![]() |
Võ Thành Sơn (phải) cùng Hồ Thanh Cang trong lần dự giải Merdeka năm 1967 tại Malaysia... - Ảnh do cựu danh thủ Hồ Thanh Cang cung cấp |
Võ Thành Sơn đã chính thức giã từ sự nghiệp sau trận cầu chia tay đầy nước mắt tại sân Tao Đàn năm 1982. Nhưng 26 năm qua, Sơn "ngả bàn đèn" vẫn chưa quên quả bóng...
Hơn 20 năm trước, nhà báo thể thao Chánh Trinh từng viết trên Tuổi Trẻ một bài báo về danh thủ Võ Thành Sơn với tựa đề: "Đi xem Sơn "ngả bàn đèn"...". Tựa bài báo ấy đã tôn vinh ngón ghi bàn sở trường của tiền đạo khét tiếng này: đón bóng từ hai cánh tạt vào, rồi tì, đè hay lách người qua cặp trung vệ đối phương, dùng ngực hứng bóng. Khi trái bóng lăn dài từ ngực xuống qua khỏi đùi, ông liền tung chân phải (hoặc chân trái) tung cú sút vôlê mạnh như búa bổ. Lưới của đối phương rung lên bần bật trong ánh mắt kinh ngạc của người giữ thành!
Cha kiến tạo bóng cho con ghi bàn!
Hưởng máu mê đá bóng từ người cha - trung phong Võ Tư Trung (đội AJS), ngay từ nhỏ Sơn đã có tình yêu mãnh liệt dành cho quả bóng. Khi trống tan trường vừa điểm, Sơn liền cắp trái bóng đến sân để trổ tài cùng bạn đồng trang lứa. Năm 13 tuổi, ông được phép đi dượt bóng cùng cha vào mỗi chiều ở đội AJS. Năm 15 tuổi, ông đã tự mình lo học phí (400-500 đồng/tháng) và cũng không cần ngửa tay xin tiền tiêu xài từ cha mẹ nhờ ký hợp đồng chơi cho đội Văn Phòng Bộ Quốc Phòng với thù lao 1.500 đồng/tháng.
|
17 tuổi, Sơn đã được gọi vào đội tuyển thiếu niên miền Nam đi dự giải vô địch Đông Nam Á. Ngày ấy, muốn vào đội tuyển miền Nam phải thông qua đội tuyển Thanh niên trước, nhưng do khả năng ghi bàn đặc biệt của Sơn nên Tổng cuộc Túc cầu miền Nam thời ấy đã thực hiện một quyết định ngoại lệ là gọi Sơn vào đội tuyển miền Nam tham dự các giải đấu tầm cỡ như SEAP Games (SEA Games ngày nay), King’s Cup, Merdeka, Cúp Độc Lập tại Indonesia, Cúp Tổng thống Hàn Quốc. Vì thế, ở bất cứ đội tuyển nào Sơn "ngả bàn đèn" luôn là cầu thủ nhí nhất về tuổi đời, tuổi nghề nhưng tài ghi bàn thì hơn hẳn nhiều đồng nghiệp khác.
Ngoài chiếc HCĐ SEAP Games 1971 và HCB SEAP Games 1973, đỉnh cao trong sự nghiệp đá bóng của ông chính là ngôi quán quân một cúp quốc tế năm 1974 trên vận động trường Cộng Hòa (sân Thống Nhất ngày nay) khi đội tuyển miền Nam thắng Indonesia 2-0 trong trận chung kết.
Thủ quân Hồ Thanh Cang mở tỉ số trong hiệp một, còn ông là người ghi bàn thắng quyết định ở hiệp hai sau pha tăng tốc thoát qua hàng thủ Indonesia, rồi nhận lại quả bật tường chính xác của Quang Đức Vĩnh trước khi dứt điểm chính xác. Đó cũng là bàn thắng mà Sơn cho rằng đẹp, ấn tượng và đáng nhớ nhất trong cuộc đời đá bóng của ông.
Trọn vẹn chữ tình
Tháng 4-1982 là thời khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời Sơn "ngả bàn đèn" khi ông được Thành đoàn và Nhà văn hóa Thanh niên đứng ra tổ chức trận cầu giã từ sự nghiệp. Tính đến nay, ông là cầu thủ duy nhất trong cả nước được tổ chức trận cầu chia tay. Chiều tháng tư năm ấy, nước mắt lưng tròng, ông cởi chiếc áo số 9 quen thuộc của Sở Công Nghiệp trao lại cho chân sút trẻ Lê Khánh Hiệp (em ruột Lê Khánh Hùng), còn chiếc băng đội trưởng thì gắn chặt vào tay đàn em Bùi Thái Châu. Ông rời sân trong ánh mắt buồn bã giữa tiếng hò reo vang dội một góc trời của gần chục ngàn người hâm mộ đến chật cứng sân Tao Đàn.
Cuối năm 1982, ông sang Mỹ định cư. Ở nước ngoài hơn một phần tư thế kỷ, ông vẫn không xa rời quả bóng. Những năm đầu sống ở California, ông mưu sinh bằng việc dạy đá bóng cho trẻ em trong cộng đồng người Việt. Thu nhập thấp, nhưng ông thỏa được đam mê. Về sau, cuộc sống Sơn "ngả bàn đèn" khấm khá hơn khi ông có việc làm ở một hãng lắp ráp hàng điện tử.
Nhẹ gánh lo kinh tế, ông tìm kiếm và liên lạc với các đồng nghiệp cũ từ những tiểu bang khác tập trung về California vào mỗi cuối tuần hay mùa hè để cùng nhau vờn bóng với các đội bóng quốc tế tha hương khác. Theo lời Võ Thành Sơn, đó là những khoảnh khắc vui đáo để bởi họ cùng có dịp hàn huyên, ôn lại quá khứ vang bóng một thời. Trong câu chuyện, họ luôn nhắc về bóng đá quê nhà, về những đồng nghiệp đang lâm cảnh khó khăn, bệnh tật.
Từ những cuộc gặp gỡ ấy, ông nảy ra ý định quyên góp tiền từ bạn bè ở nước ngoài hoặc tổ chức show ca nhạc để giúp đỡ đồng nghiệp còn khó khăn tại VN. Số tiền quyên góp không nhiều lắm, khi vài ngàn USD, lúc thì chục ngàn USD được chuyển về cho ban điều hành đội cựu tuyển thủ TP.HCM (do các danh thủ Tam Lang, Hồ Thanh Cang, Dương Văn Thà, Tư Lê... quản lý) chi dùng cho việc quan hôn tang tế hay làm quà cây mùa xuân mỗi độ xuân về.
Những khoảnh khắc cuộc đời khó quên
Võ Thành Sơn sinh năm 1946. Trước và sau năm 1975, ông từng khoác áo các đội Văn Phòng Bộ Quốc Phòng, Bưu Điện, Ngân Hàng VN Thương Tín, Quân Cụ, Quận 5, Tổng Cục Vật Tư, Ximăng Hà Tiên, Xây Lắp Công Nghiệp và cuối cùng là Sở Công Nghiệp. Võ Thành Sơn cho biết để có được ngón sở trường "ngả bàn đèn", ngoài tài năng bẩm sinh, ông đã phải dày công tập luyện bằng cách nhờ đồng đội tạt bóng từ hai biên vào, đồng thời hai hậu vệ khác ập vào truy cản tìm cách gây khó khăn. Tối đến, trước lúc lên giường ngủ, ông thường tập nhảy dây để tăng sức bật và sức bền thể lực từ 20-30 phút. |
Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, Võ Thành Sơn đã không ít lần rơm rớm nước mắt khi nhắc lại những khoảnh khắc của một thời đã qua, nhất là mỗi lúc đề cập đến sân Thống Nhất - nơi từng lưu lại biết bao dấu giày và bàn thắng đáng nhớ của ông. Ông tâm sự: "Anh Sáu Chưởng (nguyên trưởng Ty lương thực tỉnh An Giang - anh em kết nghĩa với Võ Thành Sơn - PV) và ông Lê Bửu (nguyên tổng cục trưởng, giám đốc Sở TDTT TP.HCM) là hai vị cán bộ nhà nước mà tôi quí nhất.
Thời đó, đội bóng nào muốn rời khỏi TP.HCM phải có ý kiến của Sở TDTT. Xây Lắp Công Nghiệp rồi Sở Công Nghiệp thường hay xé rào đi "đá chầu" khiến ông Bửu phải xách xe chạy khắp nơi để bắt quả tang, xử phạt. Không lần nào bắt tại trận, ông đành mang về những apphich, băngrôn có quảng cáo trận đá chầu của chúng tôi và đòi xử phạt, kỷ luật.
Tôi đứng ra chịu trận để nghe ông thuyết giảng hàng giờ, sau đó ông thường vỗ vai tôi cười ha hả và nhắc khéo: "Nè, không được đi đá chầu nữa nhe. Muốn gì phải có ý kiến của tôi nghe chưa". Ông Bửu là một cán bộ thể thao tận tụy, hào sảng và nóng nảy nhưng sống rất có tình nên nhà ông luôn là địa chỉ tôi hay ghé thăm mỗi dịp về nước".
Năm 1981, Võ Thành Sơn và Nguyễn Cao Cường cùng chạy đua đến với danh hiệu vua phá lưới. Gặp nhau ở vòng đấu chót trên sân Tây Ninh, Cao Cường đến bắt tay Võ Thành Sơn rồi nói: "Hai anh em mình dốc hết sức trận này để làm trận để đời nhé anh Sơn...".
Kết thúc trận đấu, Sở Công Nghiệp đá bại CLB Quân Đội 2-0 với cả hai bàn đều do Võ Thành Sơn ghi. Ông nhớ lại: "Sau trận đấu, Cao Cường chủ động đến bắt tay, chúc mừng tôi rồi nói: Em phục lăn tài ghi bàn của ông anh... Tiếc là anh em mình không còn đọ sức đọ tài cùng nhau khi anh nói lời chia tay với bóng đá rồi".
Cũng ở mùa bóng ấy, khi Sở Công Nghiệp gặp Tổng Cục Đường Sắt tại Huế (hai đội ở cùng khách sạn), anh Trần Duy Long nhắc nhở hậu vệ Lê Khắc Chính: "Không được đá láo Võ Thành Sơn, phải chú ý Sơn trong những pha bóng bổng đấy nhé”.
Vào trận, Chính tung một cú song phi để phá bóng theo đúng sở trường của mình, chẳng may hụt trước lúc bật nhảy, Chính chạm vào người Sơn nên mất đà, vừa đá hụt vừa đập đầu xuống đất bất tỉnh phải đi bệnh viện cấp cứu. Oái ăm là sau tình huống ấy, Sơn không biết Chính bất tỉnh nên vẫn đón bóng và lao xuống sút ghi bàn. Đến khi quay lại, thấy Chính nằm bất động trên sân, Sơn rất ân hận vì như ông giải thích: "Tôi ray rứt mãi vì mình là đàn anh mà đá bóng không cao thượng".
Là đối thủ của nhau ngày nào, nhưng mỗi lúc về quê nhà đón tết, bộ ba Sơn - Cường - Chính vẫn luôn điện thoại tâm tình cùng nhau chẳng khác anh em một nhà. Trầm ngâm bên tách cà phê, Võ Thành Sơn nói: "Đến giờ này, tôi vẫn còn mắc nợ Cao Cường khi chưa đưa được đội bóng cựu tuyển thủ TP.HCM ra Hà Nội thăm viếng và đá bóng giao hữu với các đồng nghiệp ngoài Bắc, vì già rồi và đường sá cách trở quá trong khi hầu bao của tôi thì còn giới hạn. Đành thất hứa với anh em vậy thôi...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận