Đạo diễn Trần Phương Thảo (trái) và Lê Ánh Phong trò chuyện với khán giả trong buổi ra mắt bộ phim tài liệu Đi tìm Phong - Ảnh: Blue Productions
“Chinh chiến” và góp mặt ở hơn 25 liên hoan phim quốc tế, cuối cùng bộ phim tài liệu Đi tìm Phong (Finding Phong) của hai nhà làm phim Trần Phương Thảo và Swann Dubus mới được ra mắt khán giả Việt vào tối 2-10 tại TP.HCM, với sự góp mặt của Lê Ánh Phong - nhân vật chính của câu chuyện.
Lê Ánh Phong tên thật là Lê Quốc Phong, một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam. Nhà có 7 anh em, Phong là em út, và từ nhỏ đã sớm nhận ra bản năng trong mình là một người phụ nữ.
Bộ phim là hành trình cảm xúc theo chân Phong từ những ngày giằng xé với quyết định: sống cho chính mình hay sống vì gia đình? Chuyển giới hay không chuyển giới? Và con đường để trở thành một người phụ nữ thực thụ từ trong suy nghĩ cho đến cơ thể sinh học bên ngoài.
Hình hài ba má cho em, em đã phá vỡ rồi thì cái tên ba má đặt cho mình, từ nhỏ đến lớn ai cũng gọi là thằng Phong, cu Boong rồi, em không muốn thay đổi nữa. Em chỉ thay chữ “Ánh” đệm vào vì nó thật trong sáng! Còn vẫn xin giữ lại tên Phong của ba má cho!
PHONG tâm sự trong buổi ra mắt
Tự kể chuyện mình
Tại buổi chiếu ra mắt, Phong bẽn lẽn thừa nhận: "Đây là lần đầu tiên em mới dám ngồi xem hết từ đầu đến cuối bộ phim. Những lần trước em toàn khóc thôi! Nhưng hôm nay phim được chiếu ở Việt Nam, xung quanh em còn có anh Cường, chị Hường, anh Dũng (anh chị em ruột của Phong - PV). Hôm nay em chỉ khóc một lần! Còn lại được cười rất thoải mái".
Thật hiếm có bộ phim về đề tài giới tính thứ ba mà ngập tràn tiếng cười như Finding Phong! Tuy nhiên, Phong cũng có khi rơi nước mắt, nhất là ở phần đầu bộ phim, phần đầu của cuộc đấu tranh "kỳ lạ" này, trong một đêm giao thừa đầy pháo hoa.
Phong chỉ có một mình, trên căn gác bé tí nhìn về phía lấp lánh xa xa, tự hỏi cuộc đời mình rồi sẽ đi về đâu nếu không được là chính mình.
Hai nhà làm phim Trần Phương Thảo và Swann Dubus đã không "xồng xộc" bước vào thế giới riêng tư của Phong bằng những góc quay hiếu kỳ.
Họ trao cho Phong chiếc camera cá nhân nhỏ bé, và Phong - vừa là diễn viên, cũng đồng thời là nhà quay phim - tự kể cho khán giả nghe những suy nghĩ có khi ngây ngô, có khi tội nghiệp, có khi đầy trải nghiệm, khiến cho bộ phim này thật thà đến mức rung động.
Sau sáu tháng uống thuốc hormone nữ, Phong đã bắt đầu nhú ngực. Làn da đã mịn màng tươi sáng hơn. Mắt em trong veo. Tóc em dài. Và em bắt đầu cảm nhận được sự mơn man của tình yêu bằng những cuộc hẹn hò.
Sự e dè, ngượng ngùng trong tình yêu đối lập với khao khát thầm kín của một cô gái mới lớn. Sự tinh nghịch của tuổi trẻ ưa phiêu lưu đối lập với sự đắn đo, băn khoăn của gia đình.
Nhưng trên cả, không còn là chàng thanh niên u buồn, sầu thảm ở đầu phim nữa, càng về cuối phim, người xem cảm nhận được thật rõ: Phong đã được tái sinh một lần nữa.
Cơ hội ra rạp nào cho phim tài liệu?
Dẫu gặp nhiều khó khăn trong khâu phát hành bởi khán giả và các nhà phát hành phim tại Việt Nam đều không mặn mà với dòng phim tài liệu, nhưng như "một bà đỡ mát tay" - từ sau thành công về phát hành với bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của nhà làm phim trẻ Nguyễn Thị Thắm vào năm 2014, diễn viên Hồng Ánh và Công ty Blue Productions tiếp tục lao vào "ca khó" lần này với chỉ một băn khoăn: "Tại sao phim tài liệu hấp dẫn mà lại rất hiếm có cơ hội được trình chiếu?".
Rõ ràng, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã tạo ra một "cú nổ" lớn với cộng đồng yêu điện ảnh khi ấy, với những suất chiếu không đủ vé để bán, hay những bộ phim tài liệu khác có cơ hội ra rạp như Lửa Thiện Nhân của đạo diễn Đặng Hồng Giang, Walk with me (Bước chân an lạc)... đều tạo được độ "rung" trong cộng đồng yêu phim.
Trong bối cảnh làm phim điện ảnh sôi nổi nhưng quá ít đất cho phim điện ảnh tài liệu, từ cả hai phía khán giả và nhà phát hành thì theo diễn viên Hồng Ánh, con đường phát hành phim tài liệu một cách độc lập là phù hợp hơn cả.
"Không còn cách nào khác là phải tiếp cận được nhóm khán giả mục tiêu, để từ đây có thêm được những lớp khán giả khác được "truyền tai" tìm đến bộ phim" - chị nói.
Riêng với Finding Phong, những khán giả tại TP.HCM sẽ có cơ hội xem bộ phim tài liệu từng đoạt giải phim hay nhất tại Liên hoan phim LGBT quốc tế 2016 ở Thessaloniki, Hi Lạp cùng các giải thưởng khác vào hai suất chiếu 18h và 20h ngày 4-10 ở Idecaf, Q.1 (TP.HCM).
Đây cũng là dịp để những ai quan tâm đến bộ phim có thể trò chuyện với đạo diễn, diễn viên - cũng là nhân vật chính Lê Ánh Phong của Finding Phong.
Những định kiến sẽ được thay đổi...
"Tôi rất thích kiểu phim điện ảnh tài liệu không phải làm về nhân vật, mà là làm với nhân vật. Tôi còn nhớ những buổi đầu gặp Phong, em còn bảo: chị Thảo, chị phải quay em nhé, lúc em đi ngoài đường, rồi em nhìn thấy "giai" đẹp em sẽ "Ồ!!!" (cười).
Phong rất vui. Và những người bạn xung quanh em cũng rất lạc quan. Họ không có sự kỳ thị - điều mà thậm chí ở những quốc gia phát triển hơn như Pháp vẫn còn nặng nề...
Quan trọng hơn là khi làm bộ phim này, chúng tôi muốn cho khán giả thấy sự đa dạng trong xã hội Việt hiện tại. Nó không đen hẳn, cũng không trắng hẳn, luôn luôn có sự thay đổi những định kiến...
Phần nào, điều đó sẽ tạo một tiền đề tốt để chúng ta có thể bàn sâu hơn về những góc khác của cộng đồng LGBT".
Đồng đạo diễn của bộ phim TRẦN PHƯƠNG THẢO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận