![]() |
Trò chơi âm nhạc, một chương trình ca nhạc có tính thi thố cần sự cổ vũ của nhiều khán giả. Tuy nhiên, logo của nhà tài trợ đặt ngay trước mặt những người chơi đã khiến một số người xem phản ứng |
Trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc 2008 (từ 9 đến 13-1-2008), những cuộc hội thảo về thương hiệu và lối đi cho trò chơi truyền hình do kênh VTV3, đài truyền hình VN tổ chức đã thu thập được nhiều ý kiến phản hồi.
Quảng cáo và tài trợ chi phối
Hiện tại, game show là trung tâm của các hợp đồng quảng cáo. Chuyên gia Tạ Hoàng Linh - cục phó Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương - cho biết VTV3 - kênh thể thao - giải trí và thông tin kinh tế đứng đầu về doanh thu quảng cáo trong 108 kênh truyền hình của cả nước.
Theo Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình TVAD, game show đang là mỏ vàng, chiếm 43% doanh thu của VTV3, trong khi phim truyện chỉ thu được non một nửa số đó. Như vậy quảng cáo trên trò chơi truyền hình là sự lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ.
Theo anh Nguyễn Thành Lưu, ban thư ký biên tập Đài truyền hình Việt Nam (VTV), chính vì sự ưu tiên này mà game show nở rộ, chiếm lĩnh các giờ vàng. Riêng VTV3 trong năm 2008 có 20 game show mới - cũ. Riêng trong ngày thứ bảy và chủ nhật, từ 8g-13g khán giả "bị xem" trò chơi suốt năm giờ. Anh Lưu cho rằng mật độ game show như vậy là quá dày, cần phải thay đổi khung giờ phát sóng.
Chị Bùi Thu Thủy, phó ban thể thao - giải trí và thông tin kinh tế của VTV, cho biết sự tồn tại của game show phụ thuộc vào hai con số thống kê duy nhất. Một là rating, tức thống kê lượng người xem chương trình, hai là căn cứ vào doanh thu quảng cáo từ game show.
Giữa rating và doanh thu quảng cáo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, theo bà Lê Thị Quỳnh Trang - giám đốc Công ty Multimedia, nhà sản xuất một số game show - nhà tài trợ luôn muốn tên tuổi của mình đến được với nhiều người nhất, và họ căn cứ vào rating để ký hợp đồng quảng cáo hoặc tài trợ một chương trình.
Rating không phải là tất cả
Một trò chơi truyền hình có nội dung bổ ích, khuyến khích giáo dục như Đường lên đỉnh Olympia đã tụt xuống thứ tám trong top ten game show do khán giả Hà Nội và TP.HCM bình chọn sau tám năm vận hành (số thứ hạng này được thống kê sau hai quí đầu năm 2007 do Đài truyền hình VN cung cấp). Điều đó cho thấy rating chỉ chứng tỏ khả năng hấp dẫn, không nói lên được nhiều về chất lượng.
Trước xu thế xã hội hóa, theo chị Lê Thị Quỳnh Trang, nếu áp dụng thước đo rating, các bên rơi vào một vòng luẩn quẩn chạy theo doanh thu. Nhà sản xuất muốn sản xuất chương trình cần tự lo chi phí, vậy nên họ cần tìm nhà tài trợ, quảng cáo.
Muốn vậy, họ phải có chỗ để phát quảng cáo, đó chính là nhà đài. Nhà đài không thể năng động như các công ty tư nhân trong việc tìm kiếm và sản xuất các trò chơi thu hút, bổ ích; bởi vậy họ chọn mua chương trình từ nhà sản xuất.
Nhà sản xuất "bán" chương trình đó cho đài không bằng tiền mặt, mà đổi lại bằng các spot quảng cáo với số lượng được nhà đài tính toán tương đương với giá trị chương trình. Nhà tài trợ và quảng cáo muốn được quảng cáo càng nhiều càng tốt và tìm mọi cách xuất hiện trước màn hình tivi...
Bên cạnh đó, ý muốn xuất hiện với tần suất cao của nhà quảng cáo, tài trợ đã vô tình hoặc cố ý can thiệp vào nội dung chương trình.
Như vậy, việc xếp chung bảng rating giữa các game show trí tuệ và game show giải trí đã tạo sự thiệt thòi cho các game show trí tuệ khi phải chạy theo tiêu chí ăn khách. Thêm vào đó, sự tồn tại và chất lượng của game show không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực sản xuất, mà còn phụ thuộc vào khả năng tìm quảng cáo và sự can thiệp của quảng cáo và tài trợ.
Còn về phía khán giả, khi một game show được phát trên truyền hình, họ phải tiếp nhận cả sự "bất công" của rating và ba yếu tố trên, trong khi họ xứng đáng được hưởng một chương trình với chất lượng cao nhất, không bị chi phối bởi bất kỳ thế lực nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận