02/01/2017 11:00 GMT+7

Dừng vòng quay xe đạp nơi quán bún đậu

T.PHÚC - H.ĐĂNG
T.PHÚC - H.ĐĂNG

Cùng rong ruổi trên những nẻo đường đua trong màu áo tuyển quốc gia, đôi vợ chồng cuarơ Bùi Minh Thụy - Nguyễn Thùy Dung tiếp tục làm “đồng đội” của nhau nơi... góc bếp quán bún đậu mắm tôm tại Vĩnh Long - quê nhà của Minh Thụy.

Chủ quán Thùy Dung luôn đon đả phục vụ thực khách Ảnh: T.P.
Chủ quán Thùy Dung luôn đon đả phục vụ thực khách Ảnh: T.P.

Nhắc đến những đôi uyên ương vàng trong làng thể thao Việt, không thể không nhắc đến đôi VĐV xe đạp Minh Thụy - Thùy Dung, một câu chuyện tình “trai Nam gái Bắc” lãng mạn.

Thuận vợ thuận chồng, “háo hức”... giải nghệ

Năm nay 26 tuổi, cái duyên xe đạp đến với Thùy Dung hơi muộn khi cô đã 14 tuổi. Nhưng sự nghiệp đỉnh cao cùng một cái “duyên” khác thì đến với cô gái sinh trưởng tại Hà Nội rất nhanh sau đó. Chỉ 2 năm sau ngày chập chững bước vào con đường tập luyện đạp xe của một VĐV trẻ, Thùy Dung được gọi lên tuyển quốc gia. Tại đây, cô gặp Minh Thụy - khi đó đã là một cuarơ dày dạn kinh nghiệm. Cả hai sớm bén duyên từ đó.

“Bây giờ nói về thời điểm bắt đầu quen nhau, chúng tôi thực sự cũng chẳng biết nữa” - Thùy Dung cười nói. Bởi lẽ ngay từ lần đầu gặp, cả hai đã cùng có cảm tình về nhau, người mến cái chân chất, hiền lành đặc trưng của chàng trai Nam bộ, kẻ lại yêu vẻ thiếu nữ, duyên dáng nơi cô gái Hà Nội. Và theo chân những vòng quay tuyển xe đạp quốc gia, cùng rong ruổi trên những dặm đường tập luyện, thi đấu, Thụy chăm sóc ân cần cho Dung, còn Dung lại là điểm tựa về tinh thần cho Thụy mỗi khi anh mệt mỏi, thất vọng vì kết quả thi đấu không như ý.

“Đến năm 2012, cả hai chúng tôi cùng có ý định bỏ xe đạp để làm đám cưới. Nhưng sau đó theo người thân, bạn bè khuyên, chúng tôi tạm hoãn đám cưới đến năm 2014 để tiếp tục gắn bó nghiệp đua” - Minh Thụy kể. Lấy nhau rồi, mỗi người vẫn ở một nơi, bởi Thụy thi đấu cho đội ADC - THVL Vĩnh Long quê nhà, trong khi Dung khoác áo đội Cấp thoát nước - môi trường Bình Dương. Đôi vợ chồng trẻ trong năm đầu tiên chỉ được gặp nhau vào các dịp cuối tuần.

“Nhớ nhau quá nên chúng tôi sớm nghĩ đến kế hoạch giải nghệ từng lập ra trước đó. Đến gần cuối năm 2015, sẵn có chuyện không vui khi thi đấu, tôi quyết định giải nghệ luôn để được về nhà chăm sóc cho chồng. Cùng lúc đó, anh Thụy cũng xin nghỉ. Khi đó, bố mẹ chồng khuyên tôi nên ở nhà nghỉ ngơi, có gì bố mẹ lẫn anh Thụy sẽ lo cho. Nhưng tính tôi không chịu được cảm giác ở nhà ngồi không. Vậy là cả hai vợ chồng triển khai công việc buôn bán đã bàn tính trước đó” - Thùy Dung kể.

Khi vợ thành “huấn luyện viên” của chồng

“Ban đầu chúng tôi cũng chưa biết buôn bán gì. Trong hai người, tôi cũng biết nấu ăn chút chút nhưng Dung mới là bếp chính của gia đình, vì vậy việc mở quán ăn do cô ấy quyết định” - anh Thụy kể. Với một cô gái Hà Nội, bún đậu mắm tôm là món ăn quen thuộc từ nhỏ, hiển nhiên Dung cũng chẳng xa lạ gì. Và quán bún đậu mắm tôm “Mẹt” của đôi vợ chồng cựu cuarơ ra đời vào đầu năm 2016.

Vợ chồng Minh Thụy - Thùy Dung trước quán bún đậu mắm tôm của mình Ảnh: T.P.
Vợ chồng Minh Thụy - Thùy Dung trước quán bún đậu mắm tôm của mình Ảnh: T.P.

“Thực sự thì tôi cũng mới học làm món này từ người bác chưa lâu. Nhưng ở Vĩnh Long lúc đó hầu như chưa ai mở quán bún đậu mắm tôm, người dân miền Nam lại khá ưa chuộng món này nên quán mới mở đã bắt đầu đông khách. Hơn nữa, anh Thụy cũng có khá nhiều khách quen nhờ quãng thời gian dài khoác áo đội xe đạp Vĩnh Long. Trung bình quán có khoảng trăm khách, bán cũng được 6 - 7kg thịt mỗi ngày” - Thùy Dung kể.

Tuy theo nghiệp thể thao nhưng Dung vẫn quen thói đảm đang việc nhà của một cô gái miền Bắc truyền thống. Thời còn thi đấu, Dung thường được Thụy chỉ vẽ nhiều kinh nghiệm trên đường đua nhưng khi đã vào bếp, cô vợ trở thành “chỉ huy” tuyệt đối, còn anh chồng vui vẻ sắm vai trò bưng bê, chào mời khách. Không hề đụng đến chiếc xe đạp kể từ ngày giải nghệ, Thùy Dung vẫn giữ được dáng vẻ thon thả của một cô thiếu nữ nhờ chạy việc luôn tay luôn chân cả ngày. Nhưng những lúc Dung bệnh, có việc phải đi, anh Thụy cũng sẵn sàng sắm vai bếp trưởng của quán.

“Trong số các nguyên liệu cho một mẹt bún đậu mắm tôm, chả cốm và mắm tôm là hai món tôi phải đặt mua ở Hà Nội. Tôi hầu như không thay đổi chút gì so với bún đậu truyền thống của người Hà Nội, nhưng cũng biết cách nêm nếm vừa phải để hợp khẩu vị người miền Nam. Bởi lẽ, trong gia đình thì bố tôi là người miền Nam, tôi có bố nuôi cũng là người trong Sài Gòn, từ nhỏ tôi đã biết học cách nấu ăn của người miền Nam. Cũng bởi vậy, bố mẹ tôi lẫn bố mẹ anh Thụy đều rất thương con rể, con dâu” - Thùy Dung kể.

Sau gần một năm quần quật, số vốn 100 triệu đồng mở quán ban đầu của đôi vợ chồng đã được gỡ. Với riêng Thùy Dung, ước mơ của cô VĐV xe đạp từng một thời tung hoành ngang dọc đường Nam nẻo Bắc giờ đây rất nhỏ bé, nhưng cũng thật ấm áp - sớm sinh hạ cho gia đình một em bé kháu khỉnh và quán “Mẹt” có khách đều đặn mỗi ngày. Nhưng Dung cũng nghĩ cho chồng, chàng trai từng giành HCV SEA Games (2009) có lẽ chưa tuyệt hẳn đam mê với xe đạp ở cái tuổi lẽ ra là giai đoạn đỉnh cao phong độ.

“Nếu anh Thụy muốn trở lại với nghiệp thi đấu, tôi sẵn sàng ở nhà sắm vai trò hậu phương, một mình chăm lo quán bún đậu. Từ từ rồi sau này anh ấy phụ tôi trở lại cũng được” - Dung chia sẻ.

“Tiên đồng - ngọc nữ” của xe đạp VN

Thời còn thi đấu, Minh Thụy là một trong những ngôi sao với sức bền tốt và thi đấu mạnh mẽ. Từ sau khi Mai Công Hiếu giã từ sự nghiệp, Minh Thụy đã không có đối thủ ở nội dung đường trường cá nhân tính giờ. Anh từng giành HCV xuất phát đồng hàng tại SEA Games 2009 trên đất Lào, cũng là chiếc HCV cá nhân đầu tiên của xe đạp VN trên đấu trường SEA Games.

Là tay đua rất mạnh nhưng sự nghiệp Minh Thụy lại không ít nốt trầm. Như chuyện anh bị gạch tên khỏi tuyển quốc gia sau vụ lùm xùm tại SEA Games 2011. Nhưng vừa trở lại, Minh Thụy cùng đồng đội Mai Nguyễn Hưng, Trịnh Đức Tâm và Nguyễn Thành Tâm mang về cho VN chiếc HCV đồng đội tính giờ tại SEA Games 2013.

Trong khi đó, cô vợ Thùy Dung được nhớ đến nhiều với chiến tích đoạt áo vàng chung cuộc đầu tiên trong lịch sử xe đạp VN tại Giải chuyên nghiệp Tour of Thailand 2013 thuộc hệ thống 2.2 của Liên đoàn Xe đạp thế giới. Thùy Dung giã từ sự nghiệp vào cuối năm 2015 sau chiến thắng trước tay đua lừng danh Nguyễn Thị Thật để đoạt HCV cá nhân tính giờ quốc gia.

T.PHÚC - H.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Thùy Dung Minh Thùy