có chương trình hoạt động gì sắp tới để phát huy lợi thế từ ca ghép tim đầu tiên đã thành công ?(Phan Thanh Hoài, 55 tuổi, Đồng Hới, Quảng Bình)
- GSTS Huỳnh Văn Minh: Việc thành công của hai trường hợp ghép tim tại Việt Nam sẽ là động cơ thôi thúc cho đội ngũ các bác sĩ Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến chỉ định ghép tim cho các trường hợp suy tim điều trị không đáp ứng. Vì vậy, chắc chắn trong thời gian sắp đến, Hội Tim mạch Việt Nam sẽ mạnh dạn đề cập đến chỉ định ghép tim trong khuyến cáo điều trị suy tim của Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam đã có tên trên bản đồ ghép tim của thế giới, chắc chắn chúng ta sẽ thuận lợi hơn khi tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức chuyên môn, chuyên ngành ghép tim quốc tế.
Phóng to |
GS.TS Huỳnh Văn Minh - Phó chủ tịch hội tim mạch Việt Nam - Ảnh: Thái Lộc |
* Xin hỏi bác sĩ Phạm Thọ Tuấn Anh: Cơ hội để ghép tim ở TP.HCM hiện nay thì như thế nào, chi phí ra sao?(Kim Thư, Sinh 1985, kimthu85@...)
- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Cho đến nay Khoa Phẫu Thuật Tim bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng được 1 quy trình gần như khép kín trong phẫu thuật tim. Khoa thực hiện phẫu thuật thường quy 4-6 trường hợp / ngày với đủ các mặt bệnh : mạch vành, bệnh van tim, bệnh động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh ... và sẵn sàng phẫu thuật cấp cứu 24/24 các trường hợp bệnh nặng. Hiện bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng đề án phát triển kỹ thuật ghép tim trên người lấy từ người cho chết não tại bệnh viện Chợ Rẫy và đang chờ sự cho phép của Bộ Y tế.
Chi phí ghép tim tại Việt Nam hiện nay chưa thể xác định chính xác, tùy thuộc vào từng trung tâm, tuy nhiên Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán những khoản chí phí nằm trong danh mục kỹ thuật cao khi phẫu thuật.
* Con tôi 27 tuổi được BS Viện Tim TP.HCM chẩn đóan bệnh tăng áp lực động mạch phổi. Đã được các BS điều trị được 4 năm nay. Hiện nay cháu vẫn đang uống thuốc theo chỉ dẫn của BS, nhưng trong 10 ngày qua cháu ho khan nhiều lần trong ngày (khoảng 20 lần trong ngày). Xin hỏi các giáo sư, bác sĩ có phương pháp nào điều trị cho cháu được khỏi bệnh? Và điều trị ở đâu? Xin trân trọng cám ơn. (Hồ Tiến Sơn, 55 tuổi, ttgtvlkh@...)
- GSTS Đặng Vạn Phước: Những thông tin bạn đưa ra không thật đầy đủ nhưng trường hợp con bạn đã được chẩn đoán là tăng áp lực động mạch phổi thì thường là do một bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, hoặc thông liên thất và đã được điều trị trong 4 năm. Chắc là bệnh chưa có chỉ định phẫu thuật nên cháu vẫn được điều trị nội khoa.
Việc cháu có ho khan trong thời gian gần đây có thể là triệu chứng liên quan đến bệnh "tăng áp lực động mạch phổi", có thể là biến chứng nhiễm trùng ở phổi.
Vậy bạn nên đưa cháu tái khám sớm hơn so với dự định để được xem xét và điều trị thích hợp.
* Kính gửi GSTS Đặng Vạn Phước, Bệnh viện ĐH Y dược đã có thể mổ và ghép tim tương tự như BV Trung ương Huế chưa? Nếu chưa thì vì sao, và nếu có thể, thì xin cho biết đòi hỏi những điều kiện gì nữa? (Hồ Thị Loan, 39 tuổi, holon259@...)
- GSTS Đặng Vạn Phước: Ghép tim là một phương pháp điều trị phẫu thuật với kỹ thuật rất cao, đòi hỏi một hệ thống quản lý, tổ chức hoàn thiện và một đội ngũ chuyên viên được đào tạo kỹ lưỡng, với hệ thống trang thiết bị hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ. Cơ sở này cũng cần phải có một bề dày kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tim mạch. Đây là một phương pháp đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều các bộ phận khác nhau như nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, chạy máy tim phổi nhân tạo, bộ phận chuyên gia về miễn dịch di truyền, phục hồi chức năng...
Bệnh viện ĐH Y dược với đội ngũ các thầy cô thuộc các chuyên khoa nói trên cũng đã có một trình độ tương đối tốt để thực hiện những công đoạn liên quan đến mổ tim, nhưng trước tiên cần phải được tập hợp lại và thực hiện theo một dự án thống nhất. Dự án này phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng, phải được thông qua và thẩm định bởi các cơ quan chức năng. Và có lẽ cần có một sự say mê và quyết tâm rất cao!
* Giữa tim người cho và tim người nhận phải thỏa mãn những chỉ số gì để tương thích với nhau? Người nghèo sẽ được hỗ trợ như thế nào để có thể được ghép tim? (Lê Thành Tới, 36 tuổi, lttoicntp@...)
- GSTS Huỳnh Văn Minh: Tiêu chuẩn hòa hợp, có hai tiêu chuẩn chú yếu:
Thứ nhất: Miễn dịch: Nhóm máu phù hợp ABO, các xét nghiệm sàn lọc có kháng thể bất thường âm tính.
Thứ hai: Về tiêu chuẩn huyết động: Người cho không có suy tim nặng và đáp ứng được nhu cầu người nhận, trọng lượng người cho và người nhận tương đương. Nhóm tuổi tương đương.
Đối với người nghèo sẽ được hỗ trợ: Chi phí ghép tim là khá đắt ở các nước trên thế giới, tuy nhiên nếu chúng ta triển khai một cách có hệ thống ở ngay trong nước chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều. Hiện nay chúng tôi biết các trung tâm ghép tim đang xây dựng một bảng giá về ghép tim để trình Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xét duyệt, trong đó có chính sách hỗ trợ thích hợp cho bệnh nhân nghèo.
* Xin cho biết người nhận tim có thể sống và sinh hoạt bình thường không? Họ có thể sống thọ như người thường? Sau khi ghép tim có phải uông thuốc chống đào thải? Xin cám ơn và chúc mừng sự thành công của ê kíp. (Trần Thị Ngoan, sinh năm 1970, minhtuthu54 @ ...)
- Bác sĩ Phạm Thọ Tuấn Anh: Bệnh nhân sau khi ghép tim cần tuân thủ chế độ điều trị, uống thuốc chống thải ghép và theo dõi thường xuyên. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể hoạt động gần như bình thường. Thời gian sống lâu nhất sau ghép tim hiện nay là trên 18 năm.
* Xin hỏi GSTS Huỳnh Văn Minh, hiện nay số người bệnh tim cần phải ghép tim ở VN có nhiều không ? Lâu nay ở trong nước chưa ghép tim được thì họ điều trị ở đâu ? Nếu không ghép tim được tức là họ đành chịu chết hay sao ?(Trần Thái An, 47 tuổi, A Lưới, TT-Huế tuổi, antranthai@...)
- GSTS Huỳnh Văn Minh: Đây là một câu hỏi rất thực tế. Rất tiếc cho đến nay chúng ta chưa có thống kê về số trường hợp bệnh nhân cần ghép tim. Trên thế giới có 3.500 ca được ghép tim mỗi năm và theo thông kê có đến 800.000 ca cần ghép. Điều này cho thấy tỉ lệ cần ghép tim của nước ta không phải ít.
Điều khó khăn hiện nay là không có sự tương xứng giữa người cần ghép và người hiến tạng do đó vai trò của điều trị suy tim tích cực bằng thuốc vẫn chiếm ưu thế ở tại nước ta. Vì vậy, nếu phát hiện bệnh tim sớm, điều trị tích cực và theo dõi chặt chẽ thì tỉ lệ tử vong ở những người suy tim nặng sẽ giảm.
* Xin hỏi GS.TS Huỳnh Văn Minh: Sau ca ghép tim thành công nay, Hội Tim mạch VN có định hướng gì cho việc đào tạo BS chuyên sâu về phẫu thuật ghép tim? Ngoài ra, Hội Tim mạch VN sắp tới sẽ có kiến nghị như thế nào với các bộ, ngành, chính phủ để bệnh nhân mổ tim được san sẻ gánh nặng tiền bạc, nhất là bệnh nhân nghèo? (Hoàng Văn Doãn, Cần Thơ, 30 tuổi, rungtramuminh@)
- GSTS Huỳnh Văn Minh: Cảm ơn hai câu hỏi của độc giả có tính định hướng chiến lược lâu dài của phương pháp ghép tim đang còn non trẻ của Việt Nam. Không những Hội Tim mạch Việt Nam mà các Hội chuyên môn liên quan chủ yếu là Hội Ngoại tim mạch lồng ngực do GS.TS Bùi Đức Phú làm chủ tịch, sẽ có xây dựng được một hệ thống hiến tạng, ghép tim một cách toàn diện, hệ thống. Bên cạnh đó, các Hội liên quan đến ghép tim sẽ đề xuất đến Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, kể cả các tổ chức nhân đạo, phi chính phủ có các chính sách hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân nghèo cần ghép tim.
* Trên thế giới, ghép tim ở người đã được tiến hành từ lâu. Ngay Thái Lan cũng đã đi trước ta gần 50 năm. Theo BS, cái đáng để Việt Nam tự hào trong lĩnh vực ghép tạng là gì? Đâu là những thách thức cần đột phá. (Đặng Đăng Đăng, 35 tuổi, dang @...)
- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Số lượng các ca ghép tim của các nước châu Á còn khiêm tốn là do trình độ khoa học kỹ thuật còn chưa cao, nền kinh tế chưa phát triển, bên cạnh đó là những trở ngại trong tâm lý, tôn giáo về vấn đề hiến tạng. Ca ghép tim phổi đầu tiên ở Thái Lan vào năm 1991.
Với sự phát triển hiện nay của đất nước, thành công trong ghép tạng nói chung và trong ghép tim nói riêng do chính các phẫu thuật viên Việt Nam thực hiện sẽ thúc đẩy nền y học phát triển và mở ra cơ hội được điều trị cho nhiều bệnh nhân.
* Tôi là một bác sỹ, hiện đang làm việc tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Tôi có đọc một bài báo nói về cuộc phỏng vấn với GS Carpentier về ghép tim trên người. Theo GS Carpentier, phẫu thuật ghép tim được gọi là "Y học trình diễn". Vậy cho tôi hỏi GS Bùi Đức Phú là nhận định của ông về vấn đề này như thế nào? Xin cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe để cống hiến hơn nữa cho những bệnh nhân mang bệnh tim hiểm nghèo ở nước ta.(Trần Phương Minh Châu, 34 tuổi, banoi.ongnoi@)
- GSTS Bùi Đức Phú: Cách đây 10 năm thì câu nói đó hoàn toàn đúng bởi vì chúng ta còn có rất nhiều người bệnh mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh tim mắc phải cần được điều trị bằng phẫu thuật. Trong khi đó thì các cơ sở y tế trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị này. Ghép tim rất tốn kém, với kinh phí này có thể dùng để phẫu thuật tim cho nhiều người.
Hiện nay cả nước có 18 đơn vị phẫu thuật tim, mỗi năm phẫu thuật gần 8 nghìn ca mổ tim hở. Riêng đối với các bệnh nhân bị suy tim mạn tính giai đoạn cuối cơ hội cùng cùng điều trị là ghép tim. Tuổi đời của những bệnh nhân này khá trẻ, đó cũng là thách thức của nền y học VN.
Có rất nhiều bệnh nhân phải ra nước ngoài điều trị ghép tim rất tốn kém. Việc triển khai ghép tim không phải là một nghệ thuật trình diễn mà là một nghệ thuật trong y học - nghệ thuật cứu chữa người. Sẽ có nhiều bệnh nhân được cứu sống từ những thành tựu này. Hơn nữa, ghép tim là sự tổng hợp các chuyên ngành khác nhau trong y học. Việc triển khai ghép tim cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự phát triển các chuyên ngành y học này.
Phóng to |
GS.TS Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Thái Lộc |
* Sự hợp tác thân nhân người hiến tim sẽ quyết định một phần quan trọng cho thành công trong việc ghép tim, nhưng hiện nay tâm lý e ngại của đa số người dân mình, khiến cho việc hiến tim trở nên quá khó khăn. Xin hỏi GSTS Huỳnh Văn Minh, vấn đề nan giải này sẽ tháo gỡ như thế nào ?(Pham Hoang, 40t, (TP Huế), phamhoang123@...)
- GSTS Huỳnh Văn Minh: Đây là một vấn đề mà những người làm công tác ghép tim luôn và sẽ vấp phải khi tiếp xúc với thân nhân người hiến tạng. Quốc hội, Bộ Y tế đã có những văn bản cho phép, tạo điều kiện cho người hiến tạng độc lập quyết định.
Tuy nhiên, đối với gia đình và thậm chí ngay bản thân của người hiến tạng tại nước ta, đặc biệt tại những vùng còn mang nặng ý thức tâm linh sẽ rất trăn trở với quyết định này. Vai trò của người thầy thuốc không những chỉ giải thích, động viên mà cần sự phối hợp của nhiều người, nhiều nguồn khác nhau mới có khả năng thuyết phục được.
* Khi tim bị suy độ 4 thì chức năng của các cơ quan sinh tồn khác cũng bị suy giảm ít nhiều, điều này có ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân sau ghép không? Đâu là khó khăn khi ghép tim? (Đặng Đăng Đăng, 35 tuổi, dang@...)
- BS Phạm Thọ Tuấn Anh: Khi bệnh nhân suy tim độ IV, các cơ quan khác cũng sẽ bị ảnh hưởng do giảm máu nuôi. Khi thay tim mới, chức năng tim được cải thiện, máu đến nuôi các cơ quan tốt hơn, chất lượng sống của bệnh nhân vì thế sẽ được cải thiện nhiều.
Cho tới nay, vấn đề khó khăn lớn nhất của ghép tim là tìm được người hiến tim và quy trình theo dõi, điều trị sau ghép tim. Hy vọng với sự thành công của hai ca ghép tim tại Việt Nam sẽ thúc đẩy nền y học phát triển và mở ra nhiều cơ hội điều trị cho bệnh nhân.
* Xin hỏi BS Uyên. Tôi đọc trên Tuổi Trẻ Online thấy nói rằng anh Đức có nói chuyện với bác sĩ rằng anh rất muốn biết mổ tim là như thế nào nên nhờ bác sĩ mua sách. Điều đó chứng tỏ anh có vẻ hoang mang. Vậy các bác đang "điều trị tâm lý" cho anh ấy như thế nào ạ? (Hoàng Táo, Nghệ An, 24 tuổi, hoangtao1987@)
- BS Đặng Thế Uyên: Thực ra bệnh nhân này đã nằm ở Bệnh viện Trung ương Huế gần một năm trời để chờ ghép tim, và đã được tư vấn và tìm hiểu rất kỹ về ghép tim trước khi được phẫu thuật. Do đó khi nằm ở phòng cách ly trong thời gian sau mổ, bệnh nhân cần một loại sách báo để giải trí chứ không phải hoang mang như bạn nghĩ. Hiện tại tâm lý bệnh nhân rất ổn định, và cảm thấy vui mừng vì sức khỏe của mình đã được hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật. Mặt khác các chuyên gia tâm lý của Bệnh viện Trung ương Huế cũng sẵn sàng hỗ trợ khi thấy cần thiết.
* Kính thưa GSTS Bùi Đức Phú. Tôi có con trai bị tim bẩm sinh nhưng đi khám ở nhiều nơi đều trả lời là nan y không thể chữa được, chỉ có thay tim may ra còn cứu được. Theo như kết quả chẩn đoán của các bác sĩ tình trạng bệnh con tôi như sau: -Thông liên thất nhiều lỗ, hở van dòng van hai lá, hẹp động mạch phổi, thất phải một đường ra. Kết luận: Dạng tâm thất độc nhất. Vậy xin GS cho biết trường hợp trên có cách gì chữa trị được không? Và chữa trị ở đâu ạ. Xin trân trọng cảm ơn GS và kính chúc giáo sư dồi dào sức khỏe (Bùi Văn Hạnh, 34 tuổi, vietthanhpmp@...)
- GSTS Bùi Đức Phú: Thông tin mà bạn cung cấp l
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận