Điều dưỡng là những lao động nước ngoài được săn đón ở Đức. Ảnh: dpa.com
Chính phủ Đức đang xem xét những điều chỉnh trong hệ thống nhập cư, nhằm đưa quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các lao động tay nghề cao, qua đó lấp đầy hàng trăm nghìn vị trí tuyển dụng.
Các chính sách cải cách đang được cân nhắc bao gồm 'thẻ cơ hội', cho phép mọi người tìm kiếm việc làm tại Đức dựa trên một hệ thống điểm, trong đó tập hợp các tiêu chí như kỹ năng ngôn ngữ, kinh nghiệm chuyên môn và sự kết nối với nước Đức...
Các bộ trưởng nội vụ và lao động của Đức tỏ rõ ý định muốn biến nền kinh tế lớn nhất châu Âu trở thành một điểm đến của người nhập cư. Nhu cầu lao động tay nghề cao của Đức đã tăng lên đáng kể, trong bối cảnh dân số già hóa đang như "một quả bom hẹn giờ nhân khẩu học" đối với hệ thống lương hưu công cộng của Đức, đồng thời mang lại nhiều rủi ro cho tăng trưởng kinh tế.
Trong một phát biểu ngày 21/10, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil khẳng định: 'Đức cần các chuyên gia có trình độ, nhằm duy trì sự thành công về mặt kinh tế'. Một nghiên cứu của Bộ Lao động đã ước tính Đức sẽ cần 240.000 lao động lành nghề để có thể đáp ứng nhu cầu về vị trí việc làm vào năm 2026.
Trước tình hình đó, Nội các Đức dự kiến sẽ đưa ra các đề xuất cải cách vào giữa tháng 11 tới và một dự thảo luật sẽ được công bố vào quý đầu tiên của năm 2023.
Trong số những chính sách cải cách dự kiến được đưa ra có việc tạo thuận lợi cho quá trình công nhận người nước ngoài có trình độ chuyên môn, giúp họ có được thời gian cư trú dài hạn hơn khi có việc làm và loại bỏ các rào cản đối với việc tuyển dụng dài hạn đối với những người trí thức.
Ví dụ, những người đã đến Đức để học một khóa học ngôn ngữ có thể làm việc bán thời gian lên đến 20 giờ/tuần và yêu cầu về mức lương tối thiểu để có được thẻ Xanh trên toàn Liên minh châu Âu (EU) sẽ được giảm bớt đối với các sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc những người có trình độ chuyên môn.
Việc kiểm tra đầu vào đối với người nước ngoài nhập cảnh Đức để học nghề sẽ được bãi bỏ. Công dân không thuộc EU vẫn có thể tới Đức làm việc ngay cả khi không được chính thức công nhận trình độ chuyên môn.
Theo nguồn tin trên, Chính phủ Đức thậm chí đang xem xét nới lỏng hơn nữa các quy định về yêu cầu trình độ chuyên môn 'trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng người lao động ở một số ngành nghề nhất định'.
Ở nước ngoài, Đức sẽ mở rộng việc tổ chức các khóa học ngôn ngữ, đồng thời xem xét mức phí phải chăng hơn cho những khóa học này. Nước này cũng có kế hoạch mở rộng cung cấp các chương trình đào tạo nghề kết hợp giảng dạy ngôn ngữ, đặc biệt là trong lĩnh vực điều dưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận