01/05/2005 10:01 GMT+7

Dưới bia hồi niệm

NGỌC VINH
NGỌC VINH

TTCN - Trên phố Đông Du của Sài Gòn, có một người cứ đến ngày 30-4 lại mang những tấm ảnh về một thời chiến tranh VN mà mình là tác giả ra treo trước vỉa hè. Năm nay cũng thế! Anh treo để chơi, để bán hay để làm gì thì người qua đường không hiểu...

ehhdF1tv.jpgPhóng to

Hoàng Văn Cường bên bia hồi niệm các nhà báo tử nạn

TTCN - Trên phố Đông Du của Sài Gòn, có một người cứ đến ngày 30-4 lại mang những tấm ảnh về một thời chiến tranh VN mà mình là tác giả ra treo trước vỉa hè. Năm nay cũng thế! Anh treo để chơi, để bán hay để làm gì thì người qua đường không hiểu...

Bán ảnh ư, thì có đấy dù Hoàng Văn Cường không nghèo khi sở hữu một kho đồ cổ trị giá vài chục triệu đôla! Sao lại đứng ở vỉa hè đường phố thế kia khi mà một người lẫy lừng như Peter Arnett (giải báo chí Pulitzer về cuộc chiến VN, tác giả kịch bản phim VN - cuộc chiến tranh 10.000 ngày) có gặp được anh ta sẽ tay bắt mặt mừng?

Hay đó chỉ là một kẻ bị quá khứ ám ảnh dù cuộc chiến đã đi qua 30 năm? Ngay cả tôi cũng không hiểu khi chưa biết người đàn ông hiền khô trên 50 tuổi này từng là một nhà báo tiếng tăm của Hãng tin UPI với những tấm ảnh trị giá bạc triệu đôla...

Thư ký thời đại

Nhà báo liệt sĩ

Phóng viên cuối cùng ra đi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi thắng lợi đã gần kề là nhà báo Đức Hoằng. Sau khi Lộc Ninh được giải phóng và trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, phóng viên Đức Hoằng (sinh năm 1942, quê Hà Bắc) được cử làm trưởng phân xã Thông tấn xã Giải Phóng tại Lộc Ninh. Lúc ấy anh rất nổi danh với những bài tường thuật, phóng sự, bình luận.

Ngày 6-8-1974, chính quyền Mỹ - Thiệu công khai phản bội Hiệp định Paris đến đánh bom Lộc Ninh. Nguyễn Đức Hoằng nhường cho điện báo viên xuống hầm trước và một mảnh bom đã găm trúng tim anh. Anh ngã xuống ngay trước cửa hầm trú ẩn trong khi bài viết của anh về tình hình Lộc Ninh còn đang dang dở.

Theo nhà báo Đỗ Phượng, nguyên tổng giám đốc Thông tấn xã VN: tính riêng thông tấn xã VN đã có tới 250 phóng viên hi sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bảy phóng viên ưu tú của thông tấn xã đã ngã xuống tại cửa ngõ tây nam Sài Gòn. Phân xã Rạch Giá và phân xã Long An năm lần bị tiêu diệt hoàn toàn.

Riêng tại phân xã Rạch Giá, 22 phóng viên đã ra đi mãi mãi. Khoảng một chục trường hợp không mất trong chiến tranh nhưng mất vì chiến tranh, đó là những nhà báo bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.

Chắc chắn còn nhiều nhà báo liệt sĩ nữa chưa được xác định danh tính, hi sinh ở đâu, trong hoàn cảnh nào, và vì thế, danh sách các nhà báo - liệt sĩ hiện có là thống kê chưa... đầy đủ.

UYÊN LY

Nghề báo cũng là công việc chép lại những sự kiện ngổn ngang của lịch sử. Và khi được có mặt trong những thời điểm trọng đại, công việc này biến thành niềm tự hào mà có khi cả đời người ta mới gặp được một lần như những gì đã diễn ra trong ngày 30-4-1975.

Trong ngày đó, văn phòng Hãng tin UPI tại Sài Gòn chỉ còn lại hai nhà báo tác nghiệp và một trưởng văn phòng. Từ tinh mơ, Hoàng Văn Cường đã lái xe ra xa lộ Biên Hòa để tìm kiếm sự kiện trước giờ G. Đến ngã ba Vũng Tàu, anh bắt gặp xe tăng giải phóng ầm ầm tiến vào Sài Gòn... Sợ bị bắn lầm, chàng phóng viên ảnh này bỏ xe và ra đứng giữa đường với máy ảnh đầy ngực vẫy tay chặn đoàn xe tăng rồi quá giang trở lại Sài Gòn.

Quân giải phóng ngỡ anh là một phóng viên nước ngoài nên đã cho anh tham gia (một cách bất ngờ) vào lịch sử, và đó là cách đê có mặt tại dinh Độc Lập của phóng viên Hãng UPI duy nhất. Bảo tàng Lịch sử vẫn còn lưu tấm ảnh Hoàng Văn Cường đang bấm máy chân dung Bùi Quang Thận khi người đại đội trưởng xe tăng này vừa cắm cờ xong trên nóc dinh.

Sau khi hoàn thành bộ ảnh cuối cùng của mình về lịch sử cuộc chiến tranh Việt - Mỹ (trong đó có cảnh nội các Dương Văn Minh đang chờ đợi “làm việc” với đại diện quân giải phóng, cảnh các anh bộ đội Bắc Việt ngồi hút thuốc thư giãn giữa phòng khánh tiết, cảnh những tàn quân VNCH cuối cùng giữa dinh Độc Lập, Hoàng Văn Cường phóng vội về văn phòng UPI ở 19 Ngô Đức Kế để tráng ảnh, và trong khi anh chàng trưởng văn phòng UPI ngồi đánh tin gửi qua Hong Kong thì Cường mang những tấm ảnh quí giá của mình hộc tốc chạy bộ ra bưu điện lúc này không còn nhân viên để tự gửi ảnh qua radio photo về Mỹ.

“Tôi phải tranh thủ từng giây để cạnh tranh với các hãng khác, vì chỉ cần tin tức đi trước đồng nghiệp 15 giây thôi, mình sẽ thắng”. Và đó là cách mà UPI đã tung tin đi toàn thế giới về giây phút cuối cùng Sài Gòn sụp đổ. Và trong lúc Cường thực hiện công việc nhà báo của mình một cách ngoạn mục như thế thì thần tượng của anh - đồng nghiệp Peter Arnett lừng danh của Hãng AP - đang có mặt tại Sài Gòn, phải ngồi ở nhà với vợ, dù đó là “người quá giỏi để tôi ngưỡng mộ”.

Con đường báo chí

Hoàng Văn Cường cùng với Nick Út (tác giả tấm ảnh Cô gái napalm đoạt Pulitzer 1972) là hai khuôn mặt nổi trội của làng báo VN được thế giới biết tên. Nếu Nick Út được phóng viên nổi tiếng Henry Huet dìu dắt vào AP để thế chỗ người anh ruột chết trận thì người đỡ đầu, dạy nghề và đưa Cường vào UPI cũng là một phóng viên tiếng tăm không kém: Sawada (giải Pulitzer báo chí 1966).

Mười tuổi đầu, Cường đã chán học, nhảy xe đò rời Huế vào Sài Gòn đi bụi. Tại đây cha anh có một cửa hàng đồ cổ trên đường Nguyễn Đình Chiểu và Sawada là khách hàng ruột của cha anh. Anh được Sawada nhận làm em nuôi, cho tiền đi học tiếng Anh, học cameraman ở Hội Việt - Mỹ và khuyến khích vào con đường phóng viên ảnh chiến trường. Đã sẵn khâm phục hình ảnh bụi bặm của các phóng viên chiến trường đủ quốc tịch với máy ảnh lỉnh kỉnh, mang giày nhà binh hội tụ trên “đại bản doanh” đường Đồng Khởi, Cường đồng ý vào UPI với hợp đồng phóng viên tự do khi mới 18 tuổi.

1LVWWAbU.jpgPhóng to

Hoàng Văn Cường (bìa trái), Nick Út và một nhà báo Mỹ sau 25 năm gặp lại tại Sài Gòn

Theo Hoàng Văn Cường, đạo diễn Mỹ Tim Zinnerman đã lên kế hoạch làm phim Từ địa ngục đến Hollywood nói về nhà báo Nick Út và Kim Phúc - nhân vật trong tấm ảnh Cô gái napalm.
Chiến cuộc đã đưa anh đến nhiều điểm nóng của đất nước như thành cổ Quảng Trị, đồi 719, Khe Sanh, cánh đồng Chum Hạ Lào... Năm 1970, ngày Sawada bỏ mạng tại chiến trường Campuchia, khi các đồng nghiệp UPI gói xác anh gửi về Nhật thì Hoàng Văn Cường đang ở mặt trận Hạ Lào, chỉ còn biết dành cho người thầy những giọt nước mắt (thầy của Nick Út là Huet cũng chết mất xác trên đường bay từ Khe Sanh đến Hạ Lào).

Cường dần dần nổi danh cùng với những tấm ảnh chiến sự VN được đăng trên trang nhất các tờ báo quốc tế. Khi hình ảnh “cán binh Việt cộng” còn là của hiếm đối với các trang báo quốc tế thì Cường móc nối đường dây để mò vào mật khu Hố Bò kiếm ảnh cho UPI. Bức ảnh chấn động dư luận thế giới của Cường chụp cuộc di tản khỏi Nha Trang vào đầu tháng 4-1975, ghi nhận khoảnh khắc một viên chức Mỹ đấm vào mặt một thanh niên VN đang cố bám vào máy bay trực thăng chuẩn bị cất cánh. Theo tiết lộ của anh, bức ảnh này được UPI bán giá một triệu đô la Mỹ và anh được thưởng 10%.

Hồi niệm

BMlLg1U4.jpgPhóng to
Hoàng Văn Cường (thứ 2 bên phải) đang chụp ảnh Bùi Quang Thận trong ngày 30-4-1975.
Năm 1978, UPI đóng cửa văn phòng ở Sài Gòn - VN và muốn bảo lãnh Cường qua Mỹ nhưng anh từ chối vì muốn được sống trên quê hương mình, ngay cả khi thất nghiệp và không còn được làm cái nghề mà mình đam mê. Anh bảo: “Tôi đã chọn một cái nghề điên. Chiến trường bom đạn vô tình, cuộc sống như chỉ mành treo chuông, vậy mà bao nhiêu phóng viên chiến trường cứ nhằm chỗ chết mà lao vào, trong khi sự thật là cái họ đeo đuổi thì không phải lúc nào cũng được ưa chuộng”. Rồi anh kết luận: “Nhưng đó là nghề đẹp nhất mà tôi từng biết!”.

Anh không còn làm báo sau 12 năm cầm máy ảnh nhưng mối quan hệ bạn bè với anh em báo chí thế giới thì anh vẫn còn giữ. Mỗi dịp 30-4, từ khắp thế giới họ hẹn nhau tề tựu về Sài Gòn để ôn lại kỷ niệm làm báo, trong một cuộc chiến lớn nhất của nửa sau thế kỷ 20. Anh nói: “Chiến tranh VN là một lò đào tạo phóng viên, đã cho ra lò một đội quân báo chí hùng mạnh, một thế hệ phóng viên nổi danh được cả thế giới biết tiếng. Nhờ họ, đất nước nhỏ bé này xuất hiện hằng ngày trên những trang tin thế giới”.

Nhiều năm nay, Cường là một địa chỉ du lịch kiểu “nhân chứng sống”. Không chỉ giới báo chí quốc tế mà sinh viên các tàu hòa bình cặp cảng Sài Gòn, du khách nước ngoài hay tìm đến anh hỏi chuyện chiến tranh VN, nhờ anh đi thuyết minh, mua ảnh chiến tranh của anh.

Năm 2004, nhân 55 năm ngày giỗ của phóng viên ảnh chiến trường huyền thoại Robert Capa, một đoàn nhà báo Nhật đến nhờ anh đưa họ về Thái Bình, đến đúng cánh đồng mà Capa đã ngã xuống trong khi tác nghiệp về cuộc chiến tranh chống Pháp của VN để dâng hoa tưởng niệm. 30-4 năm nay, một đoàn nhà báo quốc tế 90 người trong hội của anh lại có mặt tại Sài Gòn, trong đó có những tên tuổi như Peter Arnett, Tim Page, Nick Út... Anh giống như một trạm liên lạc của họ ở VN.

Tối qua, anh đã mời tôi đến gặp một vài nhà báo quốc tế đồng nghiệp cũ. Anh bảo: “Chúng tôi đang ôn lại ai còn ai mất, vì sau cuộc chiến VN họ còn tham gia nhiều cuộc chiến khác trên thế giới”.

Tối ngày 1-5, anh sẽ tổ chức một buổi tiệc VN cho họ tại nhà bố anh - nơi Sawada từng đến mua đồ cổ. Bữa tiệc sẽ bắt đầu sau khi anh đưa họ từ Thủ Đức trở về, tại đó từ năm 1995 anh đã làm một “tấm bia hồi niệm” những nhà báo đã tử nạn trong cuộc chiến tranh VN và Đông Dương.

Tấm bia được một con rùa đúc bằng ximăng mang trên lưng. Một lư nhang, hai máy ảnh cũ và một xâu thẻ bài tượng trưng, trên bia có khoảng chục cái bảng đồng khắc tên hơn 100 nhà báo chết và mất tích vì cuộc chiến VN, trong đó có 80 nhà báo miền Bắc VN, 4 nhà báo miền Nam, 10 nhà báo Mỹ, 7 nhà báo Pháp, 15 nhà báo Campuchia và hơn 30 nhà báo các quốc tịch khác.

Tôi đã mang một chai rượu đến ngồi dưới tấm bia này để cùng anh đốt nhang, rót rượu uống cùng các đồng nghiệp xấu số và cùng hồi niệm về các nhà báo xả thân vì nghề nghiệp của mình.

NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên