Phóng to |
Chuyến đi du lịch vào dịp tết được lên kế hoạch cả mấy tháng trời vậy mà mới giữa đường đã... “gãy”. Anh để mặc cô khóc hu hu, không xin lỗi, không vỗ về, không nói một câu, như bản tính lì lợm mà anh đã chinh phục cô ngay từ ngày đầu. Để mặc cô nằng nặc lôi túi đồ trên xe xuống và kéo đi.
- Em sẽ về quê!
Cô quay nhìn anh, mắt mới sưng sưng chưa tới mức húp, nói. Giọng có gì đó thách thức và buông xuôi. Về quê, đến đâu thì đến, mặc! Loáng thoáng trong mơ hồ cô cảm nhận được cái sự về quê đồng nghĩa với tình yêu kết thúc.
- Cách đây mười mấy cây có bến xe ở thị trấn X.
Anh nói rồi lên xe ngược lại đường về thị trấn X ấy, để lại làn khói cay cay xám xịt trong màn sương mỏng mảnh quyện với cái lạnh rìn rịt ngày cuối đông. Đó là ngày mồng một tết âm lịch cũng là ngày Lễ tình nhân. Nghĩ đến điều này tất cả các mạch máu trong người cô như bị dồn thốc lên não bốc hơi ngùn ngụt. Lúc đi háo hức bao nhiêu thì lúc này cô thấy ân hận bấy nhiêu. Cô ân hận vì nói với bố mẹ không mua được vé về quê, sẽ dời lại về sau tết mấy ngày để đi chơi với anh mà cô đùa là “dối cha dối mẹ đi theo giai”. Để rồi hậu quả là cô đang chơ vơ ở một nơi xa lạ không biết phía trước là đâu, phía sau là đâu...
2. Cô và anh cãi nhau, mà cũng không biết đó có phải là cãi nhau không. Rồi im. Rồi ngược đường nhau mà đi. Vậy thôi.
Nguyên do chỉ vì trên đường đi, cô quan sát thấy anh cứ lấn cấn với túi đồ sau xe, đó là đồ ăn và lều trại để phục vụ cho mấy ngày đi, phòng khi không tìm được khách sạn và quán ăn. Với quan niệm của cô, một đứa con gái làm thơ, viết văn, suốt cuộc đời cần sự trợ giúp của người thân để theo đuổi những giấc mơ óng ánh màu thi ca, tiểu thuyết lãng mạn của mình, thì đã lên đường phải bỏ lại sau lưng tất cả những bộn bề công việc, những lo toan thường nhật, một balô và lên đường.
Không có chỗ ngủ thì ngủ trong rừng, trên lớp lá khô, đốt củi sưởi ấm thay chăn, không có cái ăn thì vào nhà dân ăn ké hay hái quả trong rừng, bắt cá dưới suối... Nghĩ như vậy nên cô nói:
- Sao anh cứ phải bận tâm với mấy thứ “không tên” ấy làm gì?! (Cô gọi những đồ ăn, lều trại, quần áo... đem theo là những thứ “không tên”). Anh hãy thư giãn và tận hưởng thiên nhiên. Quên mấy thứ đó đi!...
Không biết cô đã nói gì sai, chưa bao giờ thấy anh gắt gỏng với cô đến thế, như giận đẩu đâu và trút lên cô:
- Ích kỷ! Em không bao giờ có thói quen nghĩ đến người khác. Em tưởng ngủ trên lá giữa rừng, bắt cá dưới suối, hái quả trên cây dễ lắm à? Anh là thằng đàn ông, anh phải... - Nhìn thấy mắt cô mòng mọng, anh ngưng.
Lúc cô quen anh, bạn bè té ngửa, một cô nhà thơ quen với một anh chàng IT, nghe có vẻ không hợp logic. Nhưng anh nói đó là sự logic và là sự cân bằng của cuộc sống. Anh bổ sung tất cả những gì thiếu hụt trong cô. Một người đàn ông mạnh mẽ, cá tính và luôn chu đáo, khác với cái tính lãng mạn yếu đuối, nhõng nhẽo, mau nước mắt và lơ tơ mơ của cô.Vậy mà...
3. Bằng cách nào không rõ, cô cũng đến được thị trấn X ấy khi đôi chân rã rời. Lúc này cô mới tàm tạm hiểu sự lãng mạn của đôi chân trần tung tăng trên cỏ dại với dằng dặc đường dài là hai chuyện khác nhau. Nước mắt ráo. Cơn giận nguôi. Trời sâm sấp chiều. Gió cò kè sắc lạnh.
Thị trấn X là một thị trấn nhỏ, loanh quanh một vòng là điểm mặt hết những ngôi nhà gỗ, nằm cheo leo dưới chân núi. Xa xa là những ngọn núi cao, sương mù bao phủ. Xa xa đó là bao nhiêu ngày xe, bao nhiêu giờ xe để đến thì cô không biết.
Mồng một tết đường vắng hoe không một bóng xe cộ, không một bóng người, chỉ có mùi nhang ngày tết là đà quyện cùng với mùi hoa xoan nở rộ tím ngắt hai bên đường trên những thân cây khẳng khiu là đà cánh mũi. Lúc này cô nhớ nhà ghê gớm, thấy thương bố mẹ và buột miệng ngân nga câu thơ của Nguyễn Bính “Mẹ cha thì nhớ thương mình/Mình đi thương nhớ người tình xa xôi”...
Loanh quanh một vòng cô cũng tìm được bến xe. Cánh cửa gỗ đã mục khóa im ỉm. Bên cạnh là tấm bảng treo nghiêng bị phủ bởi lớp bụi đất vàng là dòng chữ được viết bằng phấn xanh “Mồng 3 tết xe mới bắt đầu chạy”. Trời ạ! Mồng 3 tết biết đi đâu tìm chỗ ở bây giờ?
Lại thất thểu đi. Trời tối dần. Đi đâu đây? Lôi chiếc điện thoại ra nghe nhạc cho đỡ buồn và quên đi cơn đói đang réo thì nhận được tin nhắn của anh. Xem chi tiết tin nhắn thì anh đã nhắn gần hai tiếng. Tin nhắn lạnh lùng và dứt khoát: “Anh sẽ về Hà Nội, sau đó vào lại Sài Gòn. Em tự lo cho mình nhé!”. “Tốt thôi”, cô tự nhủ. “Không có anh tôi vẫn sẽ sống tốt”. Người đàn ông ấy từng nói sẽ không bao giờ rời bỏ cô cho dù thế giới này có đảo điên, trời có sập xuống đi chăng nữa. Đúng là miệng lưỡi đàn ông! Vậy mà cô vẫn cứ tin, thật ngốc.
4. Ông chú già điện thoại. Mở ngoặc chút về ông chú già, người đã nuôi cô từ tấm bé, người đã cho cô một cuộc sống tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần từ khi bố mẹ gửi cô lên phố, khi tự thấy không lo được cho cô có một tương lai tốt đẹp sau này. Ông chú già vừa là một nhà văn, vừa là một doanh nhân.
Nghe có vẻ trái khoáy, nhưng viết văn thì làm “đếch” gì sống nổi nếu không đi làm doanh nhân để kiếm tiền viết văn, đó là câu cửa miệng ông chú già vẫn thường nói với bạn bè. Nhưng lại thật nghịch lý và trớ trêu, khi làm doanh nhân rồi, có nhiều tiền rồi lại không thể viết văn. Vì vậy mà bao nhiêu tình yêu thương, bao nhiêu những khát vọng dở dang của mình, ông chú kỳ vọng ở cô...
Quên mất, đang nói về chuyện ông chú già điện thoại, như được trút mọi nỗi lòng, như được bấu víu vào cái phao đang lúc chết đuối. Cô kể lại việc cô và anh giận nhau, anh đã bỏ cô đi, giờ cô đang ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó không biết nữa. Và cô kịp tắt máy khi chợt bật khóc.
5. Không có phương tiện để về lại bất cứ một thị xã hay thành phố nào lúc này, cô thất thểu đi tìm nhà nghỉ, rồi sau đó tính tiếp. Ngày tết chẳng một nhà nghỉ nào mở cửa. Bụng đói meo. Tiền không có. Chỉ có cái thẻ ATM nhưng không có giá trị gì ở cái thị trấn nhỏ thó này.
Đang miên man nghĩ, bỗng có tiếng hát rất gần: “Một con chuồn cởi truồng, hai con chuồn cởi truồng, bay đi bay đi bay đi...” và một bàn tay lạnh ngắt kéo vai cô. Quay lại là một khuôn mặt rất thanh tú của một gã trai, nhưng đôi mắt dài dại nhìn cô và nhe răng cười nham nhở cùng với trên người gã mặc chiếc áo ấm đã cũ và phía dưới không mặc quần.
Cô thấy một đường lạnh chạy dọc sống lưng, rồi như ma đuổi ba chân bốn cẳng cô chạy thục mạng. Chạy, chạy mãi, chạy đến khi đụng đầu vào một điểm bưu điện cũ kỹ, tường rêu, có một tốp trẻ con chơi đùa bên trong. Cô dừng lại, mặt cắt không ra giọt máu.
Đúng lúc ấy ông chú già nhắn tin bảo gọi điện cho anh từ chiều đến giờ trên dưới chục cuộc mà không thấy nhấc máy. Giọng ông chú già lo lắng, không biết anh có xảy ra chuyện gì không khi chạy xe trong lúc tâm trạng lộn xộn như vậy. Ông chú già đã đánh đúng vào điểm yếu của cô, cái điểm yếu mà cô cố giấu “cho anh biết mặt”. Nếu anh có sao thì...
Cô gọi điện cho anh ngay sau đó. Sau hồi chuông kéo dài anh nhấc máy. Cô thấy nhẹ người nhưng cô vẫn hỏi giọng lạnh lùng: “Anh còn sống chứ?”. Im lặng một lúc là câu trả lời: “Vẫn!”. Cô cúp máy cái rụp.
Ngồi bệt nhìn mông lung ra con đường phía trước, bọn trẻ hồn nhiên nô đùa, vài chiếc lá bàng sót lại trên cây rơi rớt trên mặt đường, không gian ảm đạm và buồn đến lạ. Trời bắt đầu tối dần. Gió lạnh đông đặc lại sà xuống mặt đường. Bỗng cô tia mắt nơi có dãy bàng đã rũ những chiếc lá cuối cùng cho ngày cuối đông để nở ra những chồi non sang xuân, cô lại thấy gã điên, gã đang chăm chăm mắt nhìn về phía cô rồi gã băng qua làn đường…
Cô lại bỏ chạy. Cái ý nghĩ ngủ qua đêm ở bưu điện cũ kỹ này không thành hiện thực. Phía trước có con đường với dãy xoan già trơ trụi lá trông hiu quạnh… Cô nhìn mông lung con đường phía trước mà thấy tất cả thật mịt mù. Ước gì lúc này có anh ở đây! Trời tối hẳn. Bỗng từ trong tối ấy một hình người cử động. Cô lại vùng chạy. Bỗng nghe tiếng cười. Tiếng cười cô không thể nhầm lẫn với bất cứ tiếng cười nào khác, là anh.
Cô định quay lại chạy ào về phía phát ra tiếng cười ấy của anh, nhưng chút vương vãi của cơn giận, cơn tự ái rất chi con gái còn lại, “ợ” lên, cô rẽ vào con hẻm. Đó là một con dốc nhỏ thoai thoải. Đi đến tận cùng con dốc ấy là một ngôi nhà hoang, có ai đó mới qua đây, vết tích để lại là tàn tro chưa lụi hẳn và làn khói mỏng tang là đà trong không gian buổi chiều đông ảm đạm. Cô dựa lưng vào ô cửa mục, mùi gỗ mục ẩm ướt bốc lên.
- Sao anh cười?
- Anh không phải gã điên.
- Sao anh biết gã điên?
- Không mặc quần...
- Sao anh biết không mặc quần?
Anh lại phá lên cười. Cô hiểu anh đã không hề bỏ lại cô một mình mà từng bước dõi theo cô. Cô luôn trong tầm ngắm của anh. Cô chạy lại đấm thùm thụp vào ngực anh rồi buông một câu:
- Em đói!
Áo Trắngsố 3 (số 89 bộ mới) ra ngày 15/02/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận