Vẫn triển khai cấp CMND mới có tên cha mẹ
Bộ trưởng Vũ Đức Đam thì khẳng định việc cấp chứng minh nhân dân theo mẫu mới vẫn đang làm thí điểm, sau đó Chính phủ mới tổng kết và quyết định có thực hiện chính thức hay không. Như vậy, rất có thể tới đây Chính phủ sẽ quyết định cấp mẫu chứng minh nhân dân không ghi tên cha mẹ, sau khi đã thí điểm với hàng triệu công dân bởi dự án tốn tiền tỉ.
Trên đây chỉ là một ví dụ về quy định ban hành ra nhưng không nhận được sự đồng tình của dư luận được chỉ ra tại phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật. Điều dễ nhận thấy nhất ở những văn bản pháp quy bị nhân dân phản ứng là tính xa rời thực tế, thậm chí có quy định không những chưa bám sát thực tế mà còn bị hiểu sai và thực hiện sai như quy định về xe chính chủ.
Sở dĩ có tình trạng này, theo như ông Đam thừa nhận là có tình trạng bộ, ngành khi xây dựng văn bản pháp quy chỉ theo hướng có lợi cho công tác quản lý của mình, nên thay vì hướng dẫn chi tiết thực hiện các luật, pháp lệnh thì có những thông tư đã “cài” cả bộ máy và biện pháp thực hiện vào đó.
Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận rằng “các bộ, ngành chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền”, trong đó có “một số bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật”, trong khi đây lại là “chức năng cơ bản của cơ quan quản lý nhà nước”.
Hệ quả trước hết của các văn bản pháp quy ban hành vội vàng, khi chưa đủ độ chín và bị thực hiện sai, là làm suy giảm lòng tin của người dân vào tính anh minh của luật pháp và bộ máy thực thi pháp luật. Như cách nói của ông Đam thì quy định về xe chính chủ là đúng và cần thiết, bởi mọi người đăng ký sở hữu phương tiện sẽ vừa giúp Nhà nước dễ quản lý vừa giúp tài sản của chính mình được bảo hộ tốt hơn.
Nhưng cơ quan công quyền đã hiểu sai và diễn đạt sai khi trao cho lực lượng cảnh sát giao thông quyền truy xét người đi đường và buộc họ phải chứng minh “xe chính chủ”. Đây có thể coi là ví dụ về cách hiểu và áp dụng pháp luật bất cập nhất trong thời gian qua. Quy định mới đưa ra thi hành, Chính phủ phải lập tức ra lệnh “tạm dừng” để “nghiên cứu tiếp”.
Tất nhiên sai thì phải sửa. Nhưng có những cái sai có thể để lại những di chứng xấu không dễ khắc phục. Khi quy định về chứng minh nhân dân có tên cha mẹ được thí điểm tại Hà Nội, nó đã bị phản ứng khá quyết liệt từ phía dư luận, thậm chí có chuyên gia của Bộ Tư pháp đã dẫn chứng cả Công ước về quyền trẻ em và Bộ luật dân sự ra để chứng minh quy định đó là không hợp lý.
Thử hỏi, một chính sách được đem ra để thí điểm trên quyền của người dân thì có nên chăng? Nếu quyền và lợi ích trong số hàng triệu người dân thí điểm bị xâm hại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Đó là chưa kể sự lãng phí tiền của để xây dựng các dự án, tổ chức bộ máy để thực thi một quy định, đôi khi lên đến hàng ngàn tỉ đồng, từ tiền thuế của dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận