Người hùng xấu xí!
Ô hay, đã là người hùng thì phải đẹp chứ sao lại có chuyện xấu xí? Hẳn có người sẽ hỏi thế khi đọc tựa bài này.
![]() |
Suarez dùng tay cản bóng như một thủ môn! |
![]() |
Đồng đội công kênh anh như một người hùng của Uruguay |
Vâng, đó là câu chuyện của tiền đạo Suarez (9-Uruguay) trong trận gặp Ghana ở tứ kết vào rạng sáng 3-7.
Phút 120+1, cú đánh đầu của Adiyiah (18-Ghana) chắc chắn 100% thành bàn khi thủ môn Muslera đã không còn trong khung thành. Ngay lập tức, tiền đạo Suarez đã vươn người sang phải, dùng hai tay đỡ bóng để ngăn cản bàn thắng - một bàn thắng đồng nghĩa với việc Uruguay lên đường về nước. Trọng tài rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của Suarez và một quả phạt đền cho Ghana.
Tiền đạo Gyan (9-Ghana) đã không thành công khi sút bóng bật xà ngang, mở ra cơ hội sống sót cho Uruguay. Và tại chấm phạt 11m, Uruguay đã thắng Ghana trong cuộc thi sút luân lưu khi họ chỉ đá hỏng một quả, còn Ghana thì hai lần bị thủ môn Muslera chặn được.
Kết thúc trận đấu này, đông đảo người hâm mộ bóng đá trên hành tinh này đã cãi nhau tóe lửa xung quanh hành động của Suarez. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ cũng không có gì phức tạp lắm để phân tích tình huống này.
Trước hết, trong mắt người Uruguay, Suarez là người hùng. Bởi nếu anh không dùng tay ngăn chặn bàn thắng của Adiyiah thì Uruguay đã phải lên đường về nước, bởi đó là những giây cuối của hiệp phụ thứ hai trong một trận đấu bất phân thắng bại sau hai hiệp chính (hòa 1-1). Đôi bàn tay của Suarez rạng sáng 3-7 đích thực là “đôi tay của Chúa” đối với người Uruguay.
![]() |
Chỉ tội người Ghana chìm trong nỗi đau đớn tột độ - Ảnh: AFP |
Ngay sau tình huống ấy, một bình luận viên của truyền hình đã reo vui cho rằng hành động của Suarez là dũng cảm. Điều đó đúng khi anh ấy là người Uruguay! Còn với chúng ta, những người thưởng ngoạn bóng đá, thì hành động của Suarez là phi thể thao, đi ngược lại với tiêu chí của thể thao là đề cao tinh thần thượng võ.
Vì vậy, Suarez đúng là người hùng xấu xí!
Có vẻ Suarez cũng hiểu điều đó, nên ngay sau trận đấu đã phát biểu với tờ Marca (Tây Ban Nha) rằng: “Tôi đã cứu giấc mơ vô địch của Uruguay. Đó cũng là mục đích cao nhất của tôi và đồng đội khi đến Nam Phi. Tôi hạnh phúc khi Uruguay đã chuyển bại thành thắng”.
Còn FIFA chưa có quyết định chính thức về hành động của Suarez, nhưng người phát ngôn Pekka Odriozola nói với báo chí: “Thông thường cầu thủ sẽ bị cấm một trận khi nhận thẻ đỏ. Nhưng ủy ban kỷ luật đang xem xét trường hợp của Suarez và có thể gia tăng hình phạt bởi anh ta đã có một hành động phi thể thao. Chiến thắng sẽ chẳng có giá trị nếu không trung thực hoặc không công bằng. Gian lận thì rất dễ nhưng chẳng thể nào có được niềm vui”.
___________________
Báo chí thế giới đã mở nhiều diễn đàn xung quanh câu chuyện tiền đạo Luis Suarez dùng tay cản phá bàn thắng mười mươi của Ghana. Hãng tin BBC Sport mở chuyên đề: “Suarez: người hùng hay kẻ gian lận?”. Tờ Goal.com cũng thành lập diễn đàn: “Luis Suarez đã đúng hay sai khi dùng tay cản phá bóng, giúp Uruguay giành vé vào bán kết?”. Tờ USA Today với chuyên mục: “Suarez: người hùng hay kẻ đáng khinh?”. Tờ The Times đặt câu hỏi: “Ca ngợi hay khinh bỉ hành động của Suarez?”...
Có hai luồng dư luận khen chê khác nhau về câu chuyện trên. Tất nhiên những người yêu mến bóng đá đẹp và các cầu thủ Ghana là lên tiếng chỉ trích. Hậu vệ tuyển Ghana John Pantsil nói với BBC: “Trọng tài nên thưởng cho chúng tôi một bàn thắng trong tình huống trên. Đó là hành động đáng hổ thẹn. Nếu là các cầu thủ Ghana, tôi dám khẳng định rằng không ai dùng tay để cản phá bóng trong tình huống này”.
Tạp chí Weekend Argus (Nam Phi) đã có bài viết mang tựa đề: “Sự đau đớn của châu Phi” với lời chỉ trích nặng nề hành động của Suarez là “gian lận và đã cướp mất của châu Phi một cơ hội làm nên lịch sử”. Tờ Daily Graphic viết: “Bàn tay độc ác của Suarez đã kết thúc giấc mơ của những ngôi sao đen (biệt danh của Ghana)”.
Nhưng đối với người Uruguay thì Suarez chính là người hùng. Tiền đạo tuyển Uruguay Forlan nói: “Tôi hoàn toàn tuyệt vọng vì tin rằng chúng tôi sẽ phải về nhà. Nhưng khi tôi thấy quả bóng không nằm trong lưới, đó là một điều kỳ diệu. Suarez đã cứu chúng tôi, anh ta thật sự là một người hùng”.
HLV Tabarez cũng hết lời bênh vực cậu học trò khi nói với AFP như sau: “Tôi nghĩ đó chỉ là hành động mang tính bản năng. Suarez đã bị trừng phạt với chiếc thẻ đỏ của trọng tài và đó là điều hoàn toàn bình thường trong bóng đá. Tôi không đồng ý với những lời cáo buộc cho rằng Suarez đã gian lận để giúp chúng tôi chiến thắng. Bởi khi đó anh ấy chẳng thể biết rằng Gyan sẽ đá hỏng quả phạt đền cho Ghana”.
________________
Đó là câu nói bất hủ của Napoléon Bonaparte. Và ta chỉ hiểu được nó đầy đủ từ... bóng đá! Quả thật, cặp phạm trù cao thượng - lố bịch thì ai cũng biết nhưng để cái “lý” điên khùng ấy, cái “lẽ” không tưởng ấy và cả cái định mệnh nghiệt ngã ấy diễn ra trước sự chứng kiến của hàng trăm triệu con người (xem trực tiếp trên sân hoặc qua màn hình), thì chỉ có môn thể thao vua là bóng đá mới làm được - cụ thể qua trận tứ kết giữa Uruguay - Ghana, Hà Lan - Brazil.
Nước mắt của Gyan - người sút hỏng quả phạt đền phút 120+1, nụ cười của kẻ “tội đồ” Suarez nói lên cái gì? Nó nói lên rằng dường như trong cuộc đời, cái ác, cái sai, cái cơ hội vẫn cứ là kẻ chiến thắng sau cùng; còn sự “hồn nhiên” của sự mù lòa, chậm hiểu vẫn mãi là bạn đồng hành của thua thiệt mà thôi. Loạt đá luân lưu sau đó chỉ khẳng định lại cho rõ những định từ với rất nhiều nỗi đau, nuối tiếc: định mệnh, đắng cay, đau đớn, không ngờ... Tại sao Thượng đế lại tàn nhẫn như thế với lục địa đen?
Bóng đá là thế. Ta cứ cắt nghĩa, lý giải cả hàng triệu lần vẫn không tài nào hiểu nổi tại sao người Brazil đùa giỡn với trái bóng như không hề coi màu vàng cam là cái màu của tai họa lớn nhất (cấp báo động cao nhất trong quy định của người Mỹ) mà lại chỉ coi nó như sự lệch lạc về màu sắc của hoa tulip? Họ phải trả giá. Ghana đã chơi bóng bằng tất cả sức lực và tài năng vẫn phải lui bước trước sự thăng hoa của số phận. Những “nấc thang” ngập tràn niềm vui và nỗi đau ấy chính là cái bí ẩn diệu kỳ của bóng đá. Con người luôn mê say những điều bí ẩn, nhất là có những bí ẩn mà suốt đời ta tìm mãi nhưng chẳng hiện hữu bao giờ...
_______________
* Tiền đạo Việt Thắng: Là cầu thủ chuyên nghiệp, có lẽ không ai muốn mình bị bêu xấu trước công luận và dư luận vì những hành vi phi thể thao. Nhưng biết làm sao được khi tình huống Suarez dùng tay chơi bóng lại diễn ra ở những giây cuối cùng của hai hiệp phụ. Nếu là tôi, có lẽ tôi cũng dùng tay chơi bóng để cứu cho đội nhà bàn thua.
* Tiền đạo Quang Hải: Rõ ràng đó là hành động phi thể thao mà không ông thầy nào khuyến khích học trò làm như vậy. Theo góc nhìn của mình, tôi cho rằng đó là sự phản xạ có điều kiện ở thế tuyệt vọng của Suarez, sau khi đã dùng chân cứu được bàn thua vào giây trước đó.
Trong mắt người hâm mộ thế giới thì Suarez đáng bị chê trách. Với người Uruguay thì đó là hình ảnh của một người hùng. Có lẽ tôi đành phải chọn cách làm của Suarez mà thôi.
* Tiền vệ Công Minh: Ở góc nhìn của mình, tôi cho rằng đó là nỗ lực đáng khen của Suarez. Bằng chứng là anh ấy đã dùng chân phá được một bàn thua rồi mới tới việc chơi bóng bằng tay. Với tôi ư? Có lẽ tôi sẽ cậy nhờ đến “bàn tay của Chúa” để bảo vệ đội nhà mà thôi, ai trách thì đành phải chịu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận