28/01/2009 03:23 GMT+7

Duyên kỳ ngộ

MAI ĐÌNH TOÀN
MAI ĐÌNH TOÀN

TTXuân - Hai người phụ nữ với hai thân phận khác biệt, ở hai đất nước khác nhau nhưng có “duyên kiếp ngàn năm”, và họ trở thành đôi bạn sau một bài hát chống chiến tranh. Đó là Yokoi Kumiko - một nữ danh ca Nhật Bản và Trần Phương Liên - một phụ nữ VN khuyết tật, giáo viên dạy tiếng Nhật.

UUXj5OkQ.jpgPhóng to
Yokoi Kumiko - cô gái đến từ xứ sở hoa anh đào - tại trận địa pháo Quảng Bình năm 1973 - Ảnh do ca sĩ Y. Kumiko cung cấp

“Hãy dừng chiến xa lại”

Trở lại VN sau chiến tranh, nữ danh ca Yokoi Kumiko cũng kịp nhận ra một nỗi đau khác: còn biết bao người, bao trẻ em đang là nạn nhân chất độc hóa học, nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chị đã đến nhiều nơi trên thế giới như Ireland, Costa Rica, Lào, Philippines, Mỹ, Sri Lanka… để cất tiếng hát cho hòa bình, vận động ủng hộ cho nạn nhân VN bị nhiễm chất độc da cam. Năm 2005, nhân dịp 30 năm giải phóng và thống nhất đất nước, Yokoi Kumiko được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị quốc tế.

Ca sĩ Yokoi Kumiko trong bộ đầm và chiếc khăn choàng màu hồng ôm đàn guitar và cất tiếng hát: “Những chiến xa không được đi. Không thể băng qua thành phố này. Không được hướng mũi súng vào những trẻ em Việt Nam vô tội...”. Những ca từ trong bài Hãy dừng chiến xa lại của hơn 35 năm trước - được ra đời ngay trên đất nước Nhật Bản để phản đối chiến tranh VN - giờ đây vẫn đậm chất hào hùng, bi thương qua tiếng hát của người ca sĩ đã ở tuổi ngoài 60.

Đó là một tiết mục trong chương trình biểu diễn nghệ thuật giao lưu văn hóa kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2008) tổ chức vào một đêm giữa năm 2008 ở Trung tâm Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đêm ấy, Kumiko hát rất nhiều bài, về hoa anh đào, về tình yêu và thân phận con người, nhưng khi hát đến Hãy dừng chiến xa lại, mắt Kumiko bỗng rưng rưng. Bao giờ cũng thế, Kumiko tâm sự, cứ có dịp hát bài hát này là bao hình ảnh tràn về với muôn vàn cảm xúc.

Ngừng lại tiếng đàn, bà hướng về phía khán giả: “Bây giờ tôi xin giới thiệu một người bạn đặc biệt cùng học trò của chị ấy lên hát chung với tôi”.

Người bạn đặc biệt ấy là một phụ nữ khuyết tật ngồi trên xe lăn. Nhiều nam sinh, nữ sinh phụ nhau đưa chị vượt những bậc cấp lên sân khấu. Đó là Trần Phương Liên - một giáo viên dạy tiếng Nhật nổi tiếng đất cố đô Huế tuổi chừng 50. Kumiko - Phương Liên, hai người bạn, đã hát bên nhau. Những bài hát bằng tiếng Nhật và cả Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng bằng tiếng Việt lẫn tiếng Nhật do chính Yokoi Kumiko chuyển lời.

Năm 1973, ở tuổi 29, nữ ca sĩ Yokoi Kumiko đã có một mái ấm với người chồng 31 tuổi và đứa con trai 2 tuổi. Khi quyết định đến VN để cất cao tiếng hát phản chiến, Kumiko chỉ được mỗi một người ủng hộ, đó là chồng chị - anh Tomoyori Hidetaka. Trong chuyến biểu diễn hơn ba tuần tại VN lúc ấy, bài hát Hãy dừng chiến xa lại của Kumiko đã được Đài Tiếng nói VN, Đài phát thanh Hà Nội thu âm và phát lại rất nhiều lần... Cũng năm 1973 ấy, có một thính giả không bỏ sót một bài nào của Kumiko phát trên Đài Tiếng nói VN. Thính giả ấy là Trần Phương Liên, năm đó 15 tuổi, áp tai vào chiếc đài lắng nghe từng tiếng hát của Kumiko, trong một căn hầm tránh bom tại Hà Nội.

Ba mẹ Phương Liên là người gốc Huế nhưng ra Bắc tập kết và sinh Phương Liên. Năm lên 4 tuổi, Phương Liên bị một cơn sốt và bị bại liệt từ đó. Năm 1975, đất nước giải phóng, cô bé ấy cũng chia tay căn hầm tránh đạn, những tháng ngày khủng khiếp của chiến tranh theo ba mẹ trở về Huế. Năm 1977, cô đỗ vào khoa văn - sử Trường đại học Tổng hợp Huế. Sau bốn năm nhọc nhằn, thấm đẫm nước mắt lẫn mồ hôi của ba mẹ và bạn bè, Phương Liên nhận tấm bằng cử nhân sử học và bôn ba đi xin việc nhưng tất cả các cơ quan Phương Liên tìm đến đều lắc đầu.

Chị nén những hờn tủi, dúi tấm bằng đại học vào ngăn kéo rồi lê bước ra trước ngôi nhà của mình (số 75 Bến Nghé, TP Huế) mưu sinh bằng tủ thuốc lá lẻ và đan len. Mỗi lúc lòng quạnh quẽ, chị lại khẽ hát vài câu trong bài hát của người nữ ca sĩ Nhật Bản năm nào. Chị không hiểu nhiều về ca từ bài hát, nhưng nó ẩn chứa một sức mạnh gì đấy như một lời động viên chị tiếp tục sống, vượt qua nghịch cảnh.

“Cảm ơn Liên”

qF47yBXg.jpgPhóng to
Kumiko và cô giáo khuyết tật Trần Phương Liên cùng các học trò hát chung những bài hát Hãy dừng chiến xa lại, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng... đêm 20-5-2008 - Ảnh: M.Đ.T.

Vốn biết chút ít tiếng Nhật, Phương Liên tìm sách ôn luyện thêm. Năm 1993, một lớp Nhật ngữ đầu tiên được mở tại Huế do chính giáo viên người Nhật đến dạy. Trần Phương Liên thi đỗ điểm cao nhưng lớp Nhật ngữ nhập học được hơn một tháng mà chị vẫn không hề được gọi học. Những giáo viên người Nhật lúc ấy như thầy Shine Toshiko, Tsu Noda... đã tìm đến nhà chị và hiểu ra bi kịch mà người phụ nữ ấy hứng chịu. Họ thay nhau đến nhà riêng dạy Nhật ngữ thêm cho chị. Sau nhiều năm miệt mài học tiếng Nhật, Phương Liên trở thành một giáo viên dạy tiếng Nhật nổi tiếng xứ Huế. Học trò từ một vài người nay lên con số ngàn, trong đó nhiều người đã và đang thành đạt trong nước lẫn nước ngoài mà vốn kiến thức Nhật ngữ của họ được truyền thụ từ căn phòng chỉ khoảng 10m2 bởi người giáo viên khuyết tật ấy.

Năm 2003, chị trở thành hội viên và cũng là một trong những sáng lập viên Hội Ái hữu Việt - Nhật. Mặc dù rất nhiều lần Phương Liên sang Nhật Bản nhưng tâm nguyện vẫn chưa thành khi bao lần dò tìm thông tin về cô ca sĩ hát bài Hãy dừng chiến xa lại năm nào vẫn chưa có. Biết chuyện, giáo sư Itotetsuji (Trường đại học Abaraki, Nhật Bản) đã giúp đỡ và Phương Liên có được một đường link cùng địa chỉ email về “cô ca sĩ người Nhật”.

“Đó là năm 2006. Bao năm qua mình tưởng cô ca sĩ ấy không còn nữa. Mình lập tức viết thư cho Kumiko” - chị kể. Còn Kumiko thì nhìn Phương Liên trìu mến: “Lúc nhận thư của Liên tôi đã không cầm được nước mắt. Một người bạn ở một góc phố nhỏ nhưng vẫn luôn nhớ đến tôi, điều này thật sự lớn lao trong sự nghiệp ca hát của mình”.

Thật ra trong những tháng năm Phương Liên vật lộn với hoàn cảnh để vươn lên, Kumiko nhiều lần trở lại VN. Nhưng mãi sau bức thư điện tử Phương Liên gửi, hai người mới được hạnh ngộ. Ngày 3-5-2007, Kumiko cùng đoàn từ thiện Nhật Bản đến thăm và giao lưu với các em có hoàn cảnh đặc biệt ở làng Hòa Bình, TP Huế. Ở đó họ gặp nhau, bao ký ức, tâm tình được san sẻ giữa những dòng nước mắt.

“Tôi lại có thêm một lý do đặc biệt để thường đến VN, đến với cô bạn ở góc phố nhỏ này của cố đô Huế. Cảm ơn Liên, ngày nào còn hơi thở tôi vẫn tiếp tục sự nghiệp ca hát và hướng về VN” - Kumiko nói.

MAI ĐÌNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên