![]() |
Những cháu bé ở P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức (TP.HCM) vẫn hồn nhiên sống bên dòng kênh Ba Bò ô nhiễm nặng - Ảnh: ANH THOA |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Theo đó, đoàn thanh tra đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định tạm đình chỉ sản xuất đối với sáu đơn vị gây ô nhiễm sông Thị Vải gồm: doanh nghiệp tư nhân Liêm Chính, Công ty TNHH một thành viên thủy sản Đông Nam, Công ty TNHH một thành viên giấy Mỹ Xuân (thuộc KCN Mỹ Xuân A), Công ty TNHH sản xuất bao bì giấy nhựa Vũng Tàu, xưởng tinh chế đóng gói Hải Việt thuộc Công ty cổ phần Hải Việt (Havico - KCN Đông Xuyên) và Công ty TNHH chế biến thủy sản Tiến Đạt.
Giao danh sách 50 doanh nghiệp “đen”
Ngày 19-11, ông Lương Duy Hanh - trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Bộ TN-MT - cho biết đã chính thức bàn giao danh sách 50 doanh nghiệp vi phạm Luật bảo vệ môi trường cho UBND tỉnh Đồng Nai. Ông Hanh nói hình thức vi phạm điển hình của các doanh nghiệp là xả nước thải vượt chuẩn ra sông Thị Vải, quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, không kê khai nộp phí bảo vệ môi trường.
Đây là kết quả của đợt kiểm tra, lấy mẫu vào tháng 9-2008. “ Hiện Đồng Nai vẫn còn đang kiểm tra các doanh nghiệp khác. Do vậy “bức tranh” ô nhiễm ở Đồng Nai sẽ được thể hiện vào cuối năm 2008” - ông Hanh nói. Ông Hanh khẳng định có 19/50 doanh nghiệp xả nước thải vượt quá 10 lần cho phép ra sông Thị Vải. Cá biệt có doanh nghiệp có chỉ tiêu coliform vượt đến 29.000 lần cho phép.
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, 50 doanh nghiệp nằm trong danh sách “đen” vi phạm ở nhiều mức độ sẽ bị xử phạt với số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng. Những doanh nghiệp này tập trung ở các KCN Gò Dầu, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 5, Vinatext Tân Tạo. Những doanh nghiệp nằm ngoài KCN vi phạm cũng bị xử lý như Nhà máy Supe phôtphat Long Thành, Công ty cổ phần đầu tư sản xuất - thương mại Kim Phong…
Ông Ao Văn Thinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết doanh nghiệp thải nước ra sông Thị Vải vượt tiêu chuẩn quy định chủ yếu là các doanh nghiệp dệt nhuộm. Sắp tới, sau khi hội đồng khoa học đánh giá, từng doanh nghiệp gây ô nhiễm sông Thị Vải phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân.
Bình Dương: nhiều doanh nghiệp vẫn thải nước trực tiếp ra kênh Ba Bò
Sáng 19-11, bà Trần Thị Kim Vân - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - đã có cuộc họp với các sở, ngành tỉnh này để đánh giá tiến độ dự án cải tạo kênh Ba Bò chảy qua phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TP.HCM) và xã Bình Hòa (huyện Thuận An, Bình Dương). Theo bà Vân, mức độ ô nhiễm tuy đã được cải thiện nhưng nước ở kênh Ba Bò vẫn đen như mực tàu.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Dương, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp thải nước trực tiếp ra kênh Ba Bò. Cụ thể hai doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần II chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn đối với 77 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất nằm trong cụm kho của KCN Sóng Thần I thì có đến 32 doanh nghiệp chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Như vậy, lời hứa của UBND tỉnh Bình Dương với TP.HCM trong cuộc họp cách đây hơn một tháng là sẽ giải quyết dứt điểm các doanh nghiệp chưa đấu nối vào hệ thống xử lý chất thải tập trung ngay trong tháng chín đã không thực hiện được.
Cần Thơ: thêm hai doanh nghiệp gây ô nhiễm bị xử phạt
UBND TP Cần Thơ vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Ấn Độ Dương (hoạt động sản xuất chế biến thủy hải sản tại Trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thốt Nốt) và Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Khang (KCN Trà Nóc 2, P.Phước Thới, Q.Ô Môn). Theo đó, mỗi công ty bị phạt 45 triệu đồng. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, hai công ty này có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, không thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận