TT - Gần 500 bài trong tổng số hơn 1.000 bài dự thi tuần qua của bạn đọc đã chọn bình luận trận Manchester City (M.C) và Manchester United (M.U).
Bạn đọc đã đưa ra nhiều góc nhìn, chọn nhiều câu chuyện để bình luận về trận đấu này. Như bạn đọc Nguyễn Hoàng (Bình Thạnh, TP.HCM) đã chọn bình luận câu chuyện hậu vệ Vincent Kompany - tác giả bàn thắng vào lưới M.U, có vợ là một CĐV của “đại kình địch” áo đỏ.
Bài bình luận có đoạn: “Không được sự ủng hộ nồng nàn của “một nửa còn lại” (điều trái khoáy trong bóng đá), nhưng Kompany vẫn bình tĩnh trổ hết tài nghệ, bản lĩnh để đem thắng lợi quan trọng về cho đội nhà như để chứng minh ai mới là trụ cột trong đội hình của M.C lẫn trong gia đình riêng tư. Đôi khi chính sự thờ ơ của vợ lại là nguồn động lực thúc đẩy Kompany nỗ lực để chứng tỏ giá trị của mình. Cả hai HLV Ferguson và Mancini đều kém xa Kompany về đức tính nhịn nhục của những người thành đạt”. Bài viết của bạn đọc Nguyễn Hoàng được ban giám khảo chấm giải khuyến khích.
Bạn đọc Ngọc Thụy (Q.5, TP.HCM) đã chọn nhân vật Carlos Tevez làm chủ đề bình luận. Bài viết kể lại câu chuyện Tevez từng bị HLV Roberto Mancini “ruồng bỏ” khiến ai cũng nghĩ anh chắc chắn 100% sẽ rời M.C. Nhưng đến một ngày đẹp trời Tevez trở lại, ghi bàn và được ông Mancini trọng dụng trong trận quyết đấu với M.U.
Bài đoạt giải nhất tuần này không phải là câu chuyện thời sự, đó là câu chuyện cũ, quen thuộc: đội Stoke City khi thi đấu trên sân Britannia luôn dùng khăn lau bóng thật sạch trước khi thực hiện những quả ném biên. Thông qua câu chuyện dùng khăn lau bóng của đội Stoke, bạn đọc Lê Văn Dũng đã chuyển tải một thông điệp: mọi chiến thắng dù có theo phương thức nào cũng đều xứng đáng.
K.B.
TT - Khi đội Stoke City thi đấu trên sân Britannia, khán giả sẽ được trông thấy một hình ảnh quen thuộc: cầu thủ của đội chủ nhà luôn dùng khăn lau bóng thật sạch trước khi thực hiện những quả ném biên. Đó là thông điệp mà thầy trò Tony Pulis muốn nói, và đây là lúc thích hợp để người ta nghĩ về nó... Stoke City tận dụng đến hơn 60% tình huống cố định để chuyển thành bàn thắng. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi các cầu thủ của HLV Tony Pulis trân trọng những quả ném biên như đá phạt góc hơn bình thường. Sẽ dễ nói về lối chơi của Stoke hơn nếu chúng ta hình dung về một “đội bóng rugby”: lấy những cú va chạm thô bạo để phá lối đá đối phương. Đó là những tình huống chém đinh chặt sắt, mà điển hình là cú vào bóng của Whitehead với Song. Một lối chơi phòng ngự kinh điển đang được phát dương quang đại. Thứ bóng đá này bị lên án dữ dội, nhất là những đội bóng chơi tấn công. Nhưng mỗi đội đều có quyền lựa chọn lối chơi cho riêng mình cho dù đó là lối đá “tiêu cực”. Hãy đi hỏi các CĐV Wolves - đội vừa xuống hạng, chắc họ cũng muốn đá như Stoke để trụ lại giải đấu mùa sau. Stoke lau quả bóng không chỉ thể hiện sự trân trọng với lối chơi (hay chính xác hơn là phương thức tồn tại của mình). Mà phàm cái gì được trân trọng thì sẽ được đền đáp. Có thể từ bốn phương tám hướng người ta bắn về phía thầy trò Pulis những lời dè bỉu, nhưng Stoke City có quyền tự hào. Không phải báo chí nước Anh đang ca ngợi Chelsea sau kỳ tích đánh bại Barca đó sao? Vậy thì tại sao người ta lại khó chịu với lối đá của đội chủ sân Britannia? Vòng 36 còn chứng kiến trận chung kết mùa giải giữa M.U và M.C. Đội nào thắng gần như sẽ giành được ngôi vô địch. Nhưng hình ảnh “nhà vua” trong họ sẽ không hào sảng như mong đợi? M.U đã có một mùa giải hay không bằng hên; M.C thành công, giờ có đến cách mấy cũng không thể rửa sạch “mùi” tiền trong họ. Nếu cần lau những “quả bóng” thì đó chắc không chỉ có mình Stoke. Nhưng, mọi chiến thắng dù có theo phương thức nào cũng đều xứng đáng. M.U hay M.C cũng không ngoại lệ. Và cả Chelsea nữa. Vì thế hãy tiếp tục lau những quả bóng, Stoke! LÊ VĂN DŨNG (TP.HCM) |
Kết quả vòng 36 cuộc thi Giải nhất: Lau những quả bóng (Lê Văn Dũng). Giải nhì: Đời, có ai nói trước được điều gì! (Ngọc Thụy). Giải ba: Ngọn giáo và tấm khiên (Nguyễn Thị Thúy Nga). 8 giải khuyến khích: Cái chết của AQ (Hà Nguyên), Kompany với nửa hồn thương đau (Hoàng Thảo), Ru đời đi nhé (Đức Tiến), Khúc cua số tám (Trần Như Quỳnh), Văn hóa chấp nhận (Nguyễn An Sương), Bệnh nhân người Anh (Hoàng Khánh), Bóng đá không chỉ có bàn thắng (Gia Hoài), Người được chọn (Lương Minh Trang). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận