26/11/2013 04:04 GMT+7

Festival… tư nhân

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Festival múa đương đại quốc tế đầu tiên do TP.HCM đăng cai vừa kết thúc tốt đẹp ngày 23-11. Trước đó hai tháng, Festival các trường sân khấu quốc tế - khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM và đã để lại những ấn tượng khó quên đối với những ai tham dự.

FowI3cN7.jpgPhóng to
Các nghệ sĩ của đoàn Philippines giới thiệu nghệ thuật sân khấu truyền thống của họ trong Festival các trường sân khấu quốc tế - Ảnh: Quang Định

Chỉ có điều “hơi lạ” là cả hai festival mang tính quốc tế và học thuật này đều không phải do Nhà nước đứng ra tổ chức mà hoàn toàn là công sức của những đơn vị tư nhân.

Công ty Mỹ Phát đứng ra lên ý tưởng và tổ chức Festival các trường sân khấu quốc tế 2013 trong sự mong đợi của nhiều người trong giới sân khấu, nhất là những người đang dạy và học về sân khấu. Bởi rất hiếm khi một lúc có đến 10 đoàn đại biểu sân khấu từ 10 quốc gia trong khu vực với tổng cộng hơn 100 nghệ sĩ cùng tụ về TP.HCM để cùng nhau diễn kịch, diễn tuồng.

Cũng không dễ gì mời được đích thân ông Tobias Biancone - chủ tịch Hiệp hội Sân khấu thế giới - hay những vị lãnh đạo hiệp hội sân khấu các nước sang tận đây để làm những hội thảo khoa học. Chỉ tính riêng chuyện kinh phí đi lại, ăn ở của ngần ấy con người trong vòng một tuần cũng đủ là gánh nặng lớn cho một công ty tư nhân. Chưa kể đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác hậu cần tiếp đón và tổ chức những buổi tham quan thành phố cho các đại biểu. Nhưng bằng những mối quan hệ tốt và kinh nghiệm tổ chức sự kiện, Mỹ Phát đã tạo nên một festival thành công đến nỗi trong bài phát biểu của mình, ông Tobias Biancone đã nói: “Khi tôi thực hiện hành trình của mình từ Paris đến đây, tôi không tưởng tượng được đây lại là một festival các trường sân khấu tuyệt vời nhất mà mình được trải nghiệm. Một bữa tiệc văn hóa đa dạng cho tất cả các giác quan”. Đạo diễn Lê Quý Dương - giám đốc Mỹ Phát - cho thấy rõ rằng anh đã làm đạo diễn thuê cho bao nhiêu festival và sự kiện văn hóa trước đây (lúa, dừa, trái cây, trống, võ thuật, chạy...) như một cách “gom vốn” để thực hiện một festival của mình.

Tuy nhiên, nếu xét về mức độ “chịu chơi” thì có lẽ biên đạo múa Tấn Lộc (Công ty múa Arabesque) mới gọi là “chơi không sợ mưa rơi”. Quãng thời gian bao nhiêu năm học hành và làm việc ở nước ngoài cùng những lần được mời đi lưu diễn đã làm Tấn Lộc cứ nghĩ mãi: “Tại sao người ta cứ mời mình hoài mà mình không thể mời người ta sang đây một lần?”. Vậy là sau bao nhiêu nỗ lực tích góp, Arabesque đã đứng ra tổ chức được một festival múa đương đại quốc tế với các nghệ sĩ múa đến từ Pháp, Ý, Nhật, Hàn Quốc. Tiền vé máy bay của các nghệ sĩ quốc tế do Arabesque chi trả theo cách “có qua có lại”, bởi khi họ được mời đi lưu diễn thì cũng được nước bạn đài thọ vé máy bay. Vấn đề chỗ ở thì Tấn Lộc cho biết được một khách sạn giảm nửa giá phòng. Vì mang tính chất một festival chứ không phải cuộc thi nên ban tổ chức cũng “đỡ” được khoản kinh phí giải thưởng. Sau lần “chơi tới bến” này, Tấn Lộc vẫn khẳng định: “Tiền khó kiếm và cũng quan trọng thật, nhưng có những thứ quan trọng hơn là niềm đam mê của chúng tôi. Năm sau làm tiếp, lớn hơn!”.

Tất nhiên, với tư cách pháp nhân của những đơn vị tư nhân, về mặt giấy tờ thì Mỹ Phát hay Arabesque hẳn sẽ không thể tự mình đứng ra đăng cai một sự kiện mang tầm quốc tế. Họ đều phải dựa vào uy tín của những cơ quan nhà nước có đủ thẩm quyền. Nhưng hầu hết công đoạn “nấu gạo thành cơm” bên trong đều là công sức của những nghệ sĩ đã vất vả “kiếm củi” trong nhiều năm để “đốt” trong vài giờ. Ở thời buổi gần như mọi thành phố, ngành nghề đều có festival hoành tráng của riêng mình (bằng kinh phí nhà nước) thì những ngọn lửa tư nhân nhỏ bé này có thể lập lòe tối sáng, nhưng vẫn đủ sức lan tỏa một vùng hơi ấm mạnh mẽ đáng được trân trọng và tiếp sức.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên