05/11/2010 08:08 GMT+7

FED bơm thêm 600 tỉ USD vực kinh tế Mỹ

TRẦN PHƯƠNG - HIẾU TRUNG
TRẦN PHƯƠNG - HIẾU TRUNG

TT - Trong một động thái mạnh mẽ nhưng mạo hiểm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố bơm thêm 600 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ nhằm giúp vực dậy đà hồi phục kinh tế hiện đang rất mong manh và giảm tỉ lệ thất nghiệp.

* Biện pháp mới của FED ảnh hưởng ra sao đến các nước khác?

Ia62sJ8q.jpgPhóng to
Những người thất nghiệp tham gia một hội chợ việc làm ở Los Angeles, California ngày 13-10 - Ảnh: Reuters

AFP cho biết theo Ủy ban thị trường mở liên bang, FED sẽ thực hiện vòng hai của chính sách “nới lỏng định lượng” (QE) bao gồm việc mua lại trái phiếu chính phủ trị giá 600 tỉ USD từ các ngân hàng từ nay đến tháng 6-2011 với mức trung bình 75 tỉ USD mỗi tháng. Đây là mức cao nhất kể từ giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của kinh tế năm 2008-2009. Ngoài ra, FED cũng tiếp tục giữ mức lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục từ 0-0,25%.

QE vốn là một biện pháp phổ biến của các ngân hàng trung ương, dựa trên công trình nghiên cứu của Joseph Gagnon, một cựu kinh tế gia của FED. QE đơn giản là tung tiền ra mua lại trái phiếu chính phủ với hi vọng hạ được lãi suất và tăng tốc lạm phát. Theo một tính toán của FED được báo New York Time dẫn lại, việc tung ra 600 tỉ USD để mua lại trái phiếu chính phủ lần này có tác dụng tương đương hạ lãi suất ngắn hạn xuống 0,5%.

“Biện pháp này đã nới lỏng tình hình tài chính trong quá khứ và sẽ hiệu quả một lần nữa. Khi tình hình tài chính được nới lỏng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, ví dụ như lãi suất thế chấp thấp hơn sẽ tạo điều kiện cho việc mua nhà, trong khi lãi suất trái phiếu công ty thấp sẽ khuyến khích đầu tư...” - AFP dẫn lời chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết. Cộng với chính sách trước đó bao gồm mua vào khoảng 300 tỉ USD nợ từ nay đến giữa năm sau, FED sẽ thu vào tổng cộng đến 900 tỉ USD.

Các thị trường đã đón nhận thông tin kích thích kinh tế của Mỹ một cách tích cực. Chỉ số Dow Jones tăng 26 điểm lên mức cao nhất trong hai năm qua là 11.215 điểm, trong khi các thị trường châu Á cũng chứng kiến mức kỷ lục kể từ năm 2008. “FED đã có những hành động đúng đắn” - chuyên gia kinh tế Brian Bethune thuộc IHS Global Insight nhận xét.

Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích cho rằng chính sách này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo một số chuyên gia, quyết định của FED sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Mỹ. “Kế hoạch này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng không giải quyết được các vấn đề của chúng ta - AP dẫn lời nhà kinh tế Mark Zandi thuộc Hãng Moody’s Analytics - Nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng yếu trong vòng 6-12 tháng tới”.

Một số ý kiến chỉ trích cho rằng chính sách này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi tỉ lệ lãi suất quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát dài hạn ở Mỹ. Hãng Bloomberg dẫn lời bảy chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát Mỹ sẽ vượt mức 2% trong năm 2012, cao hơn mục tiêu của FED do quyết định bơm 600 tỉ USD vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế FED muốn tăng tỉ lệ lạm phát lên so với mức rất thấp 0,8% hiện nay nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng. “Lạm phát quá thấp gây ra nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế, đặc biệt khi tăng trưởng đang rất yếu. Trong trường hợp xấu nhất, lạm phát quá thấp sẽ gây ra giảm phát, dẫn đến những giai đoạn tăng trưởng yếu trong thời gian dài” - báo Washington Post dẫn lời chủ tịch FED Ben Bernanke.

Các chuyên gia kinh tế khác cảnh báo quyết định của FED đe dọa hình thành nên những bong bóng tài sản và làm mất ổn định đồng USD hoặc làm gia tăng các căng thẳng tỉ giá tiền tệ ở những quốc gia khác. VOA dẫn lời nhà kinh tế Uwe Parpart thuộc Hãng Cantor Fitzgerald nhận định khi nền kinh tế Mỹ tràn ngập đồng USD, số tiền này sẽ tìm đến cổ phiếu tại châu Á, từ Hong Kong, Thái Lan cho đến Indonesia. “Lượng lớn USD rẻ tràn vào châu Á không chỉ đẩy lạm phát gia tăng, mà bạn luôn phải nghĩ rằng những gì đến nhanh có thể sẽ bị rút nhanh”. Chuyên gia Parpart cho rằng các chính quyền ở châu Á cần ghi nhớ bài học quá khứ khi dòng tiền giá rẻ giữa thập niên 1990 tràn vào khu vực tạo ra bong bóng, theo sau là cuộc suy thoái năm 1997 khi các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút các khoản đầu tư.

Theo Bloomberg, trong phiên giao dịch hôm qua giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng tăng 79 cent lên 84,62 USD/thùng sau tuyên bố của FED. Khi FED bơm tiền vào nền kinh tế, giá USD giảm dẫn tới tình trạng giá dầu tăng cao do giá dầu thô được tính bằng đồng USD. Hiện USD đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 15 năm qua so với yen Nhật.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ chỉ đạt khoảng 2% trong quý 3-2010 và 1,7% trong quý trước đó, không đủ để làm giảm tỉ lệ thất nghiệp đang ngất ngưởng ở mức 9,6%. Trong tháng 9, nền kinh tế Mỹ mất tới 95.000 việc làm, tăng gần gấp đôi so với tháng 8. Đến nay, FED đã bơm hơn 1.500 tỉ USD để kích thích phục hồi nền kinh tế Mỹ. Chuyên gia Zandi dự báo kể cả với quyết định mới đây của FED, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ đến cuối năm 2011 vẫn sẽ duy trì ở mức 9,6% hiện nay.

TRẦN PHƯƠNG - HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên