31/05/2012 03:03 GMT+7

Đừng để vỡ giấc mơ hồ điệp

Nhà thơ ĐOÀN VỊ THƯỢNG
Nhà thơ ĐOÀN VỊ THƯỢNG

AT - Cuộc thi thơ Bút Mới lần 9 trên Áo Trắng với chủ đề “Trái đất xanh” đã “tìm” ra được những “công dân” “bảo vệ môi trường, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, để trái đất của chúng ta mãi xanh màu xanh lá cây - màu của sự sống” (nội dung cuộc thi) qua những bài thơ hay, đầy tâm tình da diết nhất của mình.

BmAogmOF.jpgPhóng to

Những bài thơ ấy, trước hết là một thứ tiếng nói có trách nhiệm của người sáng tác đối với môi trường sống xung quanh mình đã và đang có nguy cơ bị ô nhiễm, cao hơn nữa, đó là những rung cảm yêu thương (và đầy lo lắng) được bộc bạch về thiên nhiên, môi trường xanh - nơi mỗi con người được ủ ấp, hít thở suốt đời mình trên trái đất.

Chung niềm hoài cảm

Ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn nạn toàn cầu. Khắc nghiệt thay, lý do cũng chỉ vì chính những nhu cầu sống của con người, nói chung. Việt Nam hiện nay không đứng ngoài vấn nạn đó, thậm chí, do nôn nóng bắt kịp nhịp sống công nghiệp toàn cầu, chúng ta dễ có nguy cơ trả giá đắt hơn nhiều cho sự “bắt thiên nhiên phục vụ con người”.

Ở độ tuổi 17-25, những tác giả tham gia cuộc thi thơ “Trái đất xanh” chỉ mới là học sinh, sinh viên hoặc vừa có việc làm, chưa và không thể là những nhà quản lý - tức là người có trách nhiệm về vấn nạn ô nhiễm (nếu có). Nhưng từ góc nhìn hiểu biết, đầy thao thức của lứa tuổi thanh niên pha lẫn sự mẫn nhạy, dễ tổn thương của tâm hồn áo trắng, các cây bút đã mau mắn ủng hộ chủ đề của cuộc thi và “thi nhau” bày tỏ tâm tình mình.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Việt Nam là xứ sở thiên về nông nghiệp xưa nay nên hình ảnh cánh đồng, con sông, cá tôm, hoa trái... luôn có vẻ thân thuộc với mọi người. Ðiều dễ thấy nhất trong các tác phẩm là sự hoài niệm, hoài cảm về cảnh sắc thiên nhiên ban sơ cùng những sinh hoạt mang tính nông thôn dân dã đang dần phôi phai, chìm khuất trong cuộc sống hối hả nhịp công nghiệp hiện đại. “Sông kia quạnh quẽ bến bờ/ Gió về thổi lạnh hững hờ mắt trông/ Bao giờ sông lại là sông/ Một dòng nước chảy xanh trong thuở nào?” (Sông và nguồn - Lê Hứa Huyền Trân). Như thế cho thấy, sự “biến mất” của những con sông, cánh đồng... không chỉ là một sự thay đổi thuần về mặt môi trường, kèm theo đó còn là sự vắng bóng những điệu hò, những đêm trăng, những hẹn hò trai gái... thơ mộng, tình tứ làm nên tâm hồn của bao lớp người bình dị xưa nay. Không có sự thay đổi môi trường nào không mang theo hệ quả làm thay đổi cả lòng người, tình tự con người?

Cả những kẻ không sinh ra ở thôn làng mà ở phố xá, cũng mang niềm hoài cảm da diết: “Những con phố đua nhau chạy dọc tuổi thơ tôi/ Những con phố thân thương của thủa nào hồn nhiên cắn cây kem làm đôi với bạn trai nghịch ngợm/ Những con phố có bóng mẹ hanh hao với gánh quà buổi sáng...”, bây giờ là: “Những con phố hôm nay tòa cao ốc chọc trời/ Những bảng hiệu logo, những công trình dang dở/ Những khóc những cười vồn vã như hơi thở/ Phố chẳng có lấy phút giây để có thể lặng thầm/ Phố chẳng có lấy phút giây để có thể trầm ngâm...” (Nhớ phố - Khánh Dư). Cũng là phố, nhưng “phố cổ” dù sao cũng thân thiện với môi trường thiên nhiên hơn là phố hiện đại? Bài thơ đã có một “góp ý” cho những nhà quy hoạch xây dựng: Từ làng lên phố có thể là tất yếu nhưng hãy để phố là sự nối dài của làng, phố không phá vỡ cảnh quan, không gian chung, “phố xanh”...

Chọn phía màu xanh

Bạn Trần Ngọc Mai viết Nhớ Châu Giang (tên con sông ở Hà Nam) với hình ảnh ngày xưa thật thơ mộng: “Nhớ Châu Giang thuở trước/ Xanh mái tóc Hà Nam/ Hoa lục bình tím ngát/ Mắt tôi trao mắt nàng...”. Nhịp thơ 5 chữ êm đềm chưa! Còn hình ảnh ngày nay thì “tái tê”: “Ðâu Châu Giang thuở trước/ Lạ đôi chân bước về/ Hoa lục bình thôi nở/ Gió quất lòng tái tê”. Nhịp thơ nhồi xóc. Nỗi niềm trái ngược nhau đau đớn giữa hai thời điểm cũng là “cách” báo động về sự thay đổi không tốt của môi trường. Nhưng nhiều bạn thơ không dừng lại ở thái độ đó.

Khi đã nhìn nhận ra “Tôi đứng tôi đi/ Vẫn nghe thủy triều lớn ròng trong huyết quản/Xương thịt ngấm mùi bùn, máu vẫn mặn phù sa” (Ðêm ngồi với sông), tác giả Nguyễn Bàng ý thức rằng số phận con người mình gắn bó làm một với môi trường sống, vì vậy nếu môi trường có thay đổi theo hướng xấu đi thì con người cũng khó thoát khỏi cảnh chung phận. Thế nên, thay vì chỉ ngồi oán than, con người có thể làm một việc giống như người cha này trong thơ: “Ba trồng cái cây qua những nơi mình đặt chân/ Ðiều nho nhỏ - ngày xưa nội ba thường dạy/ Mấy khi ta đến nơi đâu được hai lần/ Một chút màu xanh gửi vào cây ở lại” và một chút triết lý của ông: “Và làm sao ta đến cuộc đời này hai lần/ Một chút màu xanh để ngày sau hoa trái”(Trò chuyện với mầm cây) thật đáng chia sẻ.

Khi người cha trồng cây, ông có triết lý riêng của mình. (Giọng thơ của tác giả diễn tả cũng chậm rãi, khắc khoải. Tài thế!). Thế một người bạn trẻ trồng cây thì có suy nghĩ gì? Anh ta nghĩ giản đơn hơn nhưng cũng mơ mộng hơn nhiều: “Cứ năm mét lại có một cây/ Anh ước gì mọi con đường đều thế/ Ta dắt tay nhau đi đầu non cuối bể/ Chẳng phiền lòng nắng quái với mưa dông” (Cứ năm mét lại có một cây - Văn Thành Lê). (Giọng thơ phơi phới, nghênh ngang. Cũng tài!).

Kẻ già trồng cây vì nghĩ điều ơn đức. Người trẻ trồng cây vì lo chuyện tình yêu. Cũng có người chọn việc trồng cây như là nghề là nghiệp. Vì lẽ, đã nhìn ra: “Nếu thiếu rừng, phố sẽ cằn khô/ Dẫu cả đời không một lần hội ngộ” (Anh đi về phía rừng xanh - Nguyễn Thị Kim Nhung). Luôn có một sự tương quan, tương tác giữa môi trường và con người, giữa rừng và phố. Phát triển đô thị là quy luật khó tránh khỏi, nhưng không đồng nghĩa với việc quên bẵng đi màu xanh vĩnh cửu của cuộc sống. Trái đất nhìn chung phải là màu xanh.

Những bậc hiền triết, đạo học thường nói, đại ý con người chỉ là con sâu cái kiến giữa thiên nhiên vô tận. Nhưng họ cũng khuyến cáo có sự liên hệ giữa “con sâu” và “cánh rừng”. Một con sâu có khi làm đau cả một cánh rừng, và ngược lại. Vậy thì, để phát triển cuộc sống mình, con người cũng phải biết “phát triển” môi trường xanh quanh mình. Nếu không, “Cây chết rét/ Chiếc lá lìa cành/ Con sâu xanh không còn nơi nương náu/ Rơi tự do/ Vỡ tan tành/ Giấc mơ/ Hồ điệp” (Mùa vỡ - Ngọc Diễm).

Có ai không muốn làm bướm sáng bay lượn giữa trời xanh mà chỉ muốn làm loài sâu tối chui rúc dưới đất đen? Thì nghĩ đi!

Nhà thơ ĐOÀN VỊ THƯỢNG

r1JtqtRn.jpgPhóng toÁo Trắngsố 9 ra ngày 15/05/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Nhà thơ ĐOÀN VỊ THƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Thơ Trái đất xanh