07/11/2015 13:49 GMT+7

​Đúng giờ lại bị xem là… chuyện lạ

LÊ MY ghi
LÊ MY ghi

TTO - "Có lẽ ở Việt Nam lâu nay, chuẩn mực trong giờ giấc ít được mọi người tôn trọng. Dần dần, những người tuân thủ theo chuẩn mực đó lại bị xem là… chuyện lạ".

Thầy Nguyễn Văn Hà - Ảnh: Lê My

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH Koa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói như trên, khi đề cập chuyện sinh viên một trường cao đẳng ở TP.HCM bị "nhốt".

Sinh viên báo chí kể thầy Hà là người luôn luôn đến sớm hơn giờ giảng 15 phút, điều đó ban đầu khiến sinh viên ngạc nhiên, sau đó, họ cũng không dám đi trễ nữa.

Thầy Hà giải thích: “Tôi đến lớp sớm hơn 15 phút, giản dị chỉ vì muốn chuẩn bị phương tiện giảng dạy thật chu đáo, tinh thần sẵn sàng. 28 năm đi dạy, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc này”.

Nếu lớp học buổi sáng bắt đầu lúc 7 giờ, thầy đã phải thức dậy lúc 5 giờ và khởi hành từ 6 giờ, đã tính trừ hao thời gian cho kẹt xe, trục trặc trên đường. “Thật ra tôi thường đến trường trước 30 phút, đợi mở cửa lớp nên 15 phút sau mới lên giảng đường được”, thầy vui vẻ nói.

Rồi thầy nói: "Nhận nhiệm vụ dạy học mà giảng viên chỉ cần trễ 5 đến 10 phút thì những sinh viên chăm chỉ sẽ phải chờ đợi, có thể sẽ thất vọng. 5 hay 10 phút đó nhân với nhiều người thì số thời gian bị lãng phí sẽ rất nhiều. Khi đó người đứng lớp là người có lỗi".

Còn một nguyên nhân nữa mà theo thầy Hà là đặc thù của nghề báo. "Để làm báo, sinh viên phải trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng và đức tính. Có lẽ một đức tính tiên quyết nhất để trở thành nhà báo chuyên nghiệp chính là tôn trọng giờ giấc, luôn luôn đúng hẹn với tất cả mọi người và trong mọi trường hợp”, thầy chia sẻ.

Thầy Hà cũng nhấn mạnh: “Đã là một lớp học quy củ thì tôn trọng giờ giấc chính là tôn trọng tập thể, đồng thời là sự tự tôn của bản thân. Người có tài giỏi mấy mà luôn luôn đi trễ thì trong mắt người khác cũng ít được tin cậy. Những ai làm việc đúng giờ sẽ được cấp trên tin cậy, vì thế mà cơ hội thăng tiến mở ra. Khi không tuân thủ giờ giấc thì câu chuyện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập vẫn còn rất xa vời, viển vông".

Thế hệ sau đi học trễ hơn?

Không nên có một cái nhìn quá máy móc về hiện tượng sinh viên đi trễ. Nhà trường nên hiểu thấu, tiên liệu được nguyên nhân trễ học của sinh viên và có giải pháp xử lý linh hoạt. Hơn hết, hãy gieo vào sinh viên ý niệm đúng giờ vì điều đó thể hiện sự trưởng thành, trình độ văn minh của con người trong xã hội

Ở Việt Nam có hàng trăm hàng ngàn lý do để đi trễ, nhiều khi muốn đúng giờ cũng không được. Vì thế, tôi khuyến khích sinh viên làm việc đúng giờ, nhưng thông cảm cho họ đến trễ 15 phút. Sinh viên cứ tự nhiên vào lớp, giữ yên lặng, không ảnh hưởng người khác. Ai đến trễ hơn 15 phút thì vui lòng ở ngoài, đến giờ nghỉ giải lao thì vào.

Giảng dạy lâu năm, theo quan sát của tôi, nếu so các thế hệ sinh viên, thì thế hệ sau này có vẻ càng ngày càng đi học trễ hơn! Sinh viên năm nhất thường chăm đến lớp hơn năm 2; năm 2 thì hơn năm 3... Có vẻ sinh viên càng lên lớp cao hơn thì sự chăm chỉ và ý thức đúng giờ càng giảm đi.

NGUYỄN VĂN HÀ

LÊ MY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên