16/10/2003 07:15 GMT+7

Đường song hành... hành dân

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT (TP.HCM) - Đường song hành xa lộ Hà Nội (XLHN) là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM, được khởi công xây dựng từ cuối năm 1999. Rồi từ đó ì ạch mãi đến nay... tạo nên cảnh nhếch nhác ngay trên đường ra vào cửa ngõ TP.

S1ifNd1S.jpgPhóng to
Các mương thoát nước trên đường nam XLHN là những hào sâu nguy hiểm trước nhà dân - Ảnh: Ngọc Ẩn
TT (TP.HCM) - Đường song hành xa lộ Hà Nội (XLHN) là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM, được khởi công xây dựng từ cuối năm 1999. Rồi từ đó ì ạch mãi đến nay... tạo nên cảnh nhếch nhác ngay trên đường ra vào cửa ngõ TP.

Làm đường... nông thôn!?

Dù đã được tráng nhựa rộng 18,5m nhưng đường song hành XLHN vẫn giống như đường... nông thôn.

Phía quận 2, đoạn từ trạm thu phí XLHN đến cầu Rạch Chiếc, những lớp đất cát gần như che phủ hết mặt đường. Ở ngã ba giao lộ cầu Đen là một ổ voi to tướng ngập đầy nước và nhiều đoạn mặt đường nứt nẻ phơi bày lớp đất đỏ. Phía trước mặt Công ty Thuận Thành mặt đường nhựa cong vênh lên, đầy ổ gà và cách giao lộ đường Nguyễn Thị Định vài chục mét lại một ổ voi to tướng khác...

Qui hoạch lại xa lộ Hà Nội

Sáng 15-10, trong cuộc họp với các sở ngành, quận 2, 9 và Thủ Đức, Công ty Tư vấn xây dựng công trình giao thông công chánh TP.HCM cho biết công ty đã đề xuất phương án đầu tư mới xây dựng hoàn chỉnh toàn tuyến XLHN, gồm xây dựng mới đường song hành để tách xe thô sơ và hai bánh ra khỏi đường chính XLHN, thiết kế lại toàn bộ cây xanh làm đẹp cảnh quan hai bên ra vào TP, bố trí hệ thống kỹ thuật dành sẵn cho tuyến ống cấp nước thứ 2 về TP, tuyến tàu điện metro, nâng cao tĩnh không cầu Rạch Chiếc và tổ chức giao thông dạ cầu, xây dựng các nút giao thông Bình Thái, ngã tư Thủ Đức. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư hoàn chỉnh cho XLHN cần 800 - 900 tỉ đồng.

Ông Hà Văn Dũng - giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM - cho biết sẽ kiến nghị UBND TP.HCM đầu tư hoàn chỉnh XLHN, nhưng không giao cho Công ty Dịch vụ phát triển đô thị TP.HCM đầu tư tiếp bằng nguồn vốn ngân sách mà giao cho một doanh nghiệp khác đầu tư theo phương thức BOT. Qui hoạch hoàn chỉnh XLHN không nhất thiết đầu tư mở rộng thêm lộ giới đã được phê duyệt vì sắp tới TP sẽ triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Sài Gòn - Nhơn Trạch - Vũng Tàu. Việc qui hoạch xác định mặt bằng XLHN và đầu tư hoàn chỉnh sẽ giảm kinh phí đầu tư sau này như bố trí tuyến metro trên mặt đất thay vì đi trên cao, bố trí tuyến ống cấp nước chính thứ hai của TP.HCM...

XLHN phía quận 9 đang xây dựng dở dang theo kiểu nhảy cóc, có đoạn đã trải nhựa, có đoạn mới trải lớp đất sỏi và có đoạn vẫn còn đầy cỏ lác. Do đường bị cắt khúc nên không xe nào chạy được và suốt tuyến đường nam XLHN đã trở thành điểm đậu của xe tải, xe cẩu, xe rơmooc. Các bến bãi xe chuyên dùng thoải mái tận dụng mặt đường làm nơi sửa chữa xe hoặc lưu đậu xe.

Ông Nguyễn Văn Đô - trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 9 - than thở: “Quận chỉ đạo phải làm đẹp đường để phục vụ SEA Games 22, trong khi đơn vị thi công bỏ dở, chúng tôi không biết giải quyết cách nào...”.

Đường bắc song hành XLHN đã tráng nhựa được vài đoạn nhưng không có hệ thống thoát nước nên suốt tuyến đều bị ngập sau cơn mưa, có đoạn nước ngập 2/3 mặt đường. Đường nam XLHN trên địa bàn quận 9 thì có xây dựng hệ thống thoát nước.

Thế nhưng sau khi đơn vị thi công đưa xe máy đào ngang 1m và sâu 2m rồi bỏ đó, mọi người mới bật ngửa vì té ra là làm hệ thống thoát nước là mương hở. Mương thoát nước này được đào dọc suốt tuyến. Vì vậy trước mặt nhà dân, các cửa hàng, cơ quan đơn vị là một hào ngăn cách lối ra vào.

Nhiều gia đình đã phải tự mua cống, mướn xe chở đất về lấp lại để có lối đi. Gọi là mương thoát nước nhưng có thoát gì đâu! Nay thì nhiều đoạn đã bị lấp đất, có đoạn bị sạt lở trở thành ao tù nước đọng. UBND quận 9 đã gửi nhiều văn bản đến các cấp thẩm quyền nêu rõ tình trạng thi công chậm trễ gây trở ngại việc làm ăn, đi lại của người dân.

Ngày 15-7-2003, UBND quận 9 lại gửi văn bản nêu: “...Sau vài cơn mưa lớn nước chảy với lưu lượng lớn làm xói lở toàn bộ hệ thống mương tạm và nền đường vừa thi công. Nước tràn vào nhà dân dọc đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan đô thị và điều kiện đi lại, làm ăn buôn bán của người dân dọc tuyến đường khiến họ rất bất bình”.

Dự án... sinh non!?

Theo trưởng phòng điều hành dự án đường song hành XLHN, tiến độ thực hiện dự án chậm là do năm 1999 hai lần UBND TP.HCM thay đổi phân kỳ đầu tư và từ năm 1999-2001 ba lần thay đổi chủ trương thiết kế cầu Rạch Chiếc.

Năm 2000 UBND TP.HCM yêu cầu nghiên cứu lại phương án tuyến đường song hành XLHN và năm 2002 lại yêu cầu điều chỉnh qui hoạch lại lộ giới và chi tiết mặt cắt ngang.

Về đền bù, lúc đầu được phê duyệt 40 tỉ đồng, sau đó giảm còn 11,6 tỉ đồng. Rồi sau nhiều lần khiếu kiện, đoàn công tác Chính phủ đã họp với TP và yêu cầu điều chỉnh lại đơn giá đền bù, được duyệt lên 134,4 tỉ đồng, tăng gấp 11,58 lần so với dự toán, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân khiếu kiện khiến các quận không thể giao mặt bằng. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác di dời các công trình điện, điện thoại, điện chiếu sáng...

Đường mới làm đã hỏng? Trưởng phòng điều hành dự án đường song hành XLHN cho biết dự án thiết kế đường có cường độ 1.280kg/cm2, nghĩa là chỉ cho xe hai bánh và xe thô sơ lưu thông, nhưng đa phần các hộ cư ngụ trên tuyến đường sử dụng mặt bằng làm nơi kinh doanh ôtô, xe tải nặng nên kết cấu mặt đường đã bị phá hỏng ngay khi mới thi công.

Vì sao không tính trước thực trạng trên đường để đầu tư hạ tầng? Đại diện chủ đầu tư cho biết vì đơn vị thiết kế không lường trước vùng đất này đô thị hóa quá nhanh, hơn nữa lúc ấy do thiếu tiền nên TP đã phân kỳ đầu tư xây dựng đường cấp 1 đô thị có cường độ chịu lực thấp.

Về hệ thống thoát nước, mương thoát nước, trưởng phòng điều hành dự án Công ty Dịch vụ phát triển đô thị giải thích: đơn vị thiết kế đã lập hệ thống thoát nước, nhưng lúc trình cấp thẩm quyền thì bị loại bỏ để giảm bớt kinh phí đầu tư. Hơn nữa, vào thời điểm trình duyệt dự án, đa phần mặt bằng bên đường song hành XLHN chỉ là ao, hồ...

Có thể nói hàng chục tỉ đồng đầu tư xây dựng đường song hành XLHN đã không mang lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, chưa kể vốn đầu tư bị thiệt hại vì đường mới làm đã bị hư hỏng. Thế nhưng chưa có ai và cơ quan nào được xác định trách nhiệm đối với dự án này.

Đường song hành XLHN do Công ty Dịch vụ phát triển đô thị TP.HCM (thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư, gồm hai đường là đường nam và đường bắc, tổng vốn đầu tư 310 tỉ đồng (kể cả đền bù giải tỏa). Đường nam XLHN (từ nút giao thông chân cầu Sài Gòn, quận 2 đến nghĩa trang liệt sĩ TP, quận 9) dài 11.980m.

Trong đó đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc khởi công tháng 9-1999, theo kế hoạch thi công năm tháng, nhưng đến cuối tháng 5-2000 mới hoàn thành 2.586m. Riêng đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Thủ Đức công trình mới thi công 1.500/3.790m.

Còn đường bắc XLHN (từ nút giao thông chân cầu Sài Gòn đến ngã ba xa lộ Đại Hàn) dài 10.726m. Trong đó, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc được khởi công tháng 2-2001 đến nay mới thi công được 900/2.585m.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên