13/02/2011 09:12 GMT+7

Đừng để "tháng ăn chơi" mất vui

BS TRẦN HOÀI NHÂN
BS TRẦN HOÀI NHÂN

TTCT - Bây giờ tháng giêng không còn là “tháng ăn chơi”, nhưng dù sao không khí tết nhất vẫn còn đây đó đến hết tháng giêng này. Vui quá. Ăn nhiều quá. Uống nhiều chất kích thích quá. Thức khuya quá. Những cái “quá” này sẽ làm cơ thể không được khỏe, khiến bạn mất vui.

yb03BwkR.jpgPhóng to
Những thức uống có chất cồn như bia, rượu sẽ làm dạ dày tăng tiết dịch vị để tiêu hóa thức ăn, vô tình làm “tiêu” luôn bao tử của ta - Ảnh: google.com

Người bệnh tim đừng quá vui

Tháng giêng vẫn hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” làm nặng thêm các bệnh tim mạch sẵn có.

Thứ nhất, vui quá, vui như tết. Vui vẻ lạc quan giúp người ta thêm năng lượng để sống, nhưng vui quá thì epphê ngược, nhất là những bệnh nhân bị suy tim, khi vui quá tim đập nhanh làm tình trạng suy tim càng nặng thêm. Nhịp tim nhanh dẫn tới tăng thêm huyết áp ở những bệnh nhân huyết áp cao. Đối với những người bị thiếu máu cơ tim thì tăng nhịp tim có thể làm nặng thêm tình trạng thiếu máu và dẫn đến cơn đau tim.

Thứ hai, dịp tết thường các thức uống kích thích từ nhẹ như trà, cà phê đến nặng như bia, rượu có mặt khắp nơi, nhà nào cũng có nên khó thoát tình trạng phải uống những chất này. Các chất kích thích rất có hại cho những người mắc các bệnh tim mạch.

Thứ ba, dịp tết rất khó tuân thủ triệt để chế độ ăn kiêng. Không kiêng được mỡ thì chưa gây hậu quả ngay, nhưng nếu ăn nhiều muối thì hậu quả nhãn tiền là tăng huyết áp ngay trước mắt. Những người đang mang bệnh tim mạch trong những ngày... còn xuân này nên uống thuốc đúng giờ và đầy đủ, chừng mực trong ăn uống, vui chơi, không nên để cảm xúc quá mức.

Tránh nổi mề đay, ngứa trong người

Mùa xuân là mùa của trăm hoa đua nở, có rất nhiều hạt phấn hoa bay trong không khí, là tác nhân gây ra dị ứng cho những người có cơ địa dị ứng. Có người cứ vào dịp tết là bị nổi mề đay, ngứa cả người, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, khò khè và khó thở... Bản thân sự thay đổi thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa dịp tết cũng hay làm khởi phát những cơn suyễn. Những yếu tố này chưa thể kiểm soát được, những ai có cơ địa dị ứng nên chuẩn bị sẵn thuốc chống dị ứng và thuốc cắt cơn suyễn. Khi đi chơi xa nên mang theo đủ đồ ấm.

Coi chừng... ”tiêu” bao tử

Có ba yếu tố có thể dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Thứ nhất, rất khó tuân thủ giờ giấc của những bữa ăn như thường ngày trong dịp tết, thường thì ăn quá trễ. Ăn quá no lại thêm thức ăn chứa nhiều dầu mỡ như bánh chưng, bánh tét... sẽ là gánh nặng cho dạ dày ruột.

Thứ hai, những thức uống có chất cồn như bia, rượu và những thức uống như trà, cà phê sẽ làm dạ dày tăng tiết dịch vị để tiêu hóa thức ăn, vô tình làm “tiêu” luôn bao tử của ta.

Thứ ba, tết là dịp để các quý ông tôn thờ “làn khói trắng” thả ga đắm mình trong khói thuốc lá. Nicotin có trong khói thuốc lá làm dạ dày tiết ra acid rất dữ dội, nhiều hơn cả bia rượu. Đối với những người đang bị viêm loét dạ dày tá tràng, nếu không khéo léo trong việc ăn uống và hút thuốc lá thì bệnh có thể nặng thêm.

Ngộ độc thực phẩm

Trong những dịp ăn chơi dài ngày thế này rất dễ xảy ra tiêu chảy do ăn phải thức ăn bị ôi thiu. Thường thì những trường hợp ngộ độc kiểu này chỉ gây tiêu chảy nhẹ, không gây ra mất nước đến nỗi phải nhập viện. Khi bị tiêu chảy nên lập tức loại bỏ những thức ăn nghi ngờ ôi thiu khỏi thực đơn, uống nhiều nước, có thể sử dụng các kháng sinh như Bactrim, Norflocxacine... để chống nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc thực phẩm là bảo quản thực phẩm cẩn thận. Những thực phẩm tươi sống nên bảo quản trong tủ lạnh ở những ngăn phù hợp, không nên trữ thực phẩm quá lâu. Không nên hâm đi hâm lại nhiều lần, trường hợp không chắc về chất lượng của thức ăn hâm lại nên mạnh dạn đổ bỏ.

BS TRẦN HOÀI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên