![]() |
Phóng viên Tuổi Trẻ làm việc ở công trường lộ thiên trên đỉnh núi Cao Sơn |
Để xin vào làm thợ, cho dù có “quen biết” nhưng tôi vẫn phải trải qua các thủ tục khám sức khỏe, đo huyết áp và được “phiên chế” vào làng mỏ Cao Sơn, Quảng Ninh.
Công việc đơn giản chỉ là sàng tuyển than, nhưng cũng chỉ sau một ngày là tôi đã có thể hiểu thêm ít nhiều về công việc những người đang làm ra “vàng đen” cho đất nước...
“Gươm lạc giữa rừng hoa!”
![]() |
Phóng viên Tuổi Trẻ gánh than - Ảnh: Đ.H.L. |
Công trường Cao Sơn có độ cao 436m so với mực nước biển và là mỏ lộ thiên cao nhất trong tất cả các mỏ than vùng Quảng Ninh.
Tôi là “tân binh” do ban giám đốc công ty gửi nên được ưu tiên phân công vào làm ở khâu đơn giản nhất: sàng tuyển than, khâu này lao động hoàn toàn bằng chân tay, không liên quan đến máy móc thiết bị...
Được đưa xuống công trường khai thác số 4 do anh Nguyễn Thanh Bình làm quản đốc, gần 7g30 tôi tập trung điểm danh. Phân xưởng 4 có hàng trăm công nhân, với nhiệm vụ nhặt nhạnh, tận thu than từ những đống than thải ra sau qui trình sàng tuyển do máy móc thực hiện.
Công việc cụ thể của tôi là gánh than, tách than ra khỏi xít (một loại đá tạp chất lẫn trong than) và sàng than. Trời ạ, đến công trường tôi mới nhận ra tất cả những người trong tổ của mình đều là phụ nữ, chỉ mỗi một mình tôi là “gươm lạc giữa rừng hoa”.
Tôi tìm quản đốc và xin đổi vị trí “chiến đấu”, quản đốc Bình vỗ vai khiêu khích: “Đừng thấy chị em phụ nữ mà coi thường nhé, cứ vào làm đi, nếu không hợp đổi cũng không muộn...”.
Tổ của chúng tôi được giao sàng tuyển loại than cám 3 với định mức trung bình mỗi người phải sàng được 150 kg/ngày. Tôi được “kèm cặp” bởi một nữ công nhân có thâm niên 25 năm trong nghề tên Nguyễn Thị Minh.
Tuy đã 48 tuổi nhưng chị Minh khỏe như cô gái đôi mươi. Để sàng được 150kg than thương phẩm, tôi và chị phải tuyển lựa và sàng từ hơn nửa tấn than thô. Tư thế ngồi sàng than cũng thật oái oăm, tôi và chị Minh mỗi người ngồi một đầu tay nắm chặt sàng trong thế vừa quì vừa ngồi.
Tôi hăng hái cầm sàng và ra sức cật lực để chứng tỏ sức trai trẻ của mình, vậy mà chưa tới 100kg than thô người tôi đã rã rời, toàn thân tê dại, đôi bàn tay bỏng rát và nóng như vừa thọc tay vào lò sưởi.
Ban đầu sợ chị Minh chê cười, tôi cố nở nụ cười, nói một cách vô hồn: “Sao hôm nay trời nóng thế nhỉ?”, mặc cho trời đang vào đông rét mướt. Càng về sau, đuối dần, tay tôi như chỉ để cho có lệ, mặc cho một mình chị Minh vừa lắc sàng vừa cười nắc nẻ như khiêu khích, tôi buông sàng ngồi vật ra đất mà thở dốc.
Thấy mấy cô gái gánh than bước chân cứ thoăn thoắt, nghĩ việc sàng than vượt quá khả năng của mình, tôi xin chị tổ trưởng cho tôi chuyển qua công đoạn gánh than, nhưng cũng chỉ sau chục gánh bước đi của tôi đã “vẽ” hình chữ chi.
Khốn khổ thay, đống than cứ cao dần, đỉnh than mà tôi và mấy chục cô gái phải leo lên cứ như bất tận. Để leo được lên tới đỉnh, tôi phải đi trên một chiếc thang tre... Tiếng còi hụ tan ca cũng là lúc tôi trượt chân ngã vật xuống đất, than văng tung tóe trong tiếng cười vang của những đồng nghiệp nữ. Anh Bình quản đốc bước tới lắc đầu: “Chú em khỏe nhỉ...”.
Ngẫm lại tôi mới thấy nể phục những mẹ, những chị công nhân ở đây. Càng nể phục hơn khi cuối buổi làm việc hôm ấy hầu hết họ không chỉ hoàn thành chỉ tiêu 150kg than, mà còn vượt định mức đến trên 200kg!
![]() |
Công nhân làm việc trong hầm lò |
Tôi lại chạy đi “xin việc” ở mỏ than Mông Dương. đây là mỏ khai thác than sâu nhất Đông Nam Á với độ âm 97,5m dưới lòng đất, được khai thác theo kiểu lò giếng. Đúng 6 giờ sáng, tiếng còi tầm ủ lên một hồi dài báo hiệu ca làm việc mới bắt đầu, tôi lại mau mắn có mặt trước dãy nhà giao ca từ sớm.
Tôi được phát một bộ đồ bảo hộ lao động gồm bộ quần áo bằng vải cứng, mũ, đèn lò và suất ăn giữa ca gồm một chiếc bánh mì, một bịch sữa. Qua phòng giao ca, tôi xếp hàng ngay ngắn cùng tốp công nhân để người phụ trách điểm danh và phân bổ công việc.
Chiếc thang máy loại dùng tời bốn bề được hàn bằng những thanh sắt trông như một cái cũi lớn ầm ì đưa chúng tôi xuống lòng đất. Ánh sáng lịm dần, bóng tối bao trùm tất cả... “Thình!” chiếc thang máy khựng lại, tốp công nhân mở đèn trên mũ.
“Chúng ta đang ở độ sâu 97,5m, độ sâu tuyệt đối có con người làm việc đấy” - anh Sách, trưởng ca, nói với “tân binh” và đưa tay mở “cũi sắt” cùng tôi bước ra ngoài. Đường lò sâu hun hút dưới ánh điện mờ, một cơn gió ùa vào mặt tôi mát lạnh.
Theo phản xạ, tôi hít căng lồng ngực. Một công nhân đang bịt kín khẩu trang nhắc nhở: “Hít vừa vừa thôi, hít cho bụi than vào lắm rồi xin đi viện sớm!”.
Kíp làm việc của chúng tôi hối hả cào than vào máng. Những tiếng thở hổn hển cùng với tiếng cuốc chim bổ vội vã xuống gương than nghe chan chát. Qua ánh đèn lò, tôi thấy những “đồng nghiệp” mới của mình mặt mũi anh nào cũng đen nhẻm, có “tân binh” xuống lò lân la hỏi chuyện nhưng họ cũng chỉ gật đầu chào rồi lại cắm cúi làm tiếp.
“Dân mi-nơ (thợ lò) kiệm lời lắm, không ai nói nhiều như bác cả, dưới này thiếu dưỡng khí, nói càng ít càng tiết kiệm sức” - anh Sách cho hay.
Từ dưới đường lò chính lên các ngách lò chợ độ dốc khá cao, có lúc lên đến 45 độ. Những người thợ lò muốn lên lò chợ, người khỏe thì dùng cuốc chim bổ vào gương than mà lên, người yếu như tôi chỉ có nước bám theo máng than mà... bò lên!
“Này anh kia, không được giẫm chân vào máng than, nguy hiểm lắm...” - có ai đó lớn tiếng nhắc nhở khi tôi giậm cả chân vào máng để tìm chỗ bò lên. Mang danh là công nhân nhưng tôi luôn bị trưởng phòng an toàn lao động “giám sát”: “Mọi việc ở dưới này phải tuân thủ tuyệt đối, không thể tùy tiện làm điều gì, chỉ một chút sơ suất thôi là có thể gây nguy hiểm cho hàng trăm, hàng ngàn người đang làm việc dưới này”.
Anh Sách chỉ lên trần lò đen kịt và hỏi: “Anh có biết phía trên là gì không?”. Tôi nhìn lên và nói: “Than chứ gì?”. Anh Sách lắc đầu: “Trên đó là đáy của con sông Mông Dương đấy!”. Tôi có cảm giác một dòng điện lạnh chạy ngang xương sống khi nghĩ dại nhỡ ai đục thủng cái vòm lò kia, cả dòng sông sẽ đổ ập xuống đây!...
Bóng tối luôn ngự trị khắp nơi cho dù dưới đường lò nơi đâu cũng có hệ thống đèn giăng mắc. Chỉ sau nửa ngày, tôi đã có thể hình dung được công việc dưới cái tầng sâu kỷ lục của Đông Nam Á này.
Cả hệ thống hầm lò Mông Dương như một thành phố thu nhỏ, nơi đây có cả ga xe điện ngầm mà mỗi toa mini chứa được khoảng mười người. Hệ thống đường ray tỏa đi khắp các ngóc ngách, vừa đưa đón công nhân vừa vận chuyển than.
Vách lò được xây bằng bêtông kiên cố. Mỗi năm mỏ Mông Dương lại tiến sâu thêm vào lòng đất hàng cây số, đến nay “thành phố dưới lòng đất” đã dài đến hơn 16km.
Theo thống kê của Công ty than Mông Dương, mỗi ngày sáu lò chợ của công ty sản xuất ra trên 4.000 tấn than nguyên khai. Than Mông Dương cũng được đánh giá là than đẹp nhất Quảng Ninh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận