22/02/2009 23:03 GMT+7

Dung Quất: Những giọt dầu đầu tiên đã chảy

Đ.NAM - M.THU
Đ.NAM - M.THU

TTO - Đúng 21 giờ đêm nay 22-2, dòng dầu thương mại đầu tiên tại nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức xuất ra thị trường qua cảng xuất xe bồn của nhà máy lọc đầu Dung Quất. Đây chính là mốc đánh dấu sự hiện diện chính thức của một nhà máy lọc dầu hiện đại đầu tiên do chính VN tự bỏ vốn đầu tư.

Quảng Ngãi: công bố quy hoạch đô thị mới Vạn Tường và đặt tên đường Võ Văn KiệtTruyền hình trực tiếp lễ đón sản phẩm xăng dầu “made in VN”Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Bơm 9.000 tấn diesel và dầu hỏa vào bể chứa sản phẩmNhà máy lọc dầu Dung Quất: khởi động phân xưởng xử lý dầu hỏa và xăng máy bayDung Quất: Đếm ngược “giờ G”Kỳ 1: Nỗ lực đánh thức “công chúa”Kỳ 2: Những năm “tắc nghẽn” Kỳ 3:Sóng gió trên nghị trường Kỳ 4Tái khởi động Kỳ 5Món nợ ân tình với đời dânKỳ 6 “Công trường hạnh phúc”

Qp7y8uhP.jpgPhóng to
Các kỹ sư, công nhân trẻ hân hoan trước sự kiện mừng đón dòng sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu “Made in Viet Nam” ra lò tại nhà máy lọc dầu Dung Quất vào đêm 22-2 - Ảnh: Minh Thu
CB9Tcmq0.jpgPhóng to
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng thưởng cho các nhà thầu trong nước và nước ngoài đã hoàn thành xuất sắc trong suốt 44 tháng thi công nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Minh Thu
pmCqAABu.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Lãnh đạo các Bộ, ngành TW cắt băng mừng đón dòng sản phẩm đầu tiên của nhà máy lọc dầu Dung Quất- Ảnh: Minh Thu
vw4igeS4.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khu bể chứa sản phẩm, nhà máy lọc dầu Dung Quất chứng kiến dòng sản phẩm dầu đầu tiên được bơm qua xe bồn đưa đi tiêu thụ - Ảnh: Minh Thu
QtKJcwfs.jpgPhóng to
Dòng dầu đầu tiên chính thức xuất vào xe bồn của ngành dầu khí Việt Nam - Ảnh: Đ. Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: "Đây là dòng dầu đầu tiên được sản xuất, chế biến từ nguồn dầu thô của VN và cũng là dòng sản phẩm xăng dầu đầu tiên do chính VN sản xuất, đây cũng là nhà máy lọc dầu dầu tiên do VN tự bỏ vốn đầu tư, điều đó cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của ngành dầu khí VN.

Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ đảm bảo cung ứng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Để làm được điều đó, thay mặt Đảng, Chính phủ tôi hoan nghênh các Bộ, ngành, Petrol VN đã nổ lực không ngừng trong suốt hơn 2000 ngày qua.

4Z7XyQwl.jpgPhóng to
Đội xe của ngành dầu khí trong tư thế sẵn sàng xuất phát để nhận dầu thương mại - Ảnh: Đ.Nam

Nhân đây tôi cùng yêu cầu Petrol VN cần nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để sắp tới đất nước chúng ta sẽ bắt tay vào xây dựng thêm hai nhà máy lọc dầu tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu), đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia".

Lễ đón nhận dòng dầu đầu tiên đã diễn ra trong không khí hết sức hồi hộp, long trọng và náo nức. Hàng vạn người dân Quảng Ngãi đã đổ về cảng xuất dầu thuộc cảng Dung Quất để chứng kiến thời khắc “vàng” của ngành lọc hóa dầu VN. Dưới đây là chùm ảnh của PV TTO gửi về từ hiện trường .

Video clip
tyjDlUi5.jpgPhóng to
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Dung Quất về đêm

Không phải sáng hôm nay 22-2, mà từ nhiều ngày trước , người dân Quảng Ngãi đang sống trong một không khí rạo rực đến khó tả. Từ thành phố đến nông thôn, đâu đâu cũng rợp một sắc màu cờ hoa, băng rôn và khẩu hiệu. Theo ban tổ chức lễ đón nhận dòng dầu đầu tiên từ nhà máy lọc dầu Dung Quất: đã có hơn 2100 phướn, băng rôn cùng hàng vạn lá cờ được treo khắp các tuyến đường từ TP Quảng Ngãi đến nhà máy lọc dầu Dung Quất.

xG2jlgQN.jpgPhóng to
Nhà máy lọc dầu Dung Quất về đêm

Tại TP.Vạn Tường, trong tương lai sẽ được quy hoạch thành một thành phố sầm uất bậc nhất của Quảng Ngãi, đang chìm ngập trong cờ và hoa. Hàng vạn người dân các xã trong vùng Bình Trị, Bình Thanh, Bình Hải (huyện Bình Sơn) nơi đặt nhà máy lọc hóa dầu, “trái tim” của khu kinh tế Dung Quất cũng rộn ràng không kém.

Dù phải đến 15 giờ chiều nay (22-2), lễ công bố quy hoạch TP Vạn Tường và lễ đặt tên đường Võ Văn Kiệt mới chính thức diễn ra. Thế nhưng từ sáng sớm người dân khắp nơi đã nô nức kéo nhau đến khu vực sẽ diễn ra lễ hội với một mong ước “được chứng kiến thời khắc đầy ấn tượng của quê nhà”.

Con đường nối từ ngã ba Bình Long (quốc lộ 1 A) đến cảng Dung Quất dài 23,6 km sẽ chính thức mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có công rất lớn trong việc hình thành nên khu kinh tế Dung Quất, rợp cờ hoa.

41ZUTfl2.jpgPhóng to

Các chuyên gia, kỹ sư của nhà máy lọc dầu Dung Quất đang sẵn sàng cho giờ “G”

Đứng từ đỉnh đồi Cây Sấu, nhìn xuống toàn cảnh khu nhà máy lọc dầu Dung Quất, mới thấy hết được cái địa thế vô cùng đắc địa của một vùng đất đầy tiềm năng mà trong này mai thôi, nơi đây sẽ là điểm cung ứng hơn 33% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

IOiV0Qnw.jpgPhóng to
Một góc của nhà máy Lọc dầu nhìn từ đồi Cây Sấu

Những ánh mắt hân hoan, những nụ cười rạng rỡ đang hiện rõ dần lên trên từng khuôn mặt của mỗi cán bộ lẫn nhân dân Quảng Ngãi. Tất cả đang trông chờ giờ “G” điểm. Và đúng 20 giờ tối nay (22-2), nhân dân cả nước sẽ tận mắt chứng kiến giọt dầu đầu tiên do Việt Nam sản xuất, đánh dấu chính thức đưa VN vào bản đồ các nước có ngành công nghiệp lọc hóa dầu.

* Sáng nay 22-2, Tổng Công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) đã chính thức khai trương trụ sở của PVFC tại TP Quảng Ngãi. Đây chính là đầu mối huy động và thu xếp vốn cũng như triển khai các dịch vụ tài chính giữa PVFC với các đơn vị trong ngành dầu khí cũng như với các nhà đầu tư và các địa phương lân cận. Tại lễ khai trương trụ sở PVFC và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư , cung cấp các dịch vụ tài chính – tiền tệ - tín dụng và thu xếp vốn.

Nhận dịp này phu nhân của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, giáo sư Phan Lương Cầm đã tặng lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếc mũ công trường mà năm 1994 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đội khi bấm nút khởi công nhà máy lọc dầu Dung Quất.

OlSPkzDH.jpgPhóng to

Con đường nối từ ngã ba Bình Long về cảng Dung Quất dài 23,6km từ hôm nay, 22-2-2009, sẽ mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt -Ảnh: M.Thu

Những thùng dầu và số phận một miền đất

Làm việc với phó tổng giám đốc kiêm trưởng ban chạy thử nhà máy lọc dầu Nguyễn Hoài Giang hôm 14-2, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi với kỹ sư Giang là sau khi đưa vào hoạt động Dung Quất sẽ có lãi như thế nào. Dĩ nhiên là để có lãi, một thùng dầu còn phụ thuộc nhiều yếu tố, từ giá dầu thô, vận chuyển, công nghệ chế biến, hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác...

Nhưng cứ như ông Giang nói, mỗi thùng dầu sẽ tùy vào những yếu tố đó mà sau khi “lọc, hóa” sẽ có lãi 1-3 USD. Công suất của Dung Quất hiện nay là 6,5 triệu tấn/năm, như vậy bình quân mỗi ngày sản xuất 148.000 thùng dầu thô, cho ra chừng 130.000 thùng chính phẩm, cứ vậy mà nhân lên. Rồi những sản phẩm sau lọc hóa dầu được dùng làm nguyên liệu chế tạo nên các sản phẩm khác.

Chủ tịch HĐQT Petro VN Đinh La Thăng:

Cần nhìn tổng thể khi đánh giá hiệu quả Dung Quất

Để đánh giá hiệu quả Dung Quất cần nhìn tổng thể, vì đây là hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội và đặc biệt là an ninh năng lượng. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nước ta chịu ảnh hưởng nhiều mặt, việc chúng ta tự sản xuất được xăng dầu nguyên liệu trong nước có vai trò hết sức quan trọng.

Thứ nhất là chủ động được nguồn năng lượng cho sản xuất, thứ hai là không mất một khoản ngoại tệ lớn để nhập khẩu xăng dầu và thứ ba là phát huy được nội lực trong nước để thúc đẩy kinh tế phát triển. Khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động sẽ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng quốc tế và hạch toán theo cơ chế thị trường, tức là chi phí đầu vào cũng như sản phẩm bán ra theo giá thị trường.

Dĩ nhiên xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý giá nên giá xăng dầu Dung Quất cũng theo sự chỉ đạo, điều tiết (qua thuế) chung. Lúc này nếu chúng ta xây dựng thêm một nhà máy như Dung Quất sẽ phải đầu tư khoảng 4 tỉ USD, trong khi như chúng ta biết Dung Quất được xây dựng với chưa đến 3 tỉ USD.

Như vậy, cùng với những giải pháp thực hành tiết kiệm khác, Dung Quất chắc chắn sẽ bảo đảm hiệu quả kinh tế.

Nhưng nhớ lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi Total rút mới thấy dòng dầu ở Dung Quất không chỉ ở những đồng tiền lãi, nó nằm ở số phận hàng vạn người dân nơi đây, số phận của một dải đất miền Trung bao nhiêu năm khó nghèo, khao khát ngày ngẩng mặt với hai đầu đất nước.

Phó tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang cho biết với công suất 6,5 triệu tấn/năm thì nhà máy chỉ ở tầm cỡ trung bình khá của thế giới, nhưng công nghệ của nhà máy lại vào hàng hiện đại nhất hiện nay nhờ xây dựng sau. (Ông Trần Lê Trung, nguyên trưởng ban quản lý khu kinh tế Dung Quất, nói rằng Dung Quất nhờ... chậm mà may, nếu cứ như hồi liên doanh với Nga thì sản phẩm chỉ dừng ở xăng A83, không thể có xăng A90-92-95 như bây giờ, mà sản xuất xăng A83 trong thời buổi ưu tiên về môi trường thế này rất khó bán được, nên thành ra chậm mà may là vì vậy!).

Theo kỹ sư Giang, một nhà máy được đánh giá mức độ hiện đại dựa trên số lượng điểm điều khiển. Hệ thống điều khiển của Nhà máy lọc dầu Dung Quất là 30.000 điểm (trong khi một nhà máy hiện đại hiện nay ở VN cỡ như khí điện đạm Phú Mỹ chỉ có... 1.500 điểm điều khiển). Công nghệ này còn quyết định số lượng nhân lực vận hành nhà máy.

Ông Giang cho biết tuy hiện nay nhà máy có đến 1.300 kỹ sư, chuyên gia, công nhân kỹ thuật nhưng tương lai sẽ được tổ chức hợp lý ở mức 500 người, đó cũng là số nhân lực của một nhà máy cỡ như Dung Quất ở các nước có kỹ nghệ lọc hóa dầu hiện đại. Và với số vốn đầu tư hàng tỉ USD như Nhà máy Dung Quất, bộ máy vận hành phải tối ưu. Hiểu như vậy để biết chặng đường tương lai vẫn còn nhiều khó khăn đang đợi.

“Vạn sự khởi đầu nan”

Theo tính toán của ông Đinh Văn Ngọc - phó tổng giám đốc phụ trách công ty, khi nhà máy đã vận hành 100% công suất (dự kiến tháng 8-2009) sẽ cung cấp, đáp ứng đủ cho khoảng 33% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu của đất nước: “Đây là con số cực kỳ có ý nghĩa trong việc bình ổn thị trường xăng dầu, không bị phụ thuộc nhiều vào lượng xăng dầu nhập khẩu. Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Thế nhưng theo ông Ngọc, để thực hiện được điều đó vẫn còn hàng loạt thách thức mà đội ngũ cán bộ, kỹ sư của nhà máy lọc dầu phải tính toán, cân nhắc, trong đó có bài toán nguồn nhân lực cho vận hành nhà máy. Đến thời điểm này đã có trên 400 cán bộ kỹ sư được đưa đi đào tạo tại nhiều quốc gia chuẩn bị cho việc tiếp nhận vận hành, thế nhưng hơn một nửa trong số đó hiện không phải là người địa phương. Trong nay mai nếu vì một lý do nào đó lực lượng này rời nhà máy, thì nguy cơ thiếu người giỏi để dẫn dắt “đứa con” đầu tiên của ngành công nghiệp hóa dầu vượt qua đoạn đường gian khó là điều không thể lường trước được. Và với số vốn đầu tư nhà máy, chỉ ngưng hoạt động vài ngày là thiệt hại hàng triệu đôla có thể thấy rõ!

Ngay cả việc tính toán phương án thay đổi công nghệ, thiết kế làm thế nào để nhà máy này “ăn” được cả dầu ngọt lẫn dầu chua (nhiều lưu huỳnh gấp hàng chục lần dầu ngọt) cũng là một bài toán đang được các chuyên gia, kỹ sư VN tính toán. “Hiện nhà máy chỉ có thể chế biến được dầu ngọt lấy từ mỏ Bạch Hổ. Nhưng trong một vài năm tới, khi nguồn dầu ngọt này cạn kiệt thì việc nhập khẩu dầu chua từ Trung Đông là điều đã và đang tính toán càng sớm càng tốt”, kỹ sư Giang cho biết. Hiện kế hoạch mở rộng, nâng công suất nhà máy lên 140% (khoảng 9 triệu tấn/năm) đã được Petro VN, ban giám đốc điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất đặt ra.

WXLJz60k.jpgPhóng to

Các phân xưởng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành thử nghiệm chuẩn bị cho ra mẻ dầu đầu tiên vào ngày 22-2 -Ảnh: ĐĂNG NAM

Chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn trên hành trình phía trước, nhưng khó khăn lớn nhất đã qua đi khi nhà máy giờ đây đã nên hình hài. Từ những bài học kinh nghiệm ở Dung Quất, mai rồi những nhà máy lọc hóa dầu khác được mọc lên trên đất nước này chắc chắn sẽ thuận lợi hơn, như cha ông đúc kết: “Vạn sự khởi đầu nan”.

Đ.NAM - M.THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên